Lịch sử lập hiến Việt Nam đã trải qua những bước ngoặt to lớn cùng với sự ra đời của các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001). Trong quá trình đó, chế định bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cũng từng bước được hoàn thiện, điều này thể hiện cụ thể qua từng bản Hiến pháp.
Hiến pháp năm 1946
Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Ngay sau đó, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ. Một trong sáu nhiệm vụ cấp bách đó là xây dựng và ban hành bản Hiến pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một bản Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”.
Ngày 09/11/1946, trong ngày làm việc thứ 12 Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá I đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp dân chủ rộng rãi được thể hiện ở chỗ, chủ thể được hưởng quyền dân chủ là đông đảo các tầng lớp nhân dân và nội dung của các quyền dân chủ biểu hiện ở nhiều phương diện, nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến văn hoá - xã hội... Các quyền tự do dân chủ của công dân không chỉ được ghi nhận mà còn được đảm bảo thực hiện bằng giá trị pháp lý tối cao của Hiến pháp, nhiều nguyên tắc của Hiến pháp năm 1946, nhất là những nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Về chế định bảo vệ Tổ quốc, Hiến pháp năm 1946 đã đề cập đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, như quy định tại Điều 4: Mỗi công dân Việt Nam phải bảo vệ Tổ quốc; Điều 5: Công dân Việt Nam có nghĩa vụ phải đi lính...
Tuy nhiên, Hiến pháp năm 1946 vẫn chưa hoàn toàn hoàn thiện, vẫn còn những thiếu sót và hạn chế nhất định như không có quy định về điều kiện trở thành công dân Việt Nam, chưa có chương, điều khoản quy định riêng về chế định bảo vệ Tổ quốc…
Hiến pháp năm 1959
Hiến pháp năm 1946 là một Hiến pháp dân chủ tiến bộ không kém bất kỳ một bản Hiến pháp nào trên thế giới lúc bấy giờ, nhưng so với tình hình và nhiệm vụ cách mạng mới nó cần được bổ sung và thay đổi. Vì vậy, ngày 31/12/1959, tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I đã nhất trí thông qua Hiến pháp sửa đổi và ngày 01/01/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh công bố Hiến pháp. Hiến pháp năm 1959 tuy chưa có chương riêng quy định về chế định bảo vệ Tổ quốc, nhưng cũng đã dành riêng một số điều quy định về nội dung này như:
Điều 8: Lực lượng vũ trang của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà là của nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ thành quả của cách mạng, bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ toàn vẹn và an ninh của Tổ quốc, bảo vệ tự do, hạnh phúc và sự nghiệp lao động hoà bình của nhân dân.
Điều 42: Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý nhất của công dân nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà.
Công dân có bổn phận làm nghĩa vụ quân sự để bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 1959 còn có nhiều điều luật quy định về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, như Điều 50, 63, 65, 74, 82.
Hiến pháp năm 1980
Thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975 đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc ta. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cách mạng dân tộc dân chủ đã hoàn thành trong phạm vi cả nước. Nước nhà đã hoàn toàn độc lập, tự do là điều kiện thuận lợi để thống nhất hai miền Nam, Bắc đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trước những sự kiện chính trị quan trọng làm thay đổi tình hình chính trị, xã hội và kinh tế của đất nước, Quốc hội khoá VI, tại Kỳ họp thứ 7, ngày 18/12/1980, đã nhất trí thông qua Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980. Về chế định bảo vệ Tổ quốc được quy định tại Chương IV, bao gồm 3 điều. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, vấn đề này được xây dựng thành một chương riêng trong Hiến pháp. Chương này xác định đường lối quốc phòng của Nhà nước (Điều 50), xác định nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang nhân dân (Điều 51) và việc thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự (Điều 52). Cụ thể như sau:
Điều 50. Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện và hiện đại trên cơ sở kết hợp xây dựng Tổ quốc với bảo vệ Tổ quốc, kết hợp sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân với sức mạnh của toàn dân, kết hợp sức mạnh truyền thống đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm với sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Điều 51. Các lực lượng vũ trang nhân dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ những thành quả của cách mạng, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tự do, hạnh phúc và lao động hoà bình của nhân dân, cùng toàn dân xây dựng nước nhà.
Điều 52. Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, chăm lo công nghiệp quốc phòng, huy động nhân lực, vật lực nhằm xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ đất nước.
Tất cả các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và công dân phải làm đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh do pháp luật quy định.
Ngoài ra, Hiến pháp năm 1980 còn có một số điều luật khác có quy định nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh, như các điều 9, 11, 15, 16, 19, 29, 42, 43, 48, 66…
Hiến pháp năm 1992
Sau một thời gian thực hiện, nhiều quy định của Hiến pháp năm 1980 tỏ ra không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Tình hình thực tiễn của đất nước đòi hỏi phải có một bản Hiến pháp mới, phù hợp hơn để thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Trước yêu cầu đó, Hiến pháp năm 1992 đã được Quốc hội khóa VIII, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 15/4/1992. Bản Hiến pháp được ban hành trong tiến trình đổi mới, là sản phẩm trí tuệ của toàn dân, thể hiện ý chí và nguyện vọng của đồng bào cả nước.
Chế định bảo vệ Tổ quốc được quy định tại Chương IV, bao gồm 5 điều. Về cơ bản, nội dung của Chương này giống như Hiến pháp năm 1980 là xác định đường lối quốc phòng toàn dân. Tuy nhiên, so với bản Hiến pháp trước, chương quy định về bảo vệ Tổ quốc của Hiến pháp năm 1992 có số lượng Điều luật tăng lên (02 điều), ngoài ra còn quy định bổ sung thêm về nhiệm vụ xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, dựa vào dân và làm nòng cốt cho phong trào nhân dân để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (Điều 47)… Cụ thể như sau:
Điều 44. Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân.
Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân nòng cốt là các lực lượng vũ trang nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và công dân phải làm đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh do pháp luật quy định.
Điều 45. Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và những thành quả của cách mạng, cùng toàn dân xây dựng đất nước.
Điều 46. Nhà nước xây dựng quân đội nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ hùng hậu trên cơ sở kết hợp xây dựng với bảo vệ Tổ quốc, kết hợp sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân với sức mạnh của toàn dân, kết hợp sức mạnh truyền thống đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm với sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Điều 47. Nhà nước xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, dựa vào nhân dân và làm nòng cốt cho phong trào nhân dân để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm sự ổn định chính trị và các quyền tự do, dân chủ của công dân, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản xã hội chủ nghĩa, đấu tranh phòng ngừa và chống các loại tội phạm.
Điều 48. Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân, thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, chính sách hậu phương quân đội, xây dựng công nghiệp quốc phòng, bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang, kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ và chiến sĩ, công nhân, nhân viên quốc phòng, xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ đất nước.
Ngoài những quy định trên, Hiến pháp năm 1992 còn có một số điều quy định các nội dung về bảo vệ Tổ quốc, như Điều 13 quy định Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, mọi hành vi xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đều bị nghiêm trị theo pháp luật; Điều 77: Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng, quyền cao quý của công dân, công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân…
Những quy định trên của Hiến pháp năm 1992 là căn cứ pháp lý để Nhà nước ban hành Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư... tạo thành hành lang pháp lý điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu và từ thực tiễn thi hành, theo chúng tôi, các điều khoản quy định về bảo vệ Tổ quốc trong Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đó vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế, cụ thể như sau:
Một là, chưa có điều khoản quy định khái niệm “bảo vệ Tổ quốc”;
Hai là, chưa quy định rõ lực lượng vũ trang nhân dân gồm những lực lượng nào;
Ba là, để lực lượng vũ trang thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, cần phải có quy định trong Hiến pháp nội dung tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân nói riêng và sự nghiệp quốc phòng - an ninh nói chung.
Một số kiến nghị
Trên cơ sở kế thừa các quy định về quốc phòng an ninh trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), đồng thời thể chế hoá các quan điểm của Đảng trong thời kỳ đổi mới, nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hoà bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định trong Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001), cụ thể như sau:
1. Bổ sung một điều khái niệm “bảo vệ Tổ quốc” vào đầu chương, có nội dung như sau:
“Điều 44a. Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”.
2. Tại các Điều 44, 45 và Điều 48 Hiến pháp năm 1992 có cụm từ “Các lực lượng vũ trang nhân dân”, đề nghị bỏ từ “Các” trước cụm từ trên và trong Hiến pháp cần quy định rõ “Lực lượng vũ trang nhân dân gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và dân quân tự vệ”.
3. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 2011), đã được Đại hội XI của Đảng thông qua có đoạn ghi: “Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng - an ninh”.
Để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 2011), đề nghị bổ sung một đoạn vào Điều 45 Hiến pháp với nội dung như sau: “Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chế định về bảo vệ Tổ quốc trong Hiến pháp năm 1992 là nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, quan điểm được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 2011), Nghị quyết XI của Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay; góp phần xây dựng Hiến pháp nước ta trở thành một Hiến pháp dân chủ, phù hợp với xu thế thời đại hiện nay, đảm bảo phát triển đất nước, ổn định chính trị - xã hội, thực hiện thành công mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo vệ được độc lập dân tộc, giữ vững chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.