1. Khí áp
Các khu khí áp thấp hút gió và đẩy không khí ẩm lên cao sinh ra mây, mây gặp nhiệt độ thấp ngưng thành giọt sinh ra mưa. Các vùng áp thấp thường là nơi có lượng mưa lớn trên Trái Đất.
Ở các khu khí áp cao, không khí ẩm không bốc lên được, lại chỉ có gió thổi đi, không có gió thổi đến, nên mưa rất ít hoặc không có mưa. Vì thế, dưới các khu áp cao cận chí tuyến thường là những hoang mạc lớn.
2. Frông
Sự xáo trộn giữa khối không khí nóng và khối không khí lạnh sẽ dẫn đến nhiễu loạn không khí và sinh ra mưa. Dọc các frông nóng cũng như các frông lạnh, không khí nóng bốc lên trên không khí lạnh nên bị co lại và lạnh đi, gây ra mưa trên cả frông nóng và frông lạnh.
Miền có frông, dải hội tụ nhiệt đới đi qua, thường mưa nhiều, đó là mưa frông hoặc mưa dải hội tụ.
3. Gió
Những vùng sâu trong các lục địa, nếu không có gió từ đại dương thổi vào thì mưa rất ít, mưa ở đây chủ yếu do sự ngưng kết hơi nước từ hồ ao, sông và rừng bốc lên. Miền có gió mùa thì lượng mưa lớn vì gió mùa mùa hạ thổi từ đại dương vào đem theo nhiều hơi nước.
4. Dòng biển
Cùng nằm ven bờ đại dương, nơi có dòng biển nóng đi qua thường có mưa nhiều vì không khí trên dòng biển nóng chứa nhiều hơi nước, gió mang hơi nước vào lục địa gây mưa; nơi có dòng biển lạnh đi qua mưa ít vì không khí trên dòng biển bị lạnh, hơi nước không bốc lên được, do vậy một số nơi mặc dù nằm ven bờ đại dương nhưng vẫn là hoang mạc như các hoang mạc A-ta-ca-ma, Na-mip…
5. Địa hình
Địa hình cũng ảnh hưởng nhiều tới sự phân bố mưa. Cùng một sườn núi, càng lên cao, nhiệt độ càng giảm, mưa càng nhiều; nhưng tới một độ cao nào dó, độ ẩm không khí đã giảm nhiều, sẽ không còn mưa, vì thế những đỉnh núi cao thường khô ráo.