b,Câu thứ nhất dịch sát với nguyên tác, câu thứ hai của nguyên tác có nghĩa là: “Trước cảnh đẹp đêm nay biết làm thế nào?” Câu thơ được dịch (Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ) đã bỏ đi cái xốn xang, bối rối được thể hiện ở lời tự hỏi “nại nhược hà” (biết làm thế nào?). Dịch là “khó hững hờ” thì lại cho thấy nhân vật trữ tình quá bình thản, có phần… hững hờ, chứ không rung cảm mạnh mẽ như trong câu thơ chữ Hán. Hai câu sau của bài thơ chữ Hán có kết cấu đăng đối đáng chú ý, đối trong từng câu và đối hai câu với nhau: Nhân hướng song tiền khan minh nguyệt Nguyệt tòng song khích khan thi gia. Ở mỗi câu, chữ chỉ người (nhân, thi gia) và chữ chỉ trăng (nguyệt) đặt ở hai đầu, ở giữa là cửa nhà tù (song), mặt khác, hai câu còn tạo thành một cặp đối, cũng người và trăng, minh nguyệt và thi gia đối với nhau. Với kết cấu đó, bài thơ có một hiệu quả về nghệ thuật đáng kể. Hai câu thơ dịch đã làm mất đi cấu trúc đăng đối, tức cũng giảm đi phần nào sức truyền cảm. Ngoài ra, câu thơ dịch thứ tư có hai từ gần đồng nghĩa (nhòm, ngắm) rõ ràng là chưa cô đúc, đó là chưa kể chữ nhòm ở đây không được nhã (nhất là lại nhòm khe cửa!). Vọng nguyệt (hay đối nguyệt, khan minh nguyệt) là một thi đề rất phổ biến thuở xưa. Thi nhân xưa, gặp cảnh trăng đẹp, thường đem rượu uống trước hoa để thưởng trăng: có rượu và hoa thì sự thưởng trăng khi thảnh thơi, tâm hồn thư thái. Nhưng ở đây, Hồ Chí Minh đã ngắm trăng trong một hoàn cảnh đặc biệt, trong ngục tù! Bậc tao nhân mặc khách thưởng trăng của cái nhà tù tàn bại dã man mà tù nhân phải sống cuộc sống “khác loài người” làm sao phù hợp với việc thưởng nguyệt! Làm sao có rượu và hoa để thưởng trăng? Không thể cho rằng câu thơ này mang ý nghĩa phê phán (vì chẳng có nhà tù nào là “nhân đạo” đến nỗi mỗi kỳ trăng sáng lại đem rượu và hoa đến cho tù nhân ngắm trăng!). Chỉ có thể hiểu rằng, trước cảnh đêm trăng quá đẹp, Hồ Chí Minh bỗng khao khát được thưởng trăng một cách trọng vẹn và lấy làm tiếc không có rượu và hoa. Việc nhớ đến rượu và hoa trong cảnh tù ngục khắc nghiệt ấy đã cho thấy người tù này không hề vương bận bởi những ách nặng về vật chất, tâm hồn vẫn tự do, vẫn ung dung, vẫn them được tận hưởng cảnh trăng đẹp. Câu thứ hai, có cái xốn xang, bối rối rất nghẹ sĩ trước cảnh đêm trăng quá đẹp của Bác Hồ. Câu thơ cho thấy rõ tâm hồn nghệ sĩ đích thực của Người. Mà trong tù thì biết làm thế nào để có cuộc ngắm trăng thực sự, và vì vậy mà càng bứt rứt, bối rối. Người chiến sĩ cách mạng vĩ đại, lão luyện ấy vẫn là một con người yêu thiên nhiên một cách say mê và hồn nhiên, đã rung động mãnh liệt trước cảnh trăng đẹp, dù đang là thân tù.