Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Đến với Chuyện cổ tích về loài người, Xuân Quỳnh đã lí giải cho người đọc về nguồn gốc của loài người một cách độc đáo mà thú vị:
“Trời sinh ra trước nhất
Chỉ toàn là trẻ con
Trên trái đất trụi trần
Không dáng cây ngọn cỏ
Mặt trời cũng chưa có
Chỉ toàn là bóng đêm
Không khí chỉ màu đen
Chưa có màu sắc khác”
Đầu tiên là sự ra đời của loài người. Đó là khi trái đất vẫn còn trần trụi, không có một dáng cây hay ngọn cỏ. Ánh sáng của mặt trời cũng chưa xuất hiện, chỉ toàn là bóng đêm. Trời đã sinh ra trẻ em đầu tiên - đây chính là cách lý giải nguồn gốc có phần trái ngược với thực tế.
Sau đó, tác giả lại lí giải cho người đọc về sự ra đời của mọi vật. Tất cả bắt nguồn từ trẻ em. Đôi mắt của trẻ em rất sáng nhưng chưa thể nhìn thấy gì, vì vậy mặt trời xuất hiện cho trẻ con nhìn rõ. Để giúp trẻ con nhận biết màu sắc thì cây mới có màu xanh, hoa mới có màu đỏ. Không chỉ màu sắc mà còn có âm thanh được trẻ con cảm nhận khi loài chim được sinh ra với tiếng hót. Dòng sông, biển cả, đám mây, con đường ra đời cũng là để phục vụ cuộc sống của trẻ con. Qua việc lí giải này, người đọc thấy được tình yêu thương sâu sắc của nhà thơ dành cho trẻ em.
Không chỉ là thiên nhiên, mà trẻ em cần có được tình yêu thương của những người thân trong gia đình. Đầu tiên là sự ra đời của mẹ:
"Nhưng còn cần cho trẻ
Tình yêu và lời ru
Cho nên mẹ sinh ra
Để bế bồng chăm sóc”
Người mẹ ra đời đem đến cho trẻ em nhiều tình yêu thương, sự chăm sóc. Trẻ con cần có bàn tay dịu dàng chăm sóc, lời hát ru ngọt ngào của người mẹ. Bởi vậy mà mẹ xuất hiện để đem đến tình yêu thương bao la. Những câu thơ được mở đầu bằng chữ “từ” nhằm khẳng định nguồn gốc ra đời của lời ru. Thế mới thấy được tình cảm mẫu tử thiêng liêng.
Không chỉ mẹ, người bà ra đời để giúp cho trẻ em hiểu hơn về văn hóa của quê hương, đất nước:
"Biết trẻ con khao khát
Chuyện ngày xưa, ngày sau
Không hiểu là từ đâu
Mà bà về ở đó
Kể cho bao chuyện cổ…”
Qua những câu chuyện đó, điều mà bà muốn gửi gắm đó chính là cội nguồn và văn hóa của dân tộc, hướng đến cách sống hiền lành, lương thiện.
Thời gian qua đi, trẻ con ngày càng lớn khôn. Trí tuệ cũng ngày càng phát triển. Chính vì vậy, bố đã sinh ra để dạy cho trẻ con nhiều điều bổ ích trong cuộc sống:
“Muốn cho trẻ hiểu biết
Thế là bố sinh ra
Bố bảo cho biết ngoan
Bố dạy cho biết nghĩ
Rộng lắm là mặt bể
Dài là con đường đi
Núi thì xanh và xa
Hình tròn là trái đất…”
Nhờ “bố bảo”, “bố dạy” mà trẻ em “ biết ngoan”, “biết nghĩ”. Con người mở rộng tầm hiểu biết, ngày một khám phá mọi sự vật, mọi hiện tượng xung quanh. Không chỉ vậy, khi cuộc sống ngày càng phát triển, trường học đã ra đời. Đó chính là biểu hiện của một xã hội văn minh. Lớp, trường, bàn, ghế, cái bảng, cục phấn, chữ viết, ông thầy.. là những biểu tượng thể hiện sự thay đổi kỳ diệu cuộc sống loài người trên trái đất ngày một văn minh.
Như vậy, Xuân Quỳnh đã đem đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc qua bài thơ Chuyện cổ tích về loài người. Chúng ta thấy được tình yêu thương, cũng như thông điệp rằng hãy chăm sóc và nâng niu trẻ em mà nhà thơ muốn gửi gắm.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |