" Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi di tới của văn học" Bnagwf trải nghiệm văn học hãy lm sáng tỏ ý kiến trên
CHỨNG MINH chứ không phải BÌNH LUẬN đâu ạ
E đang cần gấp ạ !
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Tôi đã từng nghe ai đó nói rằng: “Hương nhụy trong mát và ngọt lành của cuộc sống chính là văn học”. Từ bao đời nay, văn học và cuộc sống luôn có một mối quan hệ hữu cơ gắn kết khó có thể tách rời. Ví như con ong cần mẫn tìm mật ngọt cho đời, văn học – bằng chức năng và tác dụng diệu kì của mình, đã tiếp xúc, thu nhặt những chất liệu từ cuộc sống để khám phá, tái hiện và nâng cuộc sống lên một tầm cao mới, để tìm đến những giá trị chân – thiện – mĩ của cuộc đời. Bởi “cuộc đời chính là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học (Tố Hữu)”.
Nói đến nghệ thuật nói chung hay nói đến văn học nói riêng là nói đến muôn vàn khái niệm mà chưa bất kì ai có thể định nghĩa trọn vẹn và hoàn chỉnh. Có những cảm xúc mông lung, mơ hồ và cũng có những quan điểm gần gũi, dễ hiểu. Có những quan điểm tương đồng với nhau đồng thời cũng có những quan điểm trái ngược nhau, nhưng tất thảy đều bổ sung và hoàn thiện cho nhau. Nếu như với thi hào Charles Dubos thì “văn học, đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng” thì với nhà văn Thạch Lam, văn học là “một thứ vũ khí thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn”. Văn học nói một cách đơn giản là một hình thái xã hội, một loại hình nghệ thuật dùng ngôn từ để thể hiện với chức năng phản ánh và tái tạo cuộc sống trên quan điểm thẩm mĩ qua lăng kính mang tính chủ quan của tác giả. “Người nghệ sĩ theo nhà văn Nguyễn Minh Châu – phải nhìn cuộc đời bằng đôi mắt toàn diện, phải thấy được những phức tạp của cuộc sống chứ không thể nhìn cuộc sống một cách dễ dãi, xuôi chiều”. Chính vì lẽ đó mà văn học phát sinh và phát triển trên nền tảng cuộc sống xã hội. Và cũng vì thế mà “cuộc đời chính là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học.”
Văn học bắt nguồn từ cuộc sống thông qua những từ ngữ, hình ảnh, những bút pháp nghệ thuật mà tác giả đã tài tình vận dụng để phản ánh. Chính cuộc sống bao la, diệu kì với bao trăn trở, suy tư này lại mang tới chất liệu vô giá, phong phú và trở thành “nơi xuất phát” cho văn học. Bởi “văn học là con đẻ của đời sống (Chế Lan Viên)”, hay “văn học không phải chỉ là chuyện văn chương mà thực chất là chuyện đời (Tố Hữu)”. Văn học là nguồn sống, là linh hồn, là hơi thở của cuộc đời này.
“Nghệ thuật là sự mô phỏng của tự nhiên (Puskin)”. Tuy vậy, nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng không phải là sự sao chép hoàn toàn tất cả những gì thuộc về đời sống. Văn học nghệ thuật là sự sáng tạo – sáng tạo trên những chất liệu vốn có góp nhặt được từ cuộc sống. Hình ảnh Chí Phèo – con quỷ dữ làng Vũ Đại với dáng vẻ say khướt, tay cầm chai rượu ngất ngưởng cất vang tiếng chửi đã trở thành một hình tượng độc đáo trong văn học Việt Nam. “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời… Rồi hắn chửi đời… Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại… Rồi hắn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đã đẻ ra cái thân hắn, đẻ ra cái thân thằng Chí Phèo…” (trích Chí Phèo – Nam Cao). Chí Phèo là hiện thân của hình tượng người nông dân nghèo khổ bị bần cùng hóa, lưu manh hóa, để rồi bị tha hóa cả về hình dạng lẫn nhân cách và trở thành nỗi ám ảnh của xã hội đương thời. “Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất câng câng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần áo nái đen với áo Tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chuỳ, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!” (trích Chí Phèo – Nam Cao). Bi kịch của Chí là nỗi đau của rất nhiều người dân lao động nghèo thời bấy giờ. “Tao muốn làm người lương thiện. Nhưng ai cho tao lương thiện? Làm thế nào để mất đi được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa? Biết không?…” (TríchChí Phèo – Nam Cao). Ước mơ muốn được trở lại thành người lương thiện, khát khao có được một mái ấm gia đình tuy giản đơn nhưng đã trở thành một điều xa xỉ khó có thể vươn tới đối với họ trước những rào cản xã hội thời bấy giờ. Từ một hình tượng người nông dân quen thuộc trong xã hội cũ, nhà văn Nam Cao đã rất tài tình và tinh tế trong việc sáng tạo nên số phận vô cùng bi đát của nhân vật Chí Phèo để qua đó bày tỏ sự phẫn nộ, bất bình đối với xã hội cùng với sự đồng cảm, thương xót đối với những con người bất hạnh, khổ đau. Đó cũng chính là quan niệm sáng tác của ông: “Sống đã rồi hãy viết, hãy hòa mình vào cuộc sống vĩ đại của nhân dân”.
Con người là nhân tố quan trọng của cuộc sống. Đối tượng chính của văn học là con người – con người trong học tập, trong lao động, chiến đấu, con người trong tình yêu và trong những mối quan hệ xã hội khác, con người trong không gian, thời gian với thiên nhiên, vũ trụ bao la, rộng lớn… Văn học gắn bó mật thiết với hành trình của đời người và đến với cuộc sống con người bằng sự đồng điệu của tâm hồn. Từ bé thơ, văn học đã đi sâu vào tâm hồn của ta bằng những câu ca dạt dào bao triết lí tình thương qua lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ. “À ơi, con ơi con ngủ cho lâu; Để mẹ đi cấy đồng sâu chưa về. Bắt được con tép, con tôm; Đem bỏ vào nồi nấu cháo con ăn, à ơi à ơi, à ơi à ơi…”.
Ta cũng đã lớn lên từng ngày qua những lời răn dạy làm người của ông cha bao đời:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Văn học chú trọng phản ánh tâm tư, tình cảm của con người thông qua những hình tượng nghệ thuật độc đáo, sâu sắc. Tim ta bất chợt ngân lên bao nỗi niềm thương cảm trước số phận bất hạnh, đau khổ của nàng Kiều tài hoa bạc mệnh, hay hình ảnh cô bé bán diêm tội nghiệp với những ước mơ, khát vọng cháy leo lét cùng ánh lửa que diêm trong đêm đông giá rét làm lòng ta quặn thắt… Quả thật “không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do cuộc sống viết nên (Anđecxen)”. Qua sự tái hiện tài tình của văn học, ta như đang trải nghiệm chính cuộc sống của những con người bất hạnh ấy. Ta đồng cảm trước những nỗi đau, trước những nỗi khốn khổ của họ. “Văn học là tiếng hát của con tim, là nơi dừng chân của tâm hồn…” (Khuyết danh). Điều cốt lõi của văn chương chính là lòng nhân ái. Vô hình chung, văn học đã trở thành nhịp cầu đưa những con tim đồng cảm xích lại gần nhau hơn để cùng chia sớt những vui buồn, những ước mơ, khát vọng tuy bé nhỏ nhưng rất đỗi thân thương và ý nghĩa. Văn học không chỉ khơi lên trong ta những cảm xúc nhẹ nhàng, êm ái mà còn dạy ta biết xót thương, căm phẫn, lên án trước những cái xấu xa, cái ác trong cuộc sống. Đó cũng chính là “nơi đi tới” mà văn học luôn hướng đến.
“Thiên chức của người nghệ sĩ là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức.” (Thạch Lam). Bằng đặc trưng nghệ thuật của mình, văn học lay động đến tận cùng những góc khuất của cuộc sống để tìm hạt ngọc quý ẩn sâu bên trong tâm hồn mỗi con người. Văn học “trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật” (Biêlinxki). Hình tượng nhân vật Độ trong tác phẩm Đôi mắt của nhà văn Nam Cao – một mẫu văn nghệ sĩ từ bỏ cái cao siêu, từ bỏ dấu ấn cá nhân của mình trong nghệ thuật, tự nguyện dùng nghệ thuật để tuyên truyền, vận động Cách Mạng giải phóng dân tộc, là một điển hình với danh xưng “người kĩ sư tâm hồn” đem bầu máu nóng của mình tiếp thêm cho nhân loại. Đồng quan điểm trên, nhà văn Vũ Trọng Phụng khi đáp lời Tự Lực văn đoàn trên báo Ngày Nay cũng đã phát biểu rằng: “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thật ở đời”. Văn học không chỉ biết phát hiện và ngợi ca cái đẹp mà còn phải biết chú tâm đến những mất mát, những bi kịch của đời sống. Hình ảnh chị Dậu cắn răng bán con, bán chó để cố nộp suất sưu cho chồng làm tim ta quặn thắt. Tai ta như còn văng vẳng đâu đây tiếng khóc xé lòng của cái Tí khi không nỡ rời xa gia đình, xa đứa em thơ dại. “U nhất định bán con đấy ư? U không cho con ở nhà nữa ư? Khốn nạn thân con thế này. Trời ơi!… Ngày mai con chơi với ai? Con ngủ với ai?” (Trích Tắt đèn – Ngô Tất Tố). Qua đó ta càng thấu hiểu thêm về nỗi đau, nỗi thống khố cùng cực của những người nông dân lam lũ – những con người ở tận cùng đáy xã hội mà như mụ nghị Quế (nhân vật trong tiểu thuyết Tắt đèn) đánh giá thì “cơm chó nhà tao cũng tốn bằng mấy “cơm người” của nhà mày”. Càng căm phẫn với sự ác độc, nhẫn tâm của vợ chồng mụ nghị Quế ta càng thương cảm và xót xa cho cuộc đời đau khổ, cho số phận bị biến dạng của gia đình chị Dậu hơn. Văn học đã khơi dậy trong ta những tình cảm nhân văn tốt đẹp, giúp ta càng thêm trân trọng về giá trị của cuộc sống hạnh phúc no đủ của hôm nay. Nhìn chung, mọi tác phẩm văn học xuyên qua mọi thời đại, mọi ngôn ngữ, mọi nền văn hóa cũng luôn viết về cuộc sống, về trái tim con người. Bởi dù có khác biệt về màu da, về chủng tộc, về màu sắc quốc kì nhưng chúng ta đều có chung màu đỏ của máu, đều có chung nhịp đập con tim.
Hơn thế, văn học đánh thức những tình cảm sân lắng trong tâm hồn con người, khiến ta cảm thấy yêu gia đình, yêu quê hương và yêu cuộc sống này hơn.
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.
Nỗi nhớ quê hương da diết, bồi hồi cùa anh thanh niên xa xứ làm ta bất chợt cảm thấy chạnh lòng. Anh nhớ về gia đình, về xứ sở, về những điều bình dị nhưng rất đỗi thân thương, rất đỗi mặn nồng và tha thiết. Chủ thể trữ tình “ai” không hề được xác định nhưng đã tạo dấu ấn đặc biệt cho bài ca dao. Đó có thể là người thương của anh thanh niên hay cũng có thể là người nông dân lam lũ “một nắng hai sương” ở quê hương anh. Tất cả những điều bé nhỏ ấy đã in sâu trong trái tim của người con xa xứ, bất chợt hiện về trong nỗi nhớ nhung da diết khôn nguôi. Một nỗi nhớ rất đỗi bình dị, giản đơn nhưng lại vô cùng thấm thía! Quả thật quê hương, gia đình luôn là nơi thiêng liêng, thân thương nhất trong sâu thẳm trái tim của mỗi con người…
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay.
(Quê hương – Đỗ Trung Quân)
Ngoài ra, văn học còn giúp ta biết đau xót trước cảnh quê hương đất nước bị tàn phá, xâm lăng.
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều.
(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)
Câu thơ như rớm máu. Đất nước thật đẹp nhưng cũng thật đau thương. Ta yêu đất nước quật cường và anh dũng, đất nước “như mẹ, như cha, như vợ, như chồng”, đất nước mà ta muốn “hóa thân cho dáng hình xứ sở”, mà ta sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Chính văn học và chỉ có thể là văn học đã nẩy mầm và nuôi lớn trong ta tình cảm lớn lao ấy – tình cảm thiêng liêng, cao quý đối với Tổ quốc thân yêu!
Tất cả những giá trị nhân văn đã nêu trên là điều mà văn học hướng đến và mong muốn “đi tới”. Qua đó ta cũng thấy rõ trách nhiệm của người nghệ sĩ, của người viết văn, học văn. Đó chính là luôn phải biết trau dồi vốn sống thực tế của bản thân mình để có thể hiểu sâu, cặn kẽ và chính xác khi gặp những vấn đề trong cuộc sống. Kiến thức sách vở, kiến thức lí thuyết rất cần nhưng luôn phải được soi rọi, đối chứng vào kiến thức, vào vốn sống thực tế vì giữa lí thuyết và thực tế luôn có những khoảng cách nhất định. Vốn sống không phải tự nhiên có được mà phải trải qua những kinh nghiệm, những chiêm nghiệm sâu sắc về lẽ sống, về cuộc đời của bản thân. Vốn sống đó còn phải được chọn lọc, sàng lọc qua thời gian mới trở thành vốn quý được. Đó cũng chính là bài học quý giá cho tất cả mỗi cá nhân chúng ta.
Văn học thật diệu kì! Văn học giúp ta thanh lọc tâm hồn, thắp lên trong ta bao yêu thương, khát vọng, chắp thêm cho ta đôi cánh để luôn vững vàng trước những khó khăn của cuộc sống. Văn học là người bạn đường thân thiết trên mọi nẻo đường, nuôi lớn và làm phong phú tâm hồn ta với thứ tình cảm giàu tính nhân văn cao cả! Chính vì thế mà văn học không thể đứng riêng lẻ, tách rời mà phải gắn với cuộc đời, phải hòa mình vào cuộc sống của cộng đồng. Mãi mãi với muôn đời sau cuộc đời vẫn luôn đã nơi xuất phát và là nơi đi tới của văn học.
Suy nghĩ về câu nói: Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học – Tố Hữu – Bài làm 2
Văn học có bốn chức năng: nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ và giải trí. Trước hết, phải kể đến chức năng nhận thức. Chức năng nhận thức thể hiện ở vai trò phản ánh của văn học. Văn học là tấm gương phản chiếu đời sống. Nó có thể đem đến cho người đọc một thế giới tri thức mênh mông về đời sống con người qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, ở khắp mọi nơi trên thế giới. Có người nói: Văn học là bộ bách khoa toàn thư về cuộc sống. Tuy nhiên, văn học không đơn thuần phản ánh hiện thực mà chủ yếu là giúp con người nhận thức đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về bản thân minh và mối quan hệ tổng hòa trong cuộc sống, góp phần giáo dục con người thông qua tác phẩm. Người ta gọi đó là chức năng giáo dục của tác phẩm văn học.
Văn chương nuôi dưỡng tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của con người. Định nghĩa nổi tiếng của nhà văn hiện thực Nga Macxim Gorki: Văn học là nhân học trước hết nhấn mạnh đến mục đích của văn học là giúp con người hiểu được bản thân mình; nâng cao niềm tin vào bản thân và làm nảy sinh khát vọng đi tìm chân lí, dũng cảm đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, hướng tới cái đẹp, cái thiện của cuộc đời. Văn chương chân chính phải phục vụ con người, phải phản ánh đời sống vật chất, tinh thần của con người với những niềm vui, nỗi đau đời thường. Nhà thơ Tố Hữu nhận xét: Văn học không chỉ là văn chương mà thực chất là cuộc đời. Văn học sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát, cũng là nơi đi tới của văn học. Nói đến chức năng giáo dục của văn học là nói đến khả năng dẫn dắt và định hướng. Văn học đến với con người bằng con đường tình cảm. Nó đem lại cho người đọc những rung cảm sâu xa trước khung cảnh tươi đẹp của quê hương, đất nước, trước trạng thái muôn màu muôn vẻ của cuộc sống xung quanh và nhất là trước sự phong phú, đa dạng của thế giới tâm hồn.
Văn chương chân chính có khả năng cảm hóa, nhân đạo hóa con người. Nó góp phần vào việc hình thành nhân cách, hoàn thiện đạo đức, giúp con người sống tốt đẹp hơn. Các tác phẩm văn học đích thực có khả năng giáo dục rất lớn, xứng đáng là những người thầy, người bạn đáng tin cậy của chúng ta.
Từ ngàn xưa, văn học dân gian đã làm tốt chức năng giáo dục. Những thiên thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, ngụ ngôn, truyện cười… đều nhằm phản ánh hiện thực đời sống dưới những góc độ, màu sắc khác nhau. Nhưng bao trùm lên hết thảy vẫn là khát vọng hiểu biết yà chinh phục, là ước mơ công lí, chính nghĩa, là mục đích vươn lên, đạt tới những giá trị Chân, Thiện, Mĩ của con người. Một nhà văn xưa đã nói: Văn học giúp người ta làm lành, lánh dữ. Bởi thế nên các tác phẩm xứng đáng gọi là văn chương có tác động mạnh mẽ tới tâm tư, tình cảm người đọc, giúp người đọc có được một thê giới quan và nhân sinh quan đúng đắn.
Đặc điểm của văn học là thông qua các sự kiện, hình tượng trong tác phẩm để kích thích người đọc về mặt tình cảm, buộc họ phải bày tỏ thái độ và suy nghĩ của mình về nội dung nghệ thuật của tác phẩm và những vấn đề có tính chất xã hội, tính chất triết lí mà tác giả đặt ra. Trong những năm 30, 40 của thế kỉ XX, các nhà văn hiện thực phê phán đã lên tiếng tố cáo xã hội thực dân phong kiến đẩy con người vào cuộc sống cùng khổ, bế tắc, vào thân phận nô lệ. Ngô Tất Tố đã vẽ nên bức tranh ảm đạm, thê lương của nông thôn Việt Nam trong mùa sưu thuế; phản ánh số phận đen tối, thảm thương của người nghèo. Nam Cao đau xót, phẫn uất trước thực trạng xã hội đầy rẫy bất công, vô nhân đạo đã giết chết phần tốt đẹp trong con người, tước đoạt quyền làm người của kẻ bị áp bức. Tiểu thuyết Tắt đèn, truyện ngắn Chí Phèo, tiểu thuyết Bước đường cùng… như những tiếng chuông cảnh tỉnh kêu gọi mọi người hãy cứu lấy nhân tính đang bị giai cấp thống trị tước đoạt và chà đạp trắng trợn. Tinh thần nhân đạo của các tác giả còn thể hiện ở việc miêu tả con người với những khát vọng đổi đời, với tinh thần dũng cảm đấu tranh để khẳng định bản lĩnh, phẩm giá và lí tưởng sống của mình.
Đọc những tác phẩm văn chương đích thực, người đọc dần dần nhận thức và xác định được hướng đi đúng đắn cho mình. Văn học định hướng cho cá nhân những điều kiện cần thiết để tiến tới hoàn thiện nhân cách. Lẽ ghét thương của ông Ngư trong Ngư Tiều y thuật vấn đáp của Nguyễn Đình Chiểu thể hiện bản chất của tầng lớp sĩ phu: Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương. Quan niệm đạo đức của nhà thơ mù yêu nước tiêu biểu cho quan niệm đạo đức của phần lớn nhân dân Nam Bộ thế kỉ XIX:
Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.
(Lục Vân Tiên)
Khí phách hiên ngang cùa người anh hùng Từ Hải; đức hi sinh đáng ca ngợi của Thúy Kiều trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du; nhân cách cao thượng của nhân vật Huấn Cao trong kiệt tác Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân; những bài học phấn đấu, tu dưỡng quý giá của người tù – thi sĩ cộng sản Hồ Chí Minh; nhiệt thành yêu nước, khát khao chân lí cách mạng của người thanh niên xứ Huế Tố Hữu… đểu tác động sâu xa tới trái tim người đọc và lưu lại những bài học đạo lí muôn đời. Lòng yêu nước, quan điểm: Chết vinh còn hơn sống nhục khẳng định truyền thống bất khuất chống xâm lăng của dân tộc Việt Nam đã được đưa vào văn chương chống Pháp, góp phần giáo dục tình yêu quê hương đất nước và trách nhiệm công dân trong mỗi con người.
Các nhà văn chân chính là những người có tâm hồn đẹp đẽ. Họ lấy tâm hồn mình để soi sáng những cảnh đời tối tăm, an ủi người nghèo khổ, vạch trần và lên án cái xấu, biểu dương, ca ngợi cái tốt… Những điều đó có tác dụng rất lớn tới quá trình cảm thụ và vươn lên của con người. Hình tượng điển hình trong thơ văn truyền cho người đọc một tình yêu mãnh liệt đối với cái đẹp, cái cao cả của cuộc sống; đồng thời cũng chỉ ra đâu là cái xấu, cái ác cần lên án và xóa bỏ để cuộc đời và con người ngày càng tốt đẹp hơn.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |