Sau khi tiêu diệt nhà Tùy, nhà Đường tiếp tục sửa sang chế độ hành chính và sự phân chia châu quận, tiếp tục cai trị An Nam. Cho đến giữa thế kỷ IX, nhà Đường có biến loạn; một hào trưởng người Hồng Châu là Khúc Thừa Dụ, năm 905 nổi lên. Khúc Thừa Dụ đánh đuổi quan lại và binh lính nhà Đường, chiếm giữ phủ thành, xưng Tiết độ sứ, năm 906, nhà Đường phải công nhận. Năm sau, nhà Đường mất.
Trong lúc họ Khúc đang tìm cách xây dựng chính quyền tự chủ ở An Nam, ở miền Nam Trung Quốc, Tiết độ sứ Quảng Châu là Lưu Nham đã cát cứ, dựng nước Nam Hán, ở phía Bắc là nhà Lương. Năm 917, Khúc Thừa Mỹ kế nghiệp Khúc Hạo, sai sứ sang nhà Lương xin quy phục, hành động này làm Nam Hán nổi giận. Vua Nam Hán là Lưu Cung sai Lý Khắc Chính đem quân sang, bắt được Khúc Thừa Mỹ, Nam Hán chiếm giữ An Nam.
Năm 931, Dương Đình Nghệ phát binh từ Ái Châu ra bắc đánh bại quân Nam Hán, xưng là Tiết độ sứ. 7 năm sau, năm 937, Dương Đình Nghệ bị nha tướng của mình là Kiều Công Tiễn giết, cướp quyền, thần phục Nam Hán. Được tin Kiều Công Tiễn phản nghịch và thấy việc quy phục nước Nam Hán là nguy hại cho cuộc tự chủ mà họ Khúc và họ Dương đã xây dựng nền móng, Ngô Quyền, là nha tướng và con rể của Dương Đình Nghệ, lúc ấy đang cai quản Ái Châu, phát binh tiêu diệt Kiều Công Tiễn.