Câu 1. Em hãy kể thứ tự tên các loại xe ƣu tiên đi trước xe khác khi đi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào đi tới?
Đáp án: Điều 22 – Luật GTĐB 2008
a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
đ) Đoàn xe tang.
Câu 2. Khi gặp một đoàn xe hoặc một đoàn người có tổ chức thì người lái xe có được phép cho xe chạy cắt ngang hay không?
Đáp án: Không được phép
Câu 3: Tuổi tối thiểu đối với người điều khiển xe gắn máy có dung tích dưới 50cm3 là bao nhiêu?
Đáp án: 16 tuổi (Khoản 1, Điều 60 – Luật GTĐB 2008)
Câu 4. Hãy cho biết hình dạng màu sắc và ý nghĩa của biển báo nguy hiểm? Khi gặp biển báo nguy hiểm người tham gia giao thông phải làm gì?
Đáp án: Hình tam giác viền đỏ, nền vàng, hình vẽ màu đen để cảnh báo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Khi gặp biển báo nguy hiểm người tham gia giao thông phải cho xe giảm tốc độ đến mức không nguy hiểm để phòng ngừa tai nạn.
Câu 5. Khi tham gia giao thông, người đi bộ phải thực hiện quy tắc giao thông nào?
Đáp án: (Điều 32 – Luật GTĐB 2008)
- Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.
- Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.
- Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.
- Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
- Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.
Câu 6. Hãy cho biết có mấy nhóm biển báo hiệu giao thông đường bộ? Kể tên?
Đáp án: 5 nhóm (Biển báo cấm; Biển báo nguy hiểm; Biển báo hiệu lệnh;
Biển báo chỉ dẫn và biển báo phụ).
Câu 7. Người điều khiển xe, mô tô vi phạm các hành vi sau sẽ phạt bao nhiêu tiền?
- Không có giấy phép lái xe
- Sử dụng giấy phép lái xe không rõ cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc giấy phép lái xe bị tẩy xóa.
Đáp án: Theo khoản 5, Điều 24 Nghị định 71/2012/NĐ-CP thì bị phạt từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng. Ngoài ra còn bị tạm giữ xe trong thời hạn 7 ngày.
Câu 8. Hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ bao gồm những gì? Nếu nếu người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông thì bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Đáp án: Bao gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, hoặc tường bảo vệ, hàng rào chắn.
Nếu vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông thì bị xử phạt từ 200.000đ – 400.000đ (Điểm c, Khoản 4, Điều 9, Nghị định 71/2012/NĐ-CP).
Câu 9. Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?
Đáp án: (Điểm c, Khoản 3, Điều 9, Nghị định 71/2012/NĐ-CP)
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng
Câu 10. Khi điều khiển xe mô tô, xe máy tham gia giao thông cần phải có những loại giấy tờ gì?
Đáp án:
Khi điều khiển xe mô tô, xe máy tham gia giao thông cần phải có những loại giấy tờ sau đây:
- Giấy phép lái xe (nếu điều khiển xe mô tô)
- Giấy đăng ký xe mô tô, xe gắn máy.
- Giấy chứng nhận BHTNDS còn hiệu lực có liên quan đến xe mình đang đi.