Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Đề bài: Phân tích cái tôi trữ tình trong bài Tràng giang của Huy Cận.
Bài làm
Nhà phê bình Hoài Thanh đã từng gọi nhà thơ Huy Cận là: “Người gọi dậy cái hồn buồn của Đông Á. Người khơi dậy cái mạch sầu mấy ngàn năm vẫn ngấm ngầm trong cõi đất này”. Thực đúng vậy, Huy Cận đã bước vào thi đàn bằng một tâm hồn đa sầu, đa cảm như thế. Và cái tôi ấy đã theo suốt thi nhân trong chặng đường sáng tác thơ ca trước Cách mạng. Nhưng chỉ cần qua Tràng giang bài thơ hay và nổi tiếng nhất, in trong tập “Lửa thiêng” (1940) cái tôi trữ tình của nhà thơ Huy Cận đã được thể hiện đầy đủ và đúng nghĩa nhất.
Dễ nhận thấy, cái tôi trữ tình trong bài thơ Tràng giang là một cái tôi đầy buồn bã, cô đơn, lạc lõng. Ngay từ lúc bài thơ ra đời, nguồn cảm hứng của nhà thơ xuất phát từ những cảm xúc ấy. Chàng sinh viên Canh nông năm đó, không giấu nổi cảm giác buồn bã, cô đơn trước cảnh sóng nước sông Hồng mênh mang. Bởi vậy nhan đề “Tràng giang” và lời đề từ Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài, ngay mở đầu đã tạo nên cảm giác con người sao quá nhỏ bé trước không gian rộng lớn, nên nỗi buồn của thi nhân cứ mải miết trải dài và lan tỏa khắp mọi nơi. Để rồi từ đó, bước vào từng khổ thơ là mỗi lần chạm đến nỗi cô đơn đến rợn ngợp trong lòng người.
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng
Nét buồn bã, cô đơn của cái tôi trữ tình đã hiển hiện ngay ở những dòng thơ đầu tiên. Nhà thơ đã cố gắng tìm kiếm những sự vật để khỏa lấp đi cái bâng khuâng trước khung cảnh trời rộng, sông dài ở trên. Nhưng ngoại cảnh lại hiện lên với sóng gợn, thuyền xuôi, củi lạc quá nhỏ bé, đối lập với một tràng giang mênh mông, rộng lớn. Đoạn thơ dường như đã gói gém quá nhiều nỗi sầu ở trong đó. Có con sóng gợn nhỏ, lăn tăn nhưng được nhân hóa buồn điệp điệp như thể sóng lòng buồn bã đã lan tỏa khắp trên mặt sông. Có con thuyền nhưng lại chẳng hề gắn kết với nước, từ láy song song như càng đẩy nó tự buông trôi, phó mặc tạo ra mối sầu trăm ngả. Nhưng đặc biệt hơn cả là bao tâm sự của cái tôi trữ tình lại gửi gắm vào hình ảnh củi một cành khô ở cuối khổ. Khác hẳn với hai thi liệu cổ trước đó, củi là một hình ảnh rất hiện đại. Nó là vật rất đỗi đời thường, chằng còn sức sống đã trở nên quá nhỏ bé qua số từ một và càng trở nên lạc lõng khi bất định, vô phương trước mấy dòng. Nỗi sầu cô đơn đã đẩy cao hơn thành sự bơ vơ, trơ trọi của một thân phận, một kiếp người trôi nổi, bấp bênh.
Cái tôi cố tìm kiếm xa hơn, rộng hơn, phải chăng để khỏa lấp đi cái điệu hồn mong manh ấy. Nhưng đúng như Hoài Thanh nói, càng sâu càng lạnh, cái tôi bị choáng ngợp trước một không gian đã mở rộng đến tận cùng của vũ trụ:
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu.
