Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Nguyễn Thành Long (1925-1991) là một trong những cây bút văn xuôi nổi tiếng từ giai đoạn văn học Việt Nam hiện đại. Chuyến đi Lào Cai mùa hè năm 1970 đã giúp nhà văn cho ra đời một tác phẩm ấn tượng “Lặng lẽ Sa Pa” in trong tập “Giữa trong xanh”. Tác phẩm đã tôn lên nét đẹp vốn có của thiên nhiên Sa Pa, và đặc biệt là làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của những con người đang lặng lẽ làm việc cống hiến cho đất nước, trong đó có nhân vật anh thanh niên.
Tâm hồn anh thanh niên trẻ trước tiên đẹp ở tấm lòng yêu đời, yêu nghề, ở tinh thần trách nhiệm cao với công việc vất vả nhiều gian khổ của mình. Trong lời giới thiệu với ông hoạ sỹ và cô gái từ miền xuôi lên, bác lái xe gọi anh là “người cô độc nhất thế gian”. Đã mấy năm nay, anh “sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m bốn bề chỉ có cỏ cây và mây mù lạnh lẽo”, không có một bóng người. Công việc hàng ngày của anh là “đo gió, đo mưa, đo chấn động mặt đất” rồi ghi chép lại, gọi báo về trung tâm qua máy bộ đàm. Anh rất yêu công việc của mình dù nhiều đêm anh phải đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt “đối chọi với gió tuyết và lặng im đáng sợ”.
Thế nhưng, trong anh thanh niên bao giờ cũng là một nét lạc quan đáng nể phục. Anh quan niệm:“khi ta làm việc ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?”, “Công việc của cháu gian khổ thế đấy,chứ cất nó đi,cháu buồn đến chết mất”. Sống một mình, anh coi công việc là lẽ sống, và cũng là một người bạn giống như sách vậy. “Lúc nào tôi cũng có người để trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà”, anh không hề đơn độc mà ngược lại, anh luôn duy trì được sự lạc quan trong đời sống thường ngày. Nhờ sự lạc quan ấy mà dù có vất vả, anh vẫn hoàn thành công việc của mình rất xuất sắc. Anh có công lớn khi phát hiện đám mây khô giúp quân ta lập chiến công trên cầu Hàm Rồng. Anh cảm thấy hạnh phúc vì mình làm tốt công việc chứ không hề mong đợi được vinh danh. Sự hy sinh thầm lặng cùng tinh thần trách nhiệm của anh thanh niên thật xứng đáng được nể phục.
Tuy sống trong điều kiện thiếu thốn, công việc vất vả nhưng người thanh niên ấy vẫn ham mê công việc, biết sắp xếp lo toan cho cuộc sống riêng ngăn nắp, ổn định. Anh khéo léo, sạch sẽ và có trách nhiệm với chính cuộc sống của bản thân. Anh nuôi gà, trồng hoa, đọc sách, thỉnh thoảng anh trò chuyện cùng bác lái xe và các hành khách cho vơi bớt nỗi nhớ nhà. Khác với nhiều người sẽ cảm thấy cô đơn, anh thanh niên này thật đáng yêu ở nỗi “ thèm người ”, lòng hiếu khách đến nồng nhiệt và dành sự quan tâm đến người khác một cách chu đáo. Ngay từ những phút gặp gỡ ban đầu, sự nhiệt tình cùng lòng mến khách của anh đã gây được thiện cảm đối với người hoạ sỹ già và cô kỹ sư trẻ. Anh vui vì được đón khách, được nói chuyện, niềm vui ấy mãnh liệt đến mức nét mặt, cử chỉ của anh đều toát ra vẻ vui mừng niềm nở. Anh rất tự nhiên kể về công việc, đồng nghiệp và cuộc sống của mình nơi Sa Pa lặng lẽ. Lần gặp đầu tiên, anh hái một bó hoa rực rỡ sắc màu tặng người con gái lần đầu quen biết. Bó hoa cho cô gái, nước chè cho ông hoạ sỹ già, làn trứng ăn đường cho hai bác cháu…tuy nhỏ nhưng đó là tấm lòng chân thành của anh. Tất cả không chỉ chứng tỏ đó là người con trai tâm lý tốt bụng mà còn là kỷ niệm của một tấm lòng chân thành tận tình đáng quý.
Trong công việc đã có những đóng góp quan trọng cho đất nước nhưng người thanh niên hiếu khách và sôi nổi ấy lại luôn hết mực khiêm tốn. Anh cảm thấy đóng góp của mình chỉ là bình thường, nhỏ bé so với bao người khác. Bởi thế anh ngượng ngùng khi ông hoạ sỹ già muốn phác thảo chân dung mình vào cuốn sổ tay. Anh thấy mình chưa xứng đáng và hào hứng giới thiệu cho ông hoạ sỹ những người khác đáng vẽ hơn mình: đó là “ông kỹ sư ở vườn rau vượt qua bao vất vả để tạo ra củ su hào ngon hơn, to hơn; đó là “người cán bộ nghiên cứu sét, 11 năm không xa cơ quan lấy một ngày”. Dù còn trẻ tuổi, anh thanh niên vẫn rất nặng tình nặng nghĩa với mảnh đất và con người Sa Pa nơi đây và đồng thời thấm thía sự hy sinh thầm lặng của nhưng con người ngày đêm cống hiến cho đất nước như anh.
Với một cốt truyện khá nhẹ nhàng, tuy không có tình tiết cao trào, nhưng những chi tiết chân thực tinh tế, ngôn ngữ đối thoại sinh động, nhà văn Nguyễn Thành Long đã kể lại một cuộc gặp gỡ tình cờ mà thú vị nơi Sa Pa yên bình lặng lẽ. Tiếp xúc với anh thanh niên, người hoạ sỹ già thêm suy ngẫm về vẻ đẹp cuộc đời mà đến tầm tuổi này ông vẫn chưa hiểu hết được, cô kỹ sư trẻ âm thầm trong lòng bao cảm mến bâng khuâng và cả sự ngưỡng mộ với anh.
Qua truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, nhà văn dường như muốn nhắn nhủ các thế hệ, những con người Việt Nam đừng bao giờ quên những con người đã và đang âm thầm phấn đấu, hy sinh và cống hiến cho đất nước. Ông cũng đã làm nổi bật lên được nét đẹp phẩm chất đáng quý của họ thông qua nhân vật anh thanh niên: lạc quan, trách nhiệm, khiêm tốn và cần mẫn nhiệt tình. Thật đáng để chúng ta trân trọng, ngưỡng mộ và noi theo.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |