Vòng đời của bướm luôn hấp dẫn các bé khi bắt đầu tìm hiểu về thế giới động vật bởi vì loài bướm có vòng đời thật kỳ vĩ.
Bướm còn là một động vật phổ biến và gần gũi với các bé. Bé có thể bắt gặp bướm ở vườn nhà, ngoài sân trường hay trong công viên... Chắc chắn bé sẽ thắc mắc : bướm có răng không ? bướm hay ăn gì? bướm ngủ ở đâu? hay bướm sinh ra như thế nào?...
Bướm có răng không ?
Bướm không có răng nên chúng chỉ ăn được những thức ăn dạng lỏng.
Bướm hay ăn gì ?
Bướm hay xuất hiện trong các vườn hoa. Vậy chúng ăn mật hoa? Đó chỉ là một trong các loại thức ăn của bướm. Ngoài mật hoa thì bướm còn ăn nhiều loại thức ăn khác để bổ xung dưỡng chất cho cơ thể mà khi biết sẽ khiến các bé rất bất ngờ: Thỉnh thoảng bé sẽ thấy bướm đậu trên bùn, chất thải, trên người hay những bãi nước tiểu của các động vật khác, đấy chính là những thức ăn bổ sung các chất thiết yếu để nuôi cơ thể của bướm. Thật khó tin khi loài bướm xinh đẹp như vậy lại khoái khẩu các món thức ăn đó phải không các bé ?
Bướm ngủ ở đâu ?
Bướm xuất hiện ban ngày, nhất là những ngày nắng ấm, còn khi đêm xuống, nhiệt độ giảm làm các loài bướm di chuyển khó khăn nên trông như chúng đang ngủ, nhưng không phải vậy đâu. Bướm thường ngủ vào buổi chiều, chúng treo mình ngủ bên dưới những chiếc lá hay một nơi yên tĩnh nào đó.
Bướm sinh ra như thế nào ?
Vòng đời của bướm bao gồm 4 giai đoạn, từ lúc đẻ trứng đến khi trưởng thành và kéo dài trong khoảng một tháng, nhanh hay chậm tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường và nguồn thức ăn.
Vòng đời của bướm bắt đầu từ trứng. Sau khi bướm cái giao phối cùng bướm đực, bướm cái sẽ chọn những cây mà ấu trùng bướm (sâu bướm) có thể ăn được và đẻ trứng lên các lá non, hoặc cành cây.
Trứng sẽ nở thành ấu trùng (Sâu bướm) sau 3 đến 6 ngày tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường. Ở hầu hết các loài bướm, sau khi nở sâu bướm sẽ ăn vỏ trứng vì chúng chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết để sâu bướm phát triển, tiếp theo chúng sẽ ăn lá cây để phát triển. Trong quá trình phát triển, chúng phải trải qua nhiều lần lột xác. Sau mỗi lần lột xác, sâu bướm sẽ to hơn.
Sau khoảng hai tuần, sâu bướm sẽ dệt một chiếc kén và đính nó vào mặt dưới của lá hoặc thân cây, sau đó nó sẽ treo mình ở đó và lột xác lần cuối cùng để tạo thành nhộng. Giai đoạn nhộng là thời điểm sự chuyển đổi bên trong xảy ra mạnh mẽ nhất mặc dù nó không thể di chuyển và ăn trong suốt thời gian này. Nó tập trung cho việc tái thiết cơ thể thông qua những quá trình sinh hóa chuyển đổi sâu bướm thành bướm.
Khi sự biến đổi đã hoàn thành, con bướm sẽ nghỉ ngơi trong kén, giai đoạn này kéo dài khoảng 10 ngày. Đến thời điểm phù hợp con bướm trưởng thành sẽ tự chui ra khỏi chiếc kén. Trong vài giờ đầu tiên nó sẽ bơm máu vào các tĩnh mạch trong cánh để mở rộng chúng. Sau khi cánh của nó đã khô và mở rộng hoàn toàn, bướm trưởng thành bắt đầu bay đi tìm kiếm bạn tình. Con cái và con đực có thể giao phối nhiều lần trong đời. Khi giao phối hoàn tất, con cái đẻ trứng và một vòng đời mới lại bắt đầu để sinh ra một thế hệ bướm tiếp theo...