Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Phạm Duy Tốn đã rất thành công trong việc sử dụng nghệ thuật tương phản để vạch trần bộ mặt và bản chất của tên quan phủ trước nỗi thống khổ của nông dân trong thiên tai, hoạn nạn

Có ý kiến cho rằng: Phạm Duy Tốn đã rất thành công trong việc sử dụng nghệ thuật tương phản để vạch trần bộ mặt và bản chất của tên quan phủ trước nỗi thống khổ của nông dân trong thiên tai, hoạn nạn.
Bằng kiến thức đã học trong chương trình Ngữ văn 7, qua truyện ngắn Sống chết mặc bay, em hãy bày tỏ quan điểm và ý kiến của mình về nhận định trên.
6 trả lời
Hỏi chi tiết
15.230
53
27
NGUYỄN THỊ THU HẰNG
06/04/2017 21:09:42
Văn xuôi quốc ngữ buổi đầu đã có sự đóng góp của Phạm Duy Tốn. Truyện ngắn Sống chết mặc bay của ông là một trong những thành tựu của dòng văn học hiện thực thuở sơ khai. Truyện được viết vào tháng 7 - 1928, được đăng tải trên báo Nam Phong số 18 tháng 12 năm 1928.

Khúc đê làng X, thuộc phủ X có hai, ba đoạn nước đã rỉ ra ngoài. Trong khi nước sông Nhị Hà cứ dâng lên cao, nên có nguy cơ vỡ đê. Bên ngoài trống dội lên từng hồi, hàng trăm người vật lộn với thiên nhiên từ chiều đến gần một giờ đêm để bảo vệ con đê. Trời thì cứ mưa tầm tã không ngớt, nước sông cứ cuồn cuộn dâng cao, sức người như đã kiệt, thế mà trong đình, đèn thắp sáng trưng, quan ngồi chễm chệ uy nghi. Quân lính đứng hầu cạnh nào gãi, nào quạt, nào điếu đóm...Bên cạnh ngài, mé tay trái, bát yến hấp đường để trong khay khảm khói nghi ngút. Quanh sập, có đủ mặt thầy đề, thầy đội, thầy thông nhì, chánh tổng sở tại. Tất cả đang tụ họp để vui chơi tổ tôm. Cảnh tượng này hoàn toàn đối lập với cảnh ngoài đê trăm họ đang vất vả lấm láp, gội gió tắm mưa, như đàn sâu lũ kiến ở trên đê.

Rõ ràng qua hai cảnh được dựng lên ta thấy rằng đây là một viên quan vô trách nhiệm trước sự sống chết của hàng trăm con người. Hắn chỉ biết hưởng thụ sống sung sướng cho bản thân.

Ngoài đê, dân chúng đang từng giờ từng phút đối mặt với nguy hiểm của nước lũ mạnh và vô cùng hung dữ. Người đội đất, kẻ vác tre, nào đắp, nào kè, bì bõm dưới bùn lầy, mươi gió lướt thướt, ướt như chuột lột. Vậy mà Quan phụ mẫu hắn uy nghi, chễm chệ trong đình. Bát sách, thất văn... lúc mau, lúc khoan thật nhịp nhàng. Ngoài kia đàn sâu lũ kiến đang vùi mình dưới mưa cũng không bằng trong đình đang nước bài cao thấp. Quan như bị ma lực hút hồn vào một trăm hai mươi lá bài đen đỏ, mà quên đi tính mạng dân lành, thật đáng thương tâm. Quanh năm quan đâu có biết đến đời sống của dân chúng và công việc mình phụ trách, dưới cái ghế của quan có bao kẻ xu nịnh ôm chân vâng dạ.

Thậm chí chúng còn tranh nhau phô bài để quan lớn rõ rằng: Mình vào được nhưng không dám cố ăn kìm. Rằng: mình có đôi mà không dám phỗng qua mặt. Thì ra chúng đã chìm nổi cho quan ù thông” (thắng liên tiếp 2 ván). Như vậy thì quan làm sao nhớ đến nhiệm vụ của mình được. Hơn nữa trong dinh thì cao, đèn thắp sáng quan làm sao mà dám xuống chỗ sùng sũng bùn lầy đêm tối kia. Cái bọn mà ta gọi là điếu đóm, lau nhau ấy đã rất khéo léo.

Rồi lại ván bài tiếp, quan vừa xơi xong bát yến, vuốt râu rung đùi. Hắn chỉ chăm chăm nhìn vào đĩa đựng bài chờ bốc trúng quân bài để hắn hạ. Bỗng có người khẽ bảo dễ có khi đê vỡ, quan gắt “mặc kệ”. Bên ngoài tiếng người gào thét ầm ĩ, tiếng gà trâu kêu vang tứ phía, một người nhà quê ướt sùng hộc tốc chạy đến bẩm “đê vỡ mất rồi”. Và rồi như không cần suy nghĩ, quan gắt, thoái thác trách nhiệm “ông sẽ cách cổ, bỏ tù”... rồi lại tiếp tục ván bài đang dở. Quan lớn mặc kệ cho đê vỡ, dân chúng chạy loạn, những sinh linh bé nhỏ kia sẽ bị những cơn lũ cuốn đi. Nào là phụ mẫu chi dân, nào là lo cho dân, thương dân. Bộ mặt của bọn quan lại phong kiến hiện rõ hơn bao giờ hết.

Quan có biết đâu sau ván bài ù là lúc nước tràn lênh láng, xoáy thành vực sâu, cửa nhà, dân chúng kẻ sống thì không có chỗ ở, kẻ chết thì mất xác... Than ôi! Dân còn biết trông cậy vào ai? Truyện ngắn làm ta liên tưởng đến “Đồng hào có ma” của Nguyễn Công Hoan. Con mẹ nuôi là kẻ mất trộm, lên trình quan việc mất trộm, nó không những không trình báo được việc mất trộm còn bị quan ngài Huyện Hinh ăn chặn đồng hào đôi sáng loáng bằng thủ đoạn cực kỳ bẩn thỉu. Con ma Huyện Hinh ăn những đồng tiền xương máu của dân một cách trắng trợn. Còn ở đây, vị quan phụ mẫu thương dân đã bỏ mặc đê vỡ và chối bỏ trách nhiệm.

Sống chết mặc bay - tên của truyện ngắn đã thể hiện sâu sắc bộ mặt tên Quan phụ mẫu vô trách nhiệm với công việc cửa mình, mặc cho dân chúng đối mặt với cái chết còn hắn thì chỉ lo không ù được ván bài, ngài cứ sống chết mặc bay.

Bằng nghệ thuật tương phản, tác giả vạch trần và lên án thói vô trách nhiệm, nhẫn tâm, vô nhân đạo của bọn quan lại, chúng coi thường tính mạng nhân dân. Chúng chỉ lo ăn chơi cờ bạc bóc lột dân đen đến tận xương tuỷ.

Qua truyện ngắn này giúp ta cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ của người nông dân trong xã hội cũ. Đồng thời khiến ta càng thêm căm ghét và kinh tởm bọn quan lại bỉ ổi vô lương. Chúng là lũ sâu mọt, tham quan mà xã hội thời nào cũng phải thanh lọc. Truyện ngắn “Sống chết mặc bay” có giá trị hiện thực thời đại sâu sắc.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
42
38
Trần Thị Huyền Trang
06/04/2017 21:10:05
​Truyện ngắn Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn được in trên báo Nam Phong, số 18, năm 1918. Đến năm 1989, Nhà xuất bản khoa học xã hội tuyển chọn đưa vào tập Truyện ngắn Nam Phong. Tác phẩm được xem là “bông hoa đầu mùa” của truyện ngắn Việt Nam hiện đại bởi lẽ nó là một trong những truyện ngắn đầu tiên được viết bằng chữ quốc ngữ, mặc dù cách diễn đạt vẫn còn lưu lại khá rõ dấu ấn của văn học trung đại (lối văn biền ngẫu).

Nội dung truyện kể về sự kiện vỡ đê, nhân vật chính của truyện là viên quan phủ. Cốt truyện gồm ba cảnh, diễn tiến theo trình tự thời gian: Cảnh 1: Mưa to gió lớn, nước lũ dâng cao, đê sắp vỡ, dân chúng hối hả đắp đất giữ đê. Cảnh 2: Đám quan lại, nha lệ, lính tráng mải mê đánh tổ tôm trong đình. Cảnh 3: Vỡ đê. Tác giả đã vẽ nên bức tranh tương phản giữa sự ăn chơi hưởng lạc của những kẻ cầm quyền với nỗi cơ cực, thê thảm của dân chúng. Thông qua đó lên án gay gắt giai cấp thống trị thối nát, bất tài và vô trách nhiệm trước tài sản, tính mạng của dân nghèo, đồng thời bày tỏ mối cảm thương sâu sắc của mình trước những đau thương, hoạn nạn của đồng bào.

Mở đầu thiên truyện là tình thế vô cùng hiểm nguy của khúc đê sông Nhị. Thế đê được nhà văn tả bằng nhiều chi tiết cụ thể về thời gian, không gian: Gần một giờ đêm. Trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà lên to quá. Khúc sông làng X, thuộc phủ X xem chừng núng thế lắm, hai ba đoạn đã thẩm lậu rồi, không khéo thì vỡ mất.

Cảnh hàng trăm nghìn con người hốt hoảng, lo lắng, tất bật… tìm mọi cách để giữ cho con đê không bị vỡ trước sức tấn công khủng khiếp của nước lũ được tác giả miêu tả bằng ngòi bút hiện thực thấm đẫm cảm xúc xót thương: … kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp, nào cừ, bì bõm dưới bùn lầy ngập quá khuỷu chân, người nào người nấy lướt thướt như chuột lột. Tình cảnh trông thật thảm.

Không khí căng thẳng, hãi hùng. Sự đối lập giữa sức người với sức nước đã lên tới điểm đỉnh: Tuy trống đánh liên thanh, ốc thổi vô hồi, tiếng người xao xác gọi nhau sang hộ, nhưng xem chừng ai cù củng mệt lử cả rồi. Ấy vậy mà trên trời thời vẫn mưa tầm tã trút xuống, dưới sông thời nước cứ cuồn cuộn bốc lên. Than ôi! Sức người khó lòng địch nổi với sức trời! Thế đê không sao cự lại được với thế nước ! Lo thay! Nguy thay! Khúc đê này hỏng mất. Cảnh dân phu đang loay hoay, tuyệt vọng chống chọi với nước để cứu đê là để chuẩn bị cho sự xuất hiện của cảnh tượng hoàn toàn trái ngược diễn ra trong đình:

Ấy, lũ con dân đang chân lấm tay bùn, trăm lo nghìn sợ, đem thân hèn yếu mà đối với sức mưa to nước lớn, để bảo thủ lấy tính mạng gia tài, thế thời nào quan cha mẹ ở đâu ?

Thưa rằng: Đang ở trong đình kia, cách đó chừng bốn năm trăm thước. Đình ấy củng ở trên mặt đê, nhưng cao mà vững chãi, dẫu nước to thế nữa, cũng không việc gì.

Ở cảnh hai này, tác giả kể chuyện viên quan phủ mải mê chơi tổ tôm với đám quan lại dưới quyền và được lũ sai nha, lính lệ hầu hạ, cung phụng đến nơi đến chốn. Giọng văn tường thuật khách quan cụ thể, chi tiết nhưng đằng sau nó chứa chất thái độ mỉa mai, châm biếm và phẫn uất.

Trước nguy cơ đê bị vỡ, bậc “phụ mẫu chi dân” cũng đích thân ra “chỉ đạo” việc hộ đê, nhưng trớ trêu thay, chỗ của ngài không phải là ở giữa đám dân đen đang vất vả, lấm láp, ra sức cứu đê mà là ở trong đình với không khí, quang cảnh thật trang nghiêm, nhàn hạ: đèn thắp sáng trưng; nha lệ, lính tráng, kẻ hầu người hạ, đi lại rộn ràng. Chân dung của quan lớn được hiện lên thật cụ thể, sắc nét: Trên sập; mới kê ở gian giữa, có một người quan phụ mẫu, uy nghi chễm chệ ngồi. Tay trái dựa gối xếp, chân phải duỗi thẳng ra, để cho tên người nhà quỳ ở dưới đất mà gãi. Một tên lính lệ đứng bên, cầm cái quạt lông, chốc chốc sẽ phẩy… Đặc biệt là quanh quan có đủ thầy đề, thầy đội nhất, thầy thông nhì và chánh tổng cùng ngồi hầu bài. Quan nhàn hạ, ung dung, không mảy may quan tâm đến tình cảnh thảm thương của dân chúng đang diễn ra trên đê. Trong đình vẫn duy trì cái không khí uy nghiêm của chốn công đường, không hề có một chút liên hệ nào với cảnh hộ đê tất bật ngoài kia của dân phu. Dựng lên hai cảnh đôi lập tác giả có dụng ý tố cáo thái độ vô trách nhiệm, vô lương tâm, sống chết mặc bay của bọn quan lại phong kiến đương thời.

Trên cái nền là cảnh trăm họ lo toan chống giặc nước, chân dung “quan phụ mẫu” hiện lên rõ ràng qua những nét vẽ sinh động về hình dáng, cử chỉ, lời nói và diễn biến tâm lí nhân vật. Người đọc không thể tưởng tượng nổi là trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng, tính mạng và của cải của hàng nghìn con người đang bị đe dọa từng giờ từng phút, vậy mà “quan phụ mẫu” vẫn điềm nhiên vui chơi, hưởng lạc. Xung quanh hắn bầy biện đủ thứ sang trọng, xa hoa: Bên cạnh ngài, mé tay trái, bát yến hấp đường phèn để trong khay khảm, khói bay nghi ngút, tráp đồi mồi chữ nhật để mở, trong ngăn bạc đầy những trầu vàng, cau đậu, rễ tía, hai bên nào ống thuốc bạc, nào đồng hồ vàng, nào dao chuôi ngà, nào ống vôi chạm, ngoáy tai, ví thuốc, quản bút, tăm bông trông mà thích mắt.

Quả là hoàn toàn trái ngược với hình ảnh: … mưa gió ầm ầm, dân phu rối rít… trăm họ đang vất vả lấm láp, gội gió tắm mưa, như đàn sâu lũ kiến ở trên đê… Sự đối lập đó càng làm nổi bật tính cách ích kỉ, độc ác, vô nhân đạo của tên quan phủ và thảm cảnh của dân chúng; đồng thời góp phần gia tăng ý nghĩa phê phán gay gắt của truyện.

Trong khi thảm họa vỡ đê khủng khiếp đang đập vào mắt dân chúng thì bọn nha lại tay chân vẫn cúc cung hầu hạ quan lớn đánh bạc. Tuy chỉ là một cuộc chơi, lại chơi trong khi làm nhiệm vụ đôn đốc dân phu hộ đê nhưng quan lớn vẫn giữ cái trật tự trên dưới và không khí tôn nghiêm, nghi vệ như ở chốn công đường: Chung quanh sập, bắc bốn ghế mây, bắt đầu từ phía hữu quan thì có thầy đề, rồi lần lượt đến thầy đội nhất, thầy thông nhì, sau hết giáp phía tay tả ngài, thì đến chánh tổng sở tại cùng ngồi hầu bài. Mặc cho dân tình nháo nhác, khổ sở, quan vẫn mải mê dồn hết tâm trí vào các quân bài tổ tôm. Cung cách ấy tố cáo bản chất xấu xa cùng thái độ vô trách nhiệm đến mức vô nhân đạo của hắn.

