Mở bài:
Mỗi ai khi đi xa đều mang trong mình chút hình chút bóng thân thương của dòng sông quê hương. Đặc biệt đối với các nhà thơ, nhà văn, dòng sông quê luôn là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn, thôi thúc các nhà thơ không thể kìm lòng mà phải viết. Một dòng sông “nước gương trong soi tóc những hàng tre” trong thơ Tế Hanh, một con sông Đà trong tùy bút Nguyễn Tuân, một dòng sông Hương êm đềm trong văn Hoàng Phủ…. Và chỉ khi đến với “Tràng Giang” của Huy Cận, ta mới thấy hết được những gì đẹp nhất, thơ nhất nhưng cũng chứa chan tình quê trong cảm thức của tác giả.
Mang trong mình cả cái tài, cái tâm lẫn cái tầm, Huy Cận được mệnh danh là nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn. Tuy am hiểu nhiều nền văn minh, văn hóa của nhân loại, hồn thơ ông vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Suối nguồn thơ ca truyền thống đã rót vào tâm hồn Huy Cận những giai điệu du dương, khiến cho tiếng thơ – những khi đạt đến độ thuần thục – rất dễ đi vào lòng người. Thể thơ lục bát truyền thống, thể thơ năm chữ của dân ca Nghệ Tĩnh – trong tay Huy Cận – vừa mộc mạc chân tình vừa lắng đọng, hàm súc; sắc thái biểu hiện được phát huy rõ rệt. Chất suy nghĩ bàng bạc khắp các tứ thơ. Hình ảnh thơ Huy Cận thường không sắc sảo, gây ấn tượng mạnh mà thâm trầm, khơi gợi; như len nhẹ, như ngấm sâu vào tâm hồn và trí tuệ người đọc. Những bức tranh thiên nhiên trong thơ Huy Cận thường rất ít đường nét, giản ước theo bút pháp cổ điển, gợi nhiều hơn tả. Do đó, có thể nói: ấn tượng không gian có được – trước hết – nhờ phong vị Ðường thi. Nhà thơ Xuân Diệu có lần từng nhận xét: “Thơ viết về đất nước, thiên nhiên và quê hương là một điểm mạnh của Huy Cận. Dường như ở đây nhà thơ đã toát ra một mảng hương sắc sâu xa, cao đẹp nhất của tâm hồn mình”. Và “Tràng Giang” đã thể hiện sâu sắc điều đó.