Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Hãy bác bỏ quan điểm cho rằng Huy Cận là nhà thơ tình yêu nổi tiếng

1 trả lời
Hỏi chi tiết
1.336
0
1
NGUYỄN THỊ THU HẰNG
07/03/2017 22:14:45
​Huy Cận,
ngậm ngùi với kiếp người
hay phủ nhận thượng đế

Đọc thơ Huy Cận, người ta thường hay nhắc tới những nỗi buồn nhân thế bao la, với những cảm nhận về một thời xưa cũ trong lịch sử dân tộc hay con người.

Thật đấy, ngoài bài hát "Ngậm Ngùi" mà thật ra đó chỉ là lời bày tỏ tình yêu say đắm của một người yêu với một người yêu, với những hình ảnh gần gủi như chiếc lá mắc cở khép lại (Vườn hoang trinh nữ...), hay con nhện như trong ca dao (Buồn trông con nhện chăng tơ), hoặc "Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp", làm cho người đọc biết rằng nỗi buồn tràng giang là nỗi buồn thiên cổ, ("Mang mang thiên cổ sầu"). "Thiên cổ sầu" là cái sầu bàng bạc trong thơ ông. Cái buồn đó chính là cái tình sâu đậm của ông đối với đời, với người.

Điều nầy, trong thơ Tầu cũng đã có. Cũng trong cảnh mênh mông trời đất, trong cảnh cô đơn và vắng lặng của kiếp người, Trần Tử Ngang (1) viết:

Đăng U Châu Đài Ca
"Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc sảng nhiên nhi thế hạ"

Bài Ca Lên Đài U Châu
"Ngoảnh lại trước: người xưa vắng vẻ
Trông về sau: quạnh quẽ người sau
Ngẫm hay trời đất dài lâu
Mình ta rơi hạt lệ sầu chứa chan."
(Bản dịch của Trần Trọng San)

Trong nỗi cô đơn vô cùng của kiếp người, Huy Cận chỉ mới buồn, mới sầu thiên cổ. Trần Tử Ngang thì khóc đấy. Ông đổ nước mắt vì sự bơ vơ của kiếp người.

Nói về sự huyển nhiệm của vũ trụ, mênh mông của trời đất, Trương Nhược Hư có bài "Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ" là tuyệt tác. Xin trích mấy câu:

"Sông và trời, một màu không mảy bụi,
Ngời sáng trong không, vầng trăng trơ trọi
Người bên sông, ai kẻ đầu tiên thấy trăng?
Trăng trên sông, năm nào đầu tiên rọi xuống người?

Người sinh đời đời không bao giờ ngừng
Trăng trên sông năm năm ngắm vẵn y nguyên
Chẳng biết trăng trên sông chiếu sáng những ai
Chỉ thấy sông dài đưa dòng nước chảy

Trần Trọng San dịch như sau:

Trong suốt trời sông suốt một màu,
Trên sông vằng vặc một trăng cao.
Ai người đầu đã trông trăng ấy?
Trăng ấy soi người tự thuở nao?

Người cứ đời đời sinh nở mãi,
Trăng đã năm năm sông nước giãi.
Soi ai nào biết được lòng trăng,
Chỉ thấy sông dài đưa nước chảy,

Mới đọc, người ta tưởng Trương Nhược Hư ngớ ngẩn: "Ai là người đầu tiên nhìn trăng? Ai là người đầu tiên được trăng chiếu rọi?"

Lịch sử loài người gần như vô thuỷ, các nhà khoa học chỉ đoán chừng loài người xuất hiện cách nay mấy triệu năm thì làm sao biết được trong số tổ tiên còn ăn lông ở lổ đó, ai là người được thấy trăng trước tiên, và chắc gì họ cảm nhận được cái đẹp của trăng khi được trăng chiếu rọi như chúng ta ngày nay.

Câu hỏi tuy ngớ ngẩn đấy, nhưng câu hỏi ấy không giống câu than "Tiền bất kiến cổ nhân" hay sao? Đã "bất kiến cổ nhân" thì làm sao biết được ai là người đầu tiên thấy trăng? Té ra, cả hai nhà thơ có một điểm chung: Tìm về nguyên thuỷ của nhân loại.

Tìm về nguyên thuỷ để mà khóc vì thấy nỗi cô đơn của con người.

Vậy thì khi Huy Cận than vãn: "Không gian ơi! Xin hẹp bớt mông mênh" hay "Để cho hồn khi sắp xuống hư vô", "Xe tang đi về tận thế giới nào?" thì ông không thấy cái mênh mông của vũ trụ, cái hư vô của cuộc đời, cái thế giới vô hình ở một nơi xa xôi nào đó như hai nhà thơ Đường bên Tầu hay sao?

