Cận thị là một loại tật khúc xạ phổ biến hay gặp nhất ở lứa tuổi học sinh. Các em học sinh khi bị cận thị học đường thường gặp trở ngại trong việc nhìn xa, ảnh hưởng đến khả năng học tập, vui chơi và sinh hoạt hàng ngày của các em, mắt thường phải cố gắng điều tiết để thấy rõ các chi tiết như chữ, bảng viết,… Lý do chính xuất phát từ sự phát triển của đời sống công nghệ, thói quen sinh hoạt sai cách, môi trường sống và sức ép học tập ngày càng tăng cao. Theo quan sát tại một số trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, có lớp học số học sinh đeo kính cận chiếm gần 50% trên tổng số học sinh của lớp. Điều này gây nên tình trạng báo động, làm thế nào để giảm tỉ lệ học sinh bị cận thị nói riêng và các bệnh khác liên quan về mắt ở lứa tuổi học sinh nói chung.
Cận thị không có những dấu hiệu rõ rệt nên rất khó phát hiện. Trẻ em thường không thể hiểu rõ được tật cận thị là gì nên không nói rõ với người lớn, đến khi cha mẹ phát hiện thì trẻ đã bị cận nặng. Vì thế các bậc cha mẹ phải thường xuyên chú ý đến biểu hiện của con cái giúp phát hiện kịp thời tật cận thị. Nếu con bạn có những biểu hiện sau hãy đưa trẻ đến các bệnh viện mắt gần nhất để khám và chẩn đoán điều trị:
- Đọc sách ở khoảng cách gần.
- Nheo mắt khi nhìn vật ở xa.
- Thường xuyên nhức đầu khi đọc sách hay học tập trong khoảng thời gian dài.
- Ngồi gần tivi hoặc bảng.
- Chớp mắt hoặc dụi mắt liên tục, nghiêng đầu để dùng một mắt nhiều hơn mắt kia,…
Để phòng tránh tật cận thị học đường các bậc cha mẹ hãy cân chỉnh tư thế ngồi học đúng cho trẻ, thay đổi thoái quen sinh hoạt, hạn chế dùng các thiết bị công nghệ và chăm sóc cho mắt.