Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận (1919-2005), là một trong những nhà thơ lớn tiêu biểu của Văn học Việt Nam hiện đại. Huy Cận yêu thơ ca Việt Nam, thơ Đường và chịu nhiều ảnh hưởng của văn học Pháp nên thơ Huy Cận có vẻ đẹp hài hòa của yếu tố cổ điển và hiện đại. Thơ Huy Cận hàm xúc, giàu chất suy tưởng và triết lí thâm sâu. Tràng Giang là một trong số những bài thơ tiêu biểu nhất thể hiện sắc nét bút pháp nghệ thuật độc đáo của Huy Cận. Và Tràng Giang “Tràng giang đã nối tiếp mạch thi cảm truyền thống với sự cách tân đích thực
Mạch cảm thi cảm truyền thống là tức nguồn cảm hứng của văn học truyền thống thường thiên về những nỗi buồn. Những bài thơ ca luôn ẩn chứa nội dung tâm trạng của thi nhân. Đó là nỗi buồn thái thế nhân tình, buồn về sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên hùng vĩ rợn ngợp – “ nỗi sầu vũ trụ “, là nỗi buồn xa cách tình thân tình nhân, sự chia lìa tình cảm lứa đôi… Thi nhân xưa đã đem những nỗi sầu đó khoác áo cho cảnh vật xung quang mà đưa vào thơ ca vẻ đẹp lãng mạng mà buồn. Giống như Nguyễn Du đã từng viết rằng “ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” , nỗi buồn đã lan tỏa không gian, từ đáy mắt con người mà nhìn đâu cũng thấy sự vật chung một tâm trạng, chung một nhịp đập con tim được lấp đầy bằng những sầu bi, buồn bã. Còn sự cách tân được nhắc đến trong nhận xét về bài thơ Tràng Giang chính là sự đổi mới trong nền thơ ca Việt Nam, nhất là phong trào Thơ mới 1930-1945. Sự đổi mới ấy thể hiện trong cả hồn thơ lẫn phương thức biểu đạt ý thơ. Tràng Giang là bài thơ vừa mang nét buồn truyền thống thơ ca nhưng cũng lại đầy mới mẻ cách tân dưới ngòi bút tài năng của Huy Cận.
Tràng Giang được Huy Cận viết vào mùa thu 1939 in trong tập thơ Lửa thiêng – tập thơ đầu tay của thi nhân. Bao trùm lên bài thơ là một mạch cảm xúc buồn, từng câu từng chữ , từng khổ thơ đêu ngấm lấy cái vị buồn, cô đơn trước thiên nhiên vũ trụ rộng lớn mà con người lại nhỏ bé, lòng ngổn ngang tâm trạng. Nhan đề bài thơ Tràng Giang gợi ra một ấn tượng khái quát và trang trọng cổ điển lại vừa thân mật, việc sử dụng từ Hán – Việt để đặt tên nhan đề đã cho ta thấy sự hài hòa cổ điển và hiện đại trong thơ mới. Bài thơ được gợi tứ từ dòng sông Hồng nhưng lại được đặt tên là Tràng Giang chắc hẳn đọc giả đã chú ý đến. Mặc dù là sông Hồng gợi tứ nhưng không gian cảnh tượng được Huy Cận miêu tả trong bài thơ lại vô cùng khái quát rộng. Bài thơ gợi lên mọi con sông khắp miền đất nước chứ không riêng gì dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa đi vào thơ ca bấy lâu. Ngoài ra có những ý kiến cho rằng sao nhà thơ lại không đặt nhan đề là Trường Giang ( con sông dài, sông lớn cũng bằng nghĩa với Tràng Giang). Đó là bởi vì nhà thơ sợ sẽ nhầm lẫn với tên của con sông nổi tiếng của Trung Quốc – sông Trường Giang. Tràng Giang là hai từ láy vần “ ang”gợi âm hưởng dài rộng lan tỏa, ngân vang trong lòng đọc giả, nó ánh lên vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại.
Mở đầu bài thơ là câu đề tự “ Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” Huy Cận viết đã định hướng cảm xúc chủ đạo của bài thó. Đó là niềm bang khuâng, là nỗi buồn sầu lan tỏa không gian rộng lớn đa chiều, nhẹ nhàng mà sâu lắng trước cảnh sông dài trời rộng. Hay đây chính là nỗi buồn bang khuâng của chàng thanh niên thời thơ mới – Huy Cận.
Đọc bài thơ, ngay từ khổ thơ đầu tiên Huy Cận đã mở ra trước mắt độc giả cảnh sông nước mênh mông bất tận:
“ Sóng gợn Tràng Giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song”
Cảnh và tình người được thể hiện một cách đăng đối nhau song song trong từng câu thơ. Con song trên mặt nước sông Tràng Giang gờn gợn nhẹ nhàng không dứt cũng như nỗi buồn của con người cứ dào dạt đến hết đợt này lại đợt khác. Một nỗi buồn “ điệp điệp “ day dứt lòng người. Còn con thuyền trên sông, nó không phải được chèo lái mà là “ xuôi mái “ tự mình thả trôi theo dòng nước gợi lên sự lênh đênh trôi dạt phó mặc cho dòng nước chảy. Hình ảnh con thuyền đó gợi lên kiếp người nhỏ bé đơn côi với cuộc đời vô định của mình. Giữa Tràng Giang điểm nhìn của tác giả hướng vào con sóng nhỏ gợn trên mặt nước. Sóng tuy rất nhiều nhưng chúng hiện ra rồi lại tan biến vào hư vô mãi mãi như thời gian trôi qua không lấy lại được. Thuyền và nước , chúng chỉ song song nhau thôi chứ không phải gắn bó lâu dài đi cùng nhau hết đoạn đường sông dài vô tận. Bởi vì nước xuôi tram ngả thuyền biết theo lối nào. Thuyền – nước như hai đường thẳng song song phân cách nhau không bao giờ có điểm chung mà gặp gỡ, điều này dễ khiến ta liên tưởng đến cảnh chia ly , biệt ly giữa thuyền và con nước chảy bên dưới.
“ Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.”
Huy Cận đã mượn hình ảnh con thuyền cô độc một mình thả trôi trên sông để bộc lộ sự lạc lõng cô đơn, đó đã là một cách sử dụng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình sâu sắc thế nhưng đọc đến câu thơ “Củi một cành khô lạc mấy dòng “ ta mới tận hưởng rõ nét cái tài, cái hay trong thơ của ông. Như nỗi buồn sầu cô đơn ngày càng ăn sâu vào tâm trí nhà thơ mà cái đơn độc nay còn được nhấn mạnh hơn ở sự nhỏ bé giảm dần của sự vật được đưa vào bài thơ. Giữa một dòng sông rộng lớn duy chỉ có con thuyền thôi đã thấy nhỏ nhoi, lạc loài giữa chốn sông nước, nay chỉ có độc một cành củi khô thì nghe sao thật bé nhỏ đến đáng thương. Cách viết “ củi một cành khô” gây ấn tượng cho đọc giả bởi phép đảo danh từ lên trước số từ; cành củi ở đây là hình ảnh chân thực vô cùng, nó bập bềnh nương theo dòng nước trôi và nó cũng là hình ảnh tượng trưng cho kiếp người nhỏ nhoi, lạc lõng cô đơn , vô định. Qua đây ta thấy rõ sự sáng tạo hiện đại trong câu thơ có cành củi khô của Huy Cận. Chẳng phải chỉ tùng, cúc, trúc, mai – những loài cây , loài hoa tượng trưng cho phẩm chất khí khái anh hùng mới xứng đáng được đi vào thơ ca mà ngay ở đây cành củi khô thôi trong Thơ mới đã gợi lên bao ý tứ đẹp dưới ngòi thơ tài hoa của Huy Cận. Vẻ đẹp cổ điển của bài thơ là nỗi sầu thấm đẫm không gian, còn vẻ đẹp hiện đạu là ở những chi tiết thật : cành củi khô quen thuộc, là sự thiếu gắn bó, chia lìa của tâm hồn nhà thơ khi ngắm cảnh sông Hồng.
“ Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu. “
Khổ thơ II lại tiếp tục mạch tình và ý của khổ I . Mặt khác khổ thơ II có thêm những nét sáng tạo mới. Câu thơ đầu là một nét vẽ mền mại, uốn lượn, nhịp nhàng bởi các vần lưng liên tiếp “ lơ thơ” , “ nhỏ”, “đìu hiu”. Vẫn tiếp tục khung cảnh rộng lớn còn sự vật nhỏ bé, đơn cô, cồn nhỏ thấp thoáng lơ thơ ấy, Huy Cận càng ngày càng dẫn dắt ta vào hoài niệm nỗi buồn khi ấy của nhà thơ. Từ “ đìu hiu” gợi sự cô đơn, lạnh vắng và hiu hắt. Từ này theo nhà thơ Huy Cận thì ông đã “ học” từ trong “ Chinh phụ ngâm khúc” : “ Bến phì gió thổi đìu hiu mấy đò”. Huy Cận đã biết học hỏi những giá trị thơ ca nhân văn từ những tác giả đi trước để góp phần tô điểm thêm cho đứa con tinh thần của mình ngày càng xinh đẹp, thu hút đọc giả yêu thích thơ ông. Từ “ đâu “ trong câu thơ “ Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều “ có hai nét nghĩa hiểu. Có thể hiểu theo nét nghĩa thứ nhất là ở đâu, đâu đó quanh đây vùng sông nước rộng lớn này vọng đến tai nhà thơ tiếng người buôn bán, cười đùa khi vãn chợ. Hay nét nghĩa thứ hai là từ “đâu” mang hàm ý phủ định sự tồn tại của con người nơi đây hoang mắng đìu hiu gió thổi như thế này. Nhưng dù hiểu theo nét nghĩa nào thì cảnh vật cùng chỉ tang thêm sự vắng lặng , tĩnh mịch. Bởi nếu có tiếng người thật thì nó lại là “làng xa” vọng tới, cách xa nơi chỉ có sông nước mênh mông bát ngát- nơi tác giả đang đứng ngắm nhìn dòng sông Hồng. Còn không có con người sinh sống tức càng làm tăng thêm sự thiếu thốn sự sống nơi đây. Tóm lại tồn tại trong mắt nhà thơ lúc này chỉ có cảnh và cảnh vật. Đồng thời câu thơ còn ngầm biểu thị ý mong mỏi của nhà thơ đang kiếm tìm dấu hiệu sự sống, hơi ấm tình người. Thế nhưng càng tìm, tìm mãi nhà thơ chỉ càng thấy cô đơn, buồn sầu. Câu thơ 3, 4 của khổ II đã mở ra không gian đa chiều được nối bằng các động từ, tính từ đầy sáng tạo và ngược hướng : “xuống” , “lên”, “sâu chót vót”, “dài”, “rộng”. Ánh nắng mặt trời từ trên cao rọi xuống mặt nước, tác giả đứng trên đê , lưng chừng giữa trời – sông. Ở vị trí quan sát như thế nhà thơ nhìn từ cao xuống dưới sông đang phản chiếu lại một bầu trời bản sao y hệt nền trời trên đỉnh đầu. Không gian được rộng mở ra từ đó. Đặc biệt cụm từ “sâu chót vót” là một cách viết đầy nghệ thuật mới lạ không chỉ vì nó ngược với lẽ thường tình là “cao chót vót” mà còn xuất phát từ thực tế điểm nhìn của nhà thơ. Kết thúc khổ thơ II là câu thơ “Sông dài trời rộng bến cô liêu”, câu thơ không tả cụ thể bến nào , chỉ thấy rằng nó cũng mang trạng thái đơn độc một mình. Bến vắng khách không một ai qua cả. Trên trời thì gió đìu hiu, bên dưới lại bến cô liêu nỗi buồn thêm lan tỏa sâu sắc trong từng cách gieo vần thơ, ghép cặp hô ứng đầu cuối khổ thơ.
Sang tiếp khổ thơ III của bài thơ không chỉ đơn thuần là cái buồn tẻ của cảnh vật bao trùm nữa mà sâu sắc hơn ả chính là buồn về kiếp người được bộc lộ rõ nét. Hình ảnh bèo trôi dạt vốn là chi tiết lấy từ cảnh thật trên dòng sông Hồng nhưng khi đặt thành câu hỏi “dạt về đâu” thì lại có ý biểu tượng cho những kiếp người trôi nổi, bấp bênh, vô định. Đọc đến đây, phát hiện ra hình ảnh bèo thân thuộc ta nhớ đến câu hát quan họ cổ truyền cứ ngân vang trong lòng “ Bèo dạt mây trôi chốn xa xôi…” . Lại một lần nữa nhà thơ lại nhắc đến quang cảnh trời nước mênh mông mà vắng vẻ, buồn hiu hắt không một chuyến đò ngang – “ Mênh mông không một chuyến đò ngang” . Trong thơ thường tả đến những sự vật hiện tượng có nhưng Huy Cận lại phá cách tả cái không có, đó là không một chuyến đò thực xuất hiện bên dòng sông rộng lớn. Tả cái không có là ngụ ý của nhà thơ rằng muốn nhấn mạnh cái không có, như vậy làm rõ thêm tâm tình khao khát tìm kiếm tình người, sự thân mật thân tình yêu giữa người với người. Có lẽ nhà thơ vẫn đang không ngừng đưa mắt kiếm tìm bóng hình con người hay chỉ chút âm thanh quen thuộc người nói chuyện qua thôi chắc cũng đủ làm Huy Cận thấy ấm lòng biết bao khi ở giữa chốn thiên nhiên hùng vĩ lấn át làm con người choáng ngợp, thu mình lại. Thế nhưng điều nhà thơ mong mỏi lại không thành hiện thực khi ông nhận thấy rằng đò thuyền không có mà hóa ra nhịp cầu bắc ngang nối giữa hai bờ sông cũng chẳng thấy đâu. Như một rào càng vô hình mà xa cách khiến lòng nhà thơ càng thêm trống trải cũng lại càng thêm chờ đợi trông mong, liệu phép màu có xảy ra đưa tình người thân mật đến với nhau một cách tự nhiên chân thành nhất? Đồng thời ta cũng nhận thấy nỗi sầu của nhà thơ lại gắn liền với nỗi buồn nhân thế, buồn quê hương đất nước được thể hiện vô cùng kín đáo.
Tràng Giang là một bài thơ tuyệt bút của Huy Cận có nhận xét rằng mỗi khổ thơ đều có thể tách riêng thành một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt. Đúng như vậy bởi bao trùm bài thơ là nỗi sầu cô đơn trước vũ trụ rộng lớn bao la và niềm khao khát kiếm tìm yêu thương, tình người cùng với những hình ảnh thơ giản dị quen thuộc mang nét truyền thống nhân dân người Việt. Và khổ thơ IV – tức khổ cuối, chính là phần đặc sắc nhất của cả bài thơ, là bài thơ tứ tuyệt nhỏ mang sự hài hòa cổ điển và hiện đại sâu sắc nhất.
“ Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dờn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”
Hai câu thơ đầu của khổ thơ là miêu tả cảnh trời cao cùng lớp lớp mây trắng đùn ra như những núi bạc thật đẹp và hùng vĩ. Chữ “đùn” trong câu thơ gợi nhớ đến một câu thơ khác của Nguyễn Trãi cũng sử dụng rất thành công từ đó “Hòe lục đùn đùn tán rợp giương”. Và không chỉ đây là lần đầu tiên Huy Cận sử dụng từ “đùn” trong các sáng tác của mình, trong một bài thơ khác hiệu ứng của từ “đùn” cũng đã được nhà thơ sử dung một cách sáng tạo” Bóng tối đùn ra trận gió đen”. Hình ảnh cánh chim nhỏ choa nghiêng mình hết sức sinh động và đẹp lạ kì. Cánh chim bé nhỏ ấy được miêu tả như đang gánh vác trên lưng mình cả một “bóng chiều sa”. Bởi cánh chim rất nhỏ mà lại nghiêng nên ta có cảm giác nó thật sự rất nhỏ bé đối lập hoàn toàn vơi cảnh thiên nhiên rộng lớn hùng vĩ, choáng ngợp nên đã tôn lên vẻ đẹp cho cả hai. Hai cuối là tác giả đã diễn tả trực tiếp bộc bạch tâm trạng của mình. Đó là nỗi nhớ quê cứ dâng lên theo từng con sóng. Điệp từ “dờn dợn” là sự tăng tiến cấp độ ý nghĩa nhịp nhanh, tăng cao của sóng lòng. Nếu ở khổ thơ đầu là “sóng gợn”-nghiêng về tả cảnh thật thì nay khổ cuối ý thơ lại là như một phép nhân hóa giữa sóng sông và con sóng lòng trào dâng của Huy Cận. Câu thơ cuối cũng chính là câu thơ then chốt bày rõ ràng ý thơ gửi gắm trong bài, đó là nỗi nhớ thương quê nhà da diết, nồng thắm. Và nó gợi ta nhớ đến một câu thơ khác của nhà thơ Thôi Hiệu:
“ Nhật mợ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sứ nhân sầu?”
Nhà thơ Thôi Hiệu khi xưa đi xứ xa quê nhìn thấy khói bếp tỏa lên, sóng trên sông mà nhớ nhà. Còn Huy Cận chẳng cần phải có khói mới nhớ đến quê hương mà ngay trong tiềm thức của nhà thơ quê hương đã luôn thường trực nay gặp cảnh buồn thì niềm nhung nhớ ấy càng thêm sâu đậm. Hai nhà thơ ,, hai thế hệ khác nhau, hai thời đại nhưng cùng có một điểm chung là nỗi nhớ quê hòa quyện cùng yêu thiên nhiên , đất nước thắm thiết nồng nàn.
Tràng Giang-một bài thơ mới mang vẻ đẹp cổ điển. Sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố cổ điển và hiện đại là đặc sắc nghệ thuật bao trùm bài thơ, nỗi sầu cô đơn của cái tôi cá nhân trước cảnh thiên nhiên, vũ trụ thấm đượm tình người, tình đời và lòng yêu quê hương đất nước tha thiết thầm kín là chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Đúng như Xuân Diệu nhận xét về “Tràng Giang” : “Bài thơ dọn đường cho tình yêu quê hương đất nước”. Một lần nữa ta lại phải phục cái tài thơ văn của Huy Cận, ông khéo léo dùng thể thơ thất ngôn khiến cho bốn khổ thơ như bốn bức tứ bình tròn vẹn, hoàn hảo, sử dụng rất nhiều từ Hán – Việt, nhiều thi liệu truyền thống và phong thơ mang dáng dấp Đường thi ở sự hàm súc, cô đọng , tao nhã. Và không thể không nhắc đến yếu tố hiện đại sáng tạo trong bài thơ, đó là nỗi buồn sầu nhưng lại bang khuâng , mang mác-nỗi sầu của thời đại, cảnh vật thơ giản dị, thân quen. Qua bài thơ “ Tràng Giang” Huy Cận còn muốn thể hiện cái tôi cô đơn trước vũ trụ, kín đáo bày tỏ lòng yêu quê hương đất nồng thắm.