3. Theo Luật Quốc phòng năm 2005 (luật số 39/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005), Quân đội nhân dân là một bộ phận và là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân, bao gồm Lực lượng Thường trực và Lực lượng Dự bị Động viên. Lực lượng Thường trực của Quân đội nhân dân có Bộ đội Chủ lực, Bộ đội Địa phương và Bộ đội Biên phòng. Cấp tổ chức của Quân đội nhân dân Việt Nam từ thấp đến cao là Tiểu đội, Trung đội, Đại đội, Tiểu đoàn, Trung đoàn, Lữ đoàn, Sư đoàn (trước đây gọi là Đại đoàn). Cấp cao nhất là Quân đoàn, hiện nay có 4 quân đoàn là các quân đoàn 1, 2, 3, 4. Đây chính là quân chủ lực cơ động.
Từ cấp tiểu đoàn trở lên có ban chỉ huy gồm cấp trưởng, cấp phó, tham mưu trưởng và cấp phó phụ trách công tác chính trị, theo chế độ một thủ trưởng.
Trước đây, khi thực hiện chế độ "2 thủ trưởng", thì ngoài thủ trưởng quân sự (đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng...), từ cấp đại đội trở lên còn có thủ trưởng chính trị, được gọi là chính trị viên (ở cấp đại đội và tiểu đoàn) hoặc chính ủy (ở cấp trung đoàn trở lên). Cấp thủ trưởng chính trị này từ sau Chiến tranh Việt Nam đã chuyển thành cấp phó phụ trách công tác chính trị.
Theo nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ X, chế độ chính ủy - chính trị viên lại được khôi phục trong toàn quân từ năm 2006.