1. Cuộc đời
Nam Cao (1917 – 1951) tên khai sinh là Trần Hữu Tri. Ông sinh ra trong một gia đình trung nông, đông con tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân, tỉnh Hà Nam. nam Cao là người con duy nhất được ăn học tử tế. Sau khi học hết bậc Thành chung, ông bôn ba kiếm sống nhiều nơi. Nhưng do sức khoẻ yếu, ông phải trở về quê kiếm sống bằng nghề dạy học và viết văn. Nam cao đã phải trải qua những ngày chật vật vì miếng cơm manh áo như những nhân vật trí thức tiểu tư sản trong các tác phẩm của ông. năm 1943, Nam Cao tham gia nhóm Văn hoá cứu quốc. Năm 1948 ông có mặt trong đoàn quân Nam tiến. Ông nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hoá phục vụ kháng chiến. Tháng 11 – 1951, ông đã hy sinh trên đuờng đi công tác vùng địch hậu Liên khu III khi tài năng đang ở độ chín. Năm 1996, Nam Cao được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật.
2. Con người
- Nam Cao là một người có đời sống nội tâm vô cùng phong phú. đằng sau cái bề ngoài vụng về, hiền lành, ít nói là một tâm hồn nóng bỏng, luôn diễn ra cuộc đáu tranh giữa cái tốt và cái xấu.
-Ông là người có tấm lòng nhân hậu, có tấm lòng thương yêu đối với những conngười nghèo khổ bị áp bức. Mỗi tác phẩm của ông là sự đồng cảm sâu sắc, là sự chia sẻ đầy ân tình đối với nhữung số phận bất hạnh và là sự khẳng định bnả chất tốt đẹp bất diệt của người lao động.
- Luôn suy tư về bản thân, cuộc sống, đồng loại, từ kinh nghiệm thực tế đưa ra những triết lí sâu sắc về lẽ sống.
II. SỰ NGHIỆP VĂN HỌC
1. Quan điểm nghệ thuật
Nam Cao là một trong những nhà văn có nguyên tắc sáng tác nghệ thuật rất rõ ràng. Những nguyên tắc ấy được ông thể hiện trong mỗi tác phẩm của mình.
- Ông đánh giá cao văn chương, xem đó là một hình thái lao động cao quý, đầy trách nhiệm xã hội. Văn chương là một hoạt động sáng tạo, nó chỉ “dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo ra những gì chưa có”. Văn học phải phản ánh hiện thực, phê phán cái xấu xa, phản nhân văn.
- Nhà văn phải có trách nhiệm với ngòi bút của mình. Trung thực, thân trọng trong khi viết, không dối trá, cẩu thả.
- Ông nhìn nhận hiện thực với con mắt cảm thông chia sẻ. Ông quan niệm con người là sản phẩm của hoàn cảnh (Tư cách mõ) song con người cũng có khả năng cải tạo hoàn cảnh (Đôi mắt). Mỗi tác phẩm của Nam Cao đều thể hiện những triết lí sâu sắc về cuộc sống, về nghệ thuật.
2. Tác phẩm của Nam Cao xoay quanh hai mảng đề tài chính: người trí thức nghèo và người nông dân nghèo. Với cả hai đề tài, nhà văn đều chú ý đến việc thể hiện tấn bi kịch tinh thần của con người, đó là tấn bi kịch bị tha hoá. Nhân vật của Nam Cao dù là ai cũng đều rơi vào tình trạng bị tha hoá, tất cả vì miếng cơm manh áo, vì bị áp bức, dồn ép đến đường cùng. Nhà văn luôn trăn trở day dứt đến đau đớn trước tình trạng con người bị tha hoá.
3. Nghệ thuật viết truyện của Nam Cao
- Nam Cao có tài đặc biệt trong việc phân tích và diễn tả tâm lí nhân vật. Nhà văn thường chú ý khai thắc những biến đổi trong thế giới nội tâm nhân vật, vì vậy sáng tác của ông có chiều sâu và rất hiện đại.
- Tác phẩm của Nam Cao có tính triết lí sâu sắc. Triết lí ấy được thể hiện một cách rất giản dị qua hình tượng nhân vật.
- Giọng điệu kể chuyện rất hiện đại. Giọng điệu luôn thay đổi rất linh hoạt, khi dửng dưng lạnh nhạt đến tàn nhẫn, khi băn khoăn day dứt. Tác phẩm của Nam Cao luôn có sự đan cài nhiều giọng điệu.
- Nhân vật của Nam Cao đều đạt đến trình độ điển hình, giọng điệu kể chuyện đạt trình độ cao của ngôn ngữ văn xuôi hiện đại.
Nam Cao là nhà văn có tâm huyết và tài năng. Ông đã đưa văn học hiện thực phê phán Việt Nam đến trình độ phát triển mới, góp phần hoàn thiện thể truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam trên con đường hiện đại hoá.