Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Cảm nhận về vẻ đẹp của đoạn thơ sau: Con cò bế trên tay, Con chưa biết con cò, Nhưng trong lời mẹ hát, Có cánh cò đang bay

con cò bế trên tay
con chưa biết con cò
nhưng trong lời mẹ hát
có cánh cò đang bay
"con cò bay la
con cò bay lả con cò Cổng Phủ
con cò Đồng Đăng ...''
cò một mình,cò phải kiếm lấy ăn
con có mẹ,con chơi rồi lại ngủ
"con cò ăn đêm
con cò xa tổ
cò gặp cành mềm
cò sợ sáo măng...''
ngủ yên,ngủ yên,cò ơi chớ sợ
cành có mềm,mẹ đã sẵn tay nâng
trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân
con chưa biết con cò con vạc
con chưa biết những cành mềm mẹ hát
sữa mẹ nhiều,con ngủ chẵng phân vâng

CẢM NHẬN VẺ ĐẸP CỦA ĐOẠN THƠ TRÊN .TỪ ĐÓ HÃY LIÊN HỆ VS KHỔ THƠ HOẶC ĐOẠN THƠ KHÁC NÓI VỀ TÌNH CẢM GIA ĐÌNH MÀ EM BIẾT ĐỂ THẤY ĐIỂM GẶP GỠ GIỮA NHỮNG TÁC GIẢ KHI VIẾT VỀ ĐỀ TÀI NÀY.
2 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
1.180
2
0
Đỗ Phương Lam
13/05/2019 10:57:38
Xuất phát từ hình ảnh cánh cò đầy thân thương và gần gũi, luôn chập chờn trong những giấc mơ thuở thơ bé, Chế Lan Viên đã sáng tác bài thơ Con cò, với niềm yêu thương và lòng hoài niệm tha thiết. Xuyên suốt cả bài thơ là hình ảnh người mẹ tần tảo, giản dị, với tình mẫu tử sâu sắc dành cho người con dấu yêu, niềm yêu thương ấy ẩn trong từng lời ru ngọt ngào, ấm áp “Con cò bay lả bay la, bay từ là từ cửa phủ, bay ra là ra cánh đồng…”
Chế Lan Viên là một trong những tên tuổi nổi tiếng nhất của nền thơ ca Việt Nam hiện đại, ông sinh ra và lớn lên ở vùng đất Quảng Trị anh hùng. Trước cách mạng tháng tám ông được xếp vào hàng những gương mặt tiêu biểu nhất của phong trào thơ mới, với phong cách thơ độc đáo trong quyển Điêu tàn, khiến cả làng văn học phải bàng hoàng, mà nói như Hoài Thanh là: “Quyển Điêu tàn đã đột ngột xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị". Sau cách mạng, Chế Lan Viên tích cực xây dựng nền thơ ca cách mạng, ông chuyển hướng sang khai thác đề tài về con người và kháng chiến, với nhiều tác phẩm có giá trị như tập thơ Ánh sáng và phù sa. Thơ của ông mang một vẻ đẹp trí tuệ, nhiều triết lý sâu sắc, nhưng rất hài hòa về mặt trữ tình, ngôn ngữ hình ảnh mới lạ, độc đáo, giàu ý nghĩa ẩn dụ tượng trưng.
Tác phẩm Con cò sáng tác vào năm 1962, được in trong tập Hoa ngày thường, chim báo bão (1967). Nhan đề vừa mang ý nghĩa tả thực vừa là nghĩa ẩn dụ, gợi lên một hình ảnh đẹp và gần gũi, thân thương với con người Việt Nam, hình ảnh những cánh cò trắng phau nơi đồng quê bát ngát, hình ảnh cánh cò trong ca dao, trong lời ru của bà, của mẹ trở thành biểu tượng đẹp cho tình mẫu tử bền bỉ, thủy chung, theo con yêu suốt cả cuộc đời. Cảm hứng sáng tác tác bao trùm toàn bài là cảm hứng ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng và ý nghĩa của lời ru trong cuộc đời của mỗi con người.
Mở đầu bài thơ Chế Lan Viên đã chọn hình ảnh cánh cò trong lời ru của mẹ để đem đến cho con những xuất phát điểm, những nhận thức ban đầu về cánh cò, về cuộc đời.
“Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay”
Sở dĩ ông lựa chọn như vậy là bởi lời ru ngọt ngào của mẹ, là những âm thanh tuyệt vời, ấm áp nhất, có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn non nớt của người con và sẽ nằm trong ký ức của con, theo bước chân con suốt cả cuộc đời. Chế Lan Viên mượn lời ru của mẹ để mang cánh cò đến với tuổi ấu thơ của con, đó là những cánh cò bình yên, êm ả, ông đã tinh tế chắt lọc hình ảnh từ những câu ca dao hay nhất để gây dựng nên một hình ảnh cánh cò thật đẹp trong tuổi thơ con. Cánh cò bay chở theo cả thế giới rộng lớn, xinh đẹp ngoài kia ùa vào, mở ra trong cuộc đời của con.
“Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò cổng Phủ
Con cò Đồng Đăng”,
Đó là không gian thân thương, gần gũi biết mấy, lời ru của mẹ không chỉ đưa con vào giấc ngủ mà còn gieo trong lòng con niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc. Chỉ với những câu thơ 4 chữ, ngắn gọn, giản đơn, hình ảnh cánh cò hiện lên rõ ràng với điệp từ “con cò” được lặp lại liên tiếp, mang đến một giai điệu êm đềm, tha thiết trong lời ru dịu dàng của mẹ, gợi lên tình cảm ấm áp, đong đầy của tình mẹ bao la.
Nhưng cánh cò trong lời ru của mẹ không chỉ là những cánh cò êm ả, mà còn là “Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn”, rồi thì “Con cò ăn đêm, con cò xa tổ, cò sợ cành mềm, cò sợ xáo măng”, gợi nên sự cô đơn, vất vả, lầm lũi của những cuộc đời bất hạnh trong những cuộc mưu sinh, cò còn gặp phải nguy hiểm, tất cả chỉ bởi cò thiếu đi sự che chở của người mẹ. Cánh cò gian nan đã trở thành một sự đối lập hoàn toàn, để nhà thơ tô đậm tuổi thơ hạnh phúc của con trong vòng tay ấm áp của mẹ, “Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân”.
Hình ảnh con cò theo con suốt chặng đường đời của con, đi vào từng miếng ăn giấc ngủ, êm đềm, cò như một người bạn đồng hành với con “Con ngủ yên thì cò cũng ngủ/Cánh của cò hai đứa đắp chung đôi”. Đến khi con khôn lớn, cò lại theo con đi học, “Mai khôn lớn con theo cò đi học/Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân”. Và trong mong ước của người mẹ, chỉ mong sao con lớn lên khỏe mạnh, trở thành một thi sĩ an nhàn, hạnh phúc. Con cò trở thành biểu tượng của lòng mẹ, luôn đau đáu dõi theo con trong từng giai đoạn của cuộc đời, từ lúc con còn trong nôi, lúc con bước đến trường học tập, rồi mai sau khi con đã lớn khôn, người mẹ vẫn mong con có thể trở thành một thi sĩ để đưa cánh cò vào lại “trong hơi mát câu văn”.
Cánh cò vẫn mãi theo con suốt cả cuộc đời, như tấm lòng của người mẹ yêu dấu, không quản xa gần, không quản ngại con đang trên rừng hay dưới biển, thì mẹ vẫn mãi ở nơi ấy, mẹ vẫn chờ mong, vẫn tìm và yêu con suốt cả cuộc đời, thủy chung, tận tụy. Bởi trong lòng cha mẹ, con mãi là đứa trẻ chưa lớn, vẫn cần sự bảo bọc, yêu thương.
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”
Thương sao cho tấm lòng cha mẹ, suốt cả cuộc đời sống vì con cái, chẳng một lúc nào ngơi nghỉ, chỉ vì tình yêu vô bờ bến, chăm bẵm con suốt mấy chục năm trời từ lúc tấm bé, cho đến lúc con khôn lớn, dang cánh bay khắp phương trời, đi tìm những hoài bão, những chân trời mới, nhưng con vẫn mãi là đứa con bé bỏng của cha mẹ mà thôi. Mỗi một câu hát, mỗi một lời ru “À ơi”, là cả một bầu trời yêu thương đong đầy, tình mẫu tử thiêng liêng, người mẹ đã gửi gắm hết vào cánh cò, cánh cò thay mẹ ru con, ngủ cùng con, rồi theo con suốt cả cuộc đời, mẹ là cánh cò, cánh cò cũng là mẹ, gắn bó sâu sắc, thiêng liêng.
Bài thơ được viết bằng thể thơ tự do, giúp tác giả thể hiện cảm xúc một cách linh hoạt, sinh động, những dòng cảm xúc tha thiết, đậm chất trữ tình. Hình tượng con cò được vận dụng sáng tạo, mang ý nghĩa biểu trưng, biểu tượng sâu sắc, đem đến những triết lý, những suy tưởng sâu xa trong lòng tác giả truyền tải hết cho người đọc, khiến chúng ta thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa của bài thơ Con cò.
Con cò là một bài thơ hay, với ý nghĩa biểu tượng sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng, mang tính giáo dục con người về công ơn của đấng sinh thành, cùng tình yêu thương, sự bao dung, vất vả của người mẹ, vốn phải chịu đựng và hi sinh cho con cái rất nhiều. Qua bài thơ, tác giả mong muốn mỗi một người con cần biết tận hiếu với cha mẹ của mình, bởi công ơn dưỡng dục to lớn ấy dù đi hết cuộc đời cũng chẳng thể nào báo đáp.
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gian khổ cuộc đời không nặng gánh bằng cha”.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
0
Quỳnh Anh Đỗ
13/05/2019 11:34:16
“Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết những lời mẹ ru”
(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – Nguyễn Duy)
Tình mẫu tử - tình cảm vô cùng thiêng liêng, cao cả đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho bao thế hệ thi sĩ. Lòng mẹ ấm áp bao la dẫn lối con đi trên cuộc đời, những khi con vấp ngã đã có vòng tay mẹ đỡ lấy, tình yêu mẹ là hành trang cho con vững tin bước vào đời. Lời ru mẹ in sâu trong tiềm thức những đứa trẻ, bài thơ Con cò của Chế Lan Viên nhắc lại hình ảnh con cò thân thuộc trong ca dao nhưng nhà thơ đã khéo léo mở rộng thành biểu tượng tình mẹ bao la, sâu nặng đối với đứa con của mình.
Chế Lan Viên (1920 – 1989), tên thật là Phan Ngọc Hoan, quê gốc của ông ở Quảng Trị nhưng lớn lên ở Bình Định. Ông là một trong những nhà thơ xuất sắc của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX. Phong cách thơ Chế Lan Viên rất độc đáo và đầy sáng tạo, vừa sắc sảo tinh tế lại mang đầy màu sắc triết lí, đậm đà chất trữ tình lãng mạn. Thơ ông giàu hình ảnh phong phú, đa dạng kết hợp các yếu tố thực ảo đầy sáng tạo. Con cò được sáng tác năm 1962 in trong tập Hoa ngày thường - Chim báo bão (1967).
Đoạn đầu bài thơ, lời ru mẹ hiền cất lên ngọt ngào, êm ái như đưa con vào giấc ngủ diệu kỳ. Mẹ thương con cò trong ca dao lận đận ngược xuôi, mẹ dành cho con bao yêu thương, săn sóc. Con được sống yên vui hạnh phúc trong lòng mẹ:
“Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.”
Hình ảnh con cò lặn lội đêm khuya kiếm ăn thật đáng thương, nó chỉ có một mình đơn độc giữa màn đêm vắng lặng, không che chở không ai vỗ về. Những hình ảnh "Con cò ăn đêm, con cò xa tổ, cò gặp cành mềm, cò sợ xáo măng,…" là biểu tượng cho những người nông dân, những người phụ nữ vất vả sớm hôm, nhọc nhằn kiếm sống nhưng rất giàu tình thương, đức hy sinh cao cả. Đứa con thơ bé bỏng chẳng phải lo lắng nghĩ suy bởi vì đã có vòng tay mẹ bảo bọc, nâng đỡ. Tình mẹ lớn lao vô cùng, mẹ hy sinh những giấc ngủ êm ái để hát ru cho con ngủ ngon, ngồi quanh nôi ngắm nhìn khuôn mặt đứa con say giấc lòng mẹ hạnh phúc biết bao. Cánh tay vỗ về của mẹ, câu hát dịu êm của mẹ, dòng sữa ngọt ngào của mẹ, tất cả đều thể hiện tình mẫu tử bao la của người mẹ hiền:
“Ngủ yên! Ngủ yên! Cò ơi, chớ sợ!
Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng!
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân.
Con chưa biết con cò, con vạc
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát
Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân.”
Điệp từ “Ngủ yên”, “con chưa biết” được Chế Lan Viên lặp lại nhiều lần làm nhịp thơ trở nên thật sống động và mang hơi ấm thiết tha dịu dàng. Nhịp thơ cũng là nhịp nôi đung đưa ru con vào giấc ngủ diệu kỳ.
Những câu thơ tiếp theo là ước mơ, sự tin tưởng mà người mẹ dành cho con. Rồi mai đây khi con lớn khôn xa vòng tay mẹ để đến với những chân trời mới, mẹ vẫn hy vọng con trở thành người có ích cho cuộc đời:
“Con khôn lớn, con theo cò đi học,
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân.
Lớn lên, lớn lên, lớn lên...
Con làm gì?
Con làm thi sĩ!
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn...”
Nhìn con thơ say ngủ mà lòng mẹ chứa đầy niềm hy vọng, khi con khôn lớn con đi học rồi mai này con trở thành thi sĩ chỉ nghĩ đến thôi người mẹ đã dạt dào hạnh phúc. Tác giả dùng nghệ thuật điệp ngữ “lớn lên”, “con”,… làm nhịp thơ thêm dồn dập như niềm háo hức mong chờ của mẹ vào một tương lai tươi sáng của đứa con. Hình ảnh “cánh cò trắng” theo bước con trong suốt chặng đường lớn khôn, trở thành người bạn đồng hành thân thiết, gắn bó với con vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc đời.
Mạch thơ tươi vui bỗng chuyển sang màu sắc đầy triết lý, suy ngẫm về cuộc đời. Đoạn cuối bài thơ là những câu thơ mang tính khái quát với những hình ảnh đầy chiêm nghiệm, tình yêu của người mẹ lúc nào cũng dõi theo con trong suốt cuộc đời:
“Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con”
“Cò” là biểu tượng cho người mẹ vất vả, lam lũ nhưng chẳng bao giờ mẹ thôi nghĩ về đứa con mình. Dù phải trải qua muôn vàn khó khăn, cách trở, phải “lên rừng xuống bể” thì mẹ vẫn luôn yêu thương, bảo vệ cho con. Nghệ thuật điệp cấu trúc kết hợp với nghệ thuật đối lập “gần – xa”, “lên – xuống” làm cho ý thơ thêm phần sâu lắng, khắc sâu vào tâm trí người đọc những cảm xúc dạt dào, tha thiết. Tình mẫu tử quả là thiêng liêng biết nhường nào, tình cảm ấy bao la rộng lớn hơn biển cả, bất chấp cả những khó khăn, rào cản lòng mẹ vẫn hướng theo con cả cuộc đời.
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ mãi theo con”
Vì quá yêu, vì quá thương mà trong trái tim mẹ hiền thì đứa con dù lớn khôn vẫn là con của mẹ, vẫn bé bỏng ngây thơ như ngày nào. Con lớn khôn cũng là khi mẹ đã già, sức mẹ ngày một yếu đi chỉ có lòng mẹ vẫn luôn hướng về đứa con mình. Cảm động biết bao! Có lẽ tình yêu mẹ là vô tận chẳng có gì đo lường được, núi có cao sông có dài vẫn chẳng thể đo hết tấm lòng người mẹ.
Lời ru là mở đầu cũng là kết thúc cho bài thơ, Chế Lan Viên đã vận dụng ý thơ rất sáng tạo để khắc hoạ nên hình tượng cánh cò mộc mạc, giản dị mà rất gần gũi với đời sống mỗi người Việt ta:
“À ơi!
Một con cò thôi,
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi.”
Những con cò cô đơn lẻ bóng trong đêm khuya, những con cò trong ca dao xưa gợi cho người mẹ bao suy nghĩ trăn trở. Mẹ nghĩ về cuộc đời đứa con sau này, trên đường đời khi không có mẹ ở bên con sẽ một mình đối mặt bao khó khăn thử thách, những gian nan vấp ngã liệu con có vững tin để bước tiếp? Mẹ cũng nghĩ về cả những cánh cò nhỏ bé, chúng thật đáng thương và đáng trân trọng.
Con cò của Chế Lan Viên là bài thơ rất thành công trong việc vận dụng sáng tạo hình tượng con cò, đúc kết những suy tư sâu sắc, ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng cao cả và ý nghĩa của lời ru đối với cuộc đời mỗi con người. Nhà thơ muốn nhắc nhở mỗi chúng ta hãy biết yêu thương, quý trọng những tình cảm gia đình đừng vì những nông nổi của tuổi trẻ mà đánh mất đi những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×