Trần Tử Ngang, Trương Nhược Hư đều nói về vũ trụ, thiên nhiên. Nhưng cái họ nói rất phổ thông: Trời đất mênh mông, trăng, sông, người. Hay thì hay thật, nhưng khác với Huy Cận.

Huy Cận cũng nói tới thiên nhiên, vũ trụ, bên cạnh trời, sông trăng nước, thơ ông có những hình ảnh rất gần gủi, thân quen, kèm với thương, với nhớ, dễ gây xúc động cho người đọc. "Trời rộng sông dài" làm ông bâng khuâng (Buâng khuâng trời rộng nhớ sông dài). Trên sông dài (tràng giang) có sóng. Sóng làm cho người ta nhớ nhà (yên ba giang thượng sử nhân sầu – "Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai" - Hoàng hạc lâu - Thôi Hiệu). Trong thơ Huy Cận thì "sóng buồn điệp điệp" là nỗi buồn tiếp nối nhau không dứt. Trên sông có thuyền xuôi mái chèo. Thuyền đi, (thuyền xuôi), nước buồn (buồn trăm ngã), lại có cành củi khô trôi lạc trên sông.

Thôi Hiệu thấy khói sóng trên sông nên nhớ nhà. Nỗi buồn của Huy Cận sâu sắc hơn, thấm đậm hơn, nên khi không có khói trên sông (yên ba giang thượng), chỉ nhìn thấy sông với hai bờ xa cách, thiếu "niềm thông cảm" (Không cầu nối lại niềm thân mật), nhìn nước chảy, thuyền trôi là ông đã nhớ nhà rồi: "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà."

Ngoài những hình ảnh gần gũi đó, còn có chiếc đò ngang trên sông. Nước ta có nhiều sông ngòi nên hình ảnh chiếc đò ngang là rất quen thuộc. Chẳng có cây cầu nối liền hai bờ, nói lên sự ly cách, là đứng ở bờ sông bên nầy, nhìn sang bờ sông bên kia, với những hình ảnh, màu sắc rất quen: Bên sông có bến đò vắng (bến cô liêu), có tiếng người chuyện trò ra về lúc "vãn chợ chiều", là bãi cát vàng, là bờ dâu xanh, là bãi bắp xanh, là luỹ tre xanh, nối tiếp nhau, kéo dài đến tận chân trời, như trong Kiều "Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia". Tất cả những hình ảnh làng quê nước ta mà ông mô tả như trên, phải là người yêu làng yêu nước mình, mới có những nhận xét tinh tế như thế:

Thuyền về nước lại sầu trăm ngã,
Củi môt cành khô lạc mấy dòng.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều,
Nắng xuống, trời lên sầu chót vót;
Sông dài, trời rộng bến cô liêu.

Bèo dạt về đâu hàng nối hàng,
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật.
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Nước ta chuyên về nông nghiệp, không thịnh về buôn bán, nên chợ là nơi trao đổi hàng hoá, gặp gỡ, chuyện trò hơn là chợ ở các nước Tây phương. Hình ảnh một ngôi chợ nhỏ, lèo tèo mấy mái tranh là rất quen thuộc ở miền quê nước ta: Chợ họp buổi sáng gọi là "chợ mai", họp buổi chiều, dĩ nhiên, gọi là "chợ chiều". Vì việc đồng áng, họp chợ hơi trễ là "chợ hôm" (lúc đầu hôm). Người con gái Việt Nam buôn tần báo tảo, bao giờ cũng "đòn gánh đằn vai" nặng nề, nhọc mệt nên rất đáng thương. Mở đầu "Gánh Hàng Hoa" của Khái Hưng là hai câu ca dao: "Thân em như gánh hàng hoa, Sớm qua chợ sớm, chiều qua chợ chiều." Cảnh chợ chiều, nhất là lúc vãn chợ, bao giờ cũng buồn. Huy Cận rất tinh tế, - vã lại ông là người sinh ra lớn lên ở miền quê trước khi đến học ở kinh đô Huế -, nên nhận biết cảnh tình đó rất sâu sắc: "Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều."

Nhất Linh một thời thích câu thơ "Bèo giạt về đâu..." của Huy Cận. Có lúc ông đã tính lấy hai chữ "Bèo giạt" để đặt tên cho toàn bộ ba tập tiểu thuyết "Dòng Sông Thanh Thuỷ" (Dòng Sông Thanh Thuỷ tập 1, "Chi bộ Hai người" - tập 2 và "Vọng Quốc" tập 3). Cánh bèo trôi là hình ảnh về sự vật, nó cũng thường tượng trưng cho kiếp người: "Bèo dạt hoa trôi" là ý nói về thân phận người trong bài hát Quan Họ.

Từ những nỗi buồn về vũ trụ, thiên nhiên, Huy Cận buồn cho phận người. Ông đã từng đi tìm cái nguyên lý của phận người, và thất bại. Toàn bộ bài thơ "Trình bày" là một lời trình bày, đúng hơn là lời kêu than (Để kêu than, khi tôi đã lìa đời), hay trách oán rằng Thượng Đế sinh ra ông, mặc dù ông gìn giữ con người ông rất kỹ, rất đẹp những gì thượng đế ban cho. Nhưng để làm gì khi kết quả của nó chỉ là những đau khổ trần gian. Ông chỉ thấy toàn là nước mắt trong "Những đêm sầu đến chết). Cái thượng đế cho ông là Thân thể. Nhưng thân thể chỉ là những sông núi, ngăn cách, chia biệt người với người. (Tôi đâu biết thịt xương là sông núi, Chia biệt người ra từng xứ cô đơn). Đời người chỉ những gai góc, gian khó (Thủng gai đời), những cô độc (Cô độc đã thầm ghi trên trán), đìu hiu (Hồn tôi đây thiên hạ bỏ đìu hiu). Và rồi, ông từ chối cuộc đời nầy chính vì những phi lý mà thượng đế đem lại cho đời, cho người. Ông không cần phân biệt thiên đường, địa ngục là đâu:

"Hỡi Thượng đế! Tôi cúi đầu trả lại
Linh hồn tôi đà một kiếp đi hoang
Sầu đã chín, xin người thôi hãy hái
Nhận tôi đi, dầu địa ngục, thiên đường."

Rồi tôi khóc, và đầu tôi ngã gục
Mắt tôi mờ, và tay của tôi xuôi
Không biết nữa, thiên đường hay địa ngục,
- Quên, quên, quên đã mang trái tim người!
(Xem toàn bài ở phần phụ lục)

Thơ Huy Cận có những bài nhắc đến cái chết. Theo ông, chết là gì? Ai rồi cũng "đến ngày nghỉ bước.". Lúc đó người ta nằm im trong huyệt mộ. Thế là không biết gì nữa cả hay sao? Không, Huy Cận thấy đau đớn lắm: "Sẽ nằm im, ôi! Đau đớn chừng nào. Thân bay nhảy giam trong mồ nhỏ tí" như trong bài thơ "Chết".

Ông không thích chết, ông ghét cái chết, ông tiếc nuối cuộc đời nên không muốn chết. Đời, với Huy Cận là:

"Ngày sẽ về, gió sẽ mát, hoa tươi,
Muôn trai tơ đi hái vạn môi cười,
Làn nắng ấm vào khua trong lá sắc;

Đời vui tươi thế mà bỗng:

"...mắt đóng trong đêm câm dằng dặc,
Còn biết gì trời đất ở trên kia;"

Chết là nằm một mình, là cô đơn, là khổ cho một người từng ngày: "Tìm thế giới để làm khuây lẻ chiếc!"

Trong bài "Chết", ông nói tới nỗi cô đơn của người chết. Trong bài "Nhạc sầu" ông vẽ ra cảnh đớn đau của người đi đưa ma, có kèn đám ma mà ông gọi là "Tiếng đau thương", là "Nhạc buồn chi lám thế!" Dù ai có một nụ cười nào đó thì cũng "Môi tái nhợt nào cười mà héo vậy!" Ở đây, thành phố đang quen, đang vui mà người chết "mà ai đành lìa bỏ trần gian sao!?..."

Dù người ta đã chết rồi, Huy Cận vẫn mong thấy được một chút gì "ấm áp" của "Hình dáng cuộc đời từ đây xa tắp."

Huy Cận rất thương người chết, rất tiếc cho người chết, rồi ông dặn "Và ngựa ơi! Đi nhịp đằm chớ nhảy, Kẻo thân đau chưa quen nệm giường đòi." Chim không còn vui hót vì "Cây đã gãy vài cành", đời thêm buồn vì "sao nắng quá mong manh!" Ông dặn dò: "Ai đi đưa, xin đưa đến tận nơi, Chớ quay lại nửa đường mà làm tủi."

Thật ra, nói tới cái chết, tới đám ma với "Sầu chi lắm! Trời ơi! Chiều tận thế" là Hy Cận muốn đặt vấn đề với Thượng Đế. Thượng Đế bày ra thật lắm trò. Người xưa thì cho rằng "Trẻ tạo đành hanh", rằng "Tạo hoá gây chi cuộc hí trường" hay làm những điều nghịch tặc "Chết đuối người trên cạn mà chơi" (Cung oán ngâm khúc) tức "lục trầm" thì này nay, Thuợng đế vẫn vậy.

Thượng đế đã tạo dựng ra con người, con người thật đẹp, vô cùng đáng yêu như Huy Cận mô tả trong bài "Thân thê". Thượng đế tạo ra những bàn tay đẹp "như hoa nở", những đôi chân "Chồi mạnh búp tơ măng". Hơi thở của con người là "gió mây thu góp lại", và đôi mắt ngọc là "ánh sao" như TT viết "Không có anh ai đem đôi mắt ngọc, sáng long lanh ra ví với vì sao!" Không phải "ví với vì sao" mà mắt, theo Huy Cận, chính là sao:

"Người đã cho những bàn tay hoa nở,
Những cây chân, chồi mạnh búp tơ măng;
Người thu góp gió mây trong miệng thở,
Nơi mắt ngời, Người gửi ánh sao trăng;"

Thượng đế đã cho con người thân thể đẹp như thế, một than thể đẹp để chứa một linh hồn đẹp đó chăng?
Không!
Một thân thể đẹp nhưng với những mọt sâu phục kích sẵn trong thân thể (lâu đài) để tàn phá linh hồn. Vì vậy, con người, vì Thượng đế, họ không có linh hồn đẹp mà chỉ có điều rất đáng ngạc nhiên: "Ồ! Thân Thể! Một cái bình tội lỗi.

- Đẹp, cũng ở thượng đế,
- Xấu, cũng từ thượng đế và
- Tội lỗi, cũng từ thượng đế.

"Hỡi thượng đế!
Người nhìn xem, người đã cho thân thể
Bình thịt xương để chứa đựng linh hồn..." (Thân thể)

"Hỡi thượng đế, người công phu biết mấy!
- Nhưng mọt sâu nương núp giữa lâu đài" (Thân thể)

"Ồ thân thể, một cái bình tội lỗi!"

Vậy Huy Cận muốn nói gì với Thượng Đế? Ông tâm sự, than oán, trách móc hay muốn chối bỏ Thượng Đế?

Huy Cận là một người Cộng Sản, vô thần. Dĩ nhiên, ông không tin có Thượng Đế.

Điều tôi muốn nói ở đây, không phải như thế. Bởi vì những bài thơ nầy ông sáng tác trước 1940, trước khi ông theo Cộng Sản. Ngay lúc ấy, ông đã có tư tưởng chối bỏ Thượng Đế rồi chăng? Từ điểm đó, ông dễ theo Cộng Sản chăng?

Hay việc chối bỏ Thượng Đế của ông chỉ là một trào lưu chịu ảnh hưởng văn hoá Tây phương thời bấy giờ?

Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ thứ 20, người Tây phương, vì nhiều lý do khác nhau, họ đặt lại vấn đề hiện hữu và vai trò của Thượng Đế. Có hay không có Thượng Đế và sự phi lý của nó, hay chính sự phi lý của con người hiện hữu trước thân phận của mình?

Người Tây phương thường tin rằng Thượng Đế đã dựng nên con người, yêu thương con người và muốn ban cho con người sự sống đời đời. Thượng Đế là yêu thương, nhưng chính vì con người bất tuân Thượng Đế, sa ngã, và phạm tội vì nghe lời quỷ dữ nên bị trừng phạt.

Huy Cận không nghĩ vậy! Dù con người có nghe lời Thượng Đế hay không, thì con người vẫn phải chịu đau khổ, bị đầy đoạ trong cõi đời nầy, vẫn bị "đốt trong lửa dữ." Cái thân thể con người do Thượng Đế ban cho là rất đẹp, là "bàn tay hoả nở", là "chồi mạnh búp tơ măng, là "Người cho sao tôi giữ sạch như gương." Vậy mà, ông muốn đến "Trước Thượng đế hiền từ tôi sẽ đặt, Trái tim đau khô héo thủa trần gian, Tôi sẽ nói: "Này đây là nước mắt: Ngọc đau buồn, nguyên khối vẫn chưa tan."

Thật ra, thế kỷ ánh sáng ở Pháp đã mở ra một chân trời tự do tư tưởng, cùng với sự phát triển của khoa học thực nghiệm, đã sinh ra "chủ nghĩa hoài nghi", tin nó như Anatole France (3) và sự phê phán đạo Thiên Chúa. Sự độc đoán do giáo hội La Mã bảo hộ, dùng điều gọi là bảo vệ kinh thánh đã đi ngược lại sự tiến bộ của xã hội thời đó. Rõ ràng nhất là cuộc tranh luận về địa (cầu) tròn hay vuông. Kết quả, những người chủ trương địa (cầu) tròn theo tư tưởng của Eratosthenes (4) đều bị trừng phạt vì muốn bảo vệ chân lý. Galileo (5) bị tù cho đến chết, bị buộc không được bàn đến Thuyết Địa Tâm (đất vuông), là một học thuyết sai lầm do giáo hội La Mã chủ trương. Giáo hội có chủ trương thuyết Địa Tâm thì "Dù gì trái đất vẫn quay."

Chính sự hủ lậu, độc đoán, đàn áp và nghiêm cấm khắt khe của giáo hội La Mã là nguồn gốc tạo ra sự phản kháng và cách tân đạo Thiên Chúa bằng một cuộc cải cách tôn giáo, - nếu không muốn nói là cách mạng tôn giáo - của ông Luther và Calvin,(6) và cũng là thái độ chống đối kịch liệt của Nietzsche (7) khi ông ta nói rằng "Thượng Đế đã chết". Không nên dùng hình ảnh của Thượng Đế để mê hoặc, để che đậy những chính sách hủ lậu, lỗi thời, câu thúc, ràng buộc, ngăn chận đà tiến hoá của nhân loại. Ông là người thường viết những bài phê bình về tôn giáo và đạo đức. Tuy nhiên, mãi đến đầu thế kỷ 20, những tư tưởng của ông mới đươc xã hội Tây Âu chấp nhận và ca ngợi. Đến cuối thế kỷ 20 tư tưởng ông có ảnh hưởng đến triết học hiện đại.

Thái độ của Huy Cận có lẽ tiềm ẩn trong cả hai lĩnh vực vô thần và chống giáo hội La Mã qua hình ảnh và việc làm của những người đại diện cho giáo hội khi đến rao giảng kinh thánh, cùng với bước chân xâm lăng của thực dân Pháp đến cai trị nước ta.

Sự phản kháng của Huy Cận đối với Thượng Đế là phản kháng trên quan điểm Thượng Đế của người Tây phương chớ không trên quan điểm về Trời, về Tạo Hoá hay Ngọc Hoàng Thượng Đế của người Việt Nam.

Vậy thì quan điểm về Tạo Hoá hay Thượng Đế giữa người Âu Tây và người Việt Nam không giống nhau. Quan điểm tôn giáo của người Tây phương đòi hỏi đức tin vào một vị thiên chúa cá thể. Thượng Đế là độc nhứt vô nhị, tất cả đều là ma quỉ và đều phải quì xuống dưới chân ngài.

Từ ngàn xưa, người Việt Nam không tin vào một thiên chúa cá thể mà tin vào Trời. Trời cũng là Tạo Hoá và cũng là Ngọc Hoàng Thượng Đế. Trong quan điểm đó, giữa Trời, Thượng Đế và người không có sự cách biệt xa rời và Trời hay Tạo Hoá không có quyền năng tuyệt đối. Nếu trời có quyền năng tuyệt đối thì không bao giờ có thể "Con cóc là cậu ông Trời" (8) như trong cổ tích của ta. Nếu Trời có quyền năng tuyệt đối thì không bao giờ bà Tây Vương Mẫu có thể là vợ ông trời, và hai chàng Lưu Nguyễn chẳng bao giờ đi lạc vào Thiên Thai.

Trời, Tạo Hoá, Hoá Công tạo ra tất cả, nhưng với một dân tộc sinh tồn bằng nông nghiệp, thì sự sinh tồn đó là ưu tiên, trên hết, trước hết.
Nếu ông Trời chỉ huy một đám thần mưa, thần gió, thần nắng, thần giông, thần sét đông đảo như vậy mà không làm tròn cái chức trách tạo ra "mưa thuận gió hoà", dân chúng được mùa "no cơm ấm áo", "an cư lạc nghiệp" thì ông Trời hay Tạo Hoá vẫn bị trách cứ như thường. Trời không thể tạo ra sự đau khổ và bất công bởi vì nếu Trời làm sai, sẽ bị người trách oán ngay. "Trời làm chi cực bấy trời" như trong Kiều hay "Trời sao trời ở không cân, Kẻ ăn không hết người mần không ra." Như trong ca dao. Vì vậy, Trời không phải là vị "bất khả kháng" mặc dù có khi không chống lại được, chỉ là bẻ nạng chống trời. Người ta lắm khi bất kính với ông trời nên gọi Trời là Hoá Nhi, là Trẻ tạo dành hanh, là "Lão Tặc Thiên."

Những bài thơ nói trên (Thân Thể, Trình Bày, Nhạc Sầu) của Huy Cận chính là quan điểm phản bác tôn giáo của Huy Cận, khi ông ta cầm trái tim mình mà trả lại cho Thượng Đế, và trách oán: (Hỡi Thượng Đế tôi cúi đầu trả lại, Linh hồn tôi là một kiếp đi hoang). Trong viễn tượng đó, phủ nhận Thượng Đế là phủ nhận tôn giáo.

Nhưng với đạo Phật thì sao?
Khi Huy Cận đứng trước tượng các vị La Hán ở chùa Tây Phương thì ông ta suy nghĩ điều gì? Có phải cũng là vấn đề tôn giáo xung khắc với thân phận con người như ông ta đã từng trách oán.

Không! Không phải ông ta thiên vị hay "bênh" đạo Phật. Ở đây, ông không có quan điểm tôn giáo mà ngược lại, ông đứng trên quan điểm lịch sử dân tộc. Trả lời Hà Minh Đức về bài thơ "Các vị La Hán chùa Tây Phương", Huy Cận nói: "La Hán là những vị tu gần thành Phật, nhưng tôi thấy đây là những hình ảnh của cha ông và toàn là những hình ảnh đau khổ; tất nhiên không phải tất cả đều đau khổ, nhưng ấn tượng chung là như vậy. Tôi về ghi trong sổ tay mấy câu: "Các vị La Hán chùa Tây Phương, nỗi đau khổ của cha ông" nhưng không làm được bài thơ mặc dầu đã có những ý thơ đó."

Ý tưởng về "nỗi đau khổ của cha ông" trong dòng lịch sử dân tộc, xuất hiện trong trí ông năm 1940, khi ông đi thăm chùa Tây phuơng lần đầu. Và mãi đến: "Ngày 28 - 2 – 1960 tôi đi thăm chùa Tây Phương cùng mấy chuyên gia Trung Quốc. Bóng dáng của ông cha ta ít nhiều đã phản ánh được thời đại lúc đó. Các vị La Hán ở Trung Quốc cũng rất đẹp, công phu nhưng "khí thế đằng đằng" khác với các vị La Hán đau khổ, gầy guộc nhưng rất có thần của ta. Buổi tối về tôi viết một mạch 15 đoạn. Đây không phải là tác phẩm bàn luận về Phật giáo mà chỉ là sự thể hiện một cách cảm nhận và suy nghĩ về quá khứ của lịch sử dân tộc."

Chúng ta có thể tự hỏi: cái "Khí thế đằng đằng" là cái chi vậy?
Có phải đó là cái khí thế của Mã Viện khi đem quân qua "hỏi tội" hai bà Trưng sao dám chống lại Thiên Triều, hay cái khí thế của Trương Phụ, Liễu Thăng khi vượt qua ải Nam Quan. Và "các vị La Hán đau khổ, gầy guộc..." chính là nỗi gian khổ của một dân tộc triền miên chống lại kẻ thù từ phương Bắc.

Cái Huy Cận nói "rất có thần" đó là cái gì? Cái thần ông thấy mà không nói được, hay ông không dám nói chính là bản năng sinh tồn của một dân tộc nhỏ bé, phải luôn luôn chống cự bọn xâm lược từ phương bắc xuống để giữ nền tự chủ, và phát triển về phương nam để tìm kiếm sự sinh tồn. Chỉ có vậy, ông mới đem so sánh một cách khéo léo và tế nhị các ông La Hán ở bên Tầu với các La Hán ở chủa Tây Phương của ta.

Cái định kiến cứng nhắc của người Cộng Sản, kể cả Huy Cận là người ta không thấy được sự đồng nhất giữa đạo Phật vói Dân tộc khi nhìn vào hình tượng các vị La Hán cũng như văn hoá của người Việt Nam, khiến họ chủ trương phải tiêu diệt nó đi để xây dựng một văn hoá mới, cái gọi là Văn hoá Xã hội Chủ nghĩa.

Tuy nhiên, vấn đề nầy không đơn giản, xin hẹn với độc giả ở một bài khác vậy?!

(1) Trần Tử Ngang (651–702) Tự là Bá Ngọc, Người đất Xạ Hồng, Tử Châu (tỉnh Tứ Xuyên. Lần đầu tiên đến Trường An, Tử Ngang không được một ai biết đến. Ông liền bỏ ra một ngàn quan tiền, mua một cây đàn hồ cầm rất quí, rồi mời mọi người đến dự tiệc, nghe nhạc và nói rằng: "Tôi là Trần Tử Ngang người đất Thục, có trăm quyển văn, rong ruổi kinh sư, mà đoạ vị vẫn tầm thường giữa nơi bụi bậm, không ai biết đến. Nhạc này là của kẻ thợ hèn đâu đáng lưu tâm?" Nói đoạn ông đập vỡ cây đàn, rồi đem các cuốn văn ra tặng cử toạ. Trong một ngày tiếng tăm vang động kinh thành. Năm 684 (đời Ðường Trung Tông), Tử Ngang thi đậu tiến sĩ. Vũ hậu khen tài, bổ ông làm chức Lan đài chính tự, rồi đổi làm chức Tả thập di. Ông thường dâng sớ điều trần về đại kế quốc gia, nhưng không được Vũ hậu nghe theo. Nhân Vũ Du Nghi phụng mệnh đo đánh Khiết Ðan, ông xin ra làm tham mưu. Du Nghi không nghe kế ông, bị bại trận. Ông bèn lấy cớ cha già, xin từ quan trở về. Viên huyện lệnh tại Xạ Hồng nghe tiếng ông giàu, liền vu tội bắt giam ông. Ít lâu sau, ông chết trong tù.

Trần Tử Ngang có địa vị rất trọng yếu trên thi đàn thời Sơ Ðường. Ông có công đề xướng việc cải biến tác phong phù mỹ của các đời Tề Lương, và khôi phục phong cách các đời Hán Nguỵ. Ảnh hưởng của ông rất lớn đối với thi ca thời Thịnh Ðường cũng như phong trào vận động cổ văn thời Trung Ðường

(2) Trương Nhược Hư sinh khoảng 660 - mất khoảng 720 ở Dương Châu, nay là huyện Giang Đô, tỉnh Giang Tô; là một nhà thơ thời nhà Đường, Trung Quốc. Ông là tác giả bài Xuân giang hoa nguyệt dạ, một thi phẩm được xếp vào hàng những kiệt tác trong thơ Đường.

Trương Nhược Hư không thích danh lợi, thường ngao du khắp thiên hạ để tìm bạn thơ. Ông cùng với Hạ Tri Chương, Trương Húc, Bao Dung được người đương thời gọi là "Ngô trung tứ sĩ" (Bốn danh sĩ đất Ngô).
Trong quyển Thơ Đường, Trần Trọng San cho biết: Ở vào thời sơ Đường, thơ của Ngô trung tứ sĩ không nhiều thì ít đều kế tục di phong phù mỹ của thời Lục Triều, nên được xếp vào phái thơ Ỷ mỹ phái.

Từ điển văn học (bộ mới) cũng đã nhận xét: Phong cách thơ Trương Nhược Hư trong sáng hoa lệ, giàu chất trữ tình, có vị trí quan trọng trong sự chuyển biến thơ ca từ thời sơ Đường đến thịnh Đường.

Sáng tác của ông thất lạc gần hết, trong Toàn Đường thi chỉ ghi lại được 2 bài thơ của ông là Đại đáp khuê mộng hoàn (Đáp thay Khuê Mộng Hoàn) và Xuân giang hoa nguyệt dạ (Đêm hoa trăng trên sông xuân).
Trần Trọng Kim cho biết:

Đời vua Hậu Chủ nhà Trần ở Nam triều cùng với các nữ học sĩ và các triều thần làm thơ, rồi nhặt những bài thơ đóng thành tập gọi là Xuân giang hoa nguyệt dạ. Trương Nhược Hư lấy cái đề ấy làm bài thơ này, là một bài thơ cổ rất hay.

(3) Anatole France.

(4) Eratosthenes. Ông sinh ra tại Cyrene (ngày nay thuộc Libya), nhưng làm việc và mất tại Alexandria (Ai Cập) thời kỳ Ptolemy. Ông được nhắc tới vì đã nghĩ ra hệ thống kinh độ và vĩ độ cũng như tính toán ra kích thước của Trái Đất.

Khoảng năm 255 TCN ông đã phát minh ra hỗn thiên nghi, là thiết bị được sử dụng rộng rãi cho đến khi phát minh mô hình vũ trụ ra đời vào thế kỷ 18.

(5) Galileo. Ông là người đầu tiên sử dụng kính thiên văn để quan sát bầu trời sau khi nghe nói về chiếc kính thiên văn mới chế tạo của Hans Lippershey. Năm 1610, Galileo khám phá ra vành đai sao Thổ và cùng năm này trở thành người đầu tiên quan sát thấy 4 mặt trăng lớn của sao Mộc. Ông cũng quan sát các pha của sao Kim, nghiên cứu về vết đen trên Mặt Trời và khám phá ra nhiều hiện tượng quan trọng khác.

Sau khi thảo luận và xuất bản nhiều khám phá thu được nhờ kính thiên văn, bao gồm bằng chứng về việc Trái Đất quay quanh Mặt Trời (gọi là thuyết Nhật tâm), Galileo bị kết tội dị giáo bởi Giáo hội La Mã vì Giáo hội ủng hộ thuyết Địa tâm. Sau khi bị cấm thảo luận và in sách về lí thuyết "dị giáo", Galileo đã phản kháng và xuất bản cuốn sách "Đối thoại giữa hai hệ thống thế giới". Ông bị kết án về tội dị giáo vào năm 1633 và bị quản thúc tại nhà cho đến cuối đời. Ông mất vào năm 1642 tại nhà riêng gần Firenze.

Galileo nổi tiếng nhất với câu nói "Dù gì thì Trái Đất vẫn quay" sau khi đã bị Giáo hội buộc phải thề không thảo luận về thuyết Địa tâm nữa.

(6) Luther và Calvin. Martin Luther (Martin Luder hay Martinus Luther; 10 tháng 11 năm 1483 – 18 tháng 2 năm 1546) là nhà thần học người Đức, tu sĩ Dòng Augustine, và là nhà cải cách tôn giáo. John Calvin (10 tháng 7, 1509 - 27 tháng 5, 1564) là nhà thần học hàng đầu trong thời kỳ Cải cách Kháng Cách (Protestant Reformation), và là nhân tố chính đóng góp cho sự phát triển một hệ thống tư tưởng Cơ Đốc gọi là Thần học Calvin. Tại Geneva, Calvin lên tiếng bác bỏ thẩm quyền Giáo Hoàng và biến thành phố này thành trung tâm quảng bá thần học cải cách. Chính tư tưởng và các tác phẩm của Calvin đã khiến ông trở thành một nhân vật nổi tiếng.

(7) Friedrich Nietzsche (1844–1900) là một triết gia người Phổ. Ông bắt đầu sự nghiệp như là một nhà ngữ văn học và viết nhiều bài phê bình về tôn giáo, đạo đức, các vấn đề văn hoá đương thời. Đầu thế kỷ 20, ông đã được giới trí thức ở Đức, Pháp và Anh công nhận. Vào nửa sau của thế kỷ nầy, Nietzsche đã được xem là một nhân vật quan trọng có ảnh hưởng lớn trong triết học hiện đại, ảnh hưởng đến thuyết hiện sinh, chủ nghĩa hậu hiện đại, phân tâm học và nhiều tư tưởng khác. Nietzsche có một tuyên bố nổi tiếng rằng "Chúa đã chết", và cái chết này dẫn đến chủ nghĩa quan điểm cấp tiến

(8) "Con cóc là cậu ông Trời, Hễ ai đánh nó thì trời dánh cho." (Ca dao). Một năm trời làm hạn hán, ở hạ giới nơi nơi đều thiếu nước, người cũng như vật ta thán ông trời. Cóc bèn lên thiên đình, kiện ông trời. Đi nửa đường, gặp ong, ong hỏi chuyện. Cóc rủ ong đi kiện trời. Cóc đi theo. Lại gặp gà, ong rũ gà. Gà đi theo. Rồi lại thêm cọp, chó sói và gấu nhập bọn cùng với cóc. Đến cửa thiên đình, cóc đánh ba hồi trống. Trời cho lính ra xem thử ai. Lính bảo toàn là loài vật. Trời không cho vào. Cóc bèn phá cửa, cả bọn vào thiên đình. Thấy Ngọc Hoàng Thượng Đế đang đánh bài cùng các thần, cóc bảo: "Dưới trần đại hạn, ai ai cũng kêu than. Vậy mà trời bình tâm ngồi đánh bài được sao?" Trời cho là hỗn láo, giận quá, bèn cho lính ra bắt. Cóc sai ong bay tới đánh lính. Lính nhà trời thua chạy. Trời bèn gọi thần sấm ra. Cóc cho gà ra đánh với thần sấm. Gà mới cất tiếng gáy, thần sấm sợ chạy mất. Trời cho chó ngao ra. Cóc liền sai chó sói và gấu xông vào xé thịt chó ngao của Trời. Cuối cùng, Trời thua, bèn hỏi cóc muốn gì để Trời làm theo. Cóc nói: "Hạ giới cần nước, có nước mọi loài mới sống được, người nhà nông mới có nước làm ruộng. Tui chỉ muốn khi nào tôi nghiến răng là hạ giới cần nước thì trời phải làm mưa." Ông Trời giữ lời. Từ đó cho tới bây giờ, khi nào cóc kêu thì trời mưa.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 11 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư