Đại thi hào Nguyễn Du - một nhà thơ lớn của dân tộc ta, ông đã để lại cho đời nhiều kiệt tác xuất sắc. Trong đó, chúng ta không thể không nhắc đến "Truyện Kiều" hay còn có tên là " Đoạn trường tân thanh". Tác phẩm đã có những đóng góp rất lớn cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Đến với đoạn trích " Trao duyên", ta thấy được diễn biến tâm trạng đầy nội tâm của Kiều trước khi phải gả mình cho người khác để tỏ chữ hiếu.
Tám câu thơ đầu, Thúy Kiều có lời nói với em về nỗi bất hạnh của nàng.Vì gia đình cũng như chữ hiếu cứu cha, nàng phải phụ tình chàng Kim để ra đi nhưng nàng cũng không thể từ bỏ được tình yêu ấy. Nàng không thể nào quên đi tình yêu tốt đẹp giữa hai người. Thúy Kiều nói từng câu đau đứt ruột với Vân:
"Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa"
Trong lễ nghi thời xưa, chỉ có người dưới lạy người trên, phải xin thưa lễ phép rõ ràng. Nhưng ngay từ lời nói đầu tiên, Kiều đã đảo lộn trật tự lễ nghi đó bằng việc mời Vân ngồi lên và nàng xin thưa chuyện. Kiều đã hạ mình xuống thấp dưới em bởi Kiều sẽ là người chịu ơn Vân. Kiều nói "Cậy em" chứ không phải "nhờ em" chữ " cậy" đó để thấy rằng nàng tin tưởng em mình tuyệt đối và một phần đẩy Vân vào thế không thể chối từ. Sau đó, Kiều nói đến mối tình dang dở của mình với chàng Kim:
" Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em"
Nàng nói đến lí do vì sao mối tình của mình phải chấm dứt chính vì gia đình gặp chuyện nên " giữa đường đứt gánh". Giờ đây, tình yêu của hai người đã đứt gánh không thể chắp nối lại được. Kiều chỉ còn cách trao duyên lại cho em để trả nghĩa cho Kim Trọng. Từ "mặc em" là Thúy Kiều phó mặc cho em quyết định nhưng nàng cũng rất thông minh khi khiến Vân phải suy nghĩ lại.
Sau khi Kiều hồi tưởng về mối tình đẹp của nàng với chàng Kim, Kiều đã có những lời lẽ thuyết phục Vân:
" Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non"
Thúy Kiều cho rằng, ngày xuân cuộc đời em vẫn còn dài để có thể trả nghĩa và chung sống với chàng Kim thay chị. Còn Kiều đã nghĩ đến điều không may mắn của mình. Nàng cho rằng, khi nàng bán mình chuộc cha thì cuộc đời nàng từ đây cũng chấm dứt. Nàng mong Vân hãy xót tình máu mủ, tình chị em mà bằng lòng. Nàng đã tưởng tượng đến cái chết để mong được sự thương cảm ở Thúy Vân và khẳng định ước nguyện cuối cùng của mình chỉ là trả nghĩa cho chàng Kim. Kiều đã mang tâm trạng đau đớn, xót xa khi trao duyên lại cho em.
Sau đó, Kiều trao lại những kỉ vật tình yêu giữa nàng và Kim Trọng cho em đó là: Chiếc vành, bức tờ mây, phím đàn, mảnh hương nguyền. Kiều trao lại nhưng cũng là để ngắm lại những kỉ vật minh chứng cho tình yêu trong sáng giữa hai người. Kiều đã có lời dặn với em:
" Duyên này thì giữ vật này của chung"
"Duyên này" chính là mối nhân duyên giữa Kiều và Kim nhưng "vật này của chung" chính là giờ đây những món vật này còn là của Vân. Tâm trạng của Kiều đầy mâu thuẫn khi trước đó nàng nài em đồng ý nhưng khi trao những kỉ vật thì nàng cũng đau lòng, xót xa, nuối tiếc. Nàng bắt đầu nghĩ đến cái chết "xót người mệnh bạc", "mất người". Nàng bắt đầu nghĩ đến cái chết:
" Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy soi tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về"
Những câu thơ cho thấy sự tưởng tượng của Kiều về tương lai vô vọng, tuyệt vọng. Nàng nghĩ đến cái chết và mong em nhớ đến mình. Dứt tình với Kim Trọng, Kiều như chết đi một phần, tương lai mù mịt của nàng phía trước khiến nàng ngày càng buồn bã hơn.
Tám câu thơ cuối, Kiều gửi đến lời mình đến chàng Kim. Nàng nói đến thực tại bây giờ "trâm gãy gương tan" đó là sự tan vỡ của tình yêu giữa hai người. Những thành ngữ "hoa trôi lỡ làng", " phận bạc như vôi" để thấy sự bẽ bàng, tan vỡ, trôi nổi của số phận đưa đẩy Kiều. Đầu đoạn thơ, nàng lạy Thúy Vân thì đến cuối đoạn, Kiều lạy người yêu:
" Trăm nghìn gửi lạy tình quân"
Cái lạy của Kiều thể hiện tâm trạng đau đớn, hối lỗi của nàng với người mình yêu. Một lạy không đủ mà "trăm nghìn" để thấy được sự cầu xin tha lỗi của nàng. Nàng cất lên tiếng gọi:
" Ôi Kim lang! Hỡi Kim Lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!"
Kiều đã phụ tình Kim Trọng từ đây để có thể báo hiếu với cha mẹ. Thật xót xa, đáng thương cho tình yêu của hai người.
Nguyễn Du rất tài tình khi xây dựng diễn biến tâm trạng của Kiều từ khi trao duyên cho em đến những lời từ biệt chàng Kim. Bằng cách sử dụng ngôn ngữ điêu luyện, Nguyễn Du quả thật bậc thầy trong việc miêu tả nội tâm nhân vật.