Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
“Nhàn” là một quan niệm nhân sinh vô cùng sâu sắc. Nguyễn Bỉnh Khiêm chọn lối sống này cốt để giữ cho tâm hồn được thanh cao, không vẩn đục, không tranh giành quyền lực. Sống “nhàn” là cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên đối lập hẳn với cuộc sống quan quyền trong xã hội phong kiến.
Nguyễn Bỉnh Khiêm từ bỏ chốn quan trường triều Mạc về quê dạy học và sống nhàn tản, sống hòa hợp với tự nhiên, giữ cốt cách thanh cao vượt lên trên danh lợi. Quan niệm sống nhàn của vị Trạng Trình ấy được thể hiện qua bài thơ " Nhàn" viết bằng chữ Nôm, rút trong tập "Bạch Vân quốc ngữ thi". " Nhàn" là quan niệm sống, là lời tâm sự về cuộc sống, sở thích cá nhân.
Sau khi dâng sớ vạch tội và xin chém đầu 18 lộng thần nhưng vua không chấp nhận, Nguyễn Bỉnh Khiêm cáo quan về quê dạy học, sống nhàn như một "lão nông tri điền thực sự". Cuộc sống thuần hậu, nhàn tản diễn ra hàng ngày với:
" Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào".
Nhịp điệu thơ thong thả như chính nhịp sống giữa thôn quê yên bình với "mai", "cuốc", "cần câu". Điệp từ "một" chỉ số đếm cụ thể lần lượt liệt kê ra các danh từ chỉ công cụ lao động bình dị kết hợp với nhịp thơ 2/2/2 đã tạo ra tâm thế sẵn sàng, chu đáo trong lao động. Từ láy "thơ thẩn" phác họa cho ta thấy tư thế an nhiên, tự tại và cuộc sống thuần hậu, chất phác của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đại từ phiếm chỉ "ai" nói về mọi người mải lo "vui thú nào" trái ngược với ông chỉ thích quanh đi quẩn lại với những thú vui thiên nhiên, cây cỏ không chút bận lòng với công danh, phú quý ở đời. Tâm trạng thanh thản, an nhàn và thú vui tao nhã, thanh cao với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông- mùa nào thức ấy.
" Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao".
Cuộc sống đạm bạc từng ngày trôi qua vô cùng thư thái với những món ăn quê mùa, dân dã "măng trúc", "giá" do sức lao động của mình làm ra, cùng với nếp sinh hoạt bình thường, giản dị "tắm hồ sen", " tắm ao". Nghệ thuật liệt kê ở hai câu thơ đã khắc họa bức tranh tứ bình về cuộc sống đạm bạc mà thanh cao với bốn mùa có những đặc trưng riêng. Từ ngữ bình dị, dân dã như lời khẩu ngữ tự nhiên, hệt như cách nói của một lão nông thực sự chứ không phải là của một vị từng làm quan. Thú vui thanh nhàn nhưng không làm mất đi vẻ đẹp nhân cách và trí tuệ sáng ngời.
" Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao".
Dại- khôn ở đời là cách nhìn của mỗi người, bởi nước luôn chảy xuống thấp còn con người luôn muốn hướng lên cao mà đi. Ở hai câu thơ này, ta thấy được hai cách sống trái ngược giữa "ta" và "người". So sánh tương phản và biện pháp đối: dại- khôn, vắng vẻ- lao xao đã chỉ ra sự đối lập giữa nhân cách - danh lợi và Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chọn giữ lại cốt cách thanh cao, theo đuổi quan niệm sống nhàn, nhàn thân và nhàn tâm mặc người chốn quan trường bon chen, tranh giành. Đi ngược với thói đời thông thường, ông lánh đục tìm trong, tìm về "nơi vắng vẻ", nơi không người cầu cạnh và cũng không cần đi cầu cạnh người. Quê nhà thanh tịnh và an nhiên giúp ông tìm được sự thư thái, thảnh thơi của tâm hồn và giữ được sự thanh cao của nhân cách. Mặc người chọn "chốn lao xao" nơi quan trường bon chen, sát phạt, nơi xô bồ chỉ có quyền lực và bạc tiền, không có tình người. Cái "dại" của "ta" là cái "dại" của một bậc đại trí, thấu triệt lẽ thịnh suy, vong tồn của thời cuộc, sống trọn vẹn từng ngày thanh thản, nhàn nhã theo tự nhiên. Cái "khôn" của "người" là chấp nhận dấn thân vào "chốn lao xao" để tìm lợi ích cho bản thân, u mê giữa thời thế nhưng người cứ bon chen, bị cuốn theo vòng danh lợi. "Người' nhìn cho "ta" là "dại" nhưng chắc gì "ta dại" và "người khôn"? Vị Trạng Trình của một thời làm quan dưới triều Mạc tự nhận mình là "dại" nhưng rất tỉnh táo trong lựa chọn cách sống. Cách nói đùa vui, ngược nghĩa làm giọng thơ trở nên hóm hỉnh, sâu cay nhưng chứa đựng một tầm nhìn sáng suốt, nổi bật lên vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bài thơ là cách ông nhận ra cái khôn-dại thực sự ở đời.
Sống thanh cao và chan hòa với tự nhiên là quan niệm sống nhàn xuyên suốt bài thơ. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chọn cách sống ngược lại với người đời, ông đứng bên ngoài nhìn thói đời bon chen, ngươi lừa, ta gạt để tranh giành phú quý. Bài thơ " Nhàn"làm nổi bật nhân cách, trí tuệ sáng ngời, một quan niệm sống phù hợp với hoàn cảnh xã hội có nhiều biểu hiện suy vong thời bấy giờ. Mỗi thời mỗi khác, nhưng quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong hoàn cảnh ấy rất đáng quý, đáng được trân trọng, ngợi ca.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |