Trong đời sống, lối ứng xử "yêu cho roi cho vọt…" có thể thấy ở mọi nơi, không chỉ có trong mối quan hệ giữa bề trên với người ít tuổi, cũng không chỉ có trong đời sống giáo dục ở gia đình, nhà trường. Trong nhiều trường hợp, sự lợi - hại, hay - dở từ cách ứng xử "yêu cho roi cho vọt…" có khi được quyết định bởi cách thức, thái độ tiếp nhận/nhìn nhận của những người liên quan. Chuyện yêu ghét gắn với cách thức phê bình - tiếp nhận phê bình bao giờ cũng tạo hệ quả, hệ lụy xấu và có thể rất xấu nếu thái độ thiếu khách quan ở mức trầm trọng.
Năm nay, chỉ tính trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật - giải trí đã có bao chuyện liên quan cần bàn. Chẳng hạn như khi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lên tiếng về lớp ca sĩ trẻ, cho cả những người hát giỏi "xơi" roi phê bình. Có nhiều người cụ thể và cả những người tự thấy bóng dáng của mình trong lời của vị nhạc sĩ cao niên, cuối cùng chỉ rõ một Đàm Vĩnh Hưng "bật" lại cha chú. Trong cuộc tranh luận nảy lửa trên mặt báo, nhiều người đứng về phía bác Nguyễn Ánh 9 - tức cho rằng lời phê bình của ông là đúng, là cần thiết; Đàm Vĩnh Hưng nghĩ khác nên mới "cãi thầy", khó chịu vì có người "dám" dạy dỗ mình.
Mới ít tuần trước, khi nhạc sĩ Quốc Trung trả lời phỏng vấn về "nhạc sến" - cách nói quy ước về một dạng nhạc, không hẳn là nên hiểu như khi được định danh trong từ điển, độc giả đã ném về phía Quốc Trung một "cơn mưa đá" dù trong thực tế có thể đã có chuyện "diễn dịch" lời của nhạc sĩ này. Cách đây ít ngày, trong đêm bán kết của cuộc thi âm nhạc The Voice, cũng Quốc Trung đã cho thí sinh Hà Linh - người trước đó luôn được tán thưởng với phần trình diễn của mình - "ăn roi" phê bình. Anh nói, đại ý dù là phê bình hay khen ngợi thì cũng đều có chung mục đích là mong thí sinh hoàn thiện sau mỗi vòng thi. Hà Linh cần biết cách tiếp nhận những lời khen và cả những lời phê phán, cách phản ứng tiêu cực trước những lời phê bình sẽ gây bất lợi cho cô trên con đường hoạt động nghệ thuật sau này. Lần này, khi "ra roi" lần thứ hai, Quốc Trung đã nhận được sự đồng thuận của rất nhiều người, kể cả người ở trong đội của Hà Linh…
Từng có ý kiến là nhiều người Việt duy tình, thích khen mà không thích chê, khi ở cương vị của người cần phải góp ý với ai đó thì khó tránh thái độ nể nang, dĩ hòa vi quý, không động chạm đến lợi ích riêng thì đều có thể "chín bỏ làm mười". Cái lối nhường nhịn (có khi là nhẫn nhịn) chưa hẳn thể hiện sự cố ý "ghét thì cho ngọt cho bùi", nhưng rõ ràng là gây cản trở cho quá trình phát triển cá nhân (tất nhiên là theo nghĩa tích cực). Tuần trước, tại một hội thảo khoa học được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, chủ đề liên quan đến tình hình văn học, nghệ thuật sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh cho rằng một số văn nghệ sĩ vẫn còn tâm lý e dè, ngại bộc lộ chính kiến. Báo chí tổng hợp ý kiến đại biểu khác, trong đó có ý là hàm lượng chất xám và tính chuyên nghiệp trong phê bình bị xem nhẹ, đã xuất hiện lối phê bình cảm tính, không đủ để kích thích sự sáng tạo. Nhận định này không mới, như nhạc sĩ Dương Thụ từng nhận xét rằng có nhiều người không quen phê bình, lo ngại bị phê bình nên hiệu quả phê bình không tới.
Năm 2011, khi có chuyện một người bố bắt con quỳ gối lết trên một quãng đường dễ đến nửa cây số ở một tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên chỉ vì cậu bé mải chơi game, đã có một số diễn đàn đề cập đến cách giáo dục con của vị nọ, người đồng tình, người chê bai. Một năm sau đó, khi rộ lên chuyện một thầy giáo cho trẻ "xơi" roi, vấn đề "yêu cho roi…" lại được nêu lên một lần nữa. Nhiều người đã đặt câu hỏi rằng, liệu cái lối dạy dỗ con trẻ khắc nghiệt có còn phù hợp trong xã hội hiện đại? Sau này, khi nói lại chuyện trên, trong một bối cảnh tuy khác nhưng có sự tương đồng, có người nói rằng sự tranh luận ồn ào nói trên thực ra là không cần thiết. Sự nghiêm khắc trong việc giáo dục con người thì ở thời nào cũng cần như nhau, vấn đề là nghiêm tới mức nào, biểu hiện cụ thể ra sao, có đi quá phạm vi cần thiết/cho phép hay không, chứ có gì mà phải tranh luận nảy lửa là cần thiết hay không, có phù hợp hay không trong xã hội hiện đại.
Dân gian đã có sự đúc kết khác, chẳng hạn như "thuốc đắng dã tật", "cá không ăn muối cá ươn" - ý chỉ người không biết tiếp nhận sự dạy dỗ, góp ý đúng, không biết tự sửa mình thì khó mà khá được trên đường đời. Soi vào thực tế, với văn học nghệ thuật và cả những mặt công tác khác nữa, không có được sự nhìn nhận trung thực khách quan về phê bình, không có cách tiếp nhận phê bình đúng đắn thì đã là chịu thiệt thòi rồi, nếu thiếu đi cả sự phê bình, góp ý thường xuyên về điều hay, sự dở của mình, sự thua thiệt hẳn còn lớn gấp bội.
Rõ ràng là một xã hội tiến bộ không thể thiếu sự phê và tự phê bình, không thể thiếu sự góp ý đối với những vấn đề được quan tâm rộng rãi. Vấn đề chỉ là các cá nhân hiểu và thực hiện việc đó như thế nào mà thôi. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết, giản dị mà dễ hiểu: "Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như giấu bệnh, không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết cũng "la lết quả dưa", "Tự phê bình rồi để sửa chữa, để tiến bộ cho nên phải thật thà, phải triệt để mới có kết quả. Nếu chỉ làm cho qua chuyện, chỉ có hình thức thì vô ích".
"Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Câu nói ấy đơn giản là sự đúc kết cách thức ứng xử giữa con người nói chung với nhau, giữa người lớn với con trẻ nói riêng, tất nhiên là dựa trên quy chuẩn đạo đức được toàn xã hội thừa nhận. Những gì vượt chuẩn là không phù hợp, thậm chí là không thể chấp nhận được.
Phê bình và tự phê bình là điều cần được con người hiểu đúng, thực hành đúng, tốt nhất là với tinh thần cầu thị, chân thành. Lời phê bình trung thực, đúng đắn thường không có bóng dáng của sự định kiến, không vụ lợi hay hàm ý triệt hạ, nó được đưa ra dựa trên sự đánh giá khách quan có nhờ tri thức và sự hiểu biết, sự tôn trọng chuẩn mực chung được cộng đồng thừa nhận và tuân thủ, đích đến là sự tiến bộ chung. Nói vậy có nghĩa giá trị của phê bình phụ thuộc vào thái độ, động cơ, hành vi phê bình có đúng hay không, và phụ thuộc vào thái độ tiếp nhận nó.
Trong thực tế hiện nay, có thể thấy bóng dáng tinh thần phê bình và thái độ tiếp nhận phê bình thiếu chuẩn mực. Trong công sở nói chung, một lời góp ý bình thường trong cuộc họp có sự tham dự của số đông người phê bình và số đông trong sáng thì được đón nhận một cách bình thường. Nhưng nếu không trong sáng về tư duy và tình cảm thì lời góp ý lại là đòn đánh nhau vì lợi ích cá nhân. Và thái độ phê bình không đàng hoàng, mà trong đó le lói mục đích nhằm hạ uy tín, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của ai đó thì câu chuyện lại không phải là "yêu cho roi cho vọt". Những bài bình luận/phê bình một tác phẩm điện ảnh, một đạo diễn, một nhạc sĩ, ca sĩ... cũng vậy: Nếu vô tư, thẳng thắn thì sự phê bình tác phẩm là điều cần thiết cho nền văn học nghệ thuật phát triển; ngược lại mượn phê bình tác phẩm như một công cụ đả kích vì mục đích triệt hạ cá nhân thì lại dẫn đến phá hoại. Đối với người nhận phê bình thì sao? Người "bị" hay "được" phê bình thường phản ứng "từ mặt" thay vì tranh luận đúng mực nhằm làm rõ giá trị nội dung và nghệ thuật, làm rõ đúng sai - điều giúp cho cả phía phê bình và đối tượng tiếp nhận có cơ hội "lớn lên". Mà những phản ứng ngược ngày càng diễn ra nhiều hơn, phổ biến hơn. Những phản ứng ngược đó có thể dẫn đến hệ lụy xấu, chẳng hạn như thủ tiêu ý thức phê bình, dẫn đến một lối ứng xử "an toàn" ngay cả khi nhận thấy sự sai. Cách thức ấy không giúp ích cho sự phát triển chung và của cá nhân, không thể tạo động lực nhằm thúc đẩy các quan điểm tiến bộ.
Phê bình và tự phê bình là một vấn đề lớn, đòi hỏi được ý thức đúng nhằm tạo động lực thúc đẩy giá trị. Tuy nhiên, phê bình và tự phê bình cũng như tiếp nhận sự phê bình cũng phải có "nghệ thuật", không phải thích là phê, phê lấy được hoặc không phải là thứ phê bình kiểu ve vuốt; và sự tiếp nhận phê bình không phải là những phản ứng thái quá theo lối trả đũa hoặc tiếp nhận phê bình một cách giả tạo. Nhận thức ấy sẽ hình thành trong số đông trước hết nhờ giáo dục, một lề lối giáo dục khơi gợi sự hình thành nền tảng nhận thức và hành vi, và sau đó là nhờ những bài học về phê bình và tự phê bình rõ ý nghĩa xã hội trong đời sống thực tế.