Nguồn là nơi xuất phát của những dòng sông, con suối, mach nước. Câu tục ngữ không chỉ nói đến việc uống nước phải nhớ đến nguồn, mà còn có ý nghĩa sâu xa. “Uống nước” hiểu rộng ra là hưởng thụ mọi thành quả, sản phẩm vật chất và tinh thần. “ Nhớ nguồn” là nhớ đến nguồn gốc, cội nguồn của những thành quả đó.Nếu nguồn là đất nước thì chúng ta không nên quên tổ tiên, nòi giống của mình. Nếu nguồn là xã hội thì ta không nên quên ơn người giúp đỡ, dạy dỗ, những người đã cống hiến hi sinh cho độc lập, tự do, cho sự tiến bộ văn minh của nhân loại. Nếu nguồn là gia đình thì ta không nên quên ơn ông bà, cha mẹ, người thân… Quả thật, “uống nước nhớ nguồn” là một thái độ sống đúng đắn. Bởi mọi thành quả trong xã hội từ vật chất đến tinh thần là kết quả của công sức lao động vất vả tạo nên. Nhớ ơn là biểu hiện sự cảm kích, ghi nhận công lao đó của người hưởng thụ thành quả, từ đó chúng ta sẽ có ý thức giữ gìn, bảo vệ thành quả, không coi thường người lao động chân tay, không có ý nghĩ “ có tiền mua tiên cũng được”. Mặc khác, một đất nước, xã hội giữ được truyền thống “ Uống nước nhớ nguồn” sẽ tạo nên nền tảng đạo đức tốt đẹp , bền vững giữa các thế hệ, giúp bảo tồn những giá trị vật chất và tinh thần của người xưa, tôn cao vẻ đẹp phẩm chất, nhân cách con người. Bài thơ “ Bếp lửa” của Bằng Việt gợi nhiều xúc động cho người đọc về tấm lòng thủy chung, luôn nhớ ơn bà của người cháu đang du học ở phương xa.Do đó, thái độ vong ân bội nghĩa, qua cầu rút ván luôn bị xã hội lên án, phê phán. Người lính trong bài thơ “ Ánh trăng” của Nguyễn Duy đã chạy theo cuộc sống vật chất tiên nghi, hiện đại mà quên đi một thời sống giản dị, chân thành gắn bó với đồng đội, nhân dân. Cũng may mà người lính đã kịp thời thức tỉnh, quay về với lối sống “ Uống nước nhớ nguồn”. Ngoài việc nhớ ơn, giữ gìn, bảo vệ thành quả xã hội, bản thân mỗi người phải biết cống hiến để người sau còn hưởng thêm thành quả mới, xã hội ngày càng phát triển, tránh hiện tượng “ Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.