Có cồn nhỏ, có làng xa nhưng chẳng hề ấm cúng. Hai từ láy lơ thơ, đìu hiu càng làm chiếc cồn nhỏ ấy thêm cô quạnh, tiêu sơ. Chút âm thanh của sự sống dẫu có thì cũng xa xôi lại còn thêm phần ảm đạm, buồn bã vì nó là tiếng vãn chợ chiều. Không gian trải rộng mà vắng lặng, tịch mịch càng chất chứa nỗi lòng buồn bã, cô đơn của thi nhân. Nhưng đúng như những gì chúng ta hay nói về Huy Cận, cái tôi trong thơ ông là cái tôi mang nỗi sầu vũ trụ đã tích tụ cả ngàn năm. Vì thế chẳng có một không gian nào thích hợp bằng không gian vũ trụ để chuyển tải hết nỗi buồn, cô đơn của nhà thơ. Hai câu thơ cuối trong khổ thơ này đã khắc họa điều ấy. Nắng với trời như đang cố tình đẩy ngược nhau xuống – lên để tạo thành một chiều kích chưa bao giờ có - sâu chót vót. Ngoài việc khẳng định sự sáng tạo độc đáo của nhà thơ, có thể thấy từ ngữ này đã lột tả hết thảy cái cao đến tột cùng mà sâu cũng đến tột cùng của khung cảnh. Lại thêm cái dài, cái rộng của sông, của trời nữa, thế là trọn vẹn hết cả cái ba chiều trong khoảng không của vũ trụ bao la. Cồn nhỏ, làng xa bỗng dưng lại trở nên quá bé nhỏ, cái tôi trữ tình cũng bé nhỏ như thế, cố vớt vát, bám víu lấy bến cô liêu không mấy lớn lao mà còn hoang vắng, trống trải. Duy chỉ có một thứ đã căng tràn, chạm đến mọi ngóc ngách của không gian vũ trụ kia – đó là nỗi buồn. Cái tôi của nhà thơ dường như cố tình lẩn tránh, nhưng dẫu nhỏ bé đến đâu thì nỗi buồn đã hóa thành nỗi sầu vũ trụ chẳng thể giấu giếm được nữa.
Và đâu đó trên dòng tràng giang lại bất chợt hiện ra:
Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng
Hình ảnh về sự vật trong Tràng giang có một sự thay đổi rất linh hoạt, phong phú để lột tả hết được cảm xúc của thi nhân. Lần này là một thi liệu quen thuộc trong thơ cổ, nhưng không phải là cánh bèo gợi nên một thân phận nổi trôi, bấp bênh, mà là hàng nối hàng bèo chẳng biết dạt về đâu. Và như thế, bao nhiêu nỗi lòng chất chứa của cả một kiếp người trôi nổi, lênh đênh, vô định trước dòng đời được hiển hiện. Huy Cận sử dụng hình ảnh hàng bèo để nói hộ nỗi sầu nhân thế của cả một thế hệ những nhà thơ trong thời buổi đất nước đã mất tự do. Bèo dạt về đâu? Không thể biết và cũng không có ai biết. Bởi ngay cả trên sông cũng không có lấy một chuyến đò, một cây cầu hay bất cứ một dấu hiệu nào của sự sống con người. Vì thế nỗi cô đơn trào dâng thành nỗi niềm tuyệt vọng, bế tắc. Cái tôi không chỉ lạc lõng, u sầu mà còn tội nghiệp, đáng thương. Hai chữ mênh mông và thân mật sao lại trở nên quá cách xa, vời vợi như vậy. Để cái cảm giác lặng lẽ những thực chất là ngậm ngùi, xót xa bao trùm lên cả cái sắc xanh, sắc vàng của bờ bãi, bến sông. Thiên nhiên cuối cùng lại bầu bạn với thiên nhiên, lại tiếp tục gắn bó với nhau nhưng lòng người thì rất đỗi xa cách, cô đơn.
Cho rằng cái tôi trong thơ mới luôn cô đơn, buồn bã, nhưng quả thực phải đến Tràng giang cảm xúc về cái tôi như thế mới thực sự thấm thía. Sắc thái cô đơn, u sầu trong bài thơ theo suốt, trải dài cho đến hết tác phẩm.
