Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã gây ra cho đế quốc Mỹ một đòn "choáng váng đột ngột", làm đảo lộn thế bố trí, phá vỡ kế hoạch tác chiến dự định của chúng; làm rung chuyển không những toàn bộ chiến trường miền Nam Việt Nam mà còn làm rung chuyển cả Lầu Năm Góc cũng như toàn nước Mỹ. Với ý nghĩa to lớn đó, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là một sự kiện lịch sử quan trọng và để lại dấu ấn sâu đậm trong tiến trình lịch sử Việt Nam hiện đại.
Kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2-9-1945) cho đến trước sự kiện Tết Mậu Thân 1968, nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược với tinh thần anh dũng, kiên cường, lập nhiều chiến công xuất sắc, từng bước đánh bại mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù. Đặc biệt, trong 10 năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1964), bằng đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, nhân dân Việt Nam từng bước đẩy đế quốc Mỹ vào thế bị động, không còn giữ được ưu thế trên chiến trường miền Nam.
Máy bay vận tải C.119 của Mỹ ở Sân bay Tân Sơn Nhất bị quân Giải phóng phá hủy (tháng 2-1968). Ảnh: Tư liệu TTXVN.Đầu năm 1965, chiến lược "chiến tranh đặc biệt" bị phá sản, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược "chiến tranh cục bộ", ồ ạt đưa quân Mỹ vào tham chiến ở quy mô lớn ở miền Nam, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc. Tham vọng của đế quốc Mỹ trong chiến lược "chiến tranh cục bộ" là đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng từ 25 đến 30 tháng, với kế hoạch ba giai đoạn, hai cuộc phản công chiến lược, mà giai đoạn ba dự tính là hoàn thành việc tiêu diệt khối chủ lực của ta, tiếp tục bình định miền Nam, rút quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ về nước vào cuối năm 1967. Đứng trước tình thế đó, Đảng ta khẳng định: "Với việc thay đổi chiến lược chiến tranh như trên của đế quốc Mỹ, cách mạng và cuộc kháng chiến của nhân dân ta đứng trước một tình thế hiểm nghèo. Đảng ta, nhân dân ta sẽ đối phó với thách thức ấy như thế nào? Trên chiến trường, cách đánh với quân Mỹ sẽ ra sao? Có tiếp tục đấu tranh chính trị được nữa hay không? Vận mệnh của dân tộc, chiều hướng phát triển của sự nghiệp cách mạng nước ta và trên một mức độ nào đó của cả phong trào cách mạng thế giới, phụ thuộc vào câu trả lời về cách thức chúng ta xử trí tình huống chiến lược hệ trọng này"(1) .
Trước sự thay đổi nhanh chóng của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược, Đảng Lao động Việt Nam đã đánh giá tình hình chiến lược mới một cách bình tĩnh và sáng suốt, tạo nên sự nhất trí cao trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, cả nước một lòng thực hiện Lời kêu gọi vang dậy núi sông của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn"(2). Theo đó, với khí thế quyết chiến, quyết thắng, quân dân ta đã đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 của địch ở miền Nam, đánh bại một bước chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, tạo đà cho cách mạng Việt Nam tiến lên.
Tháng 4-1967, đồng chí Nguyễn Chí Thanh ra miền Bắc báo cáo về tình hình miền Nam và đề xuất phải tổ chức những cuộc tiến công đánh thẳng vào hang ổ của địch trong các thành phố, thị xã để tạo chuyển biến lớn. Đồng chí Lê Duẩn tán thành ý kiến của đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Đây cũng là vấn đề mà đồng chí Lê Duẩn đang trăn trở, ý đồ chiến lược theo đó ngày càng sáng tỏ thêm.
Xuất phát từ những suy nghĩ trên, khi trao đổi với đồng chí Văn Tiến Dũng về kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu, đồng chí Lê Duẩn nảy ra ý định phải có cách đánh mới, phải khởi nghĩa và tiến công địch ở đô thị, nhất là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng. Tuy nhiên, cách đánh mới như thế nào thì chưa hình dung được cụ thể. Song theo các đồng chí thì phải khởi nghĩa và đánh vào đầu não địch ở các trung tâm thành phố - nơi địch cho là an toàn và ổn định nhất. Có làm được như vậy mới đánh bại địch về chiến lược. Vì đánh được vào các thành phố, nhất là Sài Gòn, mới làm "thôi động" hậu phương địch, làm rung động nước Mỹ, tạo nên làn sóng đấu tranh chính trị của nhân dân các đô thị miền Nam, nhân dân Mỹ, đồng thời cũng để tỏ rõ thế và lực của ta mạnh chứ không tàn lụi như đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn tuyên truyền.
Tháng 5-1967, ngay sau khi cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của quân Mỹ kết thúc, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá tình hình, xem xét dự thảo Kế hoạch chiến lược Đông - Xuân 1967 - 1968. Tiếp đó, tháng 6-1967, Hội nghị Bộ Chính trị được triệu tập và bàn bạc rất kỹ dự thảo kế hoạch chiến lược này. Hội nghị nhận định, thắng lợi của quân và dân ta giành được trên cả hai miền Nam, Bắc là to lớn, toàn diện. Thắng lợi đó đã làm thất bại một bước rất cơ bản chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, đẩy chúng vào thế lúng túng, bị động về chiến lược.