Bác Hồ của chúng ta sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, có cuộc sống cần cù, gần gũi với bà con nhân dân lao động ở một miền quê có truyền thống anh hùng, bất khuất trong lịch sử đấu tranh của dân tộc. Từ tuổi ấu thơ, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã sớm hấp thụ những đức tính cao quý của ông bà, cha mẹ, anh chị trong gia đình và những người dân quê lao động. Đó là lòng nhân ái thương người, bên vực đồng bào nghèo khổ; có ý thức tìm tòi, học hỏi, có chí lớn để làm việc nghĩa
Người thanh niên Nguyễn Tất Thành vốn có tư chất thông minh, tinh thần ham học hỏi, khả năng tư duy độc lập, tính ham hiểu biết và nhạy bén với cái mới, chứng kiến cảnh khổ cực của người dân mất nước, cảm phục tinh thần đấu tranh bất khuất của cha anh, với lòng yêu nước, thương dân sâu sắc đã hun đúc nên những hoài bão lớn lao, được thôi thúc bởi ý định tìm hiểu “cái gì ẩn dấu sau” những “tự do, bình đẳng, bác ái” ở chính nước sinh ra khẩu hiệu đó.
Những tư tưởng tiến bộ của cuộc cách mạng ở Pháp năm 1789, thành tựu văn minh, tiến bộ của nhân loại ở Pháp và các nước châu Âu khác, đã thúc đẩy anh muốn đến tận nơi tìm hiểu “xem nước Pháp và các nước khác, sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”. Đó chính là những lý do Nguyễn Tất Thành quyết định chọn nước Pháp, chọn châu Âu làm điểm đến đầu tiên trong cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước năm 1911.
Ngày 3/6/1911, Nguyễn Tất Thành bắt đầu nhận việc phụ bếp trên tàu Đô đốc La-tu-sơ Tơ-rê-vin-lơ, một tàu lớn vừa chở hàng, vừa chở khách của hãng Năm Sao đang chuẩn bị rời Cảng Sài Gòn đi Mác-xây, Pháp. Ngày 5/6/1911, tàu Đô đốc La-tu-sơ Tơ-rê-vin-lơ kéo một hồi còi dài nhổ neo chào Bến cảng Nhà Rồng. Người thanh niên 21 tuổi ấy rời Tổ quốc thân yêu ra đi, bắt đầu cuộc hành trình tìm chân lý cho cách mạng Việt Nam.
Hành trang ban đầu của Nguyễn Tất Thành khi ra nước ngoài là tri thức về văn hóa phương Đông, lòng yêu nước nhiệt thành, tiếp thu có chọn lọc con đường cứu nước của các nhà yêu nước lớp trước và một dự định rõ rệt, lớn lao, đó là dự định đi tìm con đường cứu nước, cứu dân.
Ra đi tìm đường cứu nước với tuổi đời còn rất trẻ và từ một xã hội thuộc địa, nửa phong kiến, lúc đó Nguyễn Ái Quốc chưa có một ý niệm rõ ràng về giai cấp, đấu tranh giai cấp, đảng chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin...Thật may mắn vào tháng 7/1920, khi đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin, từ đó Người đã xác định được hướng đi. “Luận cương đến với Bác Hồ và Người đã khóc/ Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin”(thơ Chế Lan Viên).
Luận cương đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc những băn khoăn về con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc, trả lời câu hỏi ai là người lãnh đạo, lực lượng tham gia và mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng ở các nước thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc…
Luận cương đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành thế giới quan cộng sản của Nguyễn Ái Quốc. Trong bối cảnh bấy giờ, có nhiều trí thức Việt Nam sống tại Pháp, nhưng Người đã thể hiện tính vượt trội của tư tưởng khi nhận ra được chân lý lớn nhất của thời đại. Từ đó Người hoàn toàn tin theo Lênin, dứt khoát đứng về Quốc tế thứ ba.
Ngày 11/11/1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) trực tiếp tuyên truyền, giáo dục lý luận, xây dựng tổ chức cách mạng giải phóng dân tộc, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, khơi dậy tinh thần đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, xây dựng tổ chức tiền thân của Đảng, phát triển lực lượng cách mạng… Người dự thảo Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng tháng 2/1930. Tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng Việt Nam đã được hình thành cơ bản.
Trong hành trình cứu nước của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Người đã có nhiều cống hiến to lớn đối với cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, Người đã tìm được con đường cứu nước đúng đắn: Kết hợp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, kết hợp tinh thần yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản. Chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930. Từ đây, cách mạng Việt Nam bắt đầu đi vào quỹ đạo của cách mạng vô sản.
Hành trình tìm ra con đường cứu nước, con đường phát triển dân tộc Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc có ý nghĩa lịch sử to lớn, đó là:
Về chính trị tư tưởng, qua hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào nước ta, những tư tưởng mà Người truyền bá là nền tảng tư tưởng của Đảng ta sau này. Đó là: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc là kẻ thù chung của giai cấp vô sản và nhân dân các nước thuộc địa; chỉ có làm cách mạng đánh đổ chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thì mới có thể giải phóng giai cấp vô sản và nhân dân các nước thuộc địa. Xác định giai cấp công nhân và nông dân là lực lượng nòng cốt của cách mạng. Giai cấp công nhân có đủ khả năng lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng cộng sản được vũ trang bằng học thuyết Mác - Lênin.
Về tổ chức, Người đã tập hợp một số thanh niên Việt Nam yêu nước thành lập tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó có hạt nhân nòng cốt để phát triển lực lượng cách mạng; Người dự thảo Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt, chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - chính Đảng của giai cấp vô sản ở Việt Nam.
Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, với học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học, Nguyễn Ái Quốc đã đặt nền móng cho lý luận cách mạng Việt Nam trong thời đại mới; chấm dứt khủng hoảng đường lối cứu nước; tìm thấy đường lối phát triển đúng đắn cho dân tộc, phù hợp với trào lưu tiến hoá chung của nhân loại và xu thế của thời đại.
Hồ Chí Minh đã đem ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường cho phong trào yêu nước, làm cho chủ nghĩa yêu nước vươn lên tầm thời đại, trở thành chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh. Tìm ra con đường cứu nước, phát triển của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đóng góp to lớn, thiết thực chuẩn bị cho việc mở ra một giai đoạn phát triển mới của phong trào cách mạng vô sản, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới.