Chúng ta là đất nước nằm ở ngã tư đường của những nền văn hóa lớn nhất thế giới, nhưng khi những nền văn hóa đó đi qua nó không thấm đẫm mà chỉ như làn gió thoảng qua. Việt Nam không theo Phật đậm như Campuchia, không Khổng đậm như Hàn Quốc, không Kito đậm như Philippines và không Hồi giáo đậm như Indonesia. Bản sắc văn hóa Việt, thế mạnh của nó chính là tính lưỡng căn - hai gốc rễ ( lưỡng thể vừa văn hóa biển vừa văn hóa đại lục) - Đông Á - Đông Nam Á. Ta “gần” – “giống” Trung Hoa, Nhật Bản - Triều Tiên bao nhiêu thì cũng gần Thái, Malaysia, Indonesia... bấy nhiêu. Có thể nói chúng ta đã chắt lọc nền nhiều nền văn hóa và gom góp lại, rồi biến chuyển nó trở thành nền văn hóa của riêng chúng ta. Thế nhưng văn hóa của chúng ta không chỉ đơn giản là sao chép một cách hời hợt từ nhiều nền văn hóa khác, mà chúng ta đã chắt lọc và sáng tạo để biến nó thành của mình. Với đặc điểm về địa lý và đa sắc tộc, chúng ta có cả một nền văn hóa ẩm thực độc đáo với nhiều món ăn ngon mà không nơi nào khác trên thế giới có. Chúng ta có một nền nghệ thuật riêng và độc đáo như ca trù hay quan họ.v.v. Chúng ta có những nét riêng trong kiến trúc và thời trang, ví dụ như áo dài. Ví dụ điển hình nhất về dự sao chép rồi biến chuyển đó là Tết. Tết Nguyên đán của chúng ta vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, thế nhưng sau hàng ngàn năm nó đã trở thành ngày Tết của riêng chúng ta, thấm đẫm văn hóa truyền thống hàng ngàn năm của dân tộc. Chúng ta có bánh chưng, bánh dày và nhiều món đặc biệt khác trong ngày Tết mà nay đã trở thành niềm tự hào về ẩm thực của chúng ta đối với người nước ngoài. Không ít khách du lịch quốc tế đã phải quay lại Việt Nam sau khi được ăn bánh chưng và tham dự ngày Tết dân tộc của Việt Nam. Nói chung văn hóa của chúng ta có những điều rất riêng, rất sáng tạo và rất đáng tự hào. Vì thế hãy cứ tự hào về nền văn hóa của chúng ta nhé các bạn.