Lâu nay chúng ta thuận mồm nói: nhanh- nhiều- tốt- rẻ; và, nhiều khi hiểu chưa chuẩn xác các chữ này mà xem đó là một khẩu hiệu thi đua đơn thuần. Dưới bút danh C.K.,Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bốn bài báo khác nhau đăng trên báo Nhân Dân vào tháng 3 năm 1960, để phân tích ý nghĩa của rừng chữ. Mở đầu bài báo đầu tiên Người viết: “Nhiều, nhanh, tốt, rẻ, là phương châm chung của chúng ta trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Người giải thích : “Trước hết phải nói đến Nhiều. Vì có làm ra nhiều của cải, vừa có thể tăng tích lũy để mở rộng sản xuất, vừa nâng cao mức tiêu dùng của nhân dân lao động. Muốn làm ra nhiều của cải, phải có hai điều kiện: Một là phải có nhiều người sản xuất. Hai là mỗi người phải sản xuất được nhiều. Hai điều này thật ra không tách rời nhau”. Ở đây cần phân tích “hai điều kiện” mà Hồ Chí Minh nêu ra để “làm ra nhiều của cải” cho xã hội, nhằm làm sáng tỏ hơn quan điểm của người khi Người đặt Nhiều lên trước, làm nền tảng cho Nhanh, Tốt, Rẻ. Cả hai điều kiện “nhiều người” và “mỗi người” đều nói tới nhân tố lao động – sức lao động hoặc sức sản xuất – nhân tố quyết định của lực lượng sản xuất. “Nhiều người sản xuất” là nói về yếu tố số lượng lao động. Mỗi người phải sản xuất được nhiều” là yếu tố chất lượng lao động. Hai yếu tố này “thật ra không tách rời nhau”. Dù ở trình độ cao hay trình độ thấp thì phân công lao động xã hội tồn tại khách quan trong các hình thái kinh tế- xã hội. Sự phân công ấy hình thành các loại: lao động trực tiếp và lao động gián tiếp, lao động chân tay và lao động trí óc, lao động chính và lao động phụ, lao động phức tạp và lao động giản đơn . Một xã hội văn minh là một xã hội trong đó bất kỳ ai trong độ tuổi lao động đều phải làm việc và có việc để làm. Và, Hồ Chí Minh quan niệm: “Việc này và việc kia đều cần thiết cho xã hội, đều là quang vinh, Nhưng nếu số người làm loại việc này nhiều lên, ắt số người làm loại việc kia phải ít đi.Chúng ta muốn nước nhà giàu mạnh, nhân dân ấm no, nên phải luôn luôn cố gắng sắp xếp để có thật nhiều người trực tiếp sản xuất. Còn số người không trực tiếp sản xuất thì càng ít càng tốt, nhưng phải thông thạo công việc để đủ sức gánh vác nhiệm vụ”. Rõ ràng, quan điểm của Hồ Chí Minh về phân công lao động xã hội trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta (cụ thể ở miền Bắc) là rất quan trọng, rất cần thiết, bởi đó là đòi hỏi tất yếu khách quan khi hình thái kinh tế- xã hội thay đổi. Bản chất xã hội thay đổi thì sự phân công lao động cũng phải thay đổi về bản chất và sự thay đổi ấy là tự giác, tức là có tổ chức, có kế hoạch, có mục tiêu và là động lực phát triển lực lượng sản xuất.Ngược lại, khi lực lượng sản xuất phát triển sẽ tác động tích cực cho phân công lao động xã hội tiếp tục phát triển. Sự phân công lao động xã hội và quá trình diễn tiến của nó có quan hệ mật thiết với công tác điều tra cơ bản, công tác lập kế hoạch, tới từng bước đi cụ thể và với cơ chế chính sách, tức là nó chịu tác động của các điều kiện khách quan và các yếu tố chủ quan.