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Khung cảnh đã có sự hùng vĩ, tráng lệ hơn của sóng nước, mây trời nhưng vẫn không sao khuất lấp đi được cái cảm giác trống trải, cô đơn. Giữa cái không gian mênh mông, bát ngát, cánh chim nhỏ kia không sao thoát được cái dáng vẻ trơ trọi, đơn độc của trời chiều. Dáng vẻ chao đảo, ngả nghiêng trước lớp lớp mây cao đã đẫm bóng chiều làm cho thần sắc của khung cảnh thêm đượm buồn, u uất dội lên trong tâm khảm của thi nhân. Quả thực đến đây, nhà thơ Huy Cận – chỉ cần ông thôi, cái buồn bã, cái cô đơn, lẻ loi của thân phận, kiếp người trước Cách mạng tháng Tám vẫn thấy trong thơ văn lãng mạn đã được thể hiện trọn vẹn, đủ đầy. Mà hơn thế, nỗi sầu ấy như một sức nặng đã đè nèn lên cả một khối vũ trụ bao la của thế gian này.
Có lẽ cảm giác cô đơn, sầu não là sắc thái chủ đạo của Tràng giang, nhưng sự thực cái tôi trữ tình của tác giả còn ẩn chứa một nỗi niềm, một tình yêu đất nước đầy tha thiết nhưng thầm kín. Đọc thi phẩm đâu cũng thấy buồn, thấy ủ rột, nhưng nỗi buồn ấy lại gợi dậy từ những rung cảm trong cảnh vật, thiên nhiên của đất nước mình. Sở dĩ Huy Cận không đặt bài thơ theo tên của dòng sông Hồng nơi buổi chiều đi dạo đó, mà ông gọi là “Tràng giang” để chỉ bất cứ dòng sông nào trên đất nước chúng ta cũng đều mênh mang theo điệu hồn của kẻ sĩ “thiếu quê hương”. Ngay cả những sự vật xuất hiện trong bài thơ chỉ là được gợi hứng từ phong vị cổ điển, còn thực chất nó vốn hiện hữu ngay trên dòng sông quê hương. Tuy bài thơ mang nhiều nét cổ xưa nhưng nó lại không hề tượng trưng, ước lệ, có những thứ chân thực đến tầm thường như đã nói ở trên cũng vào thơ một cách tự nhiên và chuyển tải nỗi niềm của thi sĩ. Chọn tràng giang ấy, những sự vật đơn sơ ấy, Huy Cận đã làm người đọc cảm thấy nâng niu, yêu mến xứ xở này vô cùng. Bởi thế mà tâm sự thầm kín về tình yêu quê hương đất nước trong bài thơ đã được nâng lên mang tầm triết lí.
Song có lẽ, dẫu thầm kín đến đâu thì cuối bài thơ, nỗi lòng thi nhân mang cảm xúc nhớ nhà đã được thổ lộ.
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
Từ láy nguyên dợn dợn thực đắc địa, nó không chỉ nói lên được cái nhịp điệu của sóng nước mà còn thấy được nỗi niềm khắc khoải khôn nguôi trong lòng thi nhân. Bởi vậy, dẫu được gợi hứng từ ý thơ cổ của Thôi Hiệu, nhà thơ đời Đường của Trung Quốc, trong bài “Hoàng Hạc lâu”, nhưng nhà thơ không cả cần đến khói sóng mà nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương vẫn đầy da diết. Sở dĩ vậy là bởi vì chính tình yêu và sự gắn bó với quê hương trở thành nỗi niềm thường trực, chẳng cần đến sự tác động của ngoại cảnh, nó cũng tự nó trào dâng. Cảm xúc của cái tôi trữ tình nhờ thế mà càng trở nên thấm thía hơn.
Bằng điệu trầm buồn được toát ra từ một hồn thơ đa cảm mà rất đỗi tinh tế, Tràng giang đã khắc họa một cái tôi trữ tình đậm chất Huy Cận trước cách mạng. Cô đơn, u sầu nhưng luôn đau đáu một tình yêu với quê hương đất nước, cái tôi ấy trong bài thơ nhận được điều nhiều hơn cả sự cảm thông, sẻ chia. Trong những cung bậc của cõi sầu nhân thế ấy, ta thực trân trọng một tài hoa, một tâm hồn như nhà thơ Huy Cận.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |