Cũng như ngày quốc tế phụ nữ 8/3, ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20/10, là một ngày lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh phụ nữ, được tổ chức vào ngày 20/10 hàng năm ở Việt Nam. Đây là ngày rất đặc biệt vì phụ nữ sẽ được cả xã hội quan tâm, ngợi ca và bày tỏ niềm kính trọng. Một ngày "bù đắp" cho những vất vả của những người mẹ tảo tần, những người vợ đảm đang, những người vun vén dựng xây tổ ấm gia đình. Có thể không cần phải nói, nhiều người cũng hình dung ra vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ thời hiện đại: là người nội trợ chính trong gia đình, người lao động kiếm tiền ngang bằng với nam giới, là những nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của xã hội, là người gánh vác trách nhiệm sinh nở, cùng nuôi dạy con cái trưởng thành. Thành đạt hơn, đảm đang hơn, tự tin hơn và xinh đẹp hơn - đó là hình dung về những phụ nữ Việt Nam của thế kỷ 21. Tuy nhiên, trong lịch sử loài người, không phải lúc nào người phụ nữ cũng được xã hội tôn vinh, quý trọng như ngày nay.
Vào buổi bình minh của loài người, con người chủ yếu sống nhờ hái lượm nên người phụ nữ có vai trò hết sức đặc biệt trong gia đình và xã hội. Khi đó, phụ nữ là người làm chủ gia đình, chủ dòng họ, là người có vai trò lớn lao đối với đời sống kinh tế - xã hội, cũng như đời sống tinh thần. Người Việt Nam ta luôn tự hào về nguồn gốc con rồng cháu tiên, về truyền thuyết Mẹ Âu Cơ sinh trăm trứng nở trăm con. Mẹ Âu Cơ và Bố Lạc Long Quân đã chia nhau đưa năm mươi con lên rừng, năm mươi con xuống biển, thành nhân dân miền núi và miền xuôi bây giờ. Công lao to lớn của Mẹ Âu Cơ đã được truyền tụng hàng ngàn đời nay ở vùng đất Tổ (Phú Thọ) chứng tỏ mẹ là người “mang nặng đẻ đau” và cũng là người khai sáng văn hóa dân tộc.
Trong xã hội phong kiến, vai trò và vị trí của người phụ nữ không còn được coi trọng và đề cao như trong thời kỳ mẫu hệ, thậm chí tại một số nước người phụ nữ còn bị coi rẻ, bị khinh thường hay bị chèn ép bằng những hủ tục phong kiến hà khắc. Đó là chiếc khóa trinh tiết thời trung cổ, là tục bó chân của phong kiến Trung Hoa hay tục cái chết danh dự của người Ấn Độ…
Do có vị trí địa lý đặc biệt nên văn hóa Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ nền văn hóa Trung Hoa và Đông Nam Á cổ. Nhưng người Việt vẫn giữ được một nền văn hóa đặc sắc, mang đặc trưng riêng biệt của nền văn minh lúa nước, như tôn kính tổ tiên, tôn trọng các giá trị cộng đồng và gia đình, lao động cần cù và hiếu học. Chính vì vậy, người phụ nữ Việt Nam không bị trói buộc bởi nhiều lễ giáo hà khắc, không bị truất bỏ mọi quyền hành trong gia đình và xã hội như phụ nữ ở nhiều quốc gia phong kiến khác. Ở Việt Nam người phụ nữ vẫn là người tham gia đầy đủ vào tất cả các khâu lao động trong xã hội và gia đình. Cũng giống như chồng, người phụ nữ Việt Nam xưa có tài sản riêng và tham gia các hoạt động kinh tế. Đây chính là điều khác biệt với người phụ nữ Trung Quốc phải phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình chồng. Trong lao động, người phụ nữ được trả công ngang bằng với người thợ nam, "không có sự phân biệt về tiền công nhật cho lao động đàn ông với đàn bà". Điều 23 trong "Quốc triều hình luật" quy định tiền công nhật cho nô tỳ là 30 đồng. Việc trả công ngang bằng như thế rõ ràng cho thấy lao động của phụ nữ được đánh giá cao và vị trí của người phụ nữ được tôn trọng trong xã hội. Trong hôn nhân, người phụ nữ cũng có thể yêu cầu ly hôn (đâm đơn kiện). người bình dân Việt Nam dù có bị ý thức hệ nho giáo chi phối vẫn chủ yếu sống với tâm thức thờ Đạo Mẫu. Tức là dành tình cảm đặc biệt cho người phụ nữ - người mẹ. Người Việt Nam nói "công cha" câu trước thì "nghĩa mẹ" là câu sau. Đặt "thờ mẹ" trước cả "kính cha". Số các bài ca dao, dân ca về tình cảm đối với mẹ nhiều gấp bội các bài nói về cha.
Ngày nay, trong một xã hội văn minh, người phụ nữ đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Phụ nữ không chỉ giỏi trong công việc nhà mà còn tích cực tham gia và gặt hái nhiều thành công rực rỡ trong các lĩnh vực xã hội. Trong số 499 người trúng cử ĐBQH khóa XV, có 151 đại biểu là nữ, chiếm tỷ lệ 30,26%. Đây là lần thứ hai tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đạt trên 30% (lần đầu tiên là Quốc hội khoá V, đạt 32,31%). Lần đầu tiên từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá VI trở lại đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt trên 30%. Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực của Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định: Các nữ đại biểu Quốc hội tham gia ngày càng tích cực trong các hoạt động của Quốc hội, tiếp tục khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của người đại biểu nhân dân. Tính đến nay cũng đã có 102 phụ nữ được bầu hoặc được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng như ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên trung ương, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư hoặc phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh... Bên cạnh đó là hàng loạt nhà khoa học nữ, doanh nhân nữ đang ngày càng khẳng định tài năng và vị trí trong lĩnh vực của mình.
Nhận thức rõ vai trò của phụ nữ, đặc biệt là vai trò của đội ngũ cán bộ nữ trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và các cấp uỷ đảng các cấp tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm đến công tác cán bộ nữ; nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII), chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang xác định công tác cán bộ nữ là trách nhiệm của toàn Đảng bộ, của các cấp, các ngành, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm của tổ chức hội liên hiệp phụ nữ các cấp từ tỉnh đến cơ sở, của bản thân phụ nữ. Sự quan tâm đến công tác cán bộ nữ được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khoá XIV, XV, XVI. Cụ thể hoá nghị quyết, các cấp uỷ đảng đã xây dựng các chương trình hành động, xây dựng và thực hiện nghiêm túc kế hoạch đào tạo, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cán bộ nữ.
Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp uỷ từ cơ sở đến cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 hầu hết đều vượt yêu cầu Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị và cao hơn nhiệm kỳ trước. Cấp ủy tỉnh: cán bộ nữ 21,43%; Cấp ủy huyện: cán bộ nữ 21,15%; cấp ủy cơ sở: cán bộ nữ 35,12%. Theo đó, được quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, quy hoạch cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp. Theo đánh giá của Ủy ban Bầu cử các cấp, so với nhiệm kỳ trước chất lượng đội ngũ cán bộ nữ ứng cử nhiệm kỳ này có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt về năng lực, trình độ, độ tuổi. Các cán bộ nữ đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên khẳng định chính bản thân mình, đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tham mưu kịp thời với cấp ủy, chính quyền các giải pháp hữu hiệu nhằm cụ thể hóa, đưa chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung và của tỉnh nói riêng sớm đi vào cuộc sống.