Trách nhiệm của những người giáo dục là giáo huấn, dạy dỗ, chỉ bảo, nhưng bằng phương cách trình bày, hướng dẫn, chỉ đường, chứ không bó buộc hay quyết định thay cho người thụ huấn. Điểm hay của người thầy là biết khơi dậy những khả năng tiềm ẩn đa dạng của mỗi người, đồng thời hỗ trợ và bổ túc những điều cần thiết, gợi ý những sáng kiến và đưa ra những phương pháp, cách thức, để mỗi người tự do lựa chọn và điều chỉnh cho phù hợp với khả năng và tính cách của mình. Eward Gibbon cho thấy rằng: “Mọi người đều hấp thụ được hai thứ giáo dục: một thứ do người khác tạo ra, còn một thứ quan trọng hơn nhiều là do chính mình tự tạo cho mình”. Thật vậy, kết quả giáo dục, cuối cùng cũng là tùy thuộc ở người thụ huấn, là người giữ vai trò chính yếu trong việc ý thức chủ động và tích cực rèn luyện bản thân mình. Coi thường nguyên tắc tự đào luyện là phá ngầm tính kiên trì mai sau của mình. Thiếu nó, việc giáo dục trở thành mảnh đất hoang, hay giống như lò ấp trứng. Còn lò thì trứng còn tốt, ra khỏi lò chẳng biết ra sao. Việc giáo dục của gia đình hay học đường như lò ấp trứng là một hình thức giả tạo, trong đó đương sự sống, làm việc, học hành một cách chiếu lệ, trôi nổi theo dòng nước chảy. Một con người như thế khi vào đời sẽ bị chìm ngập trong những biến động. Để cho mọi cái dễ dàng lôi cuốn mình, thì mình không còn là mình nữa.