Nhiều tháng qua, trên các cơ quan truyền thông đã có thông tin về tác hại của Pokémon GO xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Nhà chức trách của nhiều quốc gia đã cảnh báo, khuyến cáo người chơi, thậm chí lệnh cấm Pokémon xuất hiện ở một số địa bàn, khu vực trường học, nhà chùa, khu quân sự hay đường phố… cũng được ban hành tại Indonesia, Thái Lan. Mới đây nhất, thị trưởng thị trấn Bressolles-Lyon (Pháp) đã gửi một sắc lệnh tới nhà phát triển Pokémon GO - Niantic, yêu cầu phải rút game này khỏi thị trấn.
Ở Việt Nam, dù mới xuất hiện nhưng Pokémon GO cũng đã gây ra nhiều hệ lụy. Sức hút quá lớn của trò chơi này đã làm xáo trộn cuộc sống bình thường của rất nhiều gia đình và cũng đã xảy ra chuyện bị cướp giật điện thoại vì mải chơi Pokémon GO. Đáng tiếc là các cơ quan chức năng của Việt Nam không phản ứng kịp thời, chậm đưa ra những cảnh báo cần thiết. Rất may, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát đi thông báo cảnh báo người chơi có thể xảy ra một số rủi ro về thông tin cá nhân, về các tranh chấp hoặc vấn đề an ninh quốc gia. Dù thông cáo này có chậm nhưng có vẫn còn hơn không.
Một số ý kiến đề nghị cấm trò chơi này lưu hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn bởi đụng chạm đến quyền tự do kinh doanh đã được hiến định. Hơn nữa, sự lan truyền trò chơi này với tốc độ chóng mặt thì việc kiểm soát, ngăn chặn là không khả thi.
Theo tôi, vấn đề cốt yếu hiện nay không phải là cấm người dân chơi Pokémon mà các cơ quan chức năng cần có những hướng dẫn an toàn để người dân lựa chọn, lưu ý khi tham gia trò chơi này. Vai trò của các hội, đoàn thể và cơ quan truyền thông là tuyên truyền để người dân, nhất là thanh thiếu niên, thấy được mặt tiêu cực, tác hại của trò chơi này và có ứng xử cho phù hợp. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với lãnh đạo các trường tăng cường tuyên truyền, trao đổi về kỹ năng sống, tạo ra các sân chơi khác để lôi kéo học sinh - sinh viên vào những sinh hoạt lành mạnh, có ích hơn là suốt ngày cắm đầu vào smartphone để bắt con Pokémon ảo.
Bắt Pokémon vào ban đêm ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM)Ảnh: Hoàng Triều
Bắt Pokémon vào ban đêm ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM)Ảnh: Hoàng Triều
Thạc sĩ tâm lý Phan Trịnh Hoàng Dạ Thy (Trường ĐH Hoa Sen):
Cần cơ chế kiểm soát trò chơi
Pokémon GO nằm trong nhóm MMORPGs, là hình thức trò chơi trực tuyến đóng vai, thường được cộng đồng game gọi với tên mặc định là trò chơi trực tuyến (online game). Nghiện MMORPGs cũng là một hình thức nghiện internet. Số lượng người tham gia các trò chơi theo hình thức MMORPGs đang ngày một gia tăng. Do đó, tỉ lệ người nghiện MMORPGs cũng có xu hướng tăng cao. Hiện tượng nghiện MMORPGs có một phần nguyên nhân từ mức độ hấp dẫn, lôi cuốn bởi việc hóa thân vào các nhân vật để thực hiện nhiệm vụ và cơ hội được tương tác, tạo thành một nhóm, một cộng đồng trong thế giới ảo. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là được xuất phát từ cảm giác hạnh phúc và thỏa mãn trong thế giới của MMORPGs hơn trong cuộc sống hiện tại bắt nguồn từ hành vi bắt chước xã hội, thông qua cơ chế lặp lại hành vi tạo thành thói quen và gây nghiện.
Ở góc độ tâm lý - xã hội, tất cả các hành vi học tập được của con người đều thông qua việc bắt chước người khác. Ví dụ, thấy người khác chơi thì mình cũng bắt chước chơi, cũng có thể là tâm lý hùa theo, hưởng ứng. Một số trường hợp nằm ở nhóm hành vi ám thị, tức là lây lan cảm xúc, ảnh hưởng cảm xúc bởi người khác. Với Pokémon GO, sở dĩ nó xâm nhập nhanh hơn là vì nhu cầu của người chơi và đối tượng chơi xuất hiện cùng lúc. Khi có nhu cầu sẵn mà đối tượng có sẵn thì dễ thực hiện hành vi. Trước khi Pokémon GO ra đời, hàng loạt phương tiện truyền thông đưa tin, người chơi lây lan cảm xúc từ truyền thông, cộng với việc tải trò chơi miễn phí, cài đặt nhanh, hầu như người trẻ nào cũng có smartphone khiến cho việc họ tìm đến Pokémon GO là tất yếu.
Nếu không có cơ chế kiểm soát hoặc một chế tài đủ sức răn đe thì việc nghiện Pokémon GO ở một bộ phận giới trẻ sẽ gây ra những hậu quả khó lường.