Rừng từ lâu đã được coi là “lá phổi xanh” của con người. Rừng có rất nhiều ưu điểm và lợi ích đối với chúng ta. Rừng mang đến lợi ích về mặt môi trường, sức khỏe. Bên cạnh đó, rừng còn mang lại giá trị về mặt kinh tế, xã hội. Như vậy, bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Đặc biệt, với một quốc gia đặc biệt như Việt Nam, thì bảo vệ rừng rất quan trọng. Vì với 3/4 diện tích đất là đồi núi, rừng chính là một tài nguyên quan trọng và liên quan trực tiếp đến cuộc sống mỗi chúng ta.
Đầu tiên, về mặt môi trường, rừng là nơi bảo vệ cho không gian sống của con người. Rừng giúp thanh lọc và điều hòa không khí. Rừng tạo môi trường sống ít ô nhiễm. Sự quang hợp của cây xanh sẽ giúp thu khí Carbonic và thải ra khí Oxi. Hơn nữa, rừng còn là nơi điều hòa mạch nước ngầm. Rừng phòng hộ giúp làm giảm sự phá hoại và càn quét của thiên tai như bão, lũ… Đồng thời, rừng còn là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật… Rừng giúp bảo đảm cân bằng sinh thái. Ví dụ điển hình tại Việt Nam, khu vực miền Trung, với diện tích đồi núi ăn sát biển, thừơng xuyên xảy ra lũ quét. Rừng phòng hộ đầu nguồn chính là một trong những tấm chắn quan trọng để ngăn lũ càn quét xóm làng.
Tiếp theo, về mặt sức khỏe, có thể nói “rừng” là một trong những “biện pháp” phòng mọi loại bệnh tật và giúp tăng cường sức khỏe cho con người. Rừng là “lá phổi xanh” của chúng ta rừng giúp thanh lọc không khí, giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường dẫn đến bệnh tật như ung thư… Rừng giúp hấp thu khí Carbonic và thải khí Oxi cho chúng ta, làm sạch môi trường. Đồng thời, rừng cũng có tác dụng diều hòa nhiệt độ môi trường, tạo môi trường trong lành cho khu vực mà bạn đang sống. Ngoài ra, cây xanh cũng là bảo vệ chúng ta khỏi những tia UV gây hại. Như vậy, rừng rất có lợi cho sức khỏe con người.
Kế đến, về mặt xã hội, rừng được coi là một trong những điểm mạnh về mặt an ninh quốc phòng. Rừng cung cấp không gian ẩn nắp cho bộ đội. Đồng thời, địa thế rừng hiểm trở cũng là một vũ khí lợi hại giúp ta chống lại giặc ngoại xâm. Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, Mỹ, rừng đóng một vai trò quan trọng cho quân và dân ta. Rừng là lá chắn hành quân, và cũng là nơi cung cấp vũ khí cho quân ta.
Không dừng lại ở đó, rừng còn mang lại giá trị kinh tế lớn cho con người. Rừng là nguồn cung cấp gỗ, dược liệu, chim thú và các loại khoáng sản quý cho con người. Đây chính là nguồn nguyên liệu quý giá của nhiều ngành công nghiệp ở nước ta cũng như trên thế giới như công nghiệp sản xuất gỗ, công nghiệp luyện kim, công nghiệp may mặc… Có thể nói, rừng là nơi chứa đựng nguồn sống của con người.
Ngoài ra, rừng cũng mang lại giá trị du lịch cho chúng ta. Các loại hình du lịch sinh thái phát triển cũng đem đến giá trị về mặt kinh tế cho con người. Đặc biệt với những người dân địa phương, du lịch sinh thái sẽ giúp họ có thêm thu nhập. Tuy nhiên, cũng chính vì thực trạng sử dụng, khai thác rừng quá mức như hiện nay, chúng ta cũng đang chính tay mình hủy đi tất cả các nguồn lợi mà rừng mang đến. rừng vàng biển bạc hiện nay không còn nữa mà thay vào đó tình trạng rừng đang bị khai thác kiệt quệ, các rừng ven biển, rừng đầu nguồn bị khai thác triệt để, trong khi lượng cây trồng lại không được bao nhiêu, đấy là tình trạng chung của nước ta dẫn đến nhiều hiện tượng thiên nhiên như lũ lụt, xói mòn, hạn hán, ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng hơn. Nếu không có biện pháp đúng đắn, hành động ngay bây giờ nhiều khu rừng sẽ bị xóa sổ khi đó tình trạng thiên tai khốc liệt, dịch bệnh sẽ đến ngày một nghiêm trọng hơn nữa.
Rừng đóng góp một vai trò cực kì quan trọng vào cuộc sống của con người. Rừng không chỉ đơn giản là hệ sinh thái, rừng còn là nguồn sống quý giá của con người. Do đó, chúng ta cần chung tay bảo vệ rừng để bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta. Vì, nếu không bảo vệ rừng, hàng loạt những điều không tốt sẽ xuất hiện: ví dụ như ô nhiễm môi trường nặng hơn, khí hậu biến đổi, thiên tai thường xuyên, cạn kiệt nguồn nguyên liệu…
Để bảo vệ rừng, ngoài các chính sách bảo vệ rừng của chính quyền, mỗi người chúng ta cũng phải có ý thức bảo vệ như: không vướt rác bữa bãi, tuân thủ nghiêm ngặt các nội quy trong rừng, tố cáo các hành vi phá hoại rừng và đóng góp vào công cuộc khôi phục rừng của chính quyền địa phương. Cần phải có sự tuyên truyền giáo dục cho học sinh sinh viên và người dân hiểu hơn về tầm quan trọng của rừng, hệ sinh thái để chủ động hơn trong việc bảo vệ rừng, đó cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.