Câu 1:
Học tập gương rèn luyện thân thể của Bác Hồ: Có sức khỏe là có tất cả
Trong Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục đăng trên báo Cứu quốc (ngày 27-3-1946), Người đã nêu rõ: “Ngày ngày tập luyện thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ để giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới...” Khái niệm đầy đủ này mãi tới năm 1978, trong bản Tuyên ngôn Alma Ata, Tổ chức y tế thế giới của Liên hợp quốc (WHO) mới thể hiện rõ hơn trong định nghĩa: Sức khỏe không chỉ là không bệnh tật, mà còn là trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội.
Trong nhiều năm gian qua, các nhà nghiên cứu và báo giới trong nước đã đề cập quá nhiều về tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ riêng trong lĩnh vực TDTT đã không thiếu các ví dụ sinh động và những luận cứ khác nhau. Chính vì thế, nhân ngày Thể thao Việt Nam năm nay, chúng tôi muốn dành chút thời gian nhìn lại điểm tựa từ cơ sở của tinh thần Dân cường nước thịnh mà Bác đã phát động, bắt đầu từ khái niệm về đạo dưỡng sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh rồi sau đó, xin mạn phép bàn tới những hoạt động cụ thể của Bác đối với các môn thể thao.
Đạo dưỡng sinh của Bác Hồ
Ngay từ những năm sống tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã có ý thức lo giữ gìn sức khỏe để hoạt động cách mạng lâu dài. Vào mùa đông lạnh giá, trước khi đi làm, Bác đã lấy hai viên gạch đặt vào lò bếp của khách sạn nơi thuê trọ để chiều về lấy viên gạch ra, bọc báo cũ làm tấm lót nệm nằm cho đỡ rét.
Ông Vũ Kỳ - thư ký của Bác kể: Ngày làm việc trên chiến khu Việt Bắc, anh em phục vụ không bao giờ quên cách phòng chống nóng và rét rất lạ của Người. Buổi trưa hè trời nắng như đổ lửa, trong nhà oi bức đứng ngồi không yên. Bác bảo anh em: đội mũ nón, mặc quần áo ra ngoài trời ít phút, rồi vào nhà cởi bỏ đồ mặc ngoài sẽ dịu mát hơn, nghỉ ngơi được một chút. Ngày đông rét buốt, vì tay cóng không cầm bút được, Bác bảo anh em chặt một đoạn gỗ, đẽo nhẵn, hai tay nâng, lăn, chạy tới chạy lui một lúc toát mồ hôi, hết rét cóng. Bác là người thông hiểu cổ văn nên Người từng nói với bác sỹ Phạm Ngọc Thạch, người nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Bác, câu thành ngữ cổ “Thông bất thống, thống bất thông” (Nếu thông tức là không đau đớn gì, còn nếu đau tức là có chỗ tắc chưa thông) và có lần Người giải thích câu nói của Hoa Đà thời Tam Quốc: “Lưu thủy bất hủ, hộ khu bất đồ” (Nước luôn chảy thì không bị thối, trục cửa xoay luôn thì không bị mối mọt), ví như cơ thể con người thường xuyên vận động, tập luyện thì phòng chống được bệnh tật, luôn khỏe mạnh, để động viên anh em luôn rèn luyện thân thể và phải biết kết hợp hai khái niệm phòng bệnh và trị bệnh. Cũng từ sau đó mà ngành Y tế hay có câu “Phòng bệnh không bằng chữa bệnh”. Chính hai từ “kết hợp” phòng trị bệnh bằng Đông - Tây y là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi tới thăm Viện Đông y TW ngày 16-1-1961. Tuy thế nhưng, tấm gương rèn luyện thân thể của Chủ tịch lại toàn diện, phong phú và linh hoạt hơn nhiều.
