Dòng hồi tưởng được khơi gợi hết sức tự nhiên: "Hằng năm cứ vào cuối thu, lá nguoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường". Những biến chuyển của trời đất cuối thu thường gợi cho lòng người những bâng khuâng, hoài nhớ. Thời điểm cuối thu là mùa tựu trường sau ba tháng hè. Và "mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã". HÌnh ảnh đáng yêu ấy đã làm cho nhân vật "tôi" xúc động, nhớ về dĩ vãng. Nhân vật đã nhìn thấy tuổi thơ của chính mình qua hình ảnh ấy.
Từ khung cảnh của hiện tại đã đánh thức kỉ niệm của quá khứ. Những từ láy nao nức, tưng bừng rộn rã diễn tả những rung động tha thiết và vô cùng trẻ trung trong tâm hồn nhân vật dù bao năm tháng đã qua đi. Điệp khúc "hằng năm… lòng tôi lại…", "mỗi lần thấy… lòng tôi lại…" diễn tả sức sống lâu bền của kỉ niệm. Hai chữ mơn man đầy gợi cảm, thể hiện trạng thái êm ái, nhẹ nhàng trong tâm hồn nhân vật khi được sống lại kí ức tuổi thơ.
Nhớ lại những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường, nhân vật tôi nhớ lại những cảm giác trong sáng để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng mình: "Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng". Hình ảnh so sánh và phép nhân hóa vừa diễn tả cụ thể những cảm giác đẹp đẽ, trong sáng trong tâm hồn của cậu học trò nhỏ, vừa tạo nên chất thơ tươi tắn và man mác.
Theo dòng hồi tưởng của nhân vật tôi, từng khung cảnh và tâm trạng lần lượt hiện lên theo trình tự thời gian, theo trình tự không gian từ nhà tới trường và vào lớp học.
Trước tiên là khung cảnh và tâm trạng trên con đường cùng mẹ tới trường. Buổi xa xưa ấy thật là đáng nhớ. Trên con đường cùng mẹ tới trường, nhân vật tôi – cậu bé lớp Năm, lớp đầu tiên của cấp học ấy – nhìn cảnh vật xung quanh và cảm thấy tâm trạng mình khó tả. Buổi mai ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạng… Con đường làng dài và hẹp vốn rất quen thuộc, tự nhiên cậu bé thấy lạ, thấy cảnh vật xung quanh đều thay đổi. Vì sao vậy? Vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học. Đi học quả là một sự kiện lớn, một đổi thay quan trọng đánh dấu bước ngoặt của tuổi thơ. Đặc biệt là đối với một em hôm qua chỉ biết chơi đùa, qua sông thả diều, ra đồng chảy nhạy với bạn… Vì thế tôi cảm thấy trang trọng, đứng đắn với bộ quần áo mới, với mấy quyển vở trên tay. Tôi muốn thử sức mình xin mẹ cho được cầm bút, thước như các bạn. Một ý nghĩ non nớt, ngây thơ nảy nở trong đầu chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước. Ý nghĩ ấy thoáng qua… trôi nhẹ như một làn mây lướt trên ngọn núi. Cái trừu tượng (ý nghĩ) được so sánh với cái thực (làn mây) nhưng không làm mất đi sự duyên dáng và thú vị. Một nét đẹp, dịu dàng, trong sáng và khát vọng vươn tới của tâm hồn trẻ thơ.
Tiếp theo là hình ảnh ngôi trường ngày khai giảng: "Trước sân trường làng Mĩ Lí dầy đặc cả người. Người nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt cũng vui tươi và sáng sủa". Trước đó mấy hôm, chú bé có đi qua trường một lần, nhưng lần ấy, trường chỉ là một nơi xa lạ. Nhưng lần này, trong mặt cậu bé trường học lại rất khác: "vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như đình làng Hòa Ấp". Chính vì thế mà "lòng cậu bé đâm ra lo sợ vẩn vơ". Tâm trạng ấy, chắc hẳn là không chỉ của riêng cậu bé mà còn của tất cả những đứa trẻ lần đầu tiên đi học. Phía sau cổng trường, trước mắt cậu là cả một thế giới mới mẻ, lạ lùng. Cậu và đám bạn cùng trang lứa nào có khác chi những con chim đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ… thèm vụng và ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ. Trí óc non nớt của cậu không thể hình dung ra được những điều xảy ra hằng ngày trong ngôi trường đẹp đẽ kia. Tâm trạng lo sợ phập phồng, khao khát tìm hiểu, ước muốn được biết bạn, biết thầy trong ngày đầu đi học giờ đây vẫn hiển hiện rõ nét trong kí ức nhà văn.
Sau đó là cảnh học trò mới tập trung để nghe ông đốc gọi tên. Lúc này, nhân vật "tôi" càng hồi hộp. "Tôi" cảm thấy như quả tim mình ngừng đập, quên cả mẹ đứng sau và khi nghe đến tên mình thì "giật mình và lúng túng". Tác giả đã miêu tả rất chân thực và tinh tế trạng thái hồi hộp của cậu trò nhỏ: vừa cảm động trước lời nói hiền từ của ông đốc, vừa cảm thấy bàn tay dịu dàng của mẹ đẩy sau lưng, lại cảm thấy người mình nặng nề lạ lùng khi ông đốc gọi đến tên mình vào lớp. Đó là giây phút trọng đại đầu tiên trong đời một đứa trẻ khi phải tạm thời rời khỏi vòng tay cha mẹ để chập chững bước vào đời học sinh, và khoảnh khắc này, hầu như đứa trẻ nào cũng khóc.
Khi đã ngồi yên trong lớp và đón nhận giờ học đầu tiên, cậu cảm thấy vừa xa lạ, vừa gần gũi với mọi vật xung quanh, kể cả với người bạn ngồi bên cạnh: "Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường tồi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên lạm nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi; một người bạn tôi chưa hề quen biết, nhưng lòng tồi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. Sự quyến luyến tự nhiên và bất ngờ quả đến nỗi tôi cũng không dám tin có thật". Ngỡ ngàng và tự tin, cậu bé nghiêm trang bước vào giờ học đẩu tiên của đời mình:
"Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm nhẩm đánh vần đọc:
Bài viết tập: Tôi đi học."
Truyện ngắn Tôi đi học sống mãi với thời gian bởi nó được tạo nên từ cảm xúc trọng sáng, hồn nhiên và bút pháp nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế của nhà văn. Bằng câu chuyện của mình, Thanh Tịnh đã nói thay tất cả chúng ta cái cảm giác kì diệu của buổi học đầu tiên đã trở thành kỉ niệm đẹp đẽ, để lại ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời mỗi người. Chính vì vậy mà nó đã làm rung động trái tỉm bao thế hệ bạn đọc trong hơn nửa thế kỉ qua.