Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Phân tích hình ảnh người vợ nhặt trong hai lần được tác giả miêu tả từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này

2 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
491
0
0
Avicii
10/04/2019 20:43:56
Bài làm
I. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
+ Kim Lân là cây bút chuyên viết Truyện ngắn, ông am hiểu sâu sắc đời sống của người nông dân và thường tập trung viết về họ.
+ Vợ nhặt là một trong số những truyện ngắn đặc sắc viết về người nông dân của ông.
+ Nêu vấn đề nghị luận: Sự thay đổi của nhân vật Thị trong hai lần tác giả miêu tả cung cách ăn uống.
II. Thân bài
1. Tổng quan kiến thức: Nêu khái quát tác giả, tác phẩm (hoàn cảnh ra đời, bối cảnh truyện, ý nghĩa nhan đề,…
2. Lai lịch, ngoại hình
+Không có quê hương gia đình: có thể thấy nạn đói năm 1945 đã khiến biết bao con người bị dứt khỏi quê hương, gia đình, tên tuổi cũng không có và qua tên gọi “vợ nhặt”: thấy được sự rẻ rúng của con người trong cảnh đói.
+Ngoại hình: quần áo tả tơi như tổ đỉa, gầy sọp, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn hai con mắt.
- Bình luận: Cái đói khổ không chỉ làm biến dạng ngoại hình mà cả nhân cách con người. Người đọc vẫn cảm thông sâu sắc với thị vì đó không phải là bản chất mà do cái đói xô đẩy.
3. Sự thay đổi của nhân vật Thị trong hai lần tác giả miêu tả cung cách ăn uống.
3.1. Thị - qua cung cách ăn uống lần 1
+ Thị là người đanh đá, táo bạo tới mức trở nên trơ trẽn. (Nghe anh chàng phu xe hò một câu cho đỡ nhọc (Muốn ăn cơm trắng mấy giò này / Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì), thị đã cong cớn bám lấy rồi vùng đứng dậy, ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng.)
+Gặp lần thứ hai, khi Tràng vừa trả hàng xong, thị đâu xầm xầm chạy đến. Thị đứng trước mặt mà sưng sỉa nói: Điêu! Người thế mà điêu! Khi thấy anh Tràng có vẻ dễ bắt chuyện, thị tiếp tục cong cớn. Thấy có miếng ăn, hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên rồi thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chạp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong, thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng mà thở.
Bình luận: Phải chăng đấy là tính cách vốn có của người đàn bà này? Nhưng thực chất Thị đang hành động hoàn toàn theo bản năng của mình. Thị làm tất cả chỉ để được ăn, được sống, được tồn tại qua nạn đói khủng khiếp. Điều này càng chứng tỏ Thị là một người có khát vọng sống mãnh liệt.
3.2. Thị - Qua cung cách ăn uống lần 2 (sau khi làm vợ Tràng)
- Khi đã chấp nhận làm vợ Tràng:
+ Trên con đuờng trở về nhà của Tràng, thị thay đổi hẳn. Thị có vẻ rón rén, e thẹn. Thị bắt đầu ý thức về thân phận mình, là người vợ theo không.
+ Sáng hôm sau, thị đã trở thành người vợ đảm đang. Cùng với bà cụ Tứ, thị thức dậy sớm, lo dọn dẹp nhà cửa, quét tước sân vườn sạch sẽ. Bữa cơm nghèo buổi sáng hôm ấy, thị cũng như bà cụ Tứ và anh Tràng đều thấy một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mình khi phải cố nuốt những miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ. Song, thị cũng như hai mẹ con Tràng, đều cố tránh nhìn mặt nhau, đều không muốn làm người khác phải buồn đau hơn.
Bình luận sự thay đổi: Điều này cho thấy sự ý nhị, tinh tế trước thái độ ứng xử đầy nhân bản của Thị. Sự đanh đá, trở trẽn trước kia ở Thị chẳng qua là do đói khát mà ra. Khi được sống trong tình thương, trong mái ấm gia đình, người đàn bà ấy đã sống với bản chất tốt đẹp của mình, của một người phụ nữ Việt Nam. Cái đói có thể cướp đi nhân phẩm trong khoảnh khắc nào đó chứ không vĩnh viễn cướp đi được tâm hồn con người.
4. Nghệ thuật xây dựng nhân vật:
- Kim Lân đã khắc hoạ nhân vật người phụ nữ rất điêu luyện.
- Tác giả lại chú trọng khắc hoạ hành động, cử chỉ, nét mặt của nhân vật để người đọc tự hiểu tâm trạng của người phụ nữ.
5. Bình luận – Mở rộng về sự thay đổi
- Vợ Tràng tiêu biểu cho số phận những người phụ nữ trong nạn đói 1945: nghèo đói, bị rẻ rúng.
- Khi người đàn bà ấy may mắn được sống trong tình người, trong mái ấm gia đình mặc dù cuộc sống còn nhiều đe doạ của sự đói khát, thì những phẩm chất tốt đẹp đã sống lại.
- Nhân vật người vợ nhặt được Kim Lân đặt vào tình huống hết sức độc đáo, từ đó nhân vật bộc lộ tâm trạng, cách hành xử của bản thân. Nhân vật được tập trung khắc khọa ở cử chỉ, hành động qua đó làm bật lên vẻ đẹp của người vợ nhật.
III. Kết luận:
- Xây dựng nhân vật vợ Tràng, nhà văn đã gián tiếp tố cáo một xã hội đẫ đẩy con người đến sự rẻ rúng, tha hoá về nhân phẩm chẳng qua vì sự đói khát. Thế nhưng, trong cảnh ngộ của mình bi đát, con người vẫn luôn vươn tới sự sống, hướng tới tương lai và ở một hoàn cảnh nhân đạo hơn, phẩm giá con người đã sống dậy mà sự thay đổi của Thị là minh chứng rõ nhất cho điều đó.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
2
0
Trịnh Quang Đức
10/04/2019 20:45:46
Kim Lân là nhà văn có sở trường trong thể loại truyện ngắn, những tác phẩm của ông thường hướng đến đời sống nông thôn và tập trung vào hình tượng người nông dân. Người nông dân trong những trang văn của Kim Lân là những người nghèo khổ, bị đặt trong những tình huống éo le nhưng vẫn bộc lộ được những phẩm chất tốt đẹp, đó là tình thương, là khát khao hạnh phúc, là niềm tin vào tương lai. Vợ nhặt là truyện ngắn điển hình cho phong cách sáng tác của Kim Lân. Trong tác phẩm, bên cạnh nhân vật Tràng, bà cụ Tứ, người vợ nhặt cũng được tập trung miêu tả để làm nổi bật chủ đề tác phẩm. Nhân vật người vợ nhặt tuy chỉ là nhân vật phụ nhưng thông qua sự thay đổi của nhân vật trong thời điểm trước và sau khi lấy Tràng đã thể hiện được tài năng phân tích tâm lí nhân vật, đồng thời thể hiện sự trân trọng của nhà văn Kim lân đối với những giá trị tốt đẹp bên trong con người.
Người vợ nhặt hiện lên trong phần đầu tác phẩm là người đàn bà trơ trẽn, chỏng lỏn khi lớn tiếng mắng Tràng vì nuốt lời, khi vô tư ăn liền một chặp hết bốn bát bánh đúc. Tuy nhiên, cái tinh tế của Kim Lân là việc diễn tả sự thay đổi của người vợ nhặt sau khi đồng ý làm vợ, làm dâu nhà anh Tràng. Sự thay đổi về tính cách này thể hiện rõ nhất thông qua chi tiết miêu tả cách ăn của chị ta.
Nếu như trong buổi chiều gặp Tràng ở phố huyện, khi được Tràng đồng ý đãi bánh đúc ở ngoài chợ: “Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì” thì buổi sáng hôm sau, trong mâm cơm ngày đói, ta không còn thấy một người đàn bà vô duyên, vô ý nữa mà mọi hành động và thái độ đều rất từ tốn, đúng mực, khi nhận bát “chè khoán” từ mẹ chồng: “Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng”.
Trong lần ăn uống thứ nhất, người vợ nhặt gặp lại Tràng – người mình đã đẩy xe bò thóc hôm trước tình trạng gầy sọp, xanh xao vì bị bỏ đói nhiều ngày. Khi gặp lại Tràng, Thị đã không ngần ngại mà đòi ăn, khi được Tràng đồng ý chị ta đã sà xuống ăn liền một mạch hết hai bát bánh đúc. Trong lúc ăn chị ta cũng không ngẩng mặt lên, không chuyện trò. Hành động sỗ sàng có phần vô duyên ấy đã làm cho thị trở nên trơ trẽn, cái đói đã không chỉ vắt kiệt sự sống mà còn đánh mất ở thị phần nhân tính, phẩm giá của con người.
Theo dõi lời nói chỏng lỏn, hành động vô duyên của Thị, ta không thấy được nét duyên dáng, dịu dàng của một người phụ nữ thông thường. Tuy vô duyên, chỏng lỏn nhưng nếu nhìn vào cách chị ta ăn có thể thấy chị ta đã đói rất lâu ngày, hành động đòi ăn cũng xuất phát từ bản năng ham sống đến mãnh liệt, bởi trong những hoàn cảnh khó khăn, cùng cực nhất người đàn bà ấy vẫn khát khao được sống.
Lần ăn thứ hai của Thị được miêu tả là lần ăn “chè khoán” – món quà đặc biệt của bà cụ Tứ trong buổi sáng đầu tiên con dâu về nhà. Khi ấy Thị đã trở thành vợ của anh Tràng, con dâu của bà cụ Tứ. Điều bất ngờ nhất đối với toàn bộ độc giả đó chính là sự thay đổi của người vợ nhặt. Không còn hành động táo bạo, vô duyên, vội vã trước miếng ăn như khi ở chợ huyện nữa. Đón nhận đồ ăn từ mẹ chồng, mắt thị tối lại, hành động điềm tĩnh cho bát chè khoán vào miệng, và dù miếng cháo đắng chát, nghẹn ứ nơi cổ thì chị ta vẫn tỏ ra bình thường.
Hành động này của nhân vật Thị đã thể hiện được sự biến chuyển rõ ràng trong hành động, qua đó bộc lộ được nét tính cách thật của chị ta. Trước miếng cháo đắng nghẹn, đôi mắt chị ta tối lại vì những lo lắng, buồn bã khi cái đói, cái nghèo vẫn vây hãm. Nhưng ngay sau đó người vợ nhặt đã lấy lại tinh thần, đưa món cháo cám lên miệng ăn ngon lành, hành động ấy không chỉ là dấu hiệu chấp nhận hiện thực mà còn thể hiện niềm tin mãnh liệt của người đàn bà ấy vào tương lai. Chị ta chấp nhận đương đầu với cái đói, cái nghèo để xây dựng hạnh phúc gia đình nhỏ bé của mình.
Người vợ nhặt vốn là người phụ nữ hiểu biết cùng khát khao sống, khát khao hạnh phúc mạnh mẽ. Vì hoàn cảnh mà chị ta trở nên táo bạo, trơ trẽn. Tuy nhiên, khi có mái ấm gia đình chính tình thương và khát khao hạnh phúc đã giúp chị ta trở về đúng với con người thực của mình, một người phụ nữ hiền hậu, đúng mực.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×