Cuộc đời và sự nghiệp của An Dương Vương có hai thời kì rõ rệt, thời kì đúng và thời kì sai, thời kì thành công và thời kì thất bại. Sự đúng, sai, thành, bại của ông đáng để muôn đời sau bàn luận và rút ra những nhận xét, những bài học kinh nghiệm cần thiết cho mình. Trong truyền thuyết cũng như tín ngưỡng dân gian, An Dương Vương luôn luôn được nhân dân tôn kính, ngưỡng mộ mặc dù nhân dân không quên nói về những sai lầm, nhược điểm của ông. Hình tượng An Dương Vương cầm sừng tê bảy tấc theo gót rùa vàng đi về thủy cung được tác giả “Lĩnh Nam chích quái” miêu tả thật hòa hùng và thiêng liêng. Đó là sự mĩ hóa và huyền thoại hóa cái chết và cách chết của An Dương Vương trong trong trí tưởng tượng và lí tưởng thẩm mĩ của tác giả dân gian. Như vậy là, trong trí tưởng tượng dân gian người Việt, trên bầu trời Việt Nam có “Thánh Gióng”, dưới biển Đông có “An Dương Vương”, hai vị anh hùng chống xâm lược, một thắng, một thua nhưng cả hai đều trường tồn, bất tử. Với cái chết của Mị Châu và sự “đi về thủy cung theo gót rùa vàng” của An Dương Vương mà thực sự cũng là một cách chết, tấn bi kịch về sự mất cảnh giác, thiếu mưu trí để cho nước mất nhà tan của An Dương Vương đã phát triển đến gia đoạn chót của nó.
Đến đây, toàn sự thành bại của An Dương Vương đã được trình bày sáng tỏ. Chủ đề chính của tác phẩm được thể hiện khá đầy đủ và sâu sắc…