Nếu ở trên mặt đê, không khí sôi động, nhốn nháo, hối hả với công việc cứu đê thì trong đình không khí cũng rộn ràng với những lời lẽ xoay quanh ván bài đen đỏ: Bát sách ! Ăn; Thất văn,… Phỗng, lúc mau, lúc khoan dung, êm ái, khi cười, khỉ nói vui vẻ, dịu dàng… Ngoài kia, đê vỡ mặc đê, nước sông dù nguy không bằng nước bài cao thấp .

Sự đam mê cờ bạc của tên quan phủ với đám nha lại dưới quyền diễn ra ngay trên mặt đê, trong hoàn cảnh ngặt nghèo đã nói lên sự tàn ác, vô liêm sỉ của kẻ cầm quyền. Những lá bài tổ tôm có một ma lực lớn đến độ nào mà khiến cho tên quan phủ quên hết trách nhiệm của mình, quên cả mối hiểm nguy, chết chóc đang đe dọa sinh mạng, tài sản của bao người? Phải! Hắn ta đâu cần biết những điều đó vì quanh hắn lúc nào cũng có bọn tay sai nịnh nọt, hầu hạ, dạ vâng… Chúng thi nhau tỏ ra cho quan biết là: Mình vào được, nhưng không dám cố ăn kìm, rằng: Mình có đôi, mà không dám phỗng qua mặt. Thì ra chúng cố ý nhường cho quan thắng bài liên tiếp để lấy lòng quan lớn. Sau khi quan xơi bát yến vừa xong, ngồi khểnh rung đùi, vuốt râu mắt đang mải trông đĩa nọc, bỗng ngoài xa, tiếng kêu vang trời dậy đất. Mọi người đều giật nảy mình, duy quan vẫn điềm nhiên, chỉ lăm le chực người ta bốc trúng quân mình chờ mà hạ. Có người bẩm báo là có khi đê vỡ, hắn trả lời thật phũ phàng: Mặc kệ! Sau đó lại tiếp tục đánh bài.
Thú cờ bạc và những đồng tiền vơ vét được từ ván bài đã làm cho hắn mất hết lương tri: Ngài mà còn dở ván bài, hoặc chưa hết hội thì dẫu trời long đất lở, đê vỡ dân trôi, ngài cũng thây kệ.

Tính cách của tên quan phủ được tác giả miêu tả khá tỉ mỉ qua các cử chỉ, lời nói thật tiêu biểu, về cử chỉ: Khi đó, ván bài quan đã chờ rồi. Ngài xơi bát yến vừa xong, ngồi khểnh vuốt râu, rung đùi, mắt đang mải trông đĩa nọc… Về lời nói: Tiếng thầy đề hỏi: Dạ bẩm bốc tiếng quan lớn truyền: ừ. Khi có người chạy vào báo tin đê vỡ, quan đỏ mặt tía tai, quay ra quát rằng: Đê vỡ rồi ! Đê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày! Có biết không? Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy ? Không còn phép tắc gì nữa à ? Khi chơi bài, quan lớn tỏ ra vô cùng thành thạo: ù Ị Thông tôm, chi chi nảy!… Điếu, mày !

Hàng loạt hình ảnh tương phản được tác giả sử dụng rất tài tình trong đoạn văn trên: Tiếng kêu vang trời dậy đất ngoài đê tương phản với thái độ điềm nhiên hưởng lạc của tên quan phủ. Lời nói khe khẽ sợ sệt của người hầu: Bẩm, có khi đê vỡ tương phản với lời gắt của quan cùng cái cau mặt: Mặc kệ ! Hình ảnh người nhà quê, mình mẩy lấm láp, áo quần ướt đầm, tất tả chạy xông vào thở không ra hơi báo tin đê vỡ tương phản với hình ảnh quan lớn đỏ mặt tía tai quay ra quát rằng: Đê vỡ rồi… thời ông cách cổ chúng mày.

Trong khi miêu tả và kể chuyện cảnh hộ đê, tác giả thể hiện nỗi xót thương và đồng cảm với nỗi khổ của dân chúng:

Than ôi ! Cứ như cái cách quan ngồi ung dung như vậy, mà hai bên tả hữu, nha lại nghiêm trang, lính hầu rầm rập, thì đố ai dám bảo rằng: gần đó có sự nguy hiểm to, sắp sinh ra một cảnh nghìn sầu muôn thảm, trừ những kẻ lòng lang dạ thú, còn ai nghĩ đến, mà chẳng động tâm, thương xót đồng bào huyết mạch!…

Thiên truyện khép lại bằng cảnh đê vỡ: Ấy, trong khi quan lớn ù ván bài to như thế, thì khắp mọi run miền đó, nước tràn lênh láng, xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết; kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ, tình cảnh thảm sầu, kể sao cho xiết !

Ở đoạn cuối truyện, tác giả vừa dùng ngôn ngữ miêu tả, vừa dùng ngôn ngữ biểu cảm để tả cảnh tượng vỡ đê và tỏ lòng ai oán cảm thương của mình đối với những người nông dân khốn cùng. Nhà văn muốn nhấn mạnh rằng: Cuộc sống lầm than đói khổ của nhân dân không phải chỉ do thiên tai gây nên mà trước hết và trực tiếp hơn cả là do thái độ thờ ơ vô trách nhiệm, vô nhân đạo của những kẻ cầm quyền đương thời.

Về nghệ thuật, trong toàn bộ tác phẩm, bên cạnh phép tương phản thì phép tăng cấp đã được nhà văn sử dụng một cách tài tình, có tác dụng nhấn mạnh ý nghĩa của tác phẩm và khắc hoạ rõ nét tính cách của nhân vật chính là tên “quan phụ mẫu”.

Phép tăng cấp thể hiện rõ trong việc miêu tả cảnh hộ đê dưới trời mưa mỗi lúc một dồn dập: Nước sông Nhị Hà lên to quá… Ấy vậy mà trên trời thời vẫn mưa tầm tã trút xuống… Dưới sông thời nước cứ cuồn cuộn bốc lên giữa tiếng trống, tiếng tù và tiếng người gọi nhau sang hộ đê mỗi lúc một ầm ĩ, náo động.

Phép tăng cấp còn được vận dụng vào việc miêu tả cảnh tên quan phủ cùng đám nha lại đánh bài tổ tôm trong đình. Thái độ vô trách nhiệm, vô lương tâm của tên quan phủ mỗi lúc một tăng. Mê bài bạc mà bộ nhiệm vụ đôn đốc hộ đê đã đành. Đến khi có người dân phu vào báo tin đê vỡ mà vẫn thờ ơ, lại lên giọng quát nạt bọn tay sai rồi quay lại tiếp tục đánh bài và vui sướng reo to: ù ! Thông tôm, chi chi nảy ! thì độ say mê cờ bạc quả đã làm cho “quan lớn” mất hết tính người. Nói theo lời bình của nhà văn là loại lòng lang dạ thú.

Nhờ khéo léo kết hợp thủ pháp nghệ thuật tương phản và tăng cấp trong miêu tả, kể chuyện nên tác giả truyện ngắn Sống chết mặc bay đã đạt được mục đích lên án gay gắt tên quan phủ tàn ác và bày tỏ niềm cảm thương sâu sắc trước cảnh nghìn sầu muôn thảm của nhân dân do thiên tai và do thái độ vô trách nhiệm của kẻ cầm quyền gây nên.
64
17
45
13
3
25
NoName.260933
10/05/2018 20:59:16
em hay chung minh cau tuc ngu''la lanh dum la rach"
6
8
NoName.445825
07/04/2019 21:35:02
Tại sao tác giả lại đặt tên nhan đề là sống chết mặc bay?

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Trắc nghiệm Ngữ văn Lớp 7 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư