Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Lời khen của ba mẹ khiến nó nở từng khúc ruột. Hãy xác định từ ngữ thể hiện biện pháp tu từ trong đoan văn sau. Cho biết biện phát tu từ ấy có tác dụng như thế nào

Câu 1. Cho câu: Lời khen của ba mẹ khiến nó nở từng khúc ruột
a. Hãy xác định từ ngữ thể hiện biện pháp tu từ trong đoan văn sau
b. Cho biết biện phát tu từ ấy có tác dụng như thế nào
Câu 2. Câu "Hai người giằng co nhau, đu đẩy nhau, rồi ai nấy đều buông gậy ra, áp vào vật nhau (tác phẩm Tắc đèn của Ngô Tất Tố)
a) Phân tích câu tạo của các vế câu trong câu ghép trên
b) Quan hệ giữa các vế câu trong câu ghép là gì ?
Câu 3. Viết một đoạn văn nêu cảm nhận của em về tình yêu thương con của lão hạc trong truyện ngắn "Lão hạc" của Nam Cao.
Câu 4.
Đề 1. Kể một câu truyện mà em đã trải qua hay được chứng kiến thể hiện tình yêu thương của con người với con người.
Đề 2. Hãy thuyết minh về chiếc áo dài Việt Nam
5 trả lời
Hỏi chi tiết
2.055
3
0
ღ Ice Sea ღ
27/12/2017 23:23:46
Câu 1:
a. Từ ngữ thể hiện biện pháp tu từ là: nở từng khúc ruột (nói quá).
b.  Tác dụng: Thể hiện niềm vui, niềm sung sướng của khi được ba mẹ khen.
Câu 2: 
a. Phân tích cấu tạo: Hai người giằng co nhau, đu đẩy nhau, rồi ai nấy đều buông gậy ra, áp vào vật nhau.
                                     CN                 VN                  VN       QHT   CN            VN                       VN
b. Quan hệ giữa các vế câu trong câu ghép là quan hệ đẳng lập.
Câu 3: 
Lão Hạc là một người cha rất mực yêu thương con. Đồng cảm với nỗi phẫn chí của đứa con tội nghiệp, lão Hạc chấp nhận để con đi cao su. Làm như vậy, lão đã vì con mà ngậm ngùi chịu cảnh già cả, cô đơn, bệnh tật. Ở một mình, lão dành rất nhiều yêu thương cho con chó Vàng: gọi nó là “cậu” Vàng, ăn gì cũng cho nó ăn cùng, đau khổ, khóc lóc khi trót lừa nó để bán... Lão yêu con chó Vàng đơn thuần vì lão rất yêu loài chó ư? Không, lão yêu nó phần lớn bởi đó là kỉ vật của con trai để lại. Đặc biệt, cuối cùng lão Hạc đã chủ động tìm đến cái chết - một cái chết bi thương - cái chết bằng bả chó. Lão đã chấp nhận cái chết nghiệt ngã ấy để giữ lại cho con trai mảnh vườn đặng khi con về có vườn có đất làm ăn sinh sống. Chao ôi! Tình phụ tử ở lão Hạc thật khiến lòng ta cảm động.

Câu 4: 
Đề 1: 

Cuối tuần qua, trên đường đi học về, em trông thấy việc làm tốt của một bạn thiếu nhi trạc tuổi em. Cử chỉ, nét mặt cũng như việc làm của bạn ấy làm em nhớ mãi.

Chiều thứ sáu, đường phố đông nghịt. Trên vỉa hè,người người đi lại như mắc cửi. Trên đường, xe chạy tấp nập, ồn ã. Những người bán hàng đêm đang nhanh tay bày hàng ra lề đường. Phố xá chiều cuối tuần có nét hối hả hơn thường ngày. Em xốc cặp, rảo bước về hướng nhà mình. Đường về nhà em ngang qua một trạm xe bus. Đang đi, em nhìn về phía bên kia đường thấy lố nhố một đám người đang muốn băng qua đường đến trạm xe bus mà không được. Thắc mắc, em nhìn kĩ họ. Đó là những người khiếm thị vì hầu hết họ đều đeo mắt kính đen, thảo nào họ không sang đường được vì xe chạy rầm rập, không ngừng. Chỗ trạm xe bus ở cách xa cột đèn đỏ nên việc băng qua đường phải lựa lúc dù đã có vạch kẻ đường. Những người khiếm thị không phải đi hai tay không, họ đi bán những sản phẩm tự tay làm: chổi đót, tăm tre và cả đũa ăn nữa. Tuy đồ mang theo không nhiều nhưng cũng đủ làm họ lúng túng. Vừa lúc ấy, một bạn học sinh trạc tuổi em chạy đến. Bạn ấy cúi chào rồi hỏi những người khiếm thị gì đó và họ gật đầu. Bạn học sinh ấy mặc đồng phục Tiểu học quần xanh áo trắng như em vậy. Lúc này em đã đến gần nhà hơn nên thấy rõ bạn ấy đeo huy hiệu măng non dưới bảng tên trường. Khuôn mặt bạn ấy tuấn tú, trán rộng và cao. Bạn ấy dắt tay một người đầu tiên xuống đường rồi cũng rất nhanh nhẹn và ân cần, bạn ấy lấy tay những người khác dặt lên vai người đi trước, giống như học sinh đang xếp hàng vậy. Đoạn, bạn ấy mạnh dạn đưa cao tay lên. huơ lia lịa cái khăn quàng đỏra hiệu xin đường. Những chiếc xe máy chạy chậm lại nhường đường cho bạn ấy. Bạn ấy nắm lấy tay người đầu tiền và dẫn đoàn người khiếm thị qua đường an toàn. Khi tất cả mọi người đã đứng yên dưới mái che của trạm xe bus, em cũng vừa đi tới sát ngay đó. Những người lớn trầm trồ,chỉ trỏ, khen bạn nhỏ nhanh trí và biết giúp đỡ những người khiếm thị. Bác xe ôm nói:

- Tụi bác ở đây mà còn chưa làm được như con. Con đáng khen lắm, con học trường nào vậy?

Bạn ấy cười, bẽn lẽn:

- Dạ, con học trường Kim Đồng.

Lại có bác xe ôm khác nói:

- Để bác đưa mấy anh chị này lên xe bus cho. Con yên tâm về đi. Tụi bác cũng phải góp công một chút chứ xấu hổ quá.

Mọi người cùng cười xòa vui vẻ ấm áp làm sao. Bạn ấy chào mọi người rồi quay trở lại hướng bên kia đường. Em đã kịp biết được bạn ấy học lớp năm, trường Tiểu học Kim Đồng. Bạn ấy giỏi thật.

Việc làm của bạn nhỏ là tấm gương sáng để em học tập. Không chỉ học tập tấm lòng yêu thương giúp đỡ người tàn tật của bạn ấy mà chúng em còn phải học tập tác phong nhanh nhẹn, mạnh dạn, xử lý nhanh công việc, có như thế mới mong tự chăm sóc cho bản thân mình và giúp đỡ người khác.

Đề 2: 

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có những văn hóa, nét đặc trưng của từng vùng miền và trang phục truyền thống riêng. Phụ nữ Nhật tự hào với Kimono, phụ nữ Hàn Quốc nổi tiếng với Hanbok, phụ nữ Ấn Độ để lại cho ta ấn tượng rất đặc biệt với bộ Sari. Còn phụ nữ Việt Nam, từ xưa đến nay vẫn mãi song hành với chiếc áo dài duyên dáng và thướt tha.

Cho đến nay, vẫn chưa biết được nguồn gốc chính xác của chiếc áo dài. Nhưng nối ngược dòng thời gian, tìm về cội nguồn, hình ảnh chiếc áo dài với hai tà áo thướt tha đã được tìm thấy ở các hình khắc mặt trống đồng Ngọc Lũ cách đây vài nghìn năm.

Áo dài có rất nhiều loại. Nhưng sơ khai của chiếc áo dài xưa nhất là áo giai lãnh: Cũng giống như áo tứ thân nhưng khi mặc thì hai thân trước để giao nhau mà không buộc lại. Vì sau này, phụ nữ phải làm việc đồng áng hay buôn bán nên áo giai lãnh được thu gọn lại thành áo tứ thân: Gồm bốn vạt nửa trước phải, vạt nửa sau phải, vạt nửa sau trái. Nhưng với những người phụ nữ tỉnh thành nhàn hạ, muốn có một kiểu áo dài được cách tân thế nào đó để giảm chế nét dân dã lao động và tăng dáng dấp sang trọng, khuê các. Thế là áo tứ thân được biến cải ở chỗ vạt nửa trước phải nay lại được thu bé trở lại thành vạt con; thêm một vạt thứ năm be bé nằm ở dưới vạt trước trở thành áo ngũ thân.

Ngoài ra còn áo dài Le Mor của một họa sĩ vào đầu thập niên 1930, áo dài Lê Phổ của họa sĩ Lê Phổ được thiết kế vào năm 1934, áo dài với tay giác lăng vào thập niên 1960, áo dài miniraglan danh cho các nữ sinh...

Khác với Kimono của Nhật Bản hay Hanbok của Hàn Quốc, chiếc áo dài Việt Nam vừa truyền thống lại vừa hiện đại, có thể mặc ở mọi lúc mọi nơi: Dùng làm trang phục công sở, đồng phục đi học, mặc để tiếp khách trang trọng trong nhà... Việc mặc loại trang phục này không hề rườm rà hay cầu kì, những thứ mặc kèm đơn giản: Mặc với một quần lụa hay vải mềm, dưới chân đi hài guốc, hay giày đều được; nếu cần trang trọng (như trang phục cô dâu) thì thêm áo dài và chiếc khăn đóng truyền thống đội đầu, hay một chiếc miền Tây tùy thích. Đây chính là điểm đặc biệt của thứ trang phục truyền thống này.

Áo dài có thể nhiều màu nhưng có lẽ đẹp nhất vẫn là chiếc áo dài trắng thể hiện sự thuần khiết của người phụ nữ Việt Nam. Trong trường học, không gì đẹp mắt và thanh bình cho bằng mỗi sáng, từng nhóm nữ sinh trong bộ áo dài, thướt tha, xõa tóc dài chạy xe đạp đến trường. Cũng nơi đó, những cô giáo, những người mẹ thứ hai của các học sinh nhẹ nhàng đón rón những đứa con của mình trước giờ vào học trong chiếc áo dài mới thực sự toát lên vẻ đằm thắm, và thương yêu. Trong những dịp lễ Tết, chiếc áo dài lại thêm một lần nữa thấp thoáng trên các ngã tư đường phố, cùng hoa va cảnh sắc của trời mới đất mới, khoe sắc ngày Tết. Áo dài giữa phố đông chật chội người và xe, ồn ào náo động, làm dịu lại cảnh sắc và làm mát lại những hồn người, làm cho ai đó phải quay lại ngắm nhìn dù chỉ một lần, dịu đi cái khó chịu và u uất vốn có trong bản tính mỗi con người bận rộn.

Chiếc áo dài hình như có cách riêng để tôn lên nét đẹp của mọi thân hình. Phần trên ôm sát thân nhưng hai vạt buông thật rộng trên đôi ống quần rộng. Hai tà xẻ đến trên vòng eo khiến cho người mặc có cảm giác thoải mái, lại tạo dáng thướt tha tôn lên vẻ nữ tính, vừa kín kẽ vì toàn thân được bao bọc bằng vài lụa mềm lại cũng vừa khiêu gợi vì nó làm lộ ra sống eo. Chính vì thế, chiếc áo dài mang tính cá nhân hóa rất cao, mỗi chiếc chỉ may riêng cho một người và chỉ dành cho người ấy, không thể là một công nghệ "sản xuất đại trà" cho chiếc áo dài. Người đi may được lấy số đo rất kĩ, khi may xong phải thử và chỉnh sửa lại thêm vài lần nữa thì mới hoàn thiện được.

Thực vậy, trong các hội nghị quốc tế, ở hội thảo khoa học nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nữ học giả Mỹ đã vận một chiếc áo dài, và mở đầu bài phát biểu của mình bằng một câu tiếng Việt: "Xin chào các bạn", cả hội trường Ba Đình trang trọng khi đó bỗng tràn ngập một không khí thân thương trìu mến. Trong hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 ở Việt Nam, áo dài đã được vinh dự là trang phục chính cho các vị lãnh đạo nguyên thủ quốc gia của các nước mặc trong buổi lễ bế mạc kết thúc hội nghị. Áo dài, như vậy có thể là đại sứ tinh thần của văn hóa Việt, mang nước Việt Nam cùng hòa chung vào dòng kinh tế năng động và nhiệt huyết trên thương trường thế giới, là một nét riêng của người phụ nữ Việt nói riêng và cả dân tộc Việt nói chung.

Áo dài là hiện thân của dân tộc Việt, một vẻ đẹp mĩ miều nhưng đằm thắm, là một phần tất yếu trong mỗi phụ nữ Việt, là đặc trưng cho một quốc gia có người phụ nữ chịu thương chịu khó, luôn hy sinh, đứng phía sau để cổ động tinh thần cho nước nhà, cùng nhau hòa nhịp và phát triển. Trải qua từng thời kì, từng giai đoạn cùng với những diễn biến của quà trình lịch sử Việt Nam, tà áo dài Việt Nam luôn tồn tại theo dòng thời gian, vẫn mãi sẽ là tâm hồn Việt, văn hóa Việt, là tinh thần Việt và là trang phục truyền thống mang đậm tính lịch sử lâu đời của nước Việt ngàn năm văn hiến.

Kín đáo, duyên dáng và gợi cảm là một trong những yếu tố đưa áo dài trở thành niềm kiêu hãnh của người Việt. Không chỉ là cái áo nữa - chiếc áo dài đã trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Việt, tạo thành sản phẩm văn hoá vật thể truyền thống không thể thiếu cho vẻ duyên dáng của người phụ nữ Việt.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
0
NGUYỄN THỊ THU HẰNG
28/12/2017 08:05:44
Dàn ý thuyết minh về áo dài Việt Nam 1. Mở bài
  • Chiếc áo dài là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam, là quốc phục của đất nước.
  • Chiếc áo dài mang theo một bề dày lịch sử từ khi nó ra đời đến nay.
2. Thân bài
a/ Lịch sử chiếc áo dài
  • Chiếc áo dài ra đời lần đầu vào thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739 - 1765). Do sự di cư của hàng vạn người Minh Hương, Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã cho ra đời chiếc áo dài để tạo nét riêng cho người Việt
  • Chiếc áo dài thay đổi theo từng giai đoạn và lý do khác nhau: Chiếc áo dài đầu tiên là chiếc áo dài giao lãnh. Đó là loại áo giống như áo tứ thân nhưng khi mặc thì hai tà trước không buộc lại, mặc cùng váy thâm đen.
  • Do việc đồng áng, chiếc áo giao lãnh được thu gọn thành áo tứ thân với hai tà trước vốn được thả tự do nay cột lại cho gọn gàng, mặc cùng váy để tiện cho việc lao động. Đó là chiếc áo tứ thân dành cho người phụ nữ lao động bình dân. Còn áo tứ thân dành cho phụ nữ thuộc tầng lớp quí tộc, quan lại thì lại khác: Ngoài cùng là chiếc áo the thâm màu nâu non, chiếc áo thứ hai màu mỡ gà, chiếc áo thứ ba màu cánh sen. Khi mặc không cài kín cổ, để lộ ba màu áo. Bên trong mặc chiếc yếm đào đỏ thắm. Thắt lưng lụa màu hồng đào hoặc màu thiên lý. Mặc với váy màu đen, đầu đội nón quai thao trông rất duyên dáng.
  • Áo tứ thân không chỉ là một trang phục đẹp mà còn mang theo những ý nghĩa rất đặc biệt: Phía trước có hai tà, phía sau có hai tà (vạt áo) tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu (cha mẹ chồng và cha mẹ vợ). Một vạt cụt có tác dụng như một cái yếm, nằm phía bên trong hai vạt lớn, tượng trưng cho cha mẹ ôm ấp đứa con vào lòng. Năm hạt nút nằm cân xứng năm vị trí cố định, giữ cho nếp áo được ngay thẳng, kín đáo tượng trưng cho năm đạo làm người: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Hai vạt trước buộc lại tượng trưng cho tình chồng vợ quấn quýt.
  • Khi Pháp xâm lược nước ta, chiếc áo dài lại một lần nữa thay đổi. Chiếc áo tứ thân được thay đổi thành chiếc áo dài. Chiếc áo dài này do một họa sĩ tên Cát Tường (tiếng Pháp là Lemur) sáng tạo nên nó được gọi là áo dài Lemur. Chiếc áo dài Lemur này mang nhiều nét Tây phương không phù hợp với văn hóa Việt Nam nên không được mọi người ủng hộ.
  • Năm 1934, họa sĩ Lê Phổ đã bỏ bớt những nét cứng cỏi của áo Lemur, đồng thời đưa các yếu tố dân tộc từ áo từ thân thành kiểu áo dài cổ kính, ôm sát thân, hai vạt trước được tự do tung bay. Chiếc áo dài này hài hòa giữa cũ và mới lại phù hợp với văn hóa Á đông nên rất được ưa chuộng.
  • Chiếc áo dài ngày nay: Trải qua bao năm tháng, trước sự phát triển của xã hội chiếc áo dài ngày nay dần được thay đổi và hoàn thiện hơn để phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ và cuộc sống năng động của người phụ nữ ngày nay.
b/ Cấu tạo
* Các bộ phận
  • Cổ áo cổ điển cao khoảng 4 đến 5 cm, khoét hình chữ V trước cổ. Kiểu cổ áo này càng làm tôn lên vẻ đẹp của chiếc cổ cao ba ngấn trắng ngần thanh tú của người phụ nữ. Ngay nay, kiểu cổ áo dài được biến tấu khá đa dạng như kiểu trái tim, cổ tròn, cổ chữ U,.
  • Thân áo được tính từ cổ xuống phần eo. Thân áo dài được may vừa vặn, ôm sát thân của người mặc, ở phần eo được chiết lại (hai bên ở thân sau và hai bên ở thân trước) làm nổi bật chiếc eo thon của người phụ nữ. Cúc áo dài thường là cúc bấm, được cài từ cổ qua vai xuống đến phần eo. Từ eo, thân áo dài được xẻ làm hai tà, vị trí xẻ tà ở hai bên hông.
  • Áo dài có hai tà: Tà trước và tà sau và bắt buộc dài qua gối.
  • Tay áo được tính từ vai, may ôm sát cánh tay, dài đến qua khỏi cổ tay.
  • Chiếc áo dài được mặc với quần thay cho chiếc váy đen ngày xưa. Quần áo dài được may chấm gót chân, ống quần rộng. Quần áo dài thường được may với vải mềm, rũ. Màu sắc thông dụng nhất là màu trắng. Nhưng xu thế thời trang hiện nay thì chiếc quần áo dài có màu đi tông với màu của áo.
* Chất liệu vải và màu sắc của chiếc áo dài: Chọn vải để may áo dài ta nên chọn vải mềm và có độ rũ cao. Chất liệu vải để may áo dài rất đa dạng: nhung, voan, the, lụa,... màu sắc cũng rất phong phú. Chọn màu sắc để may áo dài tùy thuộc vào tuổi tác và sở thích của người mặc.
c/ Công dụng: Chiếc áo dài ngày nay không chỉ là trang phục lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn văn hóa dân tộc, là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam mà chiếc áo dài đã trở thành trang phục công sở như các ngành nghề: Tiếp viên hàng không, nữ giáo viên, nữ nhân viên ngân hàng, học sinh,... Ngoài ra ta có thể diện áo dài để đi dự tiệc, dạo phố vừa kín đáo, duyên dáng nhưng cũng không kém phần thời trang, thanh lịch.
d/ Bảo quản: Do chất liệu vải mềm mại nên áo dài đòi hỏi phải được bảo quản cẩn thận. Mặc xong nên giặt ngay để tránh ẩm mốc, giặt bằng tay, treo bằng móc áo, không phơi trực tiếp dưới ánh nắng để tránh gây bạc màu. Sau đó ủi với nhiệt độ vừa phải, treo vào mắc áo và cất vào tủ. Bảo quản tốt thì áo dài sẽ mặc bền, giữ được dáng áo và mình vải đẹp. Chiếc áo dài may đẹp là đường chỉ phải sắc sảo, ôm sát, vừa vặn với người mặc. Ở Nam bộ, chiếc áo dài được cách điệu thành áo bà ba mặc với quần đen ống rộng cũng rất đẹp. Chiếc áo dài khi mặc thường được được đi kèm với chiếc nón lá đội đầu càng tôn vẻ dịu dàng nữ tính của người phụ nữ Việt Nam.
3. Kết bài: Dù hiện nay có nhiều mẫu thời trang ra đời rất đẹp và hiện đại nhưng vẫn không có mẫu trang phục nào thay thế được chiếc áo dài – trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam ta: Dịu dàng, duyên dáng nhưng cũng rất hợp mốt, hợp thời.
1
0
NGUYỄN THỊ THU HẰNG
28/12/2017 08:07:44
Đề 1. Kể một câu truyện mà em đã trải qua hay được chứng kiến thể hiện tình yêu thương của con người với con người.
Hôm ấy, chiều thứ bảy, em sang nhà ngoại chơi. Khi đi đến gần đồn công an, một sự việc xảy ra làm em chú ý. Ngay trước cổng đồn, một người phụ nữ đang vừa khóc vừa nói gì đó với chú công an. Người phụ nữ khoảng bốn mươi tuổi, ăn mặc giản dị, tay xách một gói đồ. Còn chú công an khoảng hai mươi lăm tuổi. Người phụ nữ vẫn vừa khóc vừa cầu cứu chú công an: - Chú ơi! Chú cứu tôi với. Bây giờ tôi biết làm sao đây! Chú công an ôn tồn nói với người phụ nữ: - Chị cứ bình tĩnh kể đầu đuôi sự việc. Chúng tôi sẽ giúp chị. Người phụ nữ nức nở: - Tôi đưa cháu đi chợ để mua quần áo, sách vở chuẩn bị cho cháu vào năm học mới. Trả tiền xong, quay lại, tôi đã không thấy cháu đâu cả. Tôi tìm mấy vòng quanh nơi mua bán cũng không thấy. Tôi lo quá không biết tính sao. Thế là tôi lại đây. Chú ơi! Chú giúp tôi với! Chú công an hỏi: - Cháu bé là trai hay gái? Cháu mấy tuổi? An mặc thế nào? Người phụ nữ kể cho chú công an nghe. Chú ghi ghi, chép chép ... Đúng lúc đó tôi thấy chị Lan, gần nhà tôi, tay dắt một đứa bé trai khoảng 5 tuổi đến cổng đồn công an. Em bé vừa đi vừa khóc, mồ hôi nhễ nhại. Chị Lan dùng khăn giấy lau cho em và nói với em điều gì đó. Vừa nhìn thấy bé trai, người phụ nữ mừng quýnh: - Oi! Con tôi! Chú công an ơi! Cháu đây rồi! Người phụ nữ ôm chầm lấy con. Có lẽ mừng quá nên mất mục lúc sau người phụ nữ mới quay sang cảm ơn chị Lan rối rít: - Cô cảm ơn cháu nhiều lắm! Nếu không có cháu bây giờ cô không biết sẽ làm sao? Chị Lan nhẹ nhàng đáp: - Dạ, không có gì đâu cô ạ! Cháu sang nhà bạn. Trên đường đi, cháu thấy em đang ngồi bên gốc cây và khóc. Cháu hỏi nhưng em không nhớ số nhà nên cháu không thể đưa em về nhà được. Cháu quyết định đưa em đến đây để nhờ các chú công an giúp đỡ. Người phụ nữ nói tiếp: - Cháu ngoan quá! Cháu tên gì? Cháu học lớp mấy? Chị Lan chỉ cười, rồi xin phép về. Mọi người nhìn chị Lan bằng ánh mắt trìu mến. Riêng tôi, tôi rất yêu quý chị Lan. Chị không chỉ giúp đỡ bà con, cô bác lối xóm mà chị luôn sẵn sàng giúp đỡ tất cả mọi người.
0
0
Quỳnh Anh Đỗ
28/12/2017 12:44:45
''Lão Hạc mang một tấm lòng tự trọng cao cả. Lão tự trọng từ với một con chó, với con trai lão, với bà con hàng xóm, với ông giáo và với cả chính bản thân mình.Khi bán con chó, lão đau khổ, vì lão “bằng này tuổi đầu mà còn trót lừa một con chó”. Lão nhớ ánh mắt của cậu Vàng, mà theo như lời lão là một ánh mắt đầy trách móc, mắng lão tệ hại: “A!Lão già tệ lắm!Tôi ăn ở với lão thế mà lão đối xử với tôi thế này à?”. Ánh nhìn đó làm lão ám ảnh và day dứt không nguôi. Lão từ chối mọi sự giúp đỡ của ông giáo, lão lại chuẩn bị sẵn tiền làm ma cho bản thân, gửi ông giáo, để khi lão có việc thì ông giáo đưa ra, coi như là của lão có chút ít, còn lại thì nhờ bà con hàng xóm cả. Lão làm vậy để không phiền lụy tới ai. Từ đó, lão bòn vườn, mò cua,ốc, trai ăn để sống qua ngày, thà chết chứ không chịu mắc nợ ai. Có lẽ hành động bán cậu Vàng của lão chính là bước chuẩn bị cho cái chết của lão. Lão xin Binh Tư ít bả chó với lý do bắt cho nhà khác – một lý do làm Binh Tư tự nghĩ lão giả bộ hiền lành thế nhưng cũng ghê ra phết, một lý do làm ông giáo hiểu lầm lão, hiểu lầm một con người đã “khóc vì trót lừa một con chó, một con người nhịn ăn để có tiền làm ma”.Vậy nhưng hóa ra, lão ăn bả chó để tử tự, để giữ vẹn nguyên tấm lòng trong sáng của lão. Lão ăn bả chó, lão chết như một con chó, vật vã, quằn quại trong đau đớn, để chuộc tội với cậu Vàng. Lão ăn bả chó cũng là để không bị cuộc sống dồn đẩy, bị tha hóa biến chất như Binh Tư, hay Chí Phèo… Cái chết của lão cũng chính là sự tự trọng của lão với con lão. Lão sống mà phải dựa vào tiền của con thì thà lão chết con hơn. Lão Hạc có một tấm lòng thật đáng. Lão Hạc có một tấm lòng thật đáng trân trọng – lòng tự trọng của lão nông nghèo nhưng trong sạch. Lão chọn “chết trong còn hơn sống đục” khi bị dồn vào đường cùng.''
0
0
Quỳnh Anh Đỗ
28/12/2017 12:48:09
Cuộc sống là một chuỗi những biến hóa mà không một ai có thể lường trước được mọi điều, chính vì vậy mà khi những biến cố ấy ập đến thì con người thường bị bất ngờ, tùy vào năng lực và khả năng giải quyết của mỗi người mà những biến cố ấy được giải quyết theo những cách thức khác nhau, nếu là người có nghị lực, bản lĩnh không chịu đầu hàng trước số phận thì ta sẽ tìm được cách để vượt qua nó, chinh phục nó. Nhưng cũng có không ít người lựa chọn dừng lại, đầu hàng trước số phận. Tuy cách thức lựa chọn có thể khác nhau nhưng điều mà chúng ta nhận được sau những biến cố bất ngờ đó chính là những bài học vô cùng sâu sắc, là những bài học kinh nghiệm mà ta sẽ mang đến cuối cuộc đời. Tôi cũng đã từng biết đến một câu chuyện sâu sắc như vậy, nó bắt đầu từ những lầm lỗi, nhưng kết thúc nhân vật chính nhận được một bài học cho mình, hối hận vì những gì mình gây ra cho những người thương yêu.
Câu chuyện mà tôi được nghe thực ra là một bộ phim ngắn do Thái Lan sản xuất, câu chuyện kể về cuộc đời của một người mẹ lam lũ và một anh con trai bướng bỉnh, ngỗ ngược. Vì một bất đồng nhỏ mà anh ta bỏ nhà đi biền biệt, cùng vì hành động vô tình đó mà cuối cùng anh ta đã nhận được một bài học sâu sắc, phải hối hận khôn nguôi vì hành động bồng bột, vô tâm của mình. Câu chuyện tuy đề cập đến hình ảnh của một anh con trai nhưng khi xem xong ta sẽ thấy được hình ảnh của chính mình trong đó, bởi trong chúng ta ai cũng đã từng một lần làm cho bố mẹ buồn phiền, cũng từng vì giận dữ mà nói ra những lời không hay với người mà ta yêu thương nhất.
Đến cuối cùng, điều làm ta đau đớn nhất chính là sự hối hận, ăn năn muộn màng bởi trong một phút nào đó ta vô tình lãng quên đi cha mẹ, nhưng đối với cha mẹ thì không như vậy, tình yêu dành cho con cái luôn là vô bờ bến, dẫu con cái có mắc phải những sai lầm không thể tha thứ thì quay đầu ngoảnh lại vẫn có hình bóng của cha mẹ phía sau. Nội dung của bộ phim này kể về một người mẹ già yếu, sống cùng anh con trai trong ngôi nhà nhỏ, nghề nghiệp mà hai mẹ con dùng để mưu sinh hàng ngày là thu mua những đồ đạc cũ mà người ta không cần đến. Trong một lần nóng giận, người mẹ đá mắng anh con trai, nhưng vì tự ái mà anh con trai đã nói những lời không hay với mẹ và từ đó bỏ đi biền biệt, để lại người mẹ đau khổ, cô đơn trong ngôi nhà nhỏ.
Anh con trai đi liền mấy tháng mà không có một chút tung tích, cũng không hồi âm gì cho mẹ già. Nhưng người mẹ thì đâu có thể bỏ mặc mà không quan tâm gì đến đứa con mà mình dứt ruột đẻ ra được. Dù anh con trai có thái độ hỗn hào với mình nhưng người mẹ vẫn vô cùng đau buồn về sự ra đi của đứa con, mà trên tất cả là lo lắng, lo cho con có đủ cơm ăn, có bị ai bắt nạt hay không. Những ngày mòn mỏi chờ con chở về là những ngày đau đớn nhất đối với bà mẹ, ngày nào bà cũng ra cửa trông ngóng đứa con nhưng đều thất vọng trở vào. Thậm chí người mẹ ấy còn tự trách bản thân lúc ấy đã nặng lời khiến cho con tức giận mà bỏ đi.
Thế rồi không thể yên tâm ở nhà chờ đợi nữa, người mẹ già đã qua tuổi lục tuần ấy đã gom góp tất cả tiền bạc mà mình có, khăn gói lên đường tìm kiếm con trai. Bà mẹ không biết anh con trai đi đâu về đâu nhưng vẫn mang theo bức ảnh đã bạc màu khắp nơi dò hỏi tin tức của người con. Đất nước rộng lớn như vậy, không có một địa điểm cụ thể, người mẹ ấy cứ mải miết đi hết thành phố này qua thành phố khác, đến đâu bà cũng hỏi nhưng một chút tin tức cũng không có. Tiền bạc mang trên người cũng hết, ban ngày bà tìm con, ban đêm lại ngủ ở gầm cầu, ven đường vô cùng đáng thương. Ngay cả những bữa ăn qua ngày cũng là những người qua đường cho.
Cầm lấy thức ăn được người ta cho, bà mẹ ứa nước mắt nghĩ về đứa con, và rồi quá đau khổ, bế tắc người mẹ ấy đã hóa điên. Dù đã không còn ý thức minh mẫn nhưng người mẹ ấy vẫn lang thang trên đường gọi con, người mẹ ấy già xọm đi, quần áo rách rưới, người ta thường nhìn thấy bà tìm kiếm đồ ăn ở những thùng rác công cộng. Hình ảnh đáng thương của bà mẹ khiến ta không cầm được nước mắt và thêm trách người con đã quá vô tâm, tàn nhẫn với mẹ của mình. Và trong một lần tìm kiếm thức ăn, bà mẹ nhìn thấy một chú chó nhỏ bị bỏ rơi, bà ôm con chó vào lòng và tưởng tượng đến hình ảnh đứa con lúc còn nhỏ.
Bà vừa khóc vừa ôm lấy con chó nhỏ như vừa tìm thấy đứa con của mình, đi đâu bà cũng gánh theo chú chó với tâm trạng đầy hồ hởi, những người xung quanh nhìn bà với con mắt cảm thông có, chê cười có. Và rồi đến một ngày định mệnh, con chó nhỏ chạy mất, bà mẹ hốt hoảng chạy đi gọi con, bà nhớ lại khoảnh khắc lúc con trai bỏ mình mà đi, bà mải miết chạy và tìm thấy chó nhỏ, bà ôm vào lòng mà không nhận ra người vừa đưa chú chó cho mình lại chính là anh con trai. Bất ngờ đau đớn hơn cả là anh con trai, bởi anh ta vẫn nghĩ mẹ mình đang sống yên ổn ở quê.
Tình trạng đáng thương của bà mẹ khiến cho anh ta ngỡ ngàng, đau đớn, muốn nói mà không nói ra được lời nào, chỉ biết câm lặng nhìn bà mẹ bế con chó mà rời xa mình. Sự đau khổ, hối hận đan xen, anh ta không cho phép mình bỏ rơi mẹ một lần nữa nên anh ta mặc kệ những ánh mắt tò mò xung quanh mà chạy lại, quỳ xuống dưới chân bà mẹ xin tha thứ. Kết thúc bộ phim, người mẹ vẫn chưa thể nhận ra được đứa con nhưng với sự hối lỗi chân thành của người con thì ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng anh ta sẽ không bao giờ mắc phải lỗi lầm xưa một lần nữa, người con bằng tình yêu, sự hối hận của mình rất có thể làm cho người mẹ trở nên tỉnh táo hơn chăng? Ta hoàn toàn có thể tin vào điều đó.
Câu chuyện về người mẹ điên khiến cho ta trải qua nhiều cung bậc của cảm xúc, cảm thông, thương cảm đến sự xót xa đau đớn và cuối cùng là niềm vui nhen nhóm khi người con cuối cùng cũng nhận ra lỗi lầm và trở về. Hơn hết, câu chuyện còn nhắc nhở ta trong cách ứng xử với mẹ của mình, trong cuộc sống đã có rất nhiều lần chúng ta có những xung đột, mâu thuẫn mà lớn tiếng với mẹ. Những lúc ấy chúng ta không ý thức được chúng ta đã nói những gì nhưng đó đều là những mũi dao đâm vào trái tim của những người mẹ. Mẹ có thể không biểu hiện sự đau đớn, mất mát ấy ra bên ngoài nên ta thường vô tâm bỏ qua và không mấy để ý.
Nhưng dù có lúc tức giận mà lớn tiếng với chúng ta đi nữa thì tình cảm của người mẹ đối với con cái của mình lại không hề một chút đổi thay, mẹ trách mẹ mắng bởi mẹ quan tâm và mong muốn chúng ta có thể trở thành những con người có ích, nghĩa là mong chúng ta tiến bộ, trưởng thành hơn. Nhưng bản thân chúng ta lại không vậy, cãi lại mẹ chỉ vì cái “tôi” đầy ích kỉ và thiển cẩn, những lời nói không hay của chúng ta sẽ làm cho mẹ buồn nhưng mẹ lại chẳng bao giờ trách mắng mà chỉ để trong bụng.
Sau tất cả thì người mẹ vẫn dành cho những đứa con tình yêu bao la, rộng lớn nhất, tấm lòng vị tha của người mẹ có thể tha thứ cho mọi lỗi lầm của người con, thậm chí có thể cảm hóa sự bướng bỉnh, làm cho những đứa con thay đổi tích cực hơn. Như trong câu chuyện trên, tuy là kết mở nhưng ta cũng tạm thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng sau bao nhiêu sóng gió của cuộc đời mình thì bà mẹ cũng tìm được anh con trai, dù nhận thức có mơ hồ nhưng giọt nước mắt đau khổ của bà mẹ cuối câu chuyện chính là một dấu hiệu cho một khởi đầu mới tốt đẹp hơn chăng.
Sinh ra và nuôi dưỡng chúng ta trưởng thành mẹ đã trải qua vô vàn những khó khăn nhưng mẹ không bao giờ nói, những lời nói của mẹ lúc tức giận có thể làm ta buồn nhưng những hành động của mẹ lại chứa chan yêu thương. Vì vậy những ai có mẹ thì đừng làm cho mẹ buồn, bởi có đi khắp thế gian thì cũng không tìm ra được ai tốt bằng mẹ.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo