Hồi còn cắp sách đến giảng đường học văn chương, mình mê văn học dân gian tít mít, mê nhất vẫn là những câu ca dao nghe có vẻ nôm na, giản dị mà sâu sắc quá trời quá đất của cha ông. Mình nhớ hoài cái buổi học tới câu ca dao:
“Anh tưởng giếng sâu anh nối sợi gàu dài
Ai ngờ giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây”
được thầy cô giải thích rằng “chàng trai tưởng cô gái lòng dạ chung thủy, đong đầy yêu thương nên anh cũng dành cho cô lòng dạ yêu thương đong đầy, nào ngờ em hời hợt, phụ tình nên anh tiếc cái tình anh đã dày công vun đắp”. Rồi đọc trong sách, các nhà nghiên cứu cũng phân tích y chang vậy, đến lượt mình dạy học trò, mình cũng giảng y chang vậy luôn. Cho đến khi đọc đến cái giếng làng Ngọc trong truyện Mỹ Nhân làng Ngọc của nhà văn Trần Thanh Cảnh, mình mới biết mình đã sai quá sai khi nghĩ câu ca dao của ông cha mình đơn giản dữ vậy. Thì ra cái giếng chẳng phải là cái giếng và sợi dây cũng chẳng phải sợi dây, chưa kể cái gàu cũng còn là một cái gì đó khác.
Ngẫm, làm trai như anh chàng trong câu ca dao kia cũng sướng, có sợi dây đem đo hết giếng này giếng khác, cạn hay sâu không biết, nhiều nước hay ít nước không biết, anh cứ đo cái đã, rồi muốn đi… đo chỗ khác thì lại cứ lu loa lên “anh tưởng giếng sâu, anh tưởng giếng sâu!” rồi “anh tiếc, anh tiếc!”. Mà tiếc là tiếc cái gì, mất gì của anh mà anh tiếc? ngắn dài gì thì sợi dây của anh, cái gàu của anh cũng còn nguyên đó, anh cứ rút gàu lên mà đem thả giếng khác, chừng nào anh thấy vừa gàu, vừa dây anh thì thôi chứ? Có tiếc là tiếc cho những cái giếng mà anh “tưởng là sâu” kia, tự nhiên mất toi đi vài gàu nước, mà hỏng chừng là bị cái gàu anh múc cho cạn khô luôn rồi ấy chứ.