Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Bình luận về câu nói Khách hàng là thượng đế

3 trả lời
Hỏi chi tiết
2.539
0
0
Jing Yi Haeng
25/01/2018 15:19:24

Có lẽ câu nói: “khách hàng là thượng đế” đã không còn xa lạ với mỗi người chúng ta dù bạn ở cương vị là người bán hay người mua. Hầu hết mọi doanh nhân của các quốc gia trên thế giới đều nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của khách hàng bởi xét cho cùng “ tiêu dùng là đích đến cuối cùng và mục tiêu của mọi ngành sản xuất.”

Nói đến Thượng đế, chúng ta đều nghĩ ngay đến một vị thần quyền năng nắm trong tay quyền lực vĩ đại. Vậy khách hàng thực sự có quyền năng như một vị thần tối cao ? Đối với kinh doanh thì đúng là như vậy. Trong lĩnh vực kinh doanh, các nhà kinh doanh dù lớn hay nhỏ đều đi đến cái đích cuối cùng làmang các sản phẩm, dịch vụ của mình đến được tay người tiêu dùng-khách hàng. Số lượng khách hàng của một doanh nghiệp hay cửa hàng quyết định thành bại trong sự phát triển của nó. Bạn đã bao giờ nhìn thấy một cửa hàng có rất ít khách hàng, thậm chí là không có khách, có thể tồn tại được lâu ? Mục đích của kinh doanh chính là lợi nhuận. Lợi nhuận của thể giúp các doanh nghiệp, thương buôn,… phát triển, đi cùng với đó là cơ hội kiếm thêm thu nhập của rất nhiều con người. Lợi nhuận được sinh ra từ đâu? Không khó để chúng ta hiểu rằng nguồn khách hàng tỷ lệ thuận với lợi nhuận. Chính vì thế, chúng ta không thể phủ nhận được tầm quan trọng của khách hàng
Không chỉ có vậy, khách hàng là thước đo chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Số lượng khách hàng và sự phản hồi, bình luận được đóng góp từ phía khách hàng vừa là lời động viên, vừa là sự phê bình, vừa là những giải pháp giúp các nhà kinh doanh tự hoàn thiện một cách tốt nhất. Hiểu sâu sắc được điều này, đa phần các doanh nghiệp cho rằng : khách hàng là ưu tiên số một. Là một người bán hàng, chúng ta nên nhìn từ góc nhìn của khách hàng, quan tâm đến mong muốn của khách hàng, luôn suy nghĩ cho khách hàng .Nếu có thể làm tốt điều này, họ nhất định sẽ được khách hàng tin tưởng, sự nghiệp của họ nhất định sẽ có nền tảng vững chắc.

Một minh chứng rõ ràng cho việc coi khách hàng như thượng đế phải kể đến, đó là các doanh nghiệp Nhật Bản. Ở Nhật Bản, đối với người tiêu dùng, chỉ cần họ muốn mua hàng là có thể mua được ở bất kì đâu, và bất kì lúc nào. Chương trình mua trả góp được áp dụng với những khách hàng không đủ tiền mua sản phẩm, nếu khách hàng quá bận rộn sẽ có người đưa đến tận nơi, nếu không biết sử dụng, chỉ cần một cú điện thoại là chủ cửa hàng sẽ cử người đến tận nơi lắp đặt, chạy thử và hướng dẫn cách sử dụng. Ông Yoshida Tadao, người sáng lập công ty khóa kéo YKK đã từng nói: “ Không suy nghĩ cho lợi ích của khách hàng thì không thể làm ăn phát đạt.” Trên thế giới hiện nay, các phương thức chăm sóc khách hàng chu đáo như của người Nhật vẫn đang được phát triển và mở rộng. Nhà kinh doanh ở châu Âu gọi khách hàng là vua, “ Thần Tài”là cách người Trung Quốc gọi khách hàng, các doanh nghiệp vẫn luôn thể hiện với khách hàng sự toàn tâm toàn ý và luôn lắng nghe ý kiến của khách hàng.

Khách hàng luôn được ưu ái và coi trọng là thế, vậy nên khi ở cương vị là một khách hàng được hưởng rất nhiều quyền ưu đãi từ doanh nghiệp và sự nhún nhường từ các nhân viên bán hàng, hãy là một nhà tiêu dùng thông minh và lịch sự. Thực tế chứng minh rằng, các “thượng đế” biết mình được đối xử như thượng đế mà có những thái độ và hành vi không mấy tích cực. “Khách hàng là Thượng đế” không có nghĩa là khách hàng luôn đúng. Việc bạn sử dụng tiền để mua sản phẩm và sử dụng dịch vụ không đồng nghĩa với việc bạn được quyền cư xử thô lỗ và quá đáng với những người cung cấp sản phẩm hay dịch vụ đó. Hành động của chính khách hàng đối với nhà cung cấp đôi khi còn thể hiện họ có thực sự là một “thượng đế” hay không?

Khi khách hàng và doanh nghiệp xảy ra mâu thuẫn, người tiêu dùng luôn chiếm lợi thế hơn về mình và được bảo vệ bởi nhiều hiệp hội, trong khi doanh nghiệp lại ít được bảo vệ bởi các cơ quan chức năng. Chúng ta không thể đổ lỗi cho các nhà kinh doanh khi không làm theo mọi yêu cầu của khách hàng. Doanh nghiệp, các nhà bán hàng hay nhân viên có thực sự có lỗi chỉ vì khách hàng không biết tắt một chiếc máy tính bị nhiễm vi rút ? Việc máy tính bị nhiễm vi rút là do chất lượng của sản phẩm hay do bản thân người tiêu dùng bất cẩn. Đó là chưa kể đến việc họ sử dụng ngôn từ không mấy thiện cảm, thái độ gay gắt để chỉ trích người bán hàng dù cho rất nhiều sai sót bắt nguôn từ phía họ.

“Khách hàng là thượng đế” là câu nói từ lâu đã in sâu vào văn hóa thương mại. Doanh nghiệp lấy khách hàng làm trọng, luôn đặt những lợi ích và sự hài lòng của khách hàng lên trên hết. Quan niệm này đúng nhưng vẫn chưa thật hoàn thiện. Khách hàng còn là bạn đồng hành cùng doanh nghiệp. Chỉ như vậy, đôi bên mới cùng có lợi và kinh doanh mới có thể thành công.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
0
Jing Yi Haeng
25/01/2018 15:25:14

Từ trước tới nay, mỗi khi nhắc đến chuyện mua bán, trao đổi hàng hóa nói chung người ta thường có câu “Khách hàng là thượng đế”. Trong thời buổi kinh tế thị trường như ngày nay, một số người chưa nhận thức rõ ý nghĩa của nó khiến cho câu nói không còn hiểu đúng như lẽ vốn dĩ.

Câu nói trên liên quan trực tiếp tới các ngành nghề kinh tế nói chung, nhất là với những người làm dịch vụ. Khách hàng là những cá nhân hay tổ chức mà doanh nghiệp, các nhà kinh doanh đang hướng các nỗ lực vào khiến họ quyết định lựa chọn sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp đó. Khách hàng là đối tượng được thừa hưởng các đặc tính và chất lượng của sản phẩm hoặc dịch vụ. “Thượng” là cao, “đế” là vua. “Thượng đế” có thể tạm dịch nghĩa là vị vua ở trên cao, là từ dùng để gọi các nhân vật thần thánh khác nhau tùy theo tôn giáo, tín ngưỡng cụ thể, chỉ đến đấng tối cao và toàn năng. Câu nói có thể dịch là người sử dụng sản phẩm hay dịch vụ là những người có vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu trong kinh doanh. Câu nói cũng là một trong những phương pháp, chiến lược kinh doanh hiệu quả.

Tuy sự ví von khách hàng như những “thượng đế” có chút phóng đại, nhưng không hẳn không có lí. Trước hết, vai trò của khách hàng trong thực tiễn kinh doanh là rất quan trọng. Khánh hàng chính là đối tượng và cũng là mục tiêu của mọi hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp có tồn tại, phát triển được hay không là nhờ sự tiêu thụ của khách hàng đối với hàng hóa của doanh nghiệp.
Coi khách hàng là “thượng đế” giúp kinh doanh thuận lợi và có nhiều lợi nhuận hơn. Bán được chạy hàng hay không còn phụ thuộc vào khách hàng có chịu bỏ thời gian và tiền bạc cho sản phẩm của mình hay không. Nhờ có khách hàng mà doanh nghiệp mới có lợi nhuận từ sản phẩm. Thí dụ, ngày nay chúng ta vẫn nói đến dịch vụ tín dụng ngân hàng. Nhờ có người dân vay vốn, gửi tiết kiệm hay sử dụng dịch vụ chuyển tiền mà ngân hàng mới có lợi nhuận. Hay một lĩnh vực tưởng không liên quan, đó là giáo dục. Giáo dục ngày nay không còn là sự bắt buộc “thày dạy trò phải nghe” nữa mà học sinh, sinh viên có quyền được lựa chọn giáo viên dạy cho mình. Giáo viên nghiệp vụ cao, kiến thức tốt sẽ được học trò lựa chọn. Do đó, giáo viên đôi lúc cũng bông đùa: ngày nay học sinh kiến tạo nên giáo viên, nhờ có học sinh mà giáo viên mới được đứng trên giảng đường, mới không thất nghiệp.
Nhưng đôi lúc, khách hàng chưa chắc đã là thượng đế. Tùy vào đối tượng khách hàng mà người kinh doanh phải ứng xử phù hợp. Bạn không thể coi những khách hàng không đủ tư cách làm “thượng đế” là thượng đế được. Đến một cửa hàng quần áo, những khách hàng chỉ xem cho “vui” hay hành động xảo trá, lươn lẹo giá cả… người kinh doanh không thể làm hài lòng họ được. Có những khách mua quá coi thường nhân viên, chê trách sản phẩm… chỉ là những khách hàng “tồi” mà thôi.
Hiện nay, dường như người bán hàng không còn quan tâm đến vấn đề uy tín của cửa hàng. Có những cửa hàng treo biển: “Khách hàng là thượng đế” nhưng chính họ cũng chưa hiểu hết nghĩa của câu nói trên. Những hiện tượng như chửi khách hàng, “bóp” giá sản phẩm, bán sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái… ta luôn chứng kiến mỗi ngày. Có nhiều khách hàng bước vào cửa hàng thì được chào đón bằng nụ cười hớn hở, vui vẻ nhưng lại bị chửi rủa, chù ẻo nếu không chọn mua sản phẩm của chủ hàng. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì có nên đổi câu “Khách hàng là thượng đế” thành “chủ quầy là thượng đế” hay không?

0
0
Quỳnh Anh Đỗ
25/01/2018 20:11:26
“Khách hàng là thượng đế” là tiêu chí được đề cao vì sau cùng sản phẩm của mỗi doanh nghiệp đều hướng đến người tiêu dùng. Tiêu chí được đề cao vì doanh nghiệp sản xuất luôn muốn sản phẩm cảu mình được tiêu thụ, bằng cách này hay cách khác có thể đến với tay của khách hàng. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải đề ra tiêu chí sản xuất của mình, coi việc phục vụ nhu cầu của khách hàng như phục vụ những thượng đế, song không vì thế mà hạ thấp mình, mà coi việc phục vụ này là cả hai đều có lợi. Việc nắm được tâm lý cũng như thị hiếu của khách hàng giúp nhà sản xuất nắm được 80 -90% thành công trong việc bán sản phẩm. Chính vì vậy, trong sản xuất, các doanh nghiệp đề cao khách hàng như thượng đế, phục vụ nhu cầu của khách hàng giúp doanh nghiệp nắm chắc phần thắng như câu: “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng” việc coi “khách hàng là thượng đế” là cần thiết và quan trọng trong sản xuất.
Trong sản xuất, việc coi “Khách hàng là thượng đế” là rất quan trọng. sản xuất không chỉ dừng lại ở việc quan trọng về sản phẩm về sau mà còn cần phải quan tâm đến đạo đức nghề nghiệp. Việc đề cao tiêu chí “khác hàng là thượng đế” giúp nhà sản xuất luôn đặt được đạo đức nghề nghiệp, sản xuất hàng hóa nhưng luôn đề cao sức khỏe của khách hàng lên hàng đầu. Tránh sản xuất ồ ạt nhưng lại sử dụng ác chất phụ da, kích thích ảnh hưởng đến sức khỏe của khách hàng.
Trong mối quan hệ nhà sản xuất – cầu nối – người tiêu dùng, không phải lấy hàng hóa làm trung tâm mà luôn phải lấy khách hàng là trung tâm của việc sản xuất, đặt tiêu chí phục vụ khách hàng lên hàng đầu. Nắm được nguyên tắc này, doanh nghiệp sẽ sản xuất và phục vụ được những vị thượng đế khó tính của mình.
Để đưa sản phẩm của mình đến đưuọc tay người tiêu dùng – khách hàng, cần phải qua một khâu trung gian giữa người cung ứng ban đầu và khách hàng. Có nghĩa là một cửa hàng, một nhóm tiếp thị. Nhóm này nằm giữa trong mối quan hệ và ăn lợi nhuận từ việc cung ứng và giải quyết bà toán của nhà sản xuât. Nhóm này không trực tiếp tạo ra sản phẩm nhưng lại là “đại lý” đứng giữa người sản xuất và tiêu dùng. Đặc biệt sẽ là khâu định giá cuối cùng. Trong nguyên tắc kinh doanh, nhóm này mang tính phi lợi nhuận, càng dìm được giá của doanh nghiệp xuống thấp càng được lợi nhuận nhiều. Đối với khách hàng, giá càng cao cũng càng lợi. Tuy nhiên, việc nghiên cứu thị hiếu của người dân lại do nhóm 1 – nhà sản xuất nghiên cứu. Nhóm này cũng không quan tâm đến thị hiếu, cứ mặt hàng nào bán được chạy, thì nhập về. Chính vậy, cũng không quan tâm đến người tiêu dùng – khách hàng muốn gì. Song, lớp trung gian này cũng rất cần thái độ tôn trọng “Khách hàng là thượng đế” qua các nhân viên cửa hàng, cách giao tiếp ứng xử của con người với nhau.
Bán được chạy hàng hay không còn do thái độ phục vụ. Có những cửa hàng treo biển: “Khách hàng là thượng đế” nhưng chính họ cũng chưa hiểu hết nghĩa của câu châm ngôn trên. “Khách hàng là thượng đế” không chỉ quan tâm đến thái độ phục vụ của nhân viên còn quan trọng hơn đó chính là nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Các cửa hàng vì chạy đua lợi nhuận mà thường bất chấp nhập các loại hàng giả, hàng nhái có giá thấp hơn để bán cao bằng những hàng thật đang ngoài thị trường. Vì suy nghĩ này mà đạo đức bán hàng của các cửa hàng bị hạ thấp, tiếp tay cho hàng giả tràn vào thị trường đánh chết hàng thật – doanh nghiệp sản xuất chính đáng.
“Khách hàng là thượng đế” là châm ngôn, là khẩu hiệu trong ngành sản xuất cung ứng hàng hóa, đó là một tiêu chí rõ ràng. Các doanh nghiệp, các tổ chức, các đơn vị bán hàng cần hiểu rõ, nắm bắt rõ và xác định tiêu chí trong phục vụ “thượng đế”. Doanh nghiệp nên đề cao tính tự phục vụ trước, khi sản xuất ra sản phẩm chính mình sẽ là người sử dụng trước. góp phần tạo dựng một thị trường lành mạnh, an toàn. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần đề cao vai trò của khách hàng, đặt mục đích phục vụ khách hàng lên hàng đầu vì không có khách hàng, doanh nghiệp chỉ còn nước đóng cửa. Câu nói: “Khách hàng là thượng” đế đã phải ảnh và nêu lên tiêu chí sản xuất trong công nghiệp sản xuất hàng hóa của Việt Nam nói riêng, của thế giới nói chung, các nhà cung ứng luôn phải đặt khách hàng lên hàng đầu. Sản xuất là để phục vụ cho khách hàng cũng như sự tồn tại của doanh nghiệp.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư