Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Ngăn chặn bạo lực học đường
Chốn học đường được xem là môi trường an toàn nhất để các bậc phụ huynh gởi gắm con em. Tuy nhiên, hiện nay có không ít phụ huynh ngày ngày lo lắng cho con em mình vì môi trường an toàn này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng học sinh hành xử nhau theo kiểu bạo lực, thậm chí là côn đồ, xã hội đen.
Không vừa ý nhau, đánh. Thấy chướng mắt, đánh. Giành giật bạn trai, bạn gái, đánh. Thậm chí đẹp… cũng bị đánh. Có nhiều học sinh vô cớ bị bạn đánh tức tưởi mà không biết lý do tại sao? Nhiều học sinh còn tụ tập, ăn chơi với đám bạn lêu lỏng ở ngoài trường, khi có chuyện chỉ cần một cú điện thoại lập tức đám giang hồ này sẽ có mặt trước cổng trường chờ đối tượng ra để xử.
Có thể nói bạo lực học đường gia tăng do hai nguyên nhân chính sau đây: thứ nhất là từ phía gia đình như cha mẹ hay cãi vã, đánh nhau, hay dùng bạo lực để dạy con khiến các em tiêm nhiễm. Tuy nhiên, nguyên nhân đáng lo ngại nhất là các em gần gũi với Internet, những bộ phim sặc mùi bạo lực, kinh dị đẫm máu dễ dàng được download về, truyền tay nhau xem. Bên cạnh đó, nhiều trang web, blog xấu chuyên tuyên truyền khiến các em ngày càng lệch lạc, sa vào bạo lực.
Để khắc phục trước tình trạng này, về phía gia đình, không răn dạy con theo kiểu bạo lực, phải từ tốn, dùng lý lẽ để hướng các em theo cái tốt, hạn chế xảy ra xung đột trong gia đình. Đặc biệt, phải theo sát lịch học của con em để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những trường hợp lêu lỏng, bỏ học, tụ tập theo đám bạn xấu. Không cho con em đua đòi sắm điện thoại di động hay tiếp xúc quá nhiều với Internet.
Về phía nhà trường, kịp thời phát hiện những trường hợp mâu thuẫn giữa học sinh có thể dẫn đến đánh nhau để ngăn chặn, trường hợp có thành phần xấu bên ngoài tham gia đánh học sinh, thì nhà trường liên hệ ngay với lực lượng công an địa phương để bắt, răn đe những đối tượng này. Có như vậy mới góp phần xây dựng văn hóa học đường cho học sinh hôm nay và mai sau.
Gia đình và nhà trường là nền tảng cho trẻ
Làm sao để mỗi học sinh thực sự có văn hóa trong nếp sống hàng ngày? Kinh nghiệm cho thấy sự giáo dục các cháu từ nhỏ trong gia đình là rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Từ lúc con hết nằm nôi, chúng đã biết bắt chước cha mẹ và người xung quanh. Vì vậy, cha mẹ phải hướng thiện cho con, không hứa hão, không gây gổ trước mặt con, không chửi thề, con nói sai phải sửa, không hù dọa con, đừng nghĩ con còn nhỏ mà bỏ qua những câu nói bậy, nói hỗn.
Tập cháu bé khoanh tay thưa, chào người lớn, khi gặp và khi chia tay. Khi cháu vào mẫu giáo, cha mẹ phải có trách nhiệm nhiều hơn, nên gắn với các cô nuôi dạy trẻ kiểm tra theo dõi cháu trong vui chơi, sở thích, nhất là tránh cho cháu bắt chước các thói hư tật xấu trong giao tiếp bạn bè. Chọn bạn chơi cho cháu. Chuyện này kéo dài cho đến hết bậc tiểu học.
Đừng suy nghĩ là khi giao trẻ, đưa trẻ vào trường rồi xong. Nhiều phụ huynh do bận rộn, do làm ăn xa và cả do lười biếng dạy con, đã khoán trắng cho nhà trường, quên mất là các cháu chỉ ở trường, bên thầy cô 4 - 5 tiếng một ngày 24 giờ. Thậm chí, cho các cháu đi học thêm, học hè để… mình rảnh tay!
Với thầy cô trong trường, ngoài “môi trường sạch” từ ban giám hiệu xuống tới người làm tạp vụ phải gương mẫu, thầy cô nhiều khi được học sinh nghe lời hơn cha mẹ, nên thầy cô phải giáo dục nhân cách cho các em. Từng cử chỉ, lời nói, từng xử lý sự việc trong lớp, đều nhằm định hướng suy nghĩ đúng cho các em. Nhân cách thầy cô là gương soi cho các em. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
Gia đình và nhà trường là hai nơi giúp các cháu xây dựng văn hóa học đường quan trọng nhất.
Niềm tin nơi học đường
Trong đợt khai giảng năm học 2007-2008, một phóng viên đã có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Khắc Phục, tác giả cuốn tiểu thuyết “Học phí trả bằng máu” về những kỷ niệm thời ông cắp sách tới trường cùng quan điểm của ông về sự khác biệt giữa nền giáo dục của chúng ta trước kia và hiện nay.
Đó là một cuộc trao đổi lý thú, gợi mở được nhiều điều, trong đó tôi đặc biệt tâm đắc khi Nguyễn Khắc Phục cho rằng, cơ sở để nền giáo dục của chúng ta trước đây - mặc dù gặp khó khăn về nhiều mặt - song vẫn đạt được những thành tựu đáng nể trọng, vẫn tạo dựng được một đội ngũ trí thức có năng lực và giàu tâm huyết- cơ sở ấy là niềm tin.
Niềm tin nơi người giảng và niềm tin nơi người học. Không chỉ là niềm tin trong những điều được các thầy truyền thụ một cách say mê, rút gan rút ruột, mà bản thân lối sống trong sáng, lý tưởng cao đẹp của các thầy đã là một điểm tựa tinh thần để các cô cậu học trò theo đó vươn lên.
Còn bây giờ, không khí học đường của chúng ta thế nào? Phải công bằng mà nói, một khi sự thực dụng đã và đang ngấm vào lối sống của không ít bậc làm thầy, thì cái việc dạy và học ở nơi này nơi nọ xem ra chỉ thuần túy là vấn đề… kỹ thuật. Nghĩa là, tôi dạy là việc của tôi, anh nghe là việc của anh, tin hay không tin, tự anh tìm hiểu lấy.
Thậm chí, không hiếm ông thầy giảng thế này nhưng lại nghĩ thế khác. Tất nhiên, chẳng ai buộc được mọi người - trước một vấn đề - đều có chung một nhận thức, song ít ra, với đối tượng là các cô các cậu trò nhỏ ngây thơ, người thầy chớ nên lặp lại trường hợp như tôi từng chứng kiến.
Khi bình luận về đoạn Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều (trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du), một thầy giáo trong phút “ngoài lề” với học sinh đã nói trắng phớ ra là: Giảng thì giảng vậy song ông rất ác cảm với cô Kiều. Theo người thầy này thì Kiều là kẻ “tranh vợ cướp chồng”, và so với Hoạn Thư, cô chỉ “đứng đến gót Hoạn Thư”. Cũng theo quan điểm của ông, chính Hoạn Thư mới thực mang đủ các phẩm chất… đáng quý của người phụ nữ Việt Nam?!
Lại có trường hợp, người thầy tham gia biên soạn rất nhiều “sách tham khảo dùng trong nhà trường”, và ở “Lời nói đầu” của những cuốn này, bao giờ ông cũng chua thêm một câu: “Ước mong lớn nhất của tác giả là được truyền thụ những đam mê cháy bỏng cùng kinh nghiệm cảm thụ nghệ thuật của một người thầy đã có hơn 40 năm đứng trên bục giảng tới các em học sinh thân yêu”.
Vậy mà đến khi trả lời phỏng vấn báo chí, thầy lại bất ngờ thổ lộ rằng: “Sự nghiệp của tôi nằm cả ở mảng sách dành cho người lớn, chứ những tập sách lá cải dành cho tụi nhỏ này, chẳng qua người ta đặt hàng với giá cao thì mình làm…”…
Chưa hết, có người thầy khi đứng lớp thì luôn miệng khuyên nhủ các em học sinh phải chịu khó tìm tòi, đào sâu suy nghĩ, cố gắng để trước mỗi vấn đề đều có chính kiến riêng, ấy thế nhưng khi tìm hiểu về “nhân thân” của thầy thì “các trò” lại được biết: Thầy từng bị báo chí “vạch mặt chỉ tên” về tội… đạo văn…
Dĩ nhiên, những tình tiết nêu trên chỉ là một mảng trong bức tranh giáo dục đa màu sắc của chúng ta. Những điều bất cập đang từng bước được ngành chủ quản nghiên cứu để có hướng điều chỉnh thích hợp. Kết quả đến đâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song chắc chắn đó là những việc buộc phải làm, nếu ta muốn trả lại cho các em niềm tin nơi học đường.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |