Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Vai trò của mặt trận quân sự trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1945 – 1975) và bài học xây dựng nền quốc phòng toàn dân của nước ta trong giai đoạn hiện nay

Vai trò của mặt trận quân sự trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1945 – 1975) và bài học xây dựng nền quốc phòng toàn dân của nước ta trong giai đoạn hiện nay.

2 trả lời
Hỏi chi tiết
772
2
0
dogfish ✔
23/07/2021 09:18:38
+5đ tặng

Thấm nhuần truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 02-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập. Đó chính là tư tưởng, đường lối chỉ đạo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, Quân đội nhân dân đóng vai trò nòng cốt đối với nhiệm vụ quan trong này.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mọi hoạt động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị đều nhằm thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự: “Mọi việc phải nhằm vào điểm làm cho kháng chiến thắng lợi”1. Thực hiện nghiêm sự chỉ đạo đó, các hoạt động xây dựng, triển khai và bố trí các đơn vị bộ đội chủ lực, lực lượng vũ trang tại chỗ (tự vệ chiến đấu, dân quân du kích, công an vũ trang) và nhân dân trên từng địa bàn nhanh chóng được hoàn thành - cơ sở khoa học, điều kiện tiên quyết để ngăn chặn, đánh bại các trận càn, những cuộc hành binh của quân viễn chinh Pháp. Nổi bật như: cuộc chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ Thành Hà Nội (cuối năm 1946) của Trung đoàn Thủ Đô cùng lực lượng vũ trang tại chỗ và nhân dân Hà Nội. Hoặc, việc tạo lập thế trận phản công linh hoạt của Bộ Tổng Chỉ huy trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, góp phần quyết định làm nên thắng lợi vang dội, đánh bại cuộc tiến công chiến lược của thực dân Pháp lên vùng Chiến khu Việt Bắc, giữ vững căn cứ địa cách mạng, bảo vệ an toàn cơ quan đầu não kháng chiến.

Thực tiễn đó cho thấy, tuy các hoạt động quốc phòng trong thời kỳ này chủ yếu tập trung vào các hoạt động quân sự bảo vệ căn cứ địa cách mạng, hậu phương kháng chiến, giành và giữ dân, mở rộng vùng giải phóng,... nhưng đã khẳng định hiệu quả to lớn về tư tưởng chỉ đạo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ đất nước; trong đó, các đơn vị Vệ quốc đoàn, các Chi bộ Nam tiến, bộ đội chủ lực của Bộ và các khu,... giữ vai trò là lực lượng chủ yếu, cùng với lực lượng vũ trang tại chỗ làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc.

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện đường lối chiến lược về xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng của Đảng, Tổng Quân ủy chỉ đạo toàn quân hoàn thành chuyển quân tập kết theo Hiệp định Giơ-ne-vơ. Đồng thời, khẩn trương chấn chỉnh tổ chức biên chế, cải tiến vũ khí, trang bị, đẩy mạnh thực hiện kế hoạch xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân, trọng tâm là xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, tiến lên chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ “Bảo vệ công cuộc củng cố và xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội; bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ và an ninh của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa,... sẵn sàng đập tan mọi âm mưu xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, chủ yếu là đế quốc Mỹ và tay sai”2. Cùng với phát triển lực lượng lục quân chính quy và các đơn vị binh chủng, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân nhanh chóng được kiện toàn về tổ chức3, xây dựng, phát triển và triển khai bố trí lực lượng theo kế hoạch phòng thủ thống nhất, hình thành thế trận bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa cả trên bộ, trên biển và trên không. Vì thế, mặc dù kẻ địch sử dụng nhiều thủ đoạn xảo trá để tạo cớ, hay dựa vào sức mạnh vượt trội của vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh hiện đại, mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng hải quân, không quân,... nhưng đều bị đánh bại, bởi thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc ở miền Bắc đã nhanh chóng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân phát triển.

Ở miền Nam, thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân bằng bạo lực vũ trang, hệ thống chỉ huy quân sự được củng cố, ngày càng phát triển ở các cấp. Đặc biệt, với sự ra đời của các đơn vị bộ đội chủ lực Miền (B2), Khu 5 và sự chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc, quân, dân miền Nam đã khôn khéo từng bước tạo lập thế trận vững chắc, hiểm hóc và rộng khắp, đánh bại các cuộc càn quét, các chiến dịch,… của địch ra vùng giải phóng. Giai đoạn cuối cuộc kháng chiến, Quân đội ta đã xây dựng được các sư đoàn chủ lực cơ động mạnh, đứng vững trên các địa bàn chiến lược, sau đó phát triển thành các quân đoàn, binh chủng, có thể tiến hành tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng quy mô lớn, tạo thế, lực, thời cơ chín muồi, có một không hai để tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Quân đội vừa tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa chấn chỉnh tổ chức biên chế, bố trí lại lực lượng trên các vùng, miền, xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, đồng thời bước vào hai cuộc chiến đấu ở biên giới Tây Nam và phía Bắc. Trong thời kỳ đổi mới, Quân đội thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài. Chủ trương nhất quán của Đảng là đẩy mạnh xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; chủ động điều chỉnh thế bố trí chiến lược; kết hợp thế trận tại chỗ với thế trận cơ động, thế trận rộng khắp với thế trận trọng điểm, tập trung cho hướng, khu vực, địa bàn chiến lược; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc. Từ thực tiễn trên, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm đó là:

1. Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc là nội dung quan trọng hàng đầu, là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; trong đó, Quân đội nhân dân được xác định là lực lượng nòng cốt thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược này. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta không ngừng được phát triển cả về số lượng, chất lượng, vũ khí, trang bị và kinh nghiệm tác chiến. Nếu như trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thế trận quốc phòng toàn dân do Quân đội tạo lập chủ yếu để bảo vệ các khu căn cứ địa, hậu phương kháng chiến, vùng giải phóng,… thì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân đội, nòng cốt là các sư đoàn chủ lực tinh nhuệ, các quân chủng, binh chủng được trang bị vũ khí hiện đại đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương tạo lập thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, trước những cuộc tiến công của địch trên mọi môi trường tác chiến. Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, việc giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội và sự nghiệp quốc phòng, an ninh không chỉ là nguyên tắc, mà còn là giải pháp quan trọng, hữu hiệu nhất để xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; trong đó, tập trung xây dựng một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, bảo đảm cho Quân đội giữ vững vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

2. Chủ động nghiên cứu, dự báo sát, đúng tình hình; điều chỉnh thế bố trí lực lượng, sẵn sàng chiến đấu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Với vai trò là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Quân đội luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động nghiên cứu, dự báo sát, đúng âm mưu, thủ đoạn của địch, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước định ra phương hướng xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang; điều chỉnh thế bố trí lực lượng, phương tiện chiến tranh, hình thành thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, rộng khắp, hiểm hóc, liên hoàn, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo đánh thắng địch trong mọi tình huống.

Thắng lợi trong Chiến dịch Phòng không năm 1972 của quân, dân miền Bắc là minh chứng của sự kết hợp tài tình giữa nghiên cứu, dự báo chính xác âm mưu, thủ đoạn tác chiến của không lực Hoa Kỳ với việc chủ động tổ chức, sử dụng lực lượng, bố trí đội hình chiến đấu của lực lượng phòng không ba thứ quân, hình thành thế trận phòng không rộng khắp, vững chắc, linh hoạt - “thế trận thiên la địa võng” bảo vệ miền Bắc, trọng điểm là Thủ đô Hà Nội. Nhờ đó, trong suốt 72 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân và dân miền Bắc đã đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa bàn lân cận, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Pa-ri, rút hết quân về nước.

3. Tích cực xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Quốc phòng và an ninh là hai lĩnh vực trọng yếu của quốc gia, có tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Do đó, ngay khi Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Đảng ta đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cần phối hợp chặt chẽ, đập tan mọi âm mưu phản động, chống phá chính quyền và hành động xâm lược của thực dân Pháp. Sự phối hợp này được thể hiện rõ nét qua sự kết hợp giữa việc tạo lập thế trận phòng thủ với công tác phòng gian, bắt gián điệp, tiêu diệt biệt kích, thám báo, bảo vệ vững chắc miền Bắc trước âm mưu mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Ngày nay, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng những nguy cơ, thách thức và đe dọa đến quốc phòng, an ninh vẫn hết sức phức tạp; chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống,… có chiều hướng gia tăng. Đối với nước ta, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” Quân đội,… nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội và công tác quốc phòng, an ninh, làm mất vai trò nòng cốt của Quân đội đối với công tác quốc phòng. Vì vậy, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống, cần tiếp tục xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, làm cơ sở để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc ngay trong thời bình, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân khi có chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
2
0
Nguyễn Nguyễn
23/07/2021 09:20:01
+4đ tặng

Nhìn lại toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có thể thấy, quân và dân Việt Nam đã giải quyết thành công những vấn đề rất cơ bản thuộc về nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân phát triển đến trình độ cao trong cuộc đụng đầu lịch sử với đội quân nhà nghề Mỹ và đồng minh của Mỹ, cả ở trên bộ, trên không, trên sông, trên biển.

Trong cuộc đụng đầu này, dựa vào lòng yêu nước của nhân dân, vững tin ở sức mạnh và sự sáng tạo của nhân dân, chúng ta đã xây dựng và phát triển được thế trận chiến tranh nhân dân, ngày càng hoàn chỉnh và vững chắc trên cả ba vùng chiến lược là rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị. Ðó là thế trận xen cài giữa vùng ta và vùng địch kiểm soát, bao gồm những cơ sở cách mạng; căn cứ, khu du kích; vùng giải phóng, vùng căn cứ được xây dựng thành hậu phương tại chỗ của cách mạng miền nam, thành địa bàn triển khai các lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị một cách hợp lý trên khắp các vùng chiến lược.

Ðặc biệt, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn được xây dựng và không ngừng mở rộng, vươn sâu, vươn xa về phía nam và tới các chiến trường, chẳng những nối liền hậu phương lớn miền bắc với hậu phương tại chỗ của cách mạng miền nam, mà còn nối vùng Nam Lào, Ðông Bắc Campuchia, nam Tây Nguyên và Ðông Nam Bộ thành thế trận liên hoàn; thành căn cứ đứng chân của các binh đoàn chủ lực. Thế trận đó buộc Mỹ - ngụy phải sử dụng một bộ phận binh lực quan trọng để đối phó.

Trên thực tế, những năm chống đế quốc Mỹ, chỉ riêng việc ba khối chủ lực mạnh của ta đứng chân ở Tây Trị Thiên, Trường Sơn - Tây Nguyên và Ðông Nam Bộ cũng đã tạo nên thế uy hiếp thường xuyên đối với toàn bộ chiến trường miền nam. Rõ ràng, thế trận chiến tranh nhân dân ở miền nam là thế trận liên hoàn và rất hiểm hóc. Thế trận đó cho phép quân và dân ta thực hành chiến lược tiến công địch rộng khắp, liên tục, ngày càng mạnh mẽ cả về quân sự và chính trị, bằng nhiều hình thức, với những vũ khí có trong tay. Bị bao vây, chia cắt, bị tiến công liên tục mọi nơi mọi lúc, Mỹ - ngụy buộc phải dàn mỏng lực lượng để đối phó, khiến cho ưu thế về quân số, hỏa lực, sức cơ động của chúng bị hạn chế trước sự vây hãm của thế trận đan cài, xen kẽ. Suốt cuộc chiến tranh, Mỹ - ngụy luôn bị lâm vào tình thế giằng co, mâu thuẫn giữa chiếm đóng và cơ động, giữa phân tán và tập trung, giữa phòng giữ và tiến công, giữa "tìm diệt" và "bình định".

Dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, chúng ta đã phát triển và kết hợp chặt chẽ hoạt động của lực lượng quân sự và chính trị, lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; phát triển và kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy.

Chiến tranh du kích trong kháng chiến chống Mỹ phát triển đến trình độ cao, trở thành chiến tranh nhân dân địa phương, có tác dụng tiêu hao, tiêu diệt rộng rãi một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch; ghìm chặt địch trên các địa bàn chiến lược, buộc chúng phải phân tán binh lực chống đỡ, bộc lộ sơ hở, tạo điều kiện cho các binh đoàn chủ lực đẩy mạnh hoạt động.

Nghệ thuật quân sự Việt Nam coi trọng phương thức tác chiến của các binh đoàn chủ lực, binh chủng hợp thành, coi trọng những trận đánh lớn, những chiến dịch gây thôi động mạnh, làm rung chuyển thế trận chiến lược của địch, tạo ra những bước ngoặt quyết định trong cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh có lợi cho ta. Từ những chiến dịch khởi đầu ở Ba Gia, Bình Giã, Ðồng Xoài trong Xuân Hè 1965 góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt, chủ lực ta tiến lên mở các chiến dịch lớn như Plây Me, Khe Sanh, Ðường 9 - Nam Lào, Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên... Ðặc biệt, giai đoạn kết thúc chiến tranh, bằng ba đòn tiến công chiến lược của lực lượng binh chủng hợp thành, chúng ta đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ðể đánh bại lực lượng quân sự địch, qua đó, bẻ gãy ý chí xâm lược của chúng, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nghệ thuật quân sự Việt Nam đã giải quyết thành công vấn đề chọn hướng tiến công trên tất cả các lĩnh vực chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Ðồng khởi mùa xuân 1960, quân dân ta tiến công và nổi dậy đập tan chính quyền cơ sở địch ở nhiều vùng nông thôn rộng lớn, đưa cách mạng miền nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công trên khắp ba vùng chiến lược. Mùa xuân 1968, chúng ta "lừa địch" ở Ðường 9 - Khe Sanh và bất ngờ chuyển hướng tiến công chiến lược vào một loạt đô thị trên toàn miền nam, đập tan tham vọng giành thắng lợi về quân sự của Mỹ. Mùa xuân 1972, chúng ta sử dụng các binh đoàn chủ lực đánh mạnh và đập vỡ tuyến phòng ngự vòng ngoài vững chắc của địch ở Trị Thiên, Tây Nguyên, Ðông Nam Bộ. Mùa xuân 1975, chúng ta căng địch ra và ghìm chặt địch ở hai đầu chiến tuyến là Trị Thiên, Ðông Nam Bộ; đồng thời tập trung binh lực tiến công mãnh liệt địch ở quãng giữa là Tây Nguyên, tiêu diệt Quân đoàn 2 và Quân khu 2 của ngụy quyền Sài Gòn, cắt đôi thế trận chiến lược của chúng, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Cùng lúc đó, chúng ta kịp thời sử dụng lực lượng giải phóng các đảo và quần đảo do quân ngụy chiếm giữ, thu hồi phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Nghệ thuật tiến công trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không chỉ là nghệ thuật chọn hướng mà còn là nghệ thuật chọn mục tiêu, chọn hình thức và phương thức tiến công.

Trên nền của cuộc chiến tranh nhân dân phát triển sâu rộng, quân và dân ta ở khắp các chiến trường, các địa phương đã sáng tạo những cách đánh đầy hiệu quả, nhằm vào những khu vực mục tiêu "yết hầu", "huyết mạch", "tim óc", như hệ thống căn cứ quân sự - hậu cần - kỹ thuật, hệ thống giao thông, các cơ quan đầu não chỉ đạo của địch ở sâu trong các đô thị trên toàn miền... Cách đánh đó dựa trên tính năng động chủ quan, trí thông minh, lòng quả cảm và tài sáng tạo của quân và dân ta - những con người yêu nước thiết tha, chẳng những dám đánh mà còn biết đánh, biết thắng một cách có lợi nhất, phù hợp với truyền thống quân sự Việt Nam.

Trên vùng trời, vùng biển miền bắc, những năm chống chiến tranh phá hoại, quân và dân ta đã xây dựng, phát triển mạnh mẽ thế trận chiến tranh nhân dân, hình thành lưới lửa phòng không tầm thấp, tầm trung và tầm cao. Dựa trên thế trận đó, chúng ta đã kết hợp chặt chẽ và nhịp nhàng phương thức tác chiến tại chỗ, rộng khắp của lực lượng phòng không, phòng thủ biển ba thứ quân với phương thức tác chiến tập trung hiệp đồng binh chủng của lực lượng phòng không chủ lực, đánh bại các bước leo thang chiến tranh của không quân, hải quân Mỹ.

Hình thành và phát triển trong cuộc chiến tranh cách mạng, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được nâng lên một tầm cao mới, trở thành nghệ thuật quân sự hiện đại Việt Nam - xét cả về bản chất, quy mô, cường độ cuộc chiến; cả về vũ khí và phương tiện chiến tranh cũng như việc giải quyết vấn đề về chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật và kỹ thuật.

Ðó là nền nghệ thuật quân sự toàn dân đánh giặc lấy lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt, nền nghệ thuật kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao, kết hợp giữa đánh nhỏ, đánh vừa và đánh lớn, kết hợp các nhân tố lực - thế - thời, đánh địch một cách bất ngờ, tạo nên sức mạnh đánh thắng lực lượng quân sự địch và các chiến lược chiến tranh của chúng, qua đó, góp phần quan trọng đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, hoàn thành mục tiêu giải phóng miền nam, bảo vệ miền bắc, thống nhất đất nước.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Lịch sử Đại học mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo