Rễ lan
Họ lan bao gồm các cây thân thảo, sống lâu năm, sống ở đất, vách đá hoặc sống phụ, sống hoại…
Khi sống ở đất, chúng thường có củ giả, rễ mập và xum xuê hoặc có chân rễ bò dài hay ngắn. Tuy nhiên, nét độc đáo của họ lan là lối sống phụ ( bì sinh) bám, treo lơ lửng trên các thân cây gỗ khác. Hoa lan phát triển thân rễ nạc dài, ngắn, mập hay mảnh mai ( tuỳ thuộc vào từng loài) đưa cơ thể bò đi xa hay chụm lại thành các bụi dày. Hệ rễ phát triển nhiều hay ít phụ thuộc vào hình dạng chung của cơ thể. Nhiều loài lan rất nhỏ bé, hình dạng xấu xí, khó khăn lắm mới nhận được chúng trong kẽ nứt của vỏ cây gỗ, trên các cành, nhánh cao tít. Hệ rễ cũng nhỏ, đan thành búi, ngược lại ở các loài phong lan có kích thước lớn hay trung bình, hệ rễ khí sinh phát triển rất phong phú, mọc rất dài, mập, khoẻ vừa giữ cho cơ thể khỏi bị gió làm lung lay, vừa làm cột chống đỡ cho thân vươn cao.
Để làm nhiệm vụ hấp thu dinh dưỡng, chúng được bao bọc bởi một lớp mô hút dày, ẩm, bao gồm những lớp tế bào chết chứa đầy không khí. Với lớp mô xốp đó, rễ không những có khả năng hấp thu nước mưa chảy dọc trên vỏ cây mà còn lấy được nước lơ lửng trong không khí (sương sớm hay hơi nước).
Nhiều loài có hệ rễ đan, bện chằng chịt, là nơi thu gom mùn để làm nguồn dự trữ chất dinh dưỡng cho cây. Ngược lại, có loài mọc bò dài, hệ rễ có khi buông thõng xuống theo các đoạn thân, cứng hoặc mảnh mai, treo lơ lửng trong không khí kéo dài xuống tận đất và hoạt động phá rễ của cây khác . Ở một số loài lan có thân, lá kém phát triển (thậm chí tiêu giảm hoàn toàn) hệ rễ phá triển dày đặc và kiêm nhiệm luôn cả vai trò quang hợp. Rễ có dạng dẹt, bò rất dài, màu xanh như lá.
Đặc biệt các loài phong lan sống hoại, bộ rễ có hình dạng, cấu trúc khá độc đáo. Nó có dạng búi nhỏ với những vòi hút ngắn, dày đặc để lấy được dinh dưỡng từ những đám xác thực vật thông qua hoạt động của nấm. Tuy nhiên, có một ít loài tuy sống hoại, nhưng cây có thể dài đến vài chục mét, nó có khả năng leo, bò rất cao.