Vào những năm cuối thế kỷ 19 hoặc đầu thế kỷ 20, cụ Hoàng Văn Thành (sinh năm 1848 quê Thanh Hà, Hải Dương) từng làm phu khuân vác ở cảng Hải Phòng. Thấy mấy ông lái buôn người Trung Quốc quê ở Thiều Châu ăn quả vải rồi vứt hạt đi, cụ Thành đã nhặt được 6 hạt, đem về quê ương giống và mọc được 3 cây. Khi dọn cỏ, cụ bà sơ ý làm chết mất 2 cây rưỡi. Đó chính là cây vải thiều đầu tiên ở nước ta. Rồi từ đó, chiết cành ra để trồng thêm, số cây vải và số vườn vải càng ngày càng tăng thêm. Con cháu và họ hàng nhớ ơn cụ Thành nên đã xây dựng miếu thờ cụ bên cạnh cây vải tổ. Vì có nguồn gốc như thế nên nó có tên là vải thiều, nhưng chưa hẳn là nòi vải ở Thiều Châu.
Cây vải tổ này hiện nay vẫn còn và đang thuộc quyền sở hữu của cụ Hoàng Văn Thu, (cháu nội cụ Thành), sinh năm Canh ngọ,1930 ở thôn Thuý Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Trên tấm bia bằng bê tông trước cây vải tổ, ghi tên cụ là Hoàng Văn Cơm. Cụ Thu giải thích rằng, vì cụ Thành đem được giống vải thiều về trồng ở quê nhà, cũng là đem cơm gạo về cho dân làng nên mọi người gọi cụ là cụ Cơm.[1]
Giống vải được ưa chuộng nhất ở Việt Nam là vải thiều chính gốc trồng tại khu vực huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Quả thu hoạch từ các cây vải trồng trong khu vực này thông thường có hương vị thơm và ngọt hơn vải được trồng ở các khu vực khác (mặc dù cũng lấy giống từ đây).[2] Ngày nay, vải thiều được nhân giống sang một số nơi khác trên cả nước như Lục Ngạn Bắc Giang, Chí Linh Hải Dương và nhiều địa phương khác