Học tập gương rèn luyện thân thể của Bác Hồ
Những người từng gần gũi Bác Hồ cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp tập luyện với một chế độ ăn uống chừng mực, hợp lý; làm việc, nghỉ ngơi năng suất cao và khoa học; vì thế tâm hồn luôn lạc quan, thanh thản; và một lối sống thanh cao, điều độ. Tại Việt Bắc, nhà đạo diễn điện ảnh Xô Viết nổi tiếng Roman Carmen hỏi: - Thưa Chủ tịch, mỗi ngày Người làm việc mấy giờ? Và Bác vui vẻ trả lời: - Tôi thức dậy cùng tiếng chim hót và chỉ lên giường khi bầu trời mọc đầy sao.
Một khía cạnh khác, dưỡng sinh kết hợp của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện qua phương pháp phòng chữa bệnh, vận dụng mọi cách vận động toàn thân từ trí não, thần kinh, cơ bắp đến từng cơ khớp, ngũ tạng, từng cơ quan bộ phận trong cơ thể. Bình sinh Người cố gắng không dùng thuốc, nhưng vẫn dùng, thuốc cây nhà lá vườn, theo kiểu kết hợp Đông Tây y và điều quan trọng nhất là luôn linh hoạt sáng tạo nên nhiều cách tập luyện phù hợp với sức khỏe, bệnh tật, và điều kiện riêng tùy lúc, tùy nơi.
Bác Hồ chơi những môn thể thao nào?
Trên thế giới, nhiều vị nguyên thủ được người đời biết đến khi tham gia một môn thể thao nào đó. Chẳng hạn Chủ tịch Mao Trạch Đông yêu bơi lội, Tổng thống En xin yêu quần vợt, Tổng thống Putin là võ sỹ judo có hạng hay ông Đặng Tiểu Bình là một kì thủ cờ vây giỏi của Bắc Kinh…tuy nhiên, một nhà lãnh đạo mà biết và yêu thích nhiều môn thể thao, nhất là lại trong điều kiện vô cùng gian nan của công cuộc kháng chiến cứu nước như Bác Hồ thì quả là chuyện xưa nay hiếm.
Chắc chắn, Bác Hồ của chúng ta thuộc diện những “fans ruột”, nếu có thể nói thế, của các môn võ thuật, bóng chuyền, bơi lội, cờ tướng và điền kinh, chưa kể Người rất quan tâm tới bóng đá, bi-a.
Bác là người yêu mến và trân trọng văn hóa phương Đông, trong đó có võ thuật. Bác tập võ để dưỡng sinh song bên trong thói quen này ẩn chứa cả nhân sinh quan và vũ trụ quan của con người phương Đông như Bác. Bác luôn luôn xem việc rèn luyện là điều kiện thiết yếu để con người trưởng thành, thậm chí chỉ nhìn thấy chiếc cối giã gạo Người cũng thốt lên:
Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi sạch tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện ắt thành công
Đó là niềm tin, là xác tín của Bác đặt vào chính con người, tương tự như lời Người khuyên thanh niên:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên
Nếu không hiểu võ học, làm sao Người nhanh chóng phát hiện và sửa tư thế cầm kiếm cho một nữ VĐV trường ĐH Từ Sơn nhân dịp tới thăm nhà trường vào năm 1961?
Cụ Lê Dung, nguyên Thứ trưởng (đầu tiên) Bộ Giao thông Vận tải của nước Việt Nam DCCH, người thanh niên ở trần tập võ đứng sau lưng Bác Hồ trong tấm ảnh kỷ niệm và là thân sinh của HLV Lê Công khẳng định Bác am tường võ thuật nên đủ sức hướng dẫn, dạy cách đánh của võ tay không chống trả đối phương có kiếm, thương, thậm chí có súng ở cự ly gần.
Các thế hệ HLV, VĐV bóng chuyền luôn tự hào với tấm ảnh Bác Hồ chơi bóng chuyền trong chiến khu thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thuộc An toàn khu (ATK) khi đã gần 60 tuổi. Ông Vũ Kỳ kể rằng chiều chiều sau giờ làm việc, Bác lại đi tăng gia sản xuất hoặc đánh bóng chuyền cùng anh em ở quan. Bác chơi bóng rất hoạt bát nên hôm nào có Bác là sân bóng sôi nổi, vui hẳn lên. Một lần chơi bóng chuyền có Bác tham gia, mấy anh em bên sân kia hò nhau: “Bỏ tủ nhé”. Bác vỗ tay vào mình, đứng ở tư thế sẵn sàng đón bóng và nói to: - A, nó truy tủ! Kháng, Chiến, Trường, Kỳ đâu, mau bảo vệ tủ! Quả nào Bác đánh không qua lưới, mọi người cười ồ, Bác hóm hỉnh tuyên bố: - Đừng vội chủ quan! Quả này Bác đánh ngoại giao thôi.
Bác giỏi chơi cờ. Người viết bài này được nghe nhiều bậc cha chú, từng gần gũi Bác kể rằng Bác là kì thủ cở tướng. Trong thời gian hoạt động ở Trung Quốc, Bác đã tranh thủ rèn luyện thêm về môn thể thao trí tuệ này, câu thơ Bác để lại từ môn cờ thật hay:
Lạc bước, hai xe đành chịu lép
Gặp thời, một tốt cũng thành công
Bác cũng rất ưa các môn thể thao dưới nước như bơi lội và chèo thuyền. Bác tập bơi suối ngay giữa mùa đông ở rừng Việt Bắc. Bác rất thích bơi, Người thường bơi kiểu nghiêng người, sải tay, đập chân. Đã có trang viết rất cảm động, theo đó đi công tác qua những suối lớn không lội được, anh em chuẩn bị mảng để cho Bác qua nhưng Bác không chịu đi mảng rồi cởi quần áo ngoài để lên mảng và bơi qua sông, qua suối khiến mọi người cùng bơi theo Bác, trở nên cuộc vượt sông rất thú vị. Lại có chuyện rất vui về đề tài này, do Tướng Phùng Thế Tài kể lại. Khoảng năm 1941, ông theo Bác Hồ từ Trung Quốc về Cao Bằng xây dựng lực lượng ở ATK, một lần hai thày trò đi công tác và gặp lũ lớn, khúc suối trở thành sông và ông có ý dìu Bác qua dòng nước xoáy nhưng Bác kiên quyết không chịu và nói “Tôi bơi được, phải biết tự lực chứ” và nhảy xuống nước, không may hôm ấy nước mạnh quá nên kéo Bác đi một đoạn khiến anh bảo vệ phải lao mình theo chân Bác. Khi hai thày trò thoát nạn nghỉ bên bờ suối, Bác tươi cười rút kinh nghiệm và hóm hỉnh nói “Chú hơi nóng khi trách Bác đấy”.
Bác yêu mấy môn thể thao đã kể, tuy nhiên với những gì đã nghe, đã thấy và đã tin, chúng tôi lại cho rằng có lẽ tình yêu thể thao của Bác đã dành nhiều nhất cho môn điền kinh.
Bác Hồ - nhà điền kinh vĩ đại
Sẽ không quá đáng khi viết lên dòng chữ ấy, nếu chúng ta có cái nhìn đầy đủ về những hoạt động không biết mệt mỏi của Bác Hồ trong suốt chừng ấy năm bôn ba tìm đường cứu nước, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và lãnh đạo đất nước đi qua những thời kì khó khăn gian khổ nhưng đầy tự hào.
Sẽ thật tự nhiên và bình dị khi tất cả chúng ta luôn nhìn thấy hình ảnh Bác trong tư thế đi bộ và rất, rất ít khi chứng kiến các bức ảnh hay đoạn phim nào thấy Bác trong xe hơi. Bác đi bộ trên đường công tác, tay chống gậy, thi thoảng cưỡi ngựa, Bác về tận nhiều vũng quê, thăm già hỏi trẻ hay tới những công nông lâm trường, thậm chí cho đến những năm cuối đời, sức chịu đựng khi đi bộ bằng đôi chân của Bác thật đáng kinh ngạc, tất cả chỉ bởi một lý do: Bác luôn xem việc rèn luyện là lẽ sống, là điều hiển nhiên ở đời và ai ai trong chúng ta cũng nhớ câu cuối cùng ở Lời kêu gọi tập thể dục là “Tự tôi ngày nào tôi cũng tập”. Một lần khi còn nhỏ và được ngồi hóng chuyện, tôi được nghe GS Trần Văn Giàu và cha tôi (GS Nguyễn Xiển) cùng ôn lại những ngày du học xa xưa ở Pháp, hai cụ rất tâm đắc và ngạc nhiên kính phục khi biết rõ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc những khi đi quét tuyết, rửa ảnh, làm bồi bếp … bên xứ người đều phải đi bộ mà thôi. Đến khi qua Trung Quốc hay Mỹ đều như thế, quả là một nhà marathon không hơn không kém!
Sẽ thật xúc động và ngạc nhiên khi nhớ lại thời gian Bác hoạt động ở Trung Quốc, lúc bị bắt ở Trùng Khánh và giải đi trong nhiểu ngày, hoặc sau thời gian bị cầm tù, khi đồng chí Lê Quảng Ba đưa Bác đi từ Pác Bó đến biên giới Trung Quốc rồi xếp đặt để một đồng chí Trung Quốc đưa Bác đi thì khi đến phố Túc Vinh thuộc chuyên khu Thiên Bảo tỉnh Quảng Tây, Bác lại bị bắt…Câu hỏi được đặt ra là vì sao mà Bác vẫn đủ sức vượt qua chừng ấy thử thách nghiệt ngã? Và câu trả lời cũng không khó nếu ta hiểu rõ Hồ Chí Minh quả là bậc anh hùng, hào kiệt, “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Và không thể nào quên việc vừa ra tù Bác đã tập leo núi để lấy sức phục vụ cách mạng, tâm hồn vẫn thư thái khi nhớ về quê hương:
Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh
Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa…
Trong một bài viết, sử gia Dương Trung Quốc khi đề cập sự tiếp cận những học thuyết tư tưởng trong đó có cả học thuyêt kinh tế từ trong sách vở của Hồ Chí Minh đã nêu một vấn đề khá đặc biệt. Theo đó, những người tham gia đoàn đại biểu của Thủ tướng Phan Văn Khải khi đến thăm 2 trung tâm khoa học và giáo dục hàng đầu của Hoa Kỳ ở thành phố Boston là Đại học Havard và Trung âm công nghệ MIT đều bất ngờ khi được các nhà lãnh đạo của 2 cơ sở này cho biết trong thời gian Hồ Chí Minh sống tại đây vào thập kỷ thứ hai đầu thế kỷ XX, khi kiếm sống bằng nghề làm bánh cho Khách sạn Omni Parker thì vẫn thường xuyên đi bộ đến 2 cơ sở này để tìm sách đọc và dự các buổi sinh hoạt truyền bá kiến thức…Thời đó, với mật độ đi lại và cự ly giữa 2 trung tâm nói trên, Bác Hồ đã phải vượt qua biết bao nhiêu cung đường để đi tìm chân lí, thực là một nhà điền kinh vĩ đại! Phải chăng những năm 50 của thế kỉ 20, khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu phát động rộng rãi phong trào Rèn luyện thân thể để lao động và bảo vệ Tổ quốc, nhiều nước đã nêu tấm gương tập luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh? Thói quen rèn luyện thân thể bằng cách đi bộ đã được Hồ Chủ tịch giữ mãi trong suốt cả cuộc đời. Đồng chí Vũ Kỳ kể lại rằng năm 1967 Bác đã có ý muốn vào tiền tuyến lớn thăm đồng bào, chiến sĩ nên đã dành nhiều thời gian cho việc tập luyện dã ngoại. Theo đó mỗi ngày Bác tập đi bộ từ 5 đến 10km, có hôm tăng lên tới 20km đường rừng, băng đèo, vượt sông và Bác cũng đeo ba lô nặng 25kg như mọi người.
Đi theo con đường của Bác
Ngay từ rất sớm, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xác định phải ra đi tìm đường cứu nước. Sau này, trong cuốn sách “Đường kách mệnh”, Bác Hồ đã thể hiện rất rõ chân lí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, trong đó, tác giả nên quan niệm làm cách mạng trước hết phải có con người cách mạng, vì con người là yếu tố quyết định và có vai trò quan trọng nhất. Mà con người làm cách mạng phải có tri thức, lòng yêu nước và có sức khỏe. Vì thế vấn đề chăm sóc, bồi dưỡng con người luôn được Bác Hồ xem trọng. Bác từng nhắc lại câu nói: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” của Thân Nhân Trung không chỉ dừng lại trong xã hội thời Lê mà câu nói ấy đối với chúng ta vẫn còn nguyên giá trị, khi mà giáo dục đang trở thành quốc sách hàng đầu, khi văn hoá, khoa học và đội ngũ trí thức đang giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp kiến quốc cho đất nước ta. Bác từng nhắc nhở các cán bộ ngành Giáo dục “Chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài, bồi đắp thêm nguyên khí" (Dục tài, thủ sĩ bồi thực nguyên khí), bên cạnh đó, mệnh đề “Thắng không kiêu, bại không nản” là một trong những nội dung của lời thề thứ 3 trong “10 lời thề danh dự của quân nhân”. Đây cũng là điều Bác từng dạy các cán bộ ngành TDTT của chúng ta và khi đề cập lại vài điều nói trên, người viết chỉ muốn nhấn mạnh lại một điều: đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh,“ham muốn tột bậc” của Bác chính là làm sao để nhân dân ta ai ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được học hành và có sức khỏe. Và để có điều này, việc lựa chọn con đường đi lên của đất nước bao giờ cũng là yếu tố hàng đâu. Thật kinh ngạc là trong nhiều thư tịch của Bác, rất ít khi người ta thấy Bác Hồ sử dụng những sáo ngữ để minh họa cho con đường ấy, trái lại, Người luôn nói bằng cách thức giản dị mộc mạc như chính phong cách của mình và điều này được các ký giả phương Tây thán phục.
Có một chi tiết còn ít người biết, đó là lần tiếp xúc mấy trí thức lớn tại chiến khu và khi đang nói tới con đường của dân tộc ta, Bác nói vui, đại ý không hiểu sao mấy chú mấy cô cứ thích đao to búa lớn khi nói tới con đường của dân tộc, theo Bác thì nó cũng chính là con đường mà hàng ngày chúng ta đang đi trên đất nước mình mà thôi, mỗi người hãy làm sao để khỏe mạnh và tinh tường đề đi cho tới nơi tới chốn - một triết lý vô cùng giản dị nhưng lấp lánh trí tuệ. Nếu lấy những lời dạy và việc làm của Bác soi rọi vào lĩnh vực TDTT ta càng thấy thấm thía hơn rằng suốt cả cuộc đời bôn ba của Bác Hồ, tư tưởng giữ gìn và rèn luyện thân thể luôn được Bác xem trọng, được xem là điều kiện tiên quyết, trong đó việc tự rèn luyện khi không có điều kiện, tức là đi bộ, bơi lội hay nâng tạ…là những việc làm có tính tự giác và thường xuyên. Hơn ai hết, Bác hiểu rõ có sức khỏe là có tất cả, thậm chí người ta có thể suy luận một cách logic rằng Bác nói không có gì quý hơn độc lập, tự do, song nếu độc lập, tự do rồi mà lại không có sức khỏe để xây dựng và bảo vệ nền độc lập, tự do thì còn có ý nghĩa gì! Thế nên đi đâu, về đâu, gặp mọi người từ cụ già đến trẻ em, Bác Hồ đều thăm và chúc sức khỏe. Năm tháng trôi qua, đất nước đã sang trang sử mới mà những hình ảnh Bác Hồ leo núi, chống gậy qua suối hay thoăn thoắt trên đường công tác, nhanh nhẹn ra thăm cánh đồng hay tới trận địa cao xạ pháo…đều cho chúng ta cái ý niệm đẹp đẽ về sự kết hợp tuyệt vời giữa một trí tuệ mẫn tiệp và tinh thần thép bên trong một cơ thể cường tráng luôn được tự rèn luyện. Sự vĩ đại của Bác, như thừa nhận của thế giới, được bắt nguồn chính từ chỗ ấy.
Câu 2: