Từ khi chuyển tử chế độ mẫu hệ sang phụ hệ, vai trò của người đàn ông cũng được tăng lên đáng kể. Và cho đến tận ngày nay, họ vẫn được coi là trụ cột trong gia đình. Họ được coi là phái mạnh, là người làm những “công to việc lớn”. Ấy vậy mà cũng có những người luôn trốn tránh trách nhiệm, chỉ biết hưởng thụ. Ông cha ta đã có những câu ca dao rất hay về những người như thế:
“Làm trai cho đáng nên trai
Một trăm đám cỗ chẳng sai đám nào”
Có rất nhiều bài ca dao bắt đầu bằng câu “Làm trai cho đáng nên trai”, nhưng có bài là ca ngợi, có những bài thì lại đả kích, châm biếm. Bài ca dao này là một bài ca dao điển hình cho cái cười của ông cha ta với cái sự ham ăn của chàng trai nào đó.
Đã sinh ra là người đàn ông, với sức vóc mạnh mẽ, phải đảm đương, gánh vác những việc nặng nhọc, quan trọng. Đằng này, người được nhắc đến trong bài ca dao chỉ được cái tài “ Một trăm đám cỗ chẳng sai đám nào” - tài ăn. Hình ảnh ước lệ “một trăm đám cỗ” chỉ là hình ảnh tượng trưng, để chỉ ra rằng đám cỗ nào người ấy cũng có mặt. Quanh năm suốt tháng người ấy chẳng làm ăn gì, mà chỉ chăm chăm chờ xem ai mời ăn cỗ để đi ăn. Đây là điển hình cho những người đàn ông:
“ Ăn thì chọn những miếng ngon
Làm thì chọn việc cỏn con mà làm”
Đó là những người chỉ biết hưởng thụ, dựa dẫm vào người khác chứ không muốn bỏ công sức ra lao động, hay có làm việc thì cũng chỉ làm chống chế, chỉ chọn những việc nhẹ nhàng để làm mà thôi.
Những tưởng sau câu “Làm trai cho đáng nên trai” sẽ là những việc mà người đàn ông, con trai nên làm. Nhưng không, đọc đến câu thứ hai, người đọc sẽ phải bật cười vì một đấng mày râu chẳng đáng làm trai như thế, ham ăn, lười làm, như trong một bài ca dao khác:
“Làm trai cho đáng nên trai
Khom lưng cố sức gánh hai hạt vừng”
Đó là một mẫu người đàn ông chỉ lo hưởng thụ, không biết làm những việc nên làm để giúp đỡ gia đình và những người xung quanh, khiến những người xung quanh phải chê cười, châm biếm. Bài ca dao cũng là lời cảnh tỉnh cho những người vẫn còn đang “ham ăn - lười làm”, hãy thức tỉnh đi để cho “ đáng nên trai”.