Thế giới loài người đang tiếp tục đối mặt với covid 19 .Đại dịch bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) và lan rộng ra khắp các châu lục, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội, sức khỏe và tính mạng của người dân nhiều quốc gia trên thế giới. Không ai có thể ngờ rằng đại dịch có thể ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu. Đại dịch kéo dài với quy mô lớn hơn nhiều so với dự báo. Cùng với sự xuất hiện và tàn phá của đại dịch là những thay đổi trong thói quen sinh hoạt thường ngày trong bối cảnh kinh tế-xã hội bị tác động mạnh. Doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, đóng cửa, thậm chí phá sản, công nhân và người lao động mất việc. Nông dân bị tổn thất kinh tế do nông sản không thu hoạch hoặc không có thị trường tiêu thụ kịp thời. Các hoạt động vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn đóng cửa. Học sinh, sinh viên không có kỳ nghỉ hè trọn vẹn, trải qua một mùa tựu trường khác thường và phải theo học trực tuyến. Công việc và thu nhập bị giảm sút, nỗi lo sinh kế, cơm áo gạo tiền đè nặng khiến sức khỏe người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Ngay trong thời kỳ giãn cách xã hội, sự căng thẳng do bị hạn chế đi lại, không biết dịch bệnh khi nào chấm dứt có thể làm tăng nguy cơ tổn thương đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Trong khi đó áp lực làm việc online, làm việc “ba tại chỗ”, không được “thông chốt”, phải xa gia đình, con cái cùng với những thông tin tiêu cực về dịch bệnh khiến cho nhiều người căng thẳng, rối loạn lo âu. Cuộc sống mọi người bị bó buộc so với trước đây như quy định thường xuyên đeo khẩu trang, hạn chế ra đường, không tập trung đông người, không tiếp xúc gần với người khác, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội. Cách ly tại nhà, chờ đợi tiêm vắc-xin khiến không ít người khó chịu, căng thẳng kéo dài dẫn đến trầm cảm, suy sụp tinh thần. Những phản ứng tiêu cực như thách thức, lăng mạ, đe dọa, xúc phạm, chống đối, thậm chí hành hung lực lượng chức năng làm nhiệm vụ ở chốt kiểm soát dịch bệnh có thể là biểu hiện liên quan đến những bất ổn về sức khỏe tinh thần.