Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Đọc văn bản và xác định thể thơ, phương thức biểu đạt chính của văn bản

2 trả lời
Hỏi chi tiết
3.311
2
0
Huyền Thu
06/02/2018 20:00:31
Câu 2:
Phan Bội Châu (1867 – 1940) là lãnh tụ kiệt xuất của các phong trào Duy Tân, Đông Du, Việt Nam quang phục hội đầu thế kiX. Ông là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, được 25 triệu (1) đồng bào tôn kính” (Nguyễn Ái Quốc). Cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng hết lời ca ngoại Phan Bội Châu: “Miệng giọng cuốc vạch trời kêu giật một – giữa tầng không mù cuốn mây tan – tay ngòi lông vỗ án múa chầu ba – đầy mặt giấy mưa tuôn sấm nổ.”
Năm 1905, mở đầu phong trào Đông Du, Phan Bội Châu xuất dương sang Trung Quốc, Nhật Bản tìm đường cứu nước. Trong không khí chia tay với các đồng chí trong Hội Duy Tân, Phan Bội Châu sáng tác bài “Xuất dương lưu biệt” (Lời để lại khi chia tay để ra nước ngoài) bằng chữ Hán, Tôn Quang Phiệt dịch ra tiếng Việt:
“Sinh vi nam tử yếu hi kì
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển đi
Ư bách niên trung tu hữu ngã,
Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy,
Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si.
Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi”
Dịch thơ:
“Làm trai phải lạ ở trên đời,
Há để càn khôn tự chuyển dời
Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở, há không ai?
Non sông đã chết sống thêm nhục,
Hiền thánh còn đâu học cũng choài.
Muốn vượt biển Đông theo cánh gió,
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”.
Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú, luật Đường, luật bằng vần
Mở đầu bài thơ, tác giả nêu lên quan niệm về chí nam nhi: “Sinh vi nam tử yếu vi kì, Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di”. Tôn Quang Phiệt dịch là:
“Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời”
Phan Bội Châu nêu lên quan niệm về chí làm trai mà các nhà nho trứ danh đều đồng tình. Nguyễn Công Trứ, trong bài thơ “Chí nam nhi” cũng từng nói: “Thông minh nhất nam tử, Yếu vi thiên hạ kì”. Làm đấng nam nhi trên đời này phải làm điều kì lạ, kì tích để giúp đời, giúp dân, giúp nước. Làm trai là phải tung hoành ngang dọc, dời non lấp bể:
“Há để càn khôn tự chuyển dời”
Phải là bậc hào kiệt trên đời này thì mới phát ngôn nhu vậy. Nội lực mạnh mẽ phi thường. Con người muốn tham gia vào sự vận động của vũ trụ. “Há để còn khôn tự chuyển dời” là câu hỏi tu từ vừa khẳng định vừa muốn đối thoại với hết thảy các đấng mày râu trên đời này. Nhận thức về mối quan hệ giữa con người và vũ trụ về sự tác động của con người đối với vũ trụ như vậy thật là tích cực, thật là cách mạng. Câu thơ làm thức dậy nội lực của mỗi con người để họ tham gia cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội.
Sau khi tỏ bày quan niệm về chí nam nhi, về mối quan hệ giữa con người và vũ trụ, tác giả nói về trách nhiệm của chính mình với thời đại của mình: “Ư bách niên trung tu hữu ngã, Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy”. Hai câu thơ đó được Tôn Quang Phiệt dịch là:
“Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở há không ai?”
Trong một nền văn học phi ngã (tôi) mà hiện lên một chữ “ngã” sừng sững, phải nói là “kì” (lạ)!
“Ư bách niên trung tu hữu ngã”
Nhận thức về sự hiện hữu của cái “tôi”, trách nhiệm của cái “tôi” đối với thời đại như vậy chẳng khác nào một ngọn lửa giữa đêm đông, một cây tùng giữa băng tuyết. Không phải là cái “tôi” hưởng lạc mà là cái “tôi” hành động, cái “tôi” tham gia vào sự “chuyển dời” của “càn khôn”. “Giữa cuộc sống tối tăm của đất nước lúc đó, có được một ý thức về cái “tôi” như thể, quả là cứng cỏi, là đẹp vô cùng, cũng như có được một ý thức lưu danh thiên cổ bằng sự cứu nước quả là cần thiết, là cao cả vô cùng” (Nguyễn Đình Chú).
Còn mối quan hệ giữa con người với muôn thuở thì tác giả lại đặt ra câu hỏi “Khởi thiên tài hậu cánh vô thùy?” (Sau này muôn thuở há không ai?) Hỏi nhưng thật ra là để khẳng định. Tác giả có niềm tin vào chính mình, lại càng có niềm tin vào cộng đồng, vào dân tộc. Thơ Phan Bội Châu xói vào tâm can người ta, kích thích vào ý thức trách nhiệm của mỗi con người, giục giã con người hành động, chuyển dời tự nhiên, chuyển dời xã hội. Đấy chính là thơ của một nhà cách mạng.
Sang hai câu luận, tác giả càng riết róng hơn về mối quan hệ giữa con người với non sông đất nước, giữa cuộc sống thực tại với sách vở của thánh hiền:
“Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si”
(Non sông đã chết sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài.)
Tác giả sử dụng thủ pháp nhân hóa “non sông đã chết” khiến ta cảm thấy “giang sơn” (non sông) như một sinh mệnh, thật đau lòng.
“Non sông đã chết sống thêm nhục”
Nhiều nhà Nho thức thời cũng đã nói lên nỗi nhục mất nước, nhưng chưa có nhà Nho nào nói một cách triệt để, thống thiết như vậy. Đem sự sống chết của cá nhân mà gắn liền với sự vinh nhục của non sông đất nước thì không còn nghi ngờ gì nữa, Phan Bội Châu là nhà ái quốc vĩ đại.
Sách vở của thánh hiền cũng chẳng rửa được vết nhơ nô lệ:
“Hiền thánh còn đâu học cũng hoài”
Câu thơ nguyên tác trực cảm mãnh liệt hơn “Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si”, (Hiền thánh đã vắng thì có đọc sách cũng ngu thôi). Viết như vậy thì đúng như cụ Huỳnh Thúc Kháng nói “đầy mặt giấy mưa tuôn sấm nổ”. Không nên hiểu là cụ Phan phủ định sách của thánh hiền, mà nên hiểu cụ Phan đã hành cái đạo của thánh hiền một cách sáng suốt, cái sáng suốt của một nhà cách mạng. Mà có ông Khổng, ông Mạnh, ông Lão nào dạy các đệ tử ngồi “tụng” sách của quý vị trong khi nước mất dân nô lệ đâu?
Tóm lại, từ quan niệm sống “ư bách niên trung tu hữu ngã”, trong hai câu luận, tác giả tự dồn mình vào cái thế phải xuất dương cứu nước.
Hai câu kết, tác giả thể hiện trọn vẹn chủ đề “xuất dương lưu biệt”
“Nguyện trục trường phong Đông hải khứ
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi”,
(Muốn vượt biển Đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi).
Hình ảnh đẹp, lãng mạn. “Muốn vượt biển Đông theo cánh gió”, không gian rộng lớn của biển Đông sánh với chí lớn của nhà cách mạng. Câu thơ dịch hay, xứng với tinh thần của nguyên tác. Nhưng câu kết “Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi” thì được cái tình của non nước đối với người ra đi, chứ không sát với nguyên tác.
“Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi”
(Ngàn đợt sóng bạc cùng bay lên)
Hình tượng thơ làm hiển hiện trước mắt ta hàng ngàn đợt sóng sôi réo trắng xóa, lạ là không vỗ vào bở mà “nhất tề phi” (cũng bay lên). Hình tượng vừa kì vĩ vừa thơ mộng thể hiện được tinh thần phơi phới, nhiệt huyết, thăn hoa của nhà thơ mà cũng là nhà cách mạng.
Muốn hiểu được nhà ái quốc vĩ đại Phan Bội Châu mà chưa đọc được hàng ngàn trang trước tác của cụ thì tốt hơn hết là đọc bài thơ “Xuất dương lưu biệt”. Một bài thơ nhỏ cũng cho ta thấy được chí nam nhi của người anh hùng, thấy được chí lớn muốn dời non lấp bể, thấy được ý thức trách nhiệm của cái “tôi” đối với lịch sử, với dân tộc, thấy được quan niệm sống chết, vinh nhục, thấy được hoài bão lớn lao của một nhà chi sĩ muốn cứu dân cứu nước.
“Mượn Đông du thăm hỏi bạn đồng tâm, Hương Cảng, Hoành Tân, lỏi len đường mới.
Ba tấc lưỡi mà gươm mà súng, nhà cầm quyền trông gió cũng gai ghê.
Một ngòi lông vừa trống vừa chiêng, cửa dân chủ khêu đèn thêm sáng chói.”
Đấy là mấy dòng Phan Bội Châu viết về Phan Châu Trinh, nhưng ta thấy hình ảnh của cả hai cụ Phan, hai tâm hồn yêu nước lừng danh trong lịch sử đấu tranh của dân tộc, giai đoạn đầu của thế kỉ này
(1) Đầu thế kỉ XX nước ta mới có 25 triệu dân.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
0
Su Bi Ka
06/02/2018 20:14:12
Bài làm 1
Phan Bội Châu là một nhân vật lịch sử kiệt xuất. Một người yêu nước nồng nàn tha thiết tiêu biểu cho phong trào đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Ông luôn nung nấu ý chí giải phóng dân tộc. Ông là một trong những người khai sáng con đường đấu tranh giải phóng dân tộc theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Phan Bội Châu là người khởi xướng phong trào Đông du, thành viên của Việt Nam Quang phục hội. Phan Bội Châu không xem văn chương là mục đích của cuộc đời mình. Nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng buộc ông phải cầm bút sáng tác vàn chương phục vụ cho công cuộc cách mạng. Ông là người có ý thức dùng văn chương để tuyên truyền, vận động cách mạng. Bởi vậy mà thơ văn của ông luôn nóng bỏng nhiệt tình yêu nước. Ông luôn khích lệ tinh thần và ý chí chiến đấu, vận động đông đảo đồng bào tham gia vào khối đại đoàn kết dân tộc để hợp sức đánh đuổi kẻ thù.
Sau khi Duy Tân hội được thành lập, Phan Bội Châu nhận nhiệm vụ xuất dương sang Nhật để đặt cơ sở đào tạo cốt càn cho phong trào cách mạng trong nước. Tác giả đã viết bài thơ này trong buổi chia tay với các đồng chí để lên đường sang Nhật. Với giọng thơ bay bổng và khỏe khoắn, đầy tráng khí và cảm hứng lãng mạn, góp phần thể hiện khát khao lớn lao, chí khí và quyết tâm của nhân vật trữ tình.
Bài xuất dương lưu biệt thể hiện rõ ràng tư thế hào hùng, quyết tâm hăm hở và những ý nghĩ cao cả, mới mẻ của nhà cách mạng Phan Bội Châu trong buổi đầu xuất ngoại tìm đường cứu nước. Chí làm trai của Phan Bội Châu được thể hiện rõ trong bài thơ, nó là lí trưởng sống và cũng là một hi vọng của tác giả. Cái điều lạ tác giả nhắc tới là những điều lớn lao, phi thường. Làm trai thì ắt phải chủ động làm những việc có thể xoay chuyển trời đất, không thể để cho trời đất tự thay đổi. Chí làm trai, khát vọng làm được những việc to lớn vốn được Phan Bội Châu ấp ủ, tâm niệm ngay từ rất sớm. Cái chí khí đó càng được thể hiện rõ ở những câu thơ sau. Tác giả ý thức và tự khẳng định cái tôi rất tự tin, rất có trách nhiệm và đầy tự do. Đó là cái tôi công dân đầy tinh thần trách nhiệm trước cuộc đời. Ở đây, tác giả dùng phép bình đối chỉ thời gian, giữa cái hữu hạn với cái vô hạn. Đó là nhân vật trữ tình đang tự đứng giữa cuộc đời một cách can đảm, do ý thức được sứ mệnh của mình trong lịch sử và cũng do sự thôi thúc của khát vọng lập công danh. Hai câu luận nói về sự thực nhức nhối. Cao hơn nữa thì chí làm trai với khát vọng lưu danh, đó là ý thức về nôn sông đã mất chủ quyền. Phan Bội Châu đã cho người đọc thấy được nhận định thực trạng lịch sử bằng một cái nhìn dứt khoát, cái nhìn tinh tế, tỉnh táo của ông về thời cuộc.
Tác phẩm dừng lại với những câu kết thể hiện tâm huyết và nhãn quan thực tiễn. Tác giả đã ý thức được nỗi đau mất nước và gắn liền trách nhiệm công dân với vận mệnh của đất nước. Một khi “non sông đã chết” – đất nước đã mất thì sống cũng chỉ thêm nhục mà thôi. Với nhãn quan thực tiễn, tác giả nhận thấy lối học cũ nơi “cửa Khổng sân Trình” đã lỗi thời không còn giúp gì được cho đất nước. Hai câu thơ bộc lộ thái độ quyết liệt và tình cảm đau đớn của tác giả trước thực trạng của đất nước. Thể hiện khát vọng vượt biển Đông tìm lối thoát cho đất nước, để dân tộc có một con đường tươi sáng hơn. Những câu thơ bộc lộ cảm hững khoáng đạt, tư thế hào hùng và đặc biệt là niềm lạc quan của người ra đi.
Qua bài Xuất dương lưu biệt, hình ảnh Phan Bội Châu tỏng những năm tháng đầu ra nước ngoài tìm đường cứu nước hiện lên khá đầy đủ. Đây là mọt con người có lòng yêu nước sâu sắc, ý thức sâu sắc về cái “tôi”, có khát vọng làm nên sự nghiệp to lớn, có tư thế hăm hở tự tin, có cái nhìn mới mẻ, táo bạo…Bài thơ là lời tự bạch chân thành, bản thân hình ảnh tác giả – nhân vật trữ tình của bài thơ – có tác dụng động viên khích lệ, tuyên truyền tinh thần cách mạng…
Bài thơ này còn tiêu biểu cho bút pháp Phan Bội Châu với khẩu khí của bậc anh hùng.

Bài làm 2
Trong tâm khảm của nhiều người dân Việt Nam, Phan Bội Châu (1867 – 1940) là một nhà yêu nước nồng nàn thiết tha, một nhân vật lịch sử kiết xuất, tiêu biểu cho phong trào đấu tranh giành độc lập của dân tộc mấy chục năm đầu thế kỷ XX.
Tuy không lấy văn chương làm lẽ sống, nhưng do yêu cầu của cuộc vận động cách mạng, trong hơn nửa thế kỉ cầm bút, Phan Bội Châu sử dụng cả chữ Hán lần chữ Nôm, sáng tác một khối lượng tác phẩm đồ sộ gồm hàng trăm bài thơ, bài văn và hàng chục cuốn sách bằng nhiều thể loại khác nhau. Và trên thực tế, ông đã trở thành một nghệ sĩ lớn có năng lực biểu hiện phong phú, với tấm lòng sục sôi nhiệt huyết. Chính tấm lòng này đã làm cho thơ văn tuyên truyền cách mạng của Phan Bội Châu có giá trị độc đáo, chinh phục tình cảm của người đọc, khó lẫn với bất kì một áng thơ văn nào khác.
Nghiên cứu văn chương Phan Bội Châu, không thể bỏ qua việc tìm hiểu yêu cầu đặc trưng của văn chương tuyên truyền cách mạng. Yêu cầu và cũng là tiêu chuẩn thẩm mĩ của loại văn chương này trước hết là sự nâng cao nhận thức và gây xúc động đối với người đọc. Cái hiểu ở đây phải trên tầm, có thế mới gắn được với tình cảm được. Trên tầm là ở độ khái quát bao trùm và ở độ sâu sắc, tinh vi. Văn chương tuyên truyền mà chỉ đưa đến cho người đọc cái hiểu mà không kèm theo cái cảm thì không gia nhập được vào vương quốc của văn chương. Thứ đó chỉ là văn chính trị đơn thuần. Văn chương tuyên truyền cách mạng của Phan Bội Châu đã đạt được tiêu chuẩn thẩm mĩ như trên một cách xuất sắc, nhất là ở phương diện gây cảm xúc; vì trước hết, nó là tiếng nói tâm huyết nhất, cao cả nhất, sôi trào nhất của thời đại. Câu thơ của Tố Hữu nói rất đúng bản sắc giá trị văn chương Phan Bội Châu:
Phan Bội Châu câu thơ dậy sóng.
“Dậy sóng” đây là dậy sóng cảm xúc, sóng huyết tâm. Do phần lớn những sáng tác của Phan Sào Nam xuất phát từ mục đích trực tiếp tuyên truyền cách mạng, khi phân tích thơ văn của ông nên đặc biệt chú ý tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.
Sau cái chết oanh liệt của Cao Thắng (1893) và Phan Đình Phùng (1896), phong trào Cần Vương đã thất bại. Tuy trên rừng Yên Thế, tiếng súng của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám thỉnh thoảng vẫn vang lên, nhưng thực chất giặc Pháp đã làm chủ tình thế. Dần dần, chúng đặt ách đô hộ lên cả ba kì. Đất nước ta những năm cuối thế kỉ XIX thật là sầu thảm. Câu chuyện bình Tây phục quốc tướng “chỉ là một mớ kí ức tê tái” (Đặng Thái Mai) của người Việt Nam. Nhưng rồi, nhờ truyền thống bất khuất của dân tộc, nhờ ảnh hưởng của “tâm thư” từ nước ngoài…, đến những năm đầu thế kỉ XX, cả một lớp nhà Nho đầy nhiệt huyết đã thức tỉnh với những phong trào Duy tân, Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, chống thuế ở Trung kì…Họ tập hợp nhau lại bắt liên lạc với những lực lượng chống Pháp ở trong nước. Nhiều cậu học sinh cắt nghiến nùi tóc bím trên đầu và quyết tâm đoạn tuyệt với lối học cử tử để đi tìm lí tưởng mới. Họ thoát li gia đình và xuất dương, đi Tàu, đi Nhật, đi Xiêm. Tất cả chí hướng của thế hệ trí thức yêu nước đều nhắm vào mục tiêu vĩ đại: “Khôi phục nước nhà”.
Trong bối cảnh ấy, năm 1905, Phan Bội Châu cùng với Tiểu La Nguyễn Thành thành lập tổ chức Duy Tân hội, Phan Bội Châu chia tay bè bạn sang Trung Quốc và Nhật Bản tranh thủ sự giúp đỡ của họ đối với phong trào cách mạng trong nước.
Vào buổi chia tay, Phan Bội Châu đã sáng tác bài thơ Xuất dương lưu biệt bằng chữ Hán theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Bản dịch in trong sách giáo khoa của Tôn Quang Phiệt, nói chung tương đối sát, tuy vậy, có lẽ một vài từ ở câu thứ hai, và đặc biệt câu thứ tám chưa làm nổi bật tinh thần nguyên bản.
Bài xuất dương lưu biệt thể hiện rõ ràng tư thế hào hùng, quyết tâm hăm hở và những ý nghĩ cao cả, mới mẻ của nhà cách mạng Phan Bội Châu trong buổi đầu xuất ngoại tìm đường cứu nước.
Hai câu đề nhà thơ thể hiện một lí tưởng sống, một hi vọng: Là nam nhi thì phải làm được “điều lạ”. “Điều lạ” tức là điều lớn lao, phi thường. Làm trai thì ắt phải chủ động làm những việc có thể xoay chuyển trời đất, không thể để cho trời đất tự chuyển vận “Há để càn khôn tự chuyển dời”. Ý tưởng táo bạo này có lần đã được tác giả nhắc đến: “Giang sơn còn tô vẽ mặt nam nhi – Sinh thời thế phải xoay nên thời thế” (Chơi xuân).
Thực ra, chi làm trai, khát vọng làm được những việc to lớn vốn được Phan Bội Châu ấp ủ, tâm niệm ngay từ rất sớm. Trong tác phẩm Tự thuật Phan Bội Châu niên biểu, ông kể lại: “Từ lúc bé đọc sách hiểu được ít nhiều nghĩa lí vẫn không thiết gì sống theo thói thường như người xung quanh”, ông rất thích hai câu thơ của nhà thơ Trung Quốc – Viên Mai (116 – 1797):
Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch
Lập thân tối hạ thị văn chương.
(Dịch: Bữa bữa những mong ghi sử sách – Lập thân hèn nhất ấy văn chương).
Chí làm trai của Phan Bội Châu đặc biệt được thể hiện rõ vào thập niên đầu của thế kỉ XX khi cụ Phan có điều kiện xuất dương cứu nước.
Chí làm trai là một trong số nội dung thường được nhắc đến trong văn học phong kiến:
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.
(Thuật hoài – Phạm Ngũ Lão)
Làm trai dặm ngàn da ngựa,
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.
(Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm dịch)
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
(Đi thi tự vịnh – Nguyễn Công Trứ)
Tạm gác quan niệm “nam nữ tôn ti”, nội dung chí làm trai nói trên có những điểm rất đáng trân trọng, giúp cho nhiều người lập nên nhiều công tích vang dội có ích cho xã hội. Nói riêng đối với trường hợp Phan Bội Châu, thực hiện chí nam nhi chính là chủ động tiến hành sự nghiệp cứu nước thoát khỏi ách nô lệ. Trong hoàn cảnh ra đời của bài thơ, như đã trình bày ở phần trên, việc khẳng định chí nam nhi có ý nghĩa to lớn.
Tiếp đến hai câu thực, Phan Bội Châu nhấn mạnh đến vai trò của đấng nam nhi:
Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở há không ai?
Theo quan niệm của người xưa, một đời người là 100 năm; do đó, “giữa khoảng trăm năm” chính là chỉ cuộc sống hiện tại. Còn “ngàn năm sau” là nói đến lịch sử, nói đến tương lai. Câu đầu của phần thực, người dịch chuyển chữ “ngã” thành chữ “tớ”. “Tớ” nói được cái hăm hở, lạc quan, trẻ trung nhưng làm mất đi sự trịnh trọng, đường hoàng, không thật phù hợp với nội dung chung của đoạn thơ: Long trọng tuyên bố về một lẽ sống, một tư thế vào đời của đấng tu mi nam tử. Hơn nữa, câu thơ dịch thanh thoát, đọc êm tai, nhưng lại làm mất đi âm điệu chắc nịch, nói theo lối “đinh đóng cột” của tác giả. Đọc hai câu thơ trên, ban đầu dễ tưởng cách nói cảu cụ Phan có chút ngông nghênh tự phụ, nhưng thực ra cách nói ấy lại phù hợp với việc bộc lộ ý thức sâu sắc về cái “tôi” cá nhân tích cực. Cái “tôi” này chẳng những khẳng định trách nhiệm đối với hiện tại (vận mệnh hôm nay của đất nước), mà còn có nghĩa vụ đối với lịch sử dân tộc, để được lưu danh muôn đời. Như vậy, hai câu thơ ở phần này tiếp tục nhấn mạnh nội dung chí làm trai ở hai câu đề: Chí làm trai thể hiện khát vọng to lớn của tác giả, tự nguyện thực thi nhiệm vụ trọng đại mà lịch sử giao phó cho thế hệ Phan Bội Châu. Ở đây, người đọc có thể nhận thấy cảm hứng táo bạo, tư thế hiên hang, ý thức sẵn sàng chấp nhận mọi hi sinh gian khổ vì sự nghiệp cứu nước của người chiến sĩ trong buổi đầu xuất dương.
Ý tưởng này chúng ta có thể thấy rõ hơn ở hai câu luận:
Giang sơn tủ hĩ sinh đồ nhuế
Hiền thánh hiêu nhiên tụng diệc si.
Nghĩa là:
Non sông đã chết, sống thỉ nhục,
Hiền thánh đã vắng thì đọc sách cũng ngu thôi!
Hơn ai hết, Phan Sào Nam thấm thía sâu sắc nỗi nhục nhã của người dân mất nước, và ông có cách nói mới mẻ đầy tâm huyết gây ấn tượng sâu đậm cho người đọc “Non sông đã chết”. Non sông đất nước được ví như con người. Khi chủ quyền đất nước không còn, thì giống như con người đã chết. HÌnh hài vẫn đó, nhưng tâm hồn đã mất. Sống trong một đất nước đã chất, là một nỗi nhục lớn lao. (Có lẽ chính xuất phát từ quan niệm nêu trên nên một số chí sĩ cách mạng thế hệ Phan Bội Châu thường nói đến việc Chiêu hồn nước (Phạm Tất Đắc), Tỉnh quốc hồn ca (Phan Châu Trinh), Kêu hồn nước (Nguyễn Quyền) hi vọng “hồn đi ròi chắc hồn về rày mai”…Trong hoàn cảnh đã nêu làm cho người khác thấy được nỗi nhục, thấm thía nỗi nhục là điều cần thiết. Bởi lẽ, không thấy được nỗi nhục thì sao tính đến chuyện rửa nhục? Phan Bội Châu nói bằng tất cả nhiệt huyết và sự cổ vũ sâu xa.
Để rửa nỗi nhục này, mặc dù là người xuất thân từ gia đình nhà Nho, có nhiều gắn bó với đạo Khổng sân Trình, thấm nhuần sâu sắc Kinh, Thư nhưng ông sớm nhận ra sách thánh hiền không còn có ích gì trước bối cảnh của thời đại và của đất nước “Hiền thánh còn đâu học cũng hoài”. Biết phủ nhận những tín điều, biết tách mình khỏi quá khứ…chứng tỏ một cái nhìn táo bạo, một dự cảm mới mẻ của Phan Bội Châu.
Nói về cá nhân mình, nhưng Phan Bội Châu cũng thể hiện được lí tưởng sống, quan niệm nhân sinh sáng suốt của cả một thế hệ, một thời đại.
Hai câu kết của bài thơ:
Nguyễn trực trường phong Đông hải khứ
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.
Nghĩa là:
Muốn vượt bể Đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.
Hai câu luận bộc lộ cảm hứng khoáng đạt, tư thế hào hùng, đặc biệt là niềm lạc quan – “nét tâm lí vĩ đại” (Đặng Thái Mai) của người ra đi. Tiếc rằng lời dịch câu thơ cuối cùng đã phần nào làm mất đi cái lãng mạn, bay bổng của câu thơ trong nguyên tác “Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi”, chưa phù hợp với giọng điệu chung của bài thơ.
Qua bài Xuất dương lưu biệt, hình ảnh Phan Bội Châu tỏng những năm tháng đầu ra nước ngoài tìm đường cứu nước hiện lên khá đầy đủ. Đây là mọt con người có lòng yêu nước sâu sắc, ý thức sâu sắc về cái “tôi”, có khát vọng làm nên sự nghiệp to lớn, có tư thế hăm hở tự tin, có cái nhìn mới mẻ, táo bạo…Bài thơ là lời tự bạch chân thành, bản thân hình ảnh tác giả – nhân vật trữ tình của bài thơ – có tác dụng động viên khích lệ, tuyên truyền tinh thần cách mạng…
Bài thơ này còn tiêu biểu cho bút pháp Phan Bội Châu với khẩu khí của bậc anh hùng.
Cảm nhận bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu – Bài làm 2 Hoàn cảnh ra đời của bài thơ Xuất dương lưu biệt là những năm đầu thế kỷ XX, đất nước ta đã mất chủ quyền, hoàn toàn lọt vào tay thực dân Pháp. Tiếng trống, tiếng mõ Cần Vương đã tắt, báo hiệu sự bế tắc của con đường cứu nước theo tư tưởng phong kiến do các sĩ phu lãnh đạo. Phan Bội Châu lúc này mới ba mươi tám tuổi, là hình ảnh tiêu biểu của một thế hệ cách mạng mới, quyết tâm vượt mình, bỏ qua mớ giáo lý đã quá lỗi thời của đạo Khổng để đón nhận tư tưởng tiên phong trong giai đoạn, mong tìm ra bước đi mới cho dân tộc, nhằm tự giải phóng mình. Phong trào Đông du được nhóm lên cùng với bao nhiêu hy vọng…
Bài thơ đã thể hiện rất sinh động tư thế, ý nghĩ của Phan Bội Châu trong buổi xuất dương tìm đường cứu nước. Hai câu đề nói rõ nhận thức của nhà thơ về chí làm trai – một nhận thức làm cơ sở cho mọi hành động:
Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời.
Thực ra chí làm trai chẳng phải đến bây giờ mới được Phan Bội Châu khẳng định. Trước đó, trong thơ trung đại, ta vẫn thấy Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Công Trứ nhắc đến (ở các bài Thuật hoài, Chí nam nhi). Nhưng điều đó không có nghĩa là ở bài thơ của Phan Bội Châu, lý tưởng nhân sinh kia đã mất đi sự mới lạ, thôi thúc. Nó chính là điều nung nấu bao năm của tác giả bây giờ được nói ra, trước hết như lời tự vấn, tự nhủ, tự mình nâng cao tinh thần mình: đã làm trai là phải làm nên chuyện lạ, đó là trời đất không để "tự chuyển dời". Đây là một tư tưởng táo bạo, cách mạng đối với người xuất thân từ cửa Khổng sân Trình trong thời điểm ấy. Với hai câu thực, nhà thơ tiếp tục khẳng định tư thế của kẻ làm trai giữa vũ trụ và trong cuộc đời:
Trong khoảng trăm năm cần có tớ,
Sau này muôn thuở, há không ai ?
Ý thức về cái "tôi" đã hiện lên rõ ràng, không rụt rè, dè dặt. Đó là nhân vật trữ tình đang tự đứng giữa cuộc đời một cách can đảm, do ý thức được sứ mệnh của mình trong lịch sử và cũng do sự thôi thúc của khát vọng lập công danh. Hai câu luận nói về sự thực nhức nhối:
Non sông đã chết sống thêm nhục,
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài.
Đến hai câu này, ta cũng thấy nổi lên ý chí làm trai với khát vọng lưu danh theo một nội dung mới, đó là ý thức về non sông đã mất chủ quyền, "hiền thánh" thần tượng một thuở giờ còn đâu nữa. Hai câu thơ nhận định thực trạng lịch sử bằng một cái nhìn dứt khoát. "Hiền thánh còn đâu học cũng hoài" – đây quả là một câu thơ thể hiện khí thế sục sôi của Phan Bội Châu, cho thấy cái nhìn tỉnh táo của ông về thời cuộc.
Hai câu kết của bài thơ có cái khí thế gân guốc và ý thức được sự ra đi một cách sôi trào, đầy dũng khí:
Muốn vượt biển Đông theo cánh gió,
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.
"Vượt biển Đông" là cách nói có vẻ khoa trương nhưng đó là hành động sắp diễn ra. Người ra đi trong niềm hứng khởi vô biên "muôn trùng sóng bạc" tiễn chân như một yếu tố kích thích. Đó chính là bạn đồng hành trong cuộc ra đi hùng tráng này.
Xuất dương lưu biệt là một khúc hát lên đường. Đề tài có tính chất truyền thống, nhưng tư tưởng lại rất mới mẻ. Bài thơ mang âm hưởng lạc quan nên đã khiến cho cảm xúc thể hiện trong bài thơ có chiều sâu, có sức gợi cảm mạnh mẽ. Đây là tráng ca của một vị anh hùng mà suốt đời không hề biết mệt mỏi trong hành động cứu nước thương dân.

Bài làm 3
Phan Bội Châu (1867-1940) vốn tên là Phan Văn San, biệt hiệu Sào Nam, người làng Đan Nhiễm, nay thuộc thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông là một trong những ngọn cờ của phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam trong khoảng những năm 20 của thế kỉ XX. Ông nổi tiếng thần đồng, mười ba tuổi đỗ đầu huyện, mười sáu tuổi đỗ đầu xứ, 33 tuổi đỗ Giải nguyên trường Nghệ An.
Ông luôn nung nấu ý chí giải phóng dân tộc. Ông là một trong những người khai sáng con đường đấu tranh giải phóng dân tộc theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Phan Bội Châu là người khởi xướng phong trào Đông du, thành viên của Việt Nam Quang phục hội. Năm 1925, ông bị thực dân Pháp bắt định thủ tiêu bí mật nhưng bị bại lộ, thực dân Pháp xóa án chung thân cho ông và đưa về giam lỏng ở Bến Ngự (Huế). Ông mất tại Huế vào năm 1940.
Phan Bội Châu không xem văn chương là mục đích của cuộc đời mình. Nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng buộc ông phải cầm bút sáng tác vàn chương phục vụ cho công cuộc cách mạng. Ông là người có ý thức dùng văn chương để tuyên truyền, vận động cách mạng. Bởi vậy mà thơ văn của ông luôn nóng bỏng nhiệt tình yêu nước. Ông luôn khích lệ tinh thần và ý chí chiến đấu, vận động đông đảo đồng bào tham gia vào khối đại đoàn kết dân tộc để hợp sức đánh đuổi kẻ thù.
Ông có nhiều đóng góp, cách tân đối với loại hình sáng tác mang tính chất tuyên truyền cổ động. Các tác phẩm chính: Bái thạch vi huynh phú (1897), Việt Nam vong quốc sư (1905), Hải ngoại huyết thư (1906), Ngục trung thư (1914), Trùng Quang tâm sử (1921-1925), Văn tể Phan Cháu Trinh (1926), Plian Bội Châu niên biểu (1929).
Sau khi Duy tân hội được thành lập, nàm 1905, Phan Bội Châu nhận nhiệm vụ xuất dương sang Nhật để đặt cơ sở đào tạo cốt càn cho phong trào cách mạng trong nước. Tác giả đã viết bài thơ này trong buổi chia tay với các đồng chí để lên đường sang Nhật.
Lưu biệt khi xuất dương được sáng tác theo thể thơ Đường luật, một thể thơ cổ được du nhập từ Trung Quốc. Thể thơ này có bố cục và niêm luật chặt chẽ, bao gồm các phần:
Hai câu đề: Quan niệm của Phan Bội Châu về chí làm trai, làm trai là phải dời non lấp bể, phải làm thay đổi vận mệnh chứ không nên để cho trời đất tự chuyển dời, phải làm thay đổi vận mệnh chứ không nên để cho trời đất tự chuyển dời được. Tức là theo tác giả, làm trai phải gánh vác việc nước. Quan niệm đó đã được nâng lên thành lí tưởng nhân sinh thể hiện ý chí của tác giả.
Hai câu thực: tác giả ý thức và tự khẳng định cái tôi rất tự tin, rất có trách nhiệm và đầy tự do. Đó là cái tôi công dân đầy tinh thần trách nhiệm trước cuộc đời. Ở đây, tác giả dùng phép bình đối chỉ thời gian, giữa cái hữu hạn với cái vô hạn: “Trong khoảng trăm năm/Sau này muôn thuở, nhằm nói sự nghiệp cứu nước là sự nghiệp mang tầm cỡ lưu danh thiên cổ. Dó không chi là trách nhiệm của người đương thời mà còn là của cả hậu thế.
Hai câu luận: Đây là hai câu thơ thể hiện tâm huyết và nhãn quan thực tiễn. Tác giả đã ý thức được nỗi đau mất nước và gắn liền trách nhiệm công dân với vận mệnh của đất nước. Một khi “non sông đã chết” – đất nước đã mất thì sống cũng chỉ thêm nhục mà thôi. Với nhãn quan thực tiễn, tác giả nhận thấy lối học cũ nơi “cửa Khổng sân Trình” đã lỗi thời không còn giúp gì được cho đất nước. Hai câu thơ bộc lộ thái độ quyết liệt và tình cảm đau đớn của tác giả trước thực trạng của đất nước.
Hai câu kết: Thể hiện khát vọng vượt biển Đông tìm lối thoát cho đất nước, để dân tộc có một con đường tươi sáng hơn.
Toàn bộ bài thơ thể hiện vẻ đẹp trong tư thế hiên ngang của tác giả, thể hiện nhiệt tình và ý chí quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Phan Bội Châu – của nhà cách mạng lớn. Đó là tình yêu nước nồng cháy, thiết tha không phải ai cũng có được.
Bài thơ mang đặc trưng nghệ thuật của thể thơ Đường luật: niêm luật chặt chẽ, đối rất chỉnh.
Giọng thơ bay bổng và khỏe khoắn, đầy tráng khí và cảm hứng lãng mạn, góp phần thể hiện khát khao lớn lao, chí khí và quyết tâm của nhân vật trữ tình.
Bài thơ thể hiện chí làm trai và sự hăm hở tìm đường cứu nước của Phan Bội Châu nhưng đó cũng chính là lời kêu gọi toàn thể nhân dân đồng bào hãy đứng lên làm nhiệm vụ cứu nước. Tác giả kêu gọi các đấng nam nhi hãy từ bỏ sách thánh hiền, từ bỏ lối học cũ đế gánh vác nhiệm vụ cứu nước. Vì một khi nước đã mất thì sách thánh hiền cũng vô nghĩa. Bước vào những năm đầu của thế kỉ XX, sau những thất bại liên tiếp của phong trào vũ trang chống Pháp, một nỗi bi quan thất vọng đè nặng tâm hồn người Việt Nam yêu nước. Tâm lí buông xuôi, an phận có nguy cơ phát triển. Bài thơ ra đời như một hồi chuông thức tỉnh có ý nghĩa lớn đối với tinh thần đấu tranh của toàn dân tộc ta.
 

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 11 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500K