Hợp tác là yêu cầu tự thân của cuộc sống Để tồn tại và phát triển, từ bao đời nay, mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng dù muốn hay không vẫn không ngừng hợp tác với nhau để chinh phục thiên nhiên hay giải quyết các vấn đề xã hội. Thực tế lịch sử cho thấy có nhiều cộng đồng mặc dù thiếu tài nguyên nhưng vẫn phát triển rất nhanh và ngược lại nhiều cộng đồng sở hữu nguồn tài nguyên phong phú nhưng vẫn rơi vào tình trạng trì trệ, kém phát triển. Nguyên nhân dẫn đến thành công thì có nhiều nhưng có thể nói rằng, tất cả các cộng đồng rơi vào tình trạng biệt lập đều kém phát triển, nghèo nàn và lạc hậu còn những cộng đồng phát triển đều biết hợp tác và hiện hợp tác ở mức độ rất cao với các cộng đồng khác. Điều cần nói là xã hội loài người hiện đã phát triển đến trình độ cao, với sự xuất hiện của nền kinh tế tri thức và xã hội tri thức, con người không thể tiếp tục hợp tác một cách rời rạc và nhiều khi là do tình thế thúc ép như trước nữa. Ngày nay, hợp tác không chỉ là nhu cầu tăng thêm sức lực hoặc trí lực để hoàn thành những mục tiêu chung, mà quan trọng hơn do mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng đang ngày càng phụ thuộc vào nhau hơn bao giờ hết, vì vậy nhu cầu hợp tác đã trở nên bức thiết với mọi cá nhân và cộng đồng. Cự tuyệt hợp tác hoặc thiếu khả năng hợp tác đồng nghĩa với trì trệ và kém phát triển. Cuộc sống mới đòi hỏi phải nhận thức lại vai trò và khả năng hợp tác như là một giải pháp chủ yếu để nhân loại chung sống và phát triển. Hợp tác như là triết học nhân văn hiện đại Trong lịch sử đã từng có những triết học về sự sinh tồn, chẳng hạn như thuyết Darwin xã hội, các tư tưởng cực đoan của chủ nghĩa Quốc xã, đưa ra luận điểm rằng để sinh tồn một cá nhân hoặc cộng đồng này phải loại trừ cá nhân hoặc cộng đồng khác. Thậm chí đã có thời người ta chủ trương rằng để phát triển giai cấp này phải tiêu diệt giai cấp kia. Về thực chất đó là triết học của chia rẽ và loại trừ, ủng hộ một thực thể này chống lại một thực thể khác. Triết học này không là gì khác ngoài sự biện minh cho các cuộc chiến tranh và thực chất là thứ triết học chống lại con người. Triết học sai lầm này đã đưa nhiều cộng đồng vào ngõ cụt và mang lại những hậu quả bi thảm trong lịch sử nhân loại. Thực tế cho thấy mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng tồn tại và phát triển không phải bằng sự loại trừ cá nhân và cộng đồng khác (những đối thủ) mà ngược lại phải biết hợp tác hiệu quả nhất với cá nhân và cộng đồng khác (những đối tác). Theo chúng tôi, nhân loại cần một triết học mới, triết học về Hợp tác, bởi bản chất của tự nhiên là hợp tác chứ không phải chia rẽ và loại trừ. Triết học về hợp tác chính là triết học của hòa bình và phát triển, nó giúp cho mỗi cộng đồng biết cách cùng nhau chung sống và kiến tạo tương lai và vì vậy có thể nói triết học về hợp tác chính là triết học nhân văn hiện đại. Để lý giải vấn đề quan trọng là tại sao khả năng hợp tác của một cá nhân hay một cộng đồng nào đó lại kém hơn so với các thực thể khác, chúng ta cần tiếp tục xem xét bản chất của Hợp tác dưới góc độ triết học của nó. Năng lực hợp tác - tiêu chuẩn thẩm mỹ hàng dầu của con người hiện đại Một cộng đồng nào đó mong muốn hợp tác với chúng ta trước hết vì quyền lợi riêng của họ, để thu hút họ chúng ta phải trở nên hấp dẫn, phải chứng tỏ rằng các cộng đồng đối tác sẽ được lợi nếu họ hợp tác với chúng ta. Cái gì làm nên sự hấp dẫn của một cộng đồng? Về bản chất sự hấp dẫn của mỗi thực thể là cái đẹp của chính thực thể ấy. Trong tự nhiên, hương sắc của một bông hoa cũng như vẻ đẹp giới tính của các loài tạo nên vẻ hấp dẫn với đối tác. Tương tự như vậy mỗi cộng đồng cần có vẻ đẹp để hấp dẫn các cộng đồng khác - thực vậy, các đối tác sẽ không muốn hợp tác với chúng ta nếu chúng ta thiếu năng lực hợp tác, tức là chúng ta thiếu hấp dẫn, năng lực hợp tác là tiền đề để mỗi cộng đồng chủ động hợp tác với nhau, cùng tham gia giải quyết các vấn đề chung của nhân loại. Vẻ đẹp của cộng đồng không là cái gì khác mà chính là năng lực hợp tác của chính cộng đồng đó, nó hấp dẫn các cộng đồng khác khiến họ xích lại gần nhau, muốn hợp tác và hợp tác có hiệu quả với nhau. Năng lực hợp tác của cộng đồng chủ yếu nằm trong nền văn hoá mở của nó. Nhiều quan điểm cực đoan luôn nhấn mạnh quá đáng các yếu tố dị biệt về văn hoá của cộng đồng mình và coi đó là những "bản sắc cao quý". Theo chúng tôi, điều làm cho các cộng đồng tin cậy và hợp tác hiệu quả với nhau chủ yếu vì nền văn hoá của họ có cái chung, tức cái phổ biến chứ không phải cái dị biệt. Một nền văn hoá mở là nền văn hoá sẵn sàng chấp nhận và tiếp thu các yếu tố văn hoá tích cực của cộng đồng khác. Ngày nay mỗi dân tộc phải ý thức và biết cách làm cho nền văn hoá của dân tộc mình thành nền văn hoá mở. Các nhà văn hoá lớn của dân tộc như Nguyễn Trãi, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về vấn đề này, trong khi kiên quyết chống xâm lược vẫn cổ vũ xây dựng một nền văn hoá mở, tiếp thu các tinh hoa văn hóa của các cộng đồng khác. Thực tế là các cộng đồng có nền văn hoá mở đều phát triển thuận lợi và ngược lại những cộng đồng có nền văn hoá kém tính mở, khu trú và dị biệt đến cực đoan đều sa lầy trong lạc hậu và kém phát triển. Lịch sử cho thấy các chính sách "bế quan toả cảng" của các quốc gia Châu Á nhu Trung Quốc, Việt Nam trong các thế kỷ trước đã dẫn tới hậu quả thảm hại như thế nào. Con người ngày nay không còn đơn độc, thụ động như những thế kỷ trước, nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật, không gian của mỗi con người và cộng đồng đã trở nên rộng mở. Năng lực hợp tác không còn được năm một cách thô thiển như khả năng cùng hành động giữa các cá nhân hoặc các cộng đồng để tiến hành những công việc mà mỗi cá nhân hoặc cộng đồng đơn lẻ không thể tự hoàn thành. Ngày nay con người đã sáng tạo ra nhiều máy móc giúp con người vượt qua được những hạn chế về cơ bắp cũng như trí tuệ hữu hạn của con người riêng lẻ, nghĩa là mỗi cá nhân và cộng đồng ngày nay đã mạnh lên gấp bội, nhưng chúng ta vẫn cần và phải hợp tác chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết. Năng lực hợp tác đã ctrở thành vẻ đẹp, thành đạo đức, lối sống của con người trong xã hội hiện đại. Năng lực hợp tác nằm trong tính văn hoá mở của cộng đồng, đặc trưng của thời đại. Khả năng hợp tác được coi như thước đo phẩm chất văn hoá cá nhân và cộng đồng, năng lực hợp tác là cái đẹp lớn nhất của con người. Nâng cao năng lực hợp tác Muốn hợp tác thành công đương nhiên mỗi cá nhân và cộng đồng phải biết cách hợp tác và nâng cao năng lực hợp tác. Đâu là nguyên nhân cản trở năng lực hợp tác của các cộng đồng đang phát triển? Theo chúng tôi nguyên nhân chủ yếu là tâm lý, lối sống của người sản xuất nhỏ đi kèm với nó là nền văn hoá kém tính mở của các cộng đồng này. Về mặt bản chất tâm lý của người sản xuất nhỏ thường coi nhẹ tính hợp tác, họ không thấy được thời thế đã thay đổi quá nhiều và con người cần hành động khác đi cần khôn ngoan, thực tế hơn. Nền văn hoá kém tính mở thường làm các cộng đồng kém phát triển mặc cảm và dễ dị ứng với đối tác, đồng thời cũng làm chính các cộng đồng ấy trở nên kém hấp dẫn trước con mắt của đối tác. Muốn hợp tác có hiệu quả phải có sự hiểu biết sâu sắc và thông cảm giữa các đối tác, nền văn hoá mở là chìa khoá của vấn đề này: Vì vậy bản chất của vấn đề nâng cao năng lực hợp tác là xây dựng một nền văn hoá mở, tức là một nền văn hoá biết cách tiếp nhận và chung sống với các nền văn hoá khác. Để xây dựng nền văn hoá mở, chúng ta phải xây đựng nền văn hoá của cộng đồng mình hướng tới những giá trị chung của văn hoá nhân loại, chúng ta phải thể hiện để các cộng đồng khác cảm nhận rằng, về bản chất chúng ta giống họ chứ không phải chúng ta khác họ và đó cũng là tiền đề để các cộng đồng hợp tác tất cùng nhau. Lịch sử đã sang trang mới, các cộng đồng hiện gắn bó và phụ thuộc vào nhau hơn bao giờ hết. Với những thành quả khoa học kỹ thuật, nhân loại có thể vượt qua những trở ngại về không gian và thời gian vốn hàng ngàn đời nay hạn chế chúng ta để giao lưu, học hỏi, hợp tác với nhau về mọi phương diện. Hợp tác là triết học quan trọng nhất để kiến tạo hiện tại và tương lai, hay nói khác đi nó trở thành triết lý để sống và phát triển của toàn nhân loại.