*Cảm nhận về Cách mạng tháng 8 năm 1945
Thời điểm bấy giờ, đất nước ta còn muôn vàn khó khăn. Chế độ thực dân, phong kiến làm cho nhân dân ta khắp mọi miền cùng cực điêu đứng, trong nạn đói kinh hoàng. Việt Nam một nước nhỏ bé, lạc hậu hầu như thế giới ít biết đến.
Thế nhưng dưới sự lãnh đạo của một chính Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện gồm một số đảng viên nhỏ bé nhưng ý chí cách mạng kiên cường, nghị lực cách mạng vô song, không ngại hy sinh gian khổ, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng và của dân tộc đã đứng lên dương cao ngọn cờ đoàn kết tập hợp lực lượng của cả dân tộc không kể giàu nghèo, tôn giáo, dân tộc, già trẻ, trai gái quây tụ trong Mặt trận Việt Minh - thành quả của sự sáng tạo, nhạy bén của Đảng trên nền tảng tư tưởng “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” lấy mục tiêu “độc lập dân tộc là trên hết” thực tế đã thành điểm tập hợp mọi tầng lớp nhân dân đứng trong các tổ chức “cứu quốc” sẵn sàng vùng lên tổng khởi nghĩa giành độc lập khi thời cơ cứu nước đã đến.
Thời cơ ấy là đầu năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ hai đã bước vào giai đoạn kết thức. Ở châu Âu, phát xít Đức - Italia đang bị các lực lượng đồng minh truy đuổi tới tận sào huyệt. Tại châu Á, phát xít Nhật liên tiếp thất bại trước quân Mỹ và các lực lượng kháng chiến của các quốc gia tại khu vực này.
Ở Đông Dương, mâu thuẫn giữa Nhật và Pháp trở nên gay gắt. Và đúng như dự kiến của Đảng ta, ngày 9/3/1945, Nhật nổ súng lật đổ Pháp. Quân Pháp ở Đông Dương chống cự yếu ớt và nhanh chóng đầu hàng. Phát xít Nhật độc chiếm thống trị Đông Dương, bày trò “trả độc lập” cho Bảo Đại và dựng lên chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim.
Trước tình hình đó, ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị xác định “Đế quốc phát xít Nhật là kẻ thù chính - kẻ thù cụ thể trước mắt - duy nhất của nhân dân Đông Dương”. Ban Thường vụ quyết định thay đổi khẩu hiệu: “Đánh đuổi Nhật - Pháp” bằng khẩu hiệu đánh đuổi phát xít Nhật” và đưa ra khẩu hiệu “Chính quyền cách mạng của nhân dân” để chống lại chính quyền Nhật và chính phủ bù nhìn thân Nhật. Cũng tại hội nghị này, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định phát động cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Để chuẩn bị tích cực cho Tổng khởi nghĩa Đảng ta chú ý mở rộng Mặt trận Việt Minh, tranh thủ mọi lực lượng yêu nước, thực hiện chính sách đoàn kết, phân hóa hàng ngũ kẻ thù. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận, phong trào “Kháng Nhật cứu nước” phát triển mạnh mẽ trong cả nước thu hút mọi tầng lớp, đảng phái tham gia mà tiêu biểu là phong trào “thanh niên xung phong”.
Trong thời gian này, Đảng và Mặt trận có một chủ trương đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân là: “phá kho thóc của Nhật, giải quyết nạn đói” đáp ứng nguyện vọng bức thiết của nhân dân tiếp thêm sức mạnh để đánh đổ ách thống trị của bọn phát xít.
Ngày 11-8-1945, Chính phủ Nhật chấp nhận đầu hàng Đồng Minh không điều kiện và đúng như dự kiến của Đảng ta “Cơ hội ngàn năm có một” để giành độc lập cho dân tộc đã đến.
Ngày13-8-1945, nhận được tin Nhật đầu hàng, Trung ương đã thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.
Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân Tân Trào đã quyết định Tổng khởi nghĩa và kêu gọi nhân dân toàn quốc hãy đứng lên “giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập”. Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam tức Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch đã kêu gọi đồng bào cả nước đứng dậy “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”,
Chỉ trong gần hai tuần lễ, Tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước. Ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.
Thời điểm này chúng ta mới có 5.000 đảng viên mà một số đông còn nằm trong nhà tù, trại tập trung và bị đày biệt xứ do chính sách đàn áp của bọn đế quốc thực dân. Lực lượng vũ trang do Đảng ta lãnh đạo cũng chỉ có khoảng hơn 5.000 người nhưng nhờ chính sách đại đoàn kết độc tộc của Đảng và Mặt trận Việt Nam, dân tộc ta đã lập nên một chiến tích vang dội, để lại những bài học lớn trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền và giữ chính quyền, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Giang sơn thu về một mối. Cả nước cùng đi lên theo con đường mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn.
Hiện tại và tương lai, đất nước còn muôn vàn khó khăn thách thức do các thế lực thù địch còn tìm cách chống phá cách mạng Việt Nam, do tình hình thế giới còn những diễn biến khó lường, tình hình Biển Đông còn diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai liên tiếp gây nên những thảm họa lớn. Song từ những bài học của Cách mạng Tháng Tám, từ những kinh nghiệm mà chúng ta đã đúc kết được sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, chúng ta tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ thu lại những kết quả tốt đẹp, đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.