Kho tàng tục ngữ, ca dao có một vai trò quan trọng trong cuộc sống đã đem đến những bài học ý nghĩa. Một trong số đó là câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
Từ hai hình ảnh tương phản nhau “mực” và “đèn” thể hiện hai hàm ý đối ngược nhau nhằm nhắc nhở chúng ta về cái xấu, cái xấu. Ông cha ta muốn khuyên nhủ thế hệ sau phải biết học hỏi những điều tốt đẹp, đúng đắn và tránh xa những cái xấu xa, không lành mạnh.
Có thể thấy rằng môi trường có vai trò với việc hình thành nhân cách của con người. Từ xưa đến nay, ông cha ta đã ý thức được điều đó. Nếu như trong một gia đình, cha mẹ chính là tấm gương để con cái nói theo. Thì ở trường học, thầy cô lại chính là người có ảnh hưởng đến học sinh. Đặc biệt nhất là bạn bè:
“Thói thường gần mực thì đen
Anh em bạn hữu phải nên chọn người”
Chắc hẳn không ai là không biết đến câu chuyện tình bạn cảm động của Lưu Bình và Dương Lễ. Lưu Bình và Dương Lễ là hai người bạn tâm giao từ thuở nhỏ. Nhà Dương Lễ nghèo khó, còn Lưu Bình lại giàu có nên thường đưa bạn về nhà ăn cùng mâm, học cùng đèn, tình bạn hữu rất gắn bó. Lưu Bình cậy gia đình giàu có nên ham chơi, còn Dương Lễ lại chăm chỉ đèn sách. Dương Lễ thi đỗ được bổ nhiệm làm quan. Còn Lưu Bình thì thi trượt nên ngày càng chán nản. Chính vì vậy, Dương Lễ đã ngầm giúp đỡ bạn mình. Sau này, đến khi Lưu Bình tu chí học hành và đỗ đạt, mới nhận ra mình có được ngày hôm nay là nhờ có được sự giúp đỡ của người bạn năm xưa. Ngược lại, nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao - vốn là một người nông dân hiền lành. Nhưng do chịu hoàn cảnh của xã hội mà đại diện là bá Kiến - kẻ đã tiếp tay cho nhà tù thực dân đẩy Chí vào con đường lưu manh, tha hóa - để rồi hắn dần trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.
Tuy nhiên, không phải ai cũng chịu ảnh hưởng của môi trường. Có những người vẫn giữ gìn được nhân cách tốt đẹp, giống như đóa hoa sen vậy:
“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”
Bác Hồ chính là một dẫn chứng điển hình. Dù sống trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nhưng người vẫn giữ được tinh thần yêu nước, ý thức cách mạng và nhân cách cao đẹp. Hoặc chúng ta có thể kể đến cái tên Nguyễn Văn Trỗi - người thợ điện ở thành phố Sài Gòn hoa lệ, vẫn không chút mảy may xao động bởi cuộc sống hào nhoáng, những thủ đoạn lọc lừa xảo trá. Anh chọn cho mình con đường Cách mạng, chấp nhận chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng mà mình theo đuổi… Tấm gương của anh và biết bao gương sáng khác đã trở thành bài học cho bao thế hệ cháu con học tập.
Trong xã hội hiện đại, nhiều giá trị nhân văn tốt đẹp đã bị thay đổi. Chính nhờ có câu tục ngữ trên là một lời khuyên bảo sâu sắc, giúp cho con người có bài học bổ ích. Đồng thời có một cách nhìn đúng đắn về mối quan hệ giữa môi trường xã hội với việc hình thành nhân cách của bản thân. Còn đối với một học sinh như tôi, câu tục ngữ đã giúp em ý thức cần phải lựa chọn những người bạn đúng đắn để chơi. Đồng thời xác định cho mình một thế đứng vững vàng trước những tác động tiêu cực của môi trường xung quanh để luôn luôn “gần mực” mà vẫn không “ đen” và “ gần đèn” để luôn tỏa sáng.
Qua chứng minh trên, câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là một lời khuyên vô cùng đúng đắn. Con người hãy ghi nhớ để học tập, rèn luyện bản thân để ngày một tốt hơn.