Giữa cái xã hội đen tối, hãi hùng ấy đã “Hiện lên một cái chân dung lạc quan của chị Dậu”. Ngô Tất Tố không chỉ thấu hiểu đời sống nông thôn mà còn có tình cảm gắn bó với những người dân cày lam lũ, nghèo khổ. Ông đã dành cho nhân vật chị Dậu sự đồng cảm, xót thương và quý trọng. Ông đã viết nên những lời tốt đẹp nhất về cái chân dung lạc quan của chị Dậu. Chị Dậu cần cù chịu khó làm ăn "đầu tắt mặt tối” thế mà "cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”. Tai họa dồn dập: hai cái tang mẹ chồng và em chồng, rồi anh Dậu bị ốm nặng kéo dài mấy tháng trời, gia đình chị trở thành “cùng đinh”. Thiếu sưu, chồng bị bắt, bị đánh trói dã man. Một nách ba đứa con thơ, trong nhà không còn một hột gạo, chị Dậu tất tả ngược xuôi tìm mọi cách để cứu chồng. Chị đã phải bán gánh khoai, bán ổ chó, đứt ruột bán cái Tí lên 7 tuổi cho mụ Nghị, mới trả đủ một suất sưu cho chồng! Chị còn phải đi ở vú để trang trải “món nợ Nhà nước” cho đứa em chồng đã chết. Trước mọi tai họa, chị đã vững vàng chống đỡ.