Người dân làng làm lúa là chính, nếu có nghề khác chỉ là nghề phụ, còn làng nghề là mãi sau này mới có, khi xuất hiện thị trường và phố thị. Điều kiện sống và nếp sống hầu như không thay đổi, muôn thủa con người sống trong sự nghèo nàn. Nghèo nàn và đìu hiu, đó là hình ảnh làng xưa.
Tổ chức không gian làng theo dòng chảy tiến hóa được ấn định chặt chẽ. Điều kiện vật liệu xây dựng và kỹ thuật xây dựng hầu như không thay đổi, chỉ là tranh - tre - nứa lá, gỗ và đất nung, kỹ thuật xây dựng chủ yếu nằm trong tay bác phó mộc. Đời sống tín ngưỡng của dân làng cũng ít biến đổi, là một yếu tố đảm bảo cho làng ít biến đổi.
Thêm vào đó, điều kiện thiên nhiên và thời tiết ổn định, giờ mới thay đổi dữ dội. Tất cả những cái đó chi phối, định hình nên cấu trúc, tổ chức, quy mô không gian của làng, sắp xếp ai ở đâu, ở thế nào, nhà cửa ra sao. Mỗi hộ gia đình là một đơn vị tương đối độc lập trong một cái làng tương đối độc lập. Nhà nào, nếu không quá nghèo, chẳng có một khuôn viên rào chắn bằng cây xanh, tường đất hoặc tường gạch.
Và, hễ không đến nỗi nghèo, nhà nào cũng có cổng, có sân, có ao, có mảnh vườn, có nhà ở cấu trúc theo gian, rồi bếp núc, chỗ xay giã gạo, chuồng lợn, chuồng gà. Sau nhà thường trồng cây ăn quả, cây làm vật liệu thay thế khi sửa nhà.
Cái ao là một dạng công cụ sinh thái vạn năng. Đào ao lấy đất quật lên làm nền nhà vì đất vùng đồng bằng châu thổ thường thấp. Ao là nơi thoát nước. Ao là nơi lấy nước sinh hoạt. Ao là nơi thả cá, thả rau muống, rau cần, thả bèo, thả sen. Ao là nơi để ngâm tre, ngâm gỗ tăng độ bền cho vật liệu.
Cấu trúc đó khép kín, không có rãnh để thoát nước, nước thải ngấm xuống đất. Con người sống nhiều đời trên một mảnh đất, khép kín luôn vòng tuần hoàn sinh học, nhập vào và thải ra, hầu như không để lại dấu vết gì, bởi tất thảy đều có nguồn gốc hữu cơ.
Người nông dân sống chủ yếu quanh quẩn trong làng, chỉ khi ra khỏi đó làm ruộng, đi chợ búa hoặc khi chết. Chôn xuống đất một thời gian sau là không dấu vết. Sự luân hồi khép kín. Đất thở, sinh sôi, mà không thương tật hóa.
Làng quê ta giông giống nhau về tổng thể và khác nhau về chi tiết. Không có không gian công cộng lớn mà chỉ có sân đình, có ao, có giếng chung, có chùa, có nghè, có quán, có điếm, có nhà thờ họ… Có cổng làng và cổng xóm, có đường làng ngõ xóm.
Nhìn từ ngoài, hầu như làng nào cũng có cổng, có lũy tre, cây đa, cây gạo… Nhìn bên trong, toàn những nếp nhà mái rơm mái ngói. Cái sự nghèo bền vững sản sinh hình ảnh trật tự, hòa đồng và cả đơn điệu.