Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là sự quy tụ được sức mạnh của toàn dân tộc theo phương châm “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công” để giành lại và bảo vệ nền độc lập dân tộc, xây dựng xã hội mới. Điều đó bắt nguồn từ sự phân tích rõ thực trạng xã hội Việt Nam, giải quyết chính xác mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc trong cách mạng Việt Nam.
Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định giai cấp vô sản trước hết phải trở thành dân tộc, và đấu tranh để giải phóng giai cấp vô sản là tiền đề để giải phóng áp bức dân tộc. Xuất phát từ phân tích thực trạng xã hội Việt Nam, Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo luận điểm này của chủ nghĩa Mác - Lênin, khẳng định: ở Việt Nam giải phóng dân tộc là tiền đề để giải phóng các giai cấp bị áp bức, bóc lột trong xã hội, trong đó có giai cấp công nhân.
Nhận định nêu trên của Hồ Chí Minh xuất phát từ đặc điểm của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, nơi thực dân Pháp tổ chức hệ thống cai trị trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và tất cả các giai cấp, tầng lớp trong xã hội đều bị đặt dướisự cai trị của thực dân Pháp. Ngoài giai cấp công nhân và nông dân, các giai cấp, tầng lớp khác, như tư sản dân tộc, tiểu tư sản, trí thức, địa chủ, phú nông, thậm chí cả các chức sắc tôn giáo Việt Nam..., đều là những người dân chịu nỗi nhục mất nước, chịu sự cai trị của thực dân Pháp. Vì vậy, ở Việt Nam, độc lập dân tộc là lợi ích chung của toàn dân tộc và tất cả các giai tầng trong xã hội đều có khả năng tham gia phong trào giải phóng dân tộc. Đó chính là cơ sở thực tiễn của quan điểm xây dựng lực lượng cách mạng trong tất cả các giai cấp, tầng lớp xã hội.
Trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị và được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng, Người đã yêu cầu: “Đảng… phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng… Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt... để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp... ”(1).
Để thực hiện luận điểm này, Hồ Chí Minh đã tiến hành đồng thời hai hoạt động chính. Một mặt, tìm mọi khả năng để quy tụ toàn thể nhân dân thuộc mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội có lòng yêu nước, thương nòi vào một mặt trận rộng lớn; phê phán quan điểm giai cấp cực đoan, biệt phái, có hại cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Mặt khác, đề ra phương thức giải quyết từng bước mâu thuẫn giai cấp trong nội bộ xã hội Việt Nam, chủ yếu là giữa nông dân với địa chủ, bằng những biện pháp thích hợp, như hiến điền, giảm tô, giảm tức, tạm cấp ruộng đất…, để tăng cường sức dân và không phá vỡ mặt trận đoàn kết toàn dân tộc. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đảng ta đã quy tụ được lực lượng cách mạng của toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh vô địch giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ nền độc lập dân tộc và làm thất bại mọi âm mưu, chính sách chia rẽ dân tộc của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước.
2. Xây dựng lực lượng chủ lực của cách mạng
Xây dựng khối liên minh công - nông - trí thức làm lực lượng chủ lực của cách mạng là sự phát triển sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng cách mạng ở Việt Nam. C.Mác và Ph.Ăngghen từ lý luận và thực tiễn của phong trào công nhân châu Âu giữa thế kỷ XIX, trực tiếp nhất là cách mạng tư sản Đức năm 1848 và Công xã Pari năm 1871 đã khẳng định: cuộc cách mạng vô sản hay phong trào công nhân không thể giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh lật đổ chế độ tư bản nếu không có khối liên minh giữa giai cấp công nhân và giai cấp nông dân, trong đó giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo. Trong Cách mạng Tháng Mười Nga, phát triển lý luận của C.Mác, Ph.Ăngghen về tổ chức liên minh công - nông và trong điều kiện nước Nga lúc đó đang tham gia chiến tranh thế giới lần thứ nhất, V.I. Lênin đã nói đến liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân với binh lính, vận động thành lập các xô viết công nhân, nông dân và binh lính…
Xuất phát từ thực tiễn của xã hội Việt Nam, từ yêu cầu và khả năng tập hợp lực lượng cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương trong mọi giai đoạn cách mạng “công, nông, trí cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối”. Theo Người, “Tính chất cách mạng của ta là cách mạng dân chủ mới, cho nên động lực cách mạng gồm có những giai cấp: công nhân, nông dân, tiểu tư sản”. Người nhấn mạnh: “Tuyên ngôn của Đảng nói: “Đảng Lao động Việt Nam sẽ gồm những công nhân, nông dân và lao động trí óc yêu nước nhất, hăng hái nhất, cách mạng nhất”. Và “lao động trí óc cần được khuyến khích, giúp đỡ, phát triển tài năng”(2).
Tư tưởng Hồ Chí Minh coi trí thức là “vốn liếng quý báu của dân tộc”, là sự tiếp nối truyền thống của dân tộc Việt Nam,“hiền tài là nguyên khí quốc gia”, coi trọng sức mạnh vô tận của trí tuệ con người và sức mạnh lớn lao của một dân tộc giàu tri thức. Thực tế lịch sử Việt Nam, ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, trí thức là tầng lớp có số lượng khiêm tốn trong xã hội, nhưng luôn đi đầu, là ngòi nổ trong các phong trào đấu tranh chống Pháp, bảo vệ độc lập, hoặc đòi lại quyền dân tộc, tự chủ. Trí thức cũng là những người đi tiên phong trong việc tiếp thu những thành tựu của văn minh nhân loại, đón nhận những luồng tư tưởng mới, tiến bộ từ bên ngoài, thực hiện tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân. Từ thực tế trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi trí thức cùng với công nhân và nông dân là chủ lực của cách mạng. Theo Người, dù đa số xuất thân từ các thành phần phú nông, địa chủ, phong kiến, tư sản, nhưng trí thức Việt Nam đều bị đế quốc áp bức. “Tất cả những người trí thức nào có đôi chút tiếng tăm đều bị đưa đi đày. Tất cả các trường tư thục đều bị đóng cửa và tất cả các sách báo nước ngoài đều bị cấm”. Người chỉ ra hai yếu tố tích cực của trí thức Việt Nam: “Có đầu óc dân tộc và đầu óc cách mạng” và nhận xét: “trí thức có học thức, dễ có cảm giác chính trị. Họ không trực tiếp bóc lột lao động. Vì vậy, họ dễ tiếp thu sự giáo dục cách mạng và cùng đi với công nông”.
Tư tưởng coi trọng trí thức và mối quan hệ công - nông - trí thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo nên lực lượng chủ lực của cách mạng được thể hiện nhất quán, xuyên suốt trong cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Từ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, Người đã viết: “Đảng lôi kéo tiểu tư sản, trí thức và trung nông về phía giai cấp vô sản”. Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Người khẳng định: “Trí thức phục vụ nhân dân bây giờ cũng cần, kháng chiến kiến quốc cũng cần, tiến lên xã hội chủ nghĩa càng cần, tiến lên cộng sản chủ nghĩa lại càng cần”(3). Người nhấn mạnh: “Chính là những đảng cách mạng lại càng trọng trí thức: vì muốn phát triển văn hóa thì phải cần thầy giáo, muốn phát triển sức khỏe của nhân dân thì phải cần thầy thuốc, muốn phát triển kỹ nghệ phải cần các kỹ sư... Tóm lại, cách mạng rất cần trí thức và chính ra chỉ có cách mạng mới biết trọng trí thức”. Gắn kết giữa công, nông với trí thức, Người yêu cầu: Đảng phải thực hiện “công nông trí thức hóa; trí thức công nông hóa” và giải thích: Nghĩa là công nông cần học tập văn hóa để nâng cao trình độ tri thức của mình, trí thức cần gần gũi công nông và học tập tinh thần, nghị lực, sáng kiến và kinh nghiệm của công nông. Theo Người, “đó là nhiệm vụ chung và cần kíp, mà chúng ta phải cùng nhau cố gắng làm cho kỳ được”.
3. Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân
Với chủ trương xây dựng lực lượng cách mạng toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng lực lượng chính trị trong quần chúng và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng làm chỗ dựa cho phong trào quần chúng, làm nòng cốt cho khởi nghĩa vũ trang của quần chúng giành chính quyền.
Phân tích sự cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam được tiến hành bằng bạo lực, đàn áp khốc liệt những người yêu nước Việt Nam đứng lên chống Pháp, nên để chống lại bạo lực của chính quyền thực dân Pháp, giành lại nền độc lập, cần đến một cuộc khởi nghĩa vũ trang toàn dân. Từ năm 1924, Hồ Chí Minh đã cho rằng: “Để có cơ thắng lợi, một cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Đông Dương: Phải có tính chất một cuộc khởi nghĩa quần chúng chứ không phải một cuộc nổi loạn…”. Từ quan niệm nêu trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng làm chỗ dựa cho phong trào quần chúng. Bắt đầu từ tổ chức các đội “xích vệ” bảo vệ cách mạng trong các cao trào cách mạng 1930 - 1931, đến thành lập các đội du kích vũ trang sau khởi nghĩa Bắc Sơn. Sau Hội nghị Trung ương 8 và thành lập Mặt trận Việt Minh, tháng 12 năm 1941 tại Cao Bằng từ các đội tự vệ cứu quốc, tự vệ chiến đấu (tổ du kích) được thành lập làm cơ sở cho đấu tranh ở địa phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Đội vũ trang Cao Bằng, tự tay soạn thảo “Mười điều kỷ luật” và những nguyên tắc cơ bản xây dựng quân đội. Khi phong trào cách mạng phát triển, tháng 12 năm 1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”. Đó là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu bước khởi đầu việc xây dựng và phát triển quân đội cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Lực lượng vũ trang được xây dựng theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đội quân công tác, đội quân chiến đấu, nhấn mạnh nhiệm vụ tuyên truyền vận động quần chúng. Ngay việc lấy tên là “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ đây là đội quân công tác, kết hợp nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức quần chúng đấu tranh, làm chỗ dựa cho quần chúng đấu tranh chính trị với tác chiến. Trong xây dựng lực lượng vũ trang, Người nhấn mạnh quan hệ máu thịt giữa bộ đội với nhân dân, như “cá với nước”, “bộ đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. Theo Người, sức mạnh của lực lượng vũ trang, trước hết là từ nhân tố con người, phẩm chất và sự giác ngộ chính trị của người chiến sỹ, nên đề ra quan điểm “người trước, súng sau” trong xây dựng lực lượng vũ trang.
Quan điểm xây dựng lực lượng vũ trang gắn bó với nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với tư tưởng xây dựng “trận địa lòng dân” trong các khu căn cứ cách mạng, từ Pắc Bó mở rộng ra toàn tỉnh Cao Bằng, thành căn cứ địa cách mạng ở 6 tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Thái - Hà - Tuyên..., các “an toàn khu” gần các đô thị lớn..., góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng quần chúng trong cả nước, tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Sau khi thành lập Nhà nước cộng hòa dân chủ nhân dân, tư tưởng xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong xây dựng lực lượng quân đội quốc gia Việt Nam trung với nước, hiếu với dân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, cùng nhân dân giữ vững nền độc lập dân tộc. Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1950), trong hoàn cảnh hoàn toàn tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình để chống lại đội quân xâm lược Pháp, nhờ dựa vào dân, gắn bó với nhân dân, quân đội ta “càng đánh, càng mạnh”, phát triển từ các trung đoàn chủ lực lên các đại đoàn chủ lực… Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng vũ trang cách mạng ngày càng lớn mạnh, đủ ba thứ quân, gồm cả những binh chủng và vũ khí hiện đại, chiến thắng đội quân nhà nghề của Mỹ trong bốn chiến lược chiến tranh ở miền Nam, trong chiến tranh điện tử, chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân, quật ngã pháo đài bay B.52 trên bầu trời Hà Nội. Ngày nay, lực lượng vũ trang cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã và đang bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội; công cuộc đổi mới, nền văn hóa và môi trường hòa bình của đất nước… Đó là những sự kiện nổi bật, minh chứng cho sự đúng đắn, sáng tạo trong xây dựng lực lượng vũ trang Việt Nam, trong xây dựng lực